ttth247.com

Lý do Israel chỉ tập kích mục tiêu quân sự Iran

Israel tung đòn tập kích lớn, nhưng chỉ nhắm vào lưới phòng không, cơ sở quân sự Iran, giúp tránh leo thang căng thẳng, tạo thuận lợi cho các chiến dịch tương lai nếu cần.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rạng sáng 26/10 không kích quy mô lớn nhằm vào Iran để đáp trả vụ phóng tên lửa đạn đạo của Tehran hồi đầu tháng. IDF tuyên bố đánh trúng khoảng 20 mục tiêu, bao gồm các cơ sở sản xuất tên lửa, hệ thống phòng không và nhiều vị trí quân sự khác, không gây thương vong lớn. Iran cho biết phòng không nước này đã "đánh chặn thành công" đợt không kích, một số khu vực chịu thiệt hại hạn chế và 4 binh sĩ thiệt mạng.

Nhiều chuyên gia quân sự và giới ngoại giao từng lo ngại về một kịch bản tồi tệ hơn, bởi xuất hiện hàng loạt đồn đoán cho rằng Israel có thể tập kích quy mô lớn vào cơ sở hạt nhân, năng lượng hoặc hạ tầng chiến lược của chính phủ Iran.

"Chúng tôi muốn cho Iran một cơ hội để không leo thang căng thẳng", một nguồn tin nắm rõ kế hoạch của IDF nói.

Ảnh vệ tinh được hãng thông tấn AP phân tích cho thấy tên lửa Israel đã làm hư hại nhà máy sản xuất nhiên liệu tên lửa tại căn cứ quân sự Parchin ở phía đông nam Tehran, cũng như một số hệ thống phòng không của Iran. Quân đội Israel cũng cho biết cuộc không kích đã nhằm vào các khẩu đội tên lửa phòng không Iran, trong đó có tổ hợp S-300.

Chiến đấu cơ Israel chuẩn bị xuất kích để không kích mục tiêu ở Iran ngày 26/10. Ảnh: AFP

Chiến đấu cơ Israel chuẩn bị xuất kích để không kích mục tiêu ở Iran ngày 26/10. Ảnh: AFP

Chiến dịch tập kích đã diễn ra gần như theo mong muốn của Mỹ, khi Israel không đánh vào các mục tiêu trọng yếu với an ninh năng lượng của cả Iran lẫn thế giới.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden trước đó đã thúc giục Israel, cả công khai lẫn bí mật, tránh một đòn đáp trả quy mô lớn có thể thổi bùng căng thẳng khu vực, vốn đang leo thang nguy hiểm vì chiến sự Israel - Hamas ở Gaza và Israel - Hezbollah ở Lebanon.

Dù Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói Tel Aviv không hành động "theo chỉ thị từ Washington", giới chuyên gia cho rằng áp lực từ Mỹ là cực kỳ quan trọng với quyết định cuối cùng của Israel.

"Quyết định từ Israel sẽ rất khác nếu chính quyền ông Biden không thúc giục nước này tránh nhằm vào cơ sở hạt nhân hoặc năng lượng Iran", Jonathan Panikoff, cựu phó lãnh đạo tình báo Mỹ phụ trách Trung Đông, nói với Reuters.

"Dường như Israel không đánh trúng mục tiêu phi quân sự. Tôi hy vọng đây là kết thúc", Tổng thống Biden nói về chiến dịch của Israel.

Một số chuyên gia quân sự Israel cũng nhận định nước này "giơ cao đánh khẽ" với Iran do áp lực từ chính trường Mỹ, vì nước này sắp bầu cử tổng thống ngày 5/11.

Israel có hai lựa chọn, tập kích vào mục tiêu quân sự Iran, với sự chấp thuận ngầm từ Mỹ, hoặc phớt lờ cảnh báo từ ông Biden rằng không tấn công vào cơ sở năng lượng, hạt nhân của Tehran.

