ttth247.com

Lý do Nepal thường xảy ra tai nạn máy bay

Tai nạn hàng không ở Nepal thường do địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và điều hành kém, khi cơ quan quản lý "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Máy bay chở khách 50 chỗ Bombardier CRJ 200 của hãng Saurya Airlines tuần trước rơi sau khoảng 20 giây cất cánh từ sân bay Kathmandu, lao xuống sườn dốc phía đông đường băng và bốc cháy dữ dội.

Máy bay khởi hành đến sân bay quốc tế Pokhara, chở 19 người, gồm 17 nhân viên hàng không và vợ con. Phi công là người sống sót duy nhất nhờ buồng lái đâm vào một container và mắc kẹt trong đó, trong khi phần thân tách rời và bốc cháy.

Đây là thảm kịch hàng không mới nhất trong hàng chục vụ tai nạn hàng không ở Nepal trong thập kỷ qua, khiến quốc gia này trở thành một trong những nước có hồ sơ an toàn hàng không yếu kém nhất thế giới.

Máy bay Nepal trượt khỏi đường băng và bốc cháy, 18 người chết

lKhoảnh khắc máy bay Saurya Airlines gặp nạn tại sân bay Kathmandu, Nepal ngày 24/7. Video: X/Tarunshukla

Theo Cục Hàng không Dân dụng Nepal (CAAN), tổng cộng 914 người đã thiệt mạng liên quan đến các vụ tai nạn máy bay ở nước này kể từ tháng 8/1955. Liên minh châu Âu đã quyết định cấm toàn bộ máy bay của các hãng hàng không Nepal vào không phận của khối, do lo ngại về vấn đề an toàn.

Sau mỗi thảm kịch, các nhà điều tra Nepal thường viện dẫn lý do địa hình phức tạp của nước này là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn.

Nepal có một số đường băng khó hạ cánh nhất thế giới, được bao quanh bởi những đỉnh núi phủ tuyết. Thời tiết ở vùng núi cũng có thể thay đổi nhanh chóng, dẫn đến điều kiện bay nguy hiểm.

Nepal, quốc gia 29 triệu người, có 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, trong đó có đỉnh Everest, thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới, thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, nhất là các chặng ngắn bằng máy bay cỡ nhỏ như Bombardier CRJ 200.

Nhưng địa hình này gây nhiều khó khăn cho phi công và kiểm soát viên không lưu, đặc biệt khi thời tiết xấu. Mọi thứ càng nghiêm trọng hơn khi máy bay cỡ nhỏ thường phải hạ cánh xuống các đường băng nằm trên sườn đồi ở những khu vực xa xôi.

Theo báo cáo an toàn năm 2019 của CAAN, "địa hình thù địch" của đất nước là một trong những "thách thức lớn" mà các phi công phải đối mặt. Báo cáo của CAAN cho thấy máy bay cỡ nhỏ từ 19 chỗ ngồi trở xuống dễ xảy ra tai nạn hơn tại Nepal, trong khi đây là phương tiện hàng không chính ở nước này.

Sân bay ở thị trấn Lukla, đông bắc Nepal, cửa ngõ lên đỉnh Everest, được gọi là sân bay nguy hiểm nhất thế giới. Đường băng ở Lukla nằm trên vách đá lưng chừng núi, ngay cạnh một vực thẳm. Nhiều tai nạn chết người đã xảy ra ở đây, trong đó có vụ rơi máy bay cỡ nhỏ năm 2008 khiến toàn bộ 18 người trên máy bay tử vong và vụ rơi trực thăng năm 2019 khiến tất cả 7 người, trong đó có Bộ trưởng Hàng không Dân sự và Du lịch Nepal, tử vong.

Việc thiếu đầu tư để nâng cấp đội máy bay cũ cũng làm tăng nguy cơ đối với ngành hàng không Nepal. Nhưng theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi nằm ở tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong cơ chế quản lý hàng không của Nepal, khi bên cung cấp dịch vụ hàng không sinh lợi cũng là bên quản lý an toàn bay.

CAAN là đơn vị quản lý hàng không của nước này, được thành lập năm 1998 như một cơ quan chính phủ.

Theo mô tả của Kathmandu Post, CAAN là đơn vị "chân đạp hai thuyền". Cơ quan này điều hành hàng chục sân bay của Nepal và cung cấp hầu hết các dịch vụ ở đó, đồng thời đề ra quy định và giám sát nhiều lĩnh vực, từ đào tạo nhân sự, cho đến vấn đề kỹ thuật, kiểm soát không lưu.

Mỗi khi xảy ra tai nạn hàng không, CAAN cũng là bên điều tra, xử lý. Các chuyên gia nhận định cơ chế này cản trở những điều chỉnh cần thiết, giảm nhẹ mức độ quan tâm đến vấn đề quản lý an toàn hàng không.

Đây được xem là một trong những nguyên nhân cốt lõi gây ra gần 40 vụ tai nạn hàng không ở Nepal kể từ năm 2010, khiến hơn 350 người thiệt mạng.