Nếu tân tổng thống Mỹ là ứng viên Cộng hòa Donald Trump, vốn có quan điểm ủng hộ Israel tấn công chương trình hạt nhân của Iran, Tel Aviv sẽ có nhiều động lực hơn để vô hiệu hóa chương trình hạt nhân Tehran, điều mà họ đã muốn thực hiện từ lâu.

Ông Trump trong nhiệm kỳ đầu từng ra lệnh không kích hạ sát tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ở Baghdad, Iraq. Cựu tổng thống đã hủy thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn, gia tăng áp lực lên Tehran.

Tuy nhiên, do cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay quá sít sao và khó lường, Israel sẽ không thể chắc chắn được về người thắng cuộc. Nếu họ hành động quyết liệt, phớt lờ cảnh báo của ông Biden, triển vọng hợp tác giữa Israel với Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bà Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ, đắc cử.

Do phải phụ thuộc nhiều vào Mỹ trong cuộc chiến dài hơi với các nhóm vũ trang ở Trung Đông, chính quyền Thủ tướng Netanyahu chắc chắn sẽ không muốn mạo hiểm với kịch bản này, giới quan sát đánh giá.

Việc chỉ tập kích vào các hệ thống phòng không và cơ sở quân sự của Iran là đủ để Israel đạt được mục tiêu của mình, đó là "dằn mặt" Iran và tạo điều kiện để có thể tung ra những đòn không kích quyết liệt hơn trong tương lai nếu cần, theo Jonathan Conricus, nhà nghiên cứu tại Quỹ Phòng vệ Dân chủ, trụ sở ở Mỹ.

Wall Street Journal đưa tin Iran có 4 hệ thống phòng không S-300 và một quan chức Israel nói chúng đều đã bị phá hủy trong đòn tập kích. Ba quan chức Iran nói diễn biến này gây "lo ngại sâu sắc", vì các cơ sở năng lượng quan trọng của Tehran không còn hệ thống hiện đại nào để phòng thủ nếu bị tập kích.

"Israel đã loại bỏ được những thành phần quan trọng trong hệ thống phòng không Iran, phá hủy những kho chứa hàng trăm tên lửa", Conricus nói. "Tehran sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm nếu căng thẳng leo thang và Israel tiến hành các chiến dịch không kích trong tương lai".

Amir Avivi, chuẩn tướng dự bị IDF, cựu phó chỉ huy giám sát tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội Israel, cũng khẳng định Tel Aviv sẽ không bỏ lỡ cơ hội để tập kích sâu hơn vào Iran trong những tháng tới, nếu Tehran quyết định đáp trả và đẩy căng thẳng leo thang.

Mục đích chiến lược của Israel là thiết lập một bối cảnh mới, trong đó Iran không tạo ra được mối đe dọa nào vào lúc này hay tương lai.

"Israel giờ đây có thể hoạt động trên không với phạm vi rộng hơn ở Iran", Daniel Hagari, phát ngôn viên IDF, nói sau khi Israel kết thúc đòn tấn công. Bình luận cho thấy Israel sẵn sàng không kích đối thủ trong tương lai.

Không chỉ khả năng phòng thủ, năng lực tấn công của Iran cũng bị ảnh hưởng trong đòn tập kích. Trang tin Arab Saudi Elaph dẫn nguồn tin cho biết ít nhất 12 máy trộn sản xuất nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo tầm xa của Iran bị hư hại và Tehran phải mất hai năm để khôi phục nhà máy.

Điều này có thể khiến Iran phải hạn chế khả năng cung cấp vũ khí cho các nhóm dân quân trong "Trục Kháng chiến" như Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen.