Kết quả này khiến ngành hàng không Nepal có nguy cơ bị cô lập với thế giới, làm gián đoạn ngành du lịch vốn rất quan trọng của nước này. Liên minh châu Âu đã duy trì lệnh cấm với hàng không Nepal trong suốt 11 năm qua và không có dấu hiệu sẽ gỡ bỏ sớm, do các lo ngại về an toàn chưa được giải quyết.

"Nếu Ấn Độ, Trung Quốc hay các nước Vùng Vịnh ra lệnh cấm tương tự, đó sẽ là tổn thất lớn với Nepal", Yogesh Bhattarai, cựu bộ trưởng hàng không Nepal, nói.

Một phi cơ bay qua hiện trường tai nạn máy bay của Saurya Airlines, ngày 25/7. Ảnh: AFP

Một phi cơ bay qua hiện trường tai nạn máy bay của Saurya Airlines, ngày 25/7. Ảnh: AFP

Loạt vụ tai nạn trong những năm gần đây liên quan đến các phi cơ đủ kích cỡ, trong đó có 15 trực thăng, 4 máy bay hạng nhẹ, 16 máy bay hai động cơ. Trừ ba máy bay nước ngoài, số còn lại đều do các công ty Nepal vận hành.

Trong vụ tai nạn mới nhất, chiếc Bombardier CRJ 200 của hãng Saurya Airlines, vốn gặp khó khăn tài chính, chở theo 19 người đến sân bay quốc tế Pokhara để bảo trì, do không có chỗ trong nhà chứa ở sân bay Kathmandu và do phí đỗ ở sân bay Pokhara rẻ hơn.

Phi cơ dự kiến trải qua đợt bảo trì C-Check nghiêm ngặt tại sân bay này, thường tiến hành 18-24 tháng một lần. Điều này khiến giới quan sát đặt câu hỏi tại sao CAAN lại cho phép nhiều người có mặt trên phi cơ như vậy trước đợt bảo trì.

Sanjiv Gautam, cựu giám đốc CAAN, hiện là cố vấn an toàn, cho biết hầu hết các nước láng giềng của Nepal từ lâu đã tách công việc quản lý an toàn hàng không và giao nhiệm vụ này cho các cơ quan độc lập.

Ông Gautam còn chỉ ra bộ phận quản lý của CAAN thiếu vốn đầu tư và thiếu nhân lực nghiêm trọng, khi chỉ có 8% nhân sự của cơ quan được phân bổ vào bộ phận này.

"CAAN đội hai mũ trên đầu, một chiếc là cung cấp dịch vụ, một chiếc là giám sát. Nếu kiểm soát viên không lưu mắc lỗi, làm sao biết CAAN có che giấu thông tin hay không?", ông Gautam đặt câu hỏi.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), cơ quan giám sát của Liên Hợp Quốc, đã yêu cầu chính phủ Nepal chia tách CAAN. Các nỗ lực phân chia lại nhiệm vụ này đã bắt đầu từ năm 2020, nhưng trì trệ do tình hình chính trị phức tạp trong nước.

"Ngành hàng không Nepal rất cần một cơ quan giám sát độc lập, không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào", cựu bộ trưởng hàng không Bhattarai nói.

Đức Trung (Theo Yahoo News, Kathmandu Post)

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Phi công sống sót nhờ rơi vào một container hàng hóa không bị bắt lửa khi máy bay gặp tai nạn.
1 tháng trước - Một trực thăng đã rơi xuống khu rừng bên ngoài thủ đô Kathmandu của Nepal ngay sau khi cất cánh hôm 7.8, không một ai trên trực thăng sống sót, theo AFP dẫn thông tin từ cảnh sát Nepal.
2 tuần trước - Hơn một nửa dân số thế giới, tương đương khoảng 4,4 tỉ người, không được tiếp cận với nước uống an toàn, theo báo cáo của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich).
1 tháng trước - Nepal- Nima Rinji Sherpa, 18 tuổi, đã leo 13 đỉnh núi cao nhất thế giới và chỉ còn một thử thách nữa là chinh phục toàn bộ 14 đỉnh núi cao hơn 8.000 m.
1 tháng trước - Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kính viễn vọng không gian Gaia để nghiên cứu một số sao cổ đại gần mặt trời, và phát hiện Thái Dương hệ có lẽ nằm trong khu vực vô cùng cổ xưa của vũ trụ.
Xem tin bài khác
33 phút trước - Mỹ chưa tính rút ngay hệ thống tên lửa tầm trung triển khai tại Philippines và đang thử nghiệm khả năng sử dụng hệ thống này nếu có xung đột ở khu vực.
1 giờ trước - Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định ban lãnh đạo cấp cao và nhân dân Cuba rất mong chờ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước đến Cuba.
1 giờ trước - Thủ tướng Lebanon kêu gọi Liên Hiệp Quốc cứng rắn với 'chiến tranh công nghệ' của Israel sau vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm làm chết 37 người.
2 giờ trước - Chính quyền Li Băng hôm nay 19.9 đã cấm mang máy bộ đàm và máy nhắn tin lên các chuyến bay từ sân bay ở thủ đô Beirut, theo Hãng tin Quốc gia Li Băng.
2 giờ trước - Chuyến công tác từ ngày 21-9 tới là hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.