Vị trí Israel cùng ba khu vực bị nhắm mục tiêu ở Iran là thủ đô Tehran và tỉnh Khuzestan, Ilam. Đồ họa: BBC

Vị trí Israel cùng ba khu vực bị nhắm mục tiêu ở Iran là thủ đô Tehran và tỉnh Khuzestan, Ilam. Đồ họa: BBC

Một số quan chức Israel tỏ ra tức giận trước hành động "giơ cao đánh khẽ" của chính quyền Thủ tướng Netanyahu, trong đó có cựu thủ tướng Naftali Bennett, người từng kêu gọi Israel tấn công vào chương trình hạt nhân của Iran.

"Không tấn công vào cơ sở hạt nhân và dầu khí của Iran là sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội để làm suy yếu tiềm năng trở thành cường quốc hạt nhân của Iran trong nhiều năm", Tally Gotliv, nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Likud của ông Netanyahu, viết trên X.

Dù vậy, chiến dịch đáp trả của Israel đã đạt mục tiêu là đẩy Iran vào thế tiến thoái lưỡng nan mà không khiến xung đột leo thang vượt tầm kiểm soát, theo Danny Citrinowicz, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, trụ sở Tel Aviv, Israel.

"Bóng đang nằm trong sân của Iran", Citrinowicz nói. "Israel không tấn công vào cơ sở hạt nhân hay năng lượng Iran, mà tạo ra đòn giáng với năng lực phòng thủ và tấn công của họ".

Tổng thống Masoud Pezeshkian tuyên bố Iran không muốn chiến tranh với Israel, nhưng sẵn sàng đưa ra "đòn đáp trả phù hợp" với cuộc không kích của Tel Aviv. Trong khi đó, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng không nên "phóng đại hay coi thường" đòn không kích của Israel, nhưng không đề cập đến việc đáp trả ngay lập tức.

Như Tâm (Theo Washington Post, Times of Israel, Tasnim)

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 ngày trước - Ảnh vệ tinh cho thấy nhà máy sản xuất nhiên liệu cho tên lửa đạn đạo Iran tại căn cứ Parchin bị hư hại sau đòn tập kích của Israel.
2 tuần trước - UAV Hezbollah bay thấp khiến lực lượng Israel tin rằng nó đã rơi, trước khi lao vào căn cứ quân sự khiến ít nhất 4 binh sĩ thiệt mạng.
2 tuần trước - Sau gần một năm chìm trong giao tranh, phần lớn công trình ở Gaza đã bị phá hủy, hàng chục nghìn người thiệt mạng, dải đất gần như trở thành bình địa.
3 tuần trước - Israel có thể nhắm vào mục tiêu quân sự, kinh tế và cơ sở hạt nhân Iran để trả đũa vụ tập kích tên lửa, nhưng các phương án đều tiềm ẩn nguy cơ tính toán sai lầm.
3 tuần trước - Sau nhiều dự báo cũng như các hoạt động quân sự, Israel bắt đầu tấn công trên bộ vào Li Băng từ rạng sáng 1.10.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Lầu Năm Góc nói binh sĩ Triều Tiên đã tiến đến gần Ukraine hơn và sẽ không có hạn chế đối với việc Kiev sử dụng vũ khí Mỹ chống lại lực lượng này.
3 giờ trước - Israel cần bổ sung vũ khí laser vào hệ thống phòng không nhằm 'không để lọt' bất kỳ drone hay quả đạn nào mà nhóm Hezbollah phóng vào nước này.
3 giờ trước - NATO xác nhận binh sĩ CHDCND Triều Tiên đã được triển khai để chống lực lượng Ukraine tại tỉnh Kursk của Nga.
3 giờ trước - Bộ Quốc phòng Israel cho biết họ đã dành gần 540 triệu USD để đẩy nhanh quá trình phát triển hệ thống phòng không bằng laser mang tên "Tia Sắt".
3 giờ trước - Bà Harris cho biết sẽ thực hiện bài kiểm tra nhận thức để đáp lại những chỉ trích từ ông Trump và thách cựu tổng thống làm điều tương tự.