ttth247.com

Lý do nước tiểu có màu vàng

Màu vàng của nước tiểu do một loại enzyme được các vi khuẩn trong ruột tạo ra, có thể thay đổi tùy vào lượng nước trong cơ thể, chế độ ăn uống, vitamin, thuốc và tình trạng sức khỏe.

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã tìm hiểu nguyên nhân khiến nước tiểu có màu vàng và lý giải là do chất hóa học urobilin tạo nên. Tuy nhiên, họ chưa thể xác định được chính xác thứ đã tạo ra chất hóa học đó trong cơ thể.

Đầu năm nay, một nhóm nhà khoa học tại Mỹ công bố nghiên cứu cho thấy màu vàng của nước tiểu là do một loại enzyme có tên là bilirubin reductase (BilR), được một số vi khuẩn trong ruột tạo ra.

"Phát hiện về loại enzyme này cuối cùng đã giải mã được bí ẩn đằng sau màu vàng của nước tiểu", Brantley Hall, tác giả chính của nghiên cứu và là phó giáo sư tại Đại học Maryland, cho biết trong một thông cáo báo chí.

Bác sĩ tiết niệu David Shusterman tại New York giải thích khi cơ thể phân hủy các tế bào hồng cầu cũ sẽ tạo ra enzyme màu vàng gọi là bilirubin. Gan sử dụng bilirubin này để tạo ra mật, một chất lỏng giúp tiêu hóa thức ăn. Một phần mật đó đi thẳng đến ruột và phần còn lại được lưu trữ trong túi mật.

Các vi khuẩn có lợi trong ruột phân hủy một số bilirubin trong mật thành urobilinogen, sau đó trở thành urobilin. Một phần chất này đi ra ngoài qua phân, một phần trở lại gan và đào thải khỏi cơ thể qua nước tiểu. Đó là lý do tại sao nước tiểu có màu vàng. Các chuyên gia cho rằng những phát hiện này có thể được áp dụng trong tương lai để nghiên cứu về sức khỏe đường ruột, làm rõ hơn về các tình trạng như vàng da và bệnh viêm ruột.

Trên thực tế, màu vàng của nước tiểu có thể thay đổi độ đậm nhạt do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm lượng nước trong cơ thể và một số loại thực phẩm ăn vào. Ví dụ, nếu bạn uống đủ nước, nước tiểu có màu vàng nhạt, gần giống như nước. Nếu cơ thể thiếu nước hoặc bị mất nước, nước tiểu cô đặc và có màu vàng sẫm hơn. Lý do là khi uống đủ nước, cơ thể có nhiều nước hơn để hòa trộn với các chất trong nước tiểu. Về cơ bản, nước làm loãng urobilin, giảm nồng độ sắc tố vàng.

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến màu nước tiểu bao gồm:

Chế độ ăn uống: Thực phẩm như củ cải đường, quả mâm xôi đen có thể làm nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng, trong khi ăn nhiều đậu fava (đậu răng ngựa) làm cho nước tiểu có màu nâu sẫm. Các món chứa màu thực phẩm cũng có khả năng làm thay đổi màu sắc chất lỏng thải ra.

Vitamin hoặc thực phẩm bổ sung: Chẳng hạn thực phẩm bổ sung vitamin C có thể khiến nước tiểu có màu cam, trong khi loại bổ sung vitamin B thường tạo ra màu xanh lá cây hoặc màu neon.

Thuốc: Một số loại thuốc gây đổi màu nước tiểu như thuốc điều trị bệnh gout, thuốc điều trị các tình trạng tiết niệu... Chúng có thể làm cho nước tiểu đổi màu đỏ, cam, xanh lam hoặc thậm chí là xanh lục.

Tình trạng sức khỏe: Ví dụ nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) có thể khiến nước tiểu màu trắng sữa, trong khi người bị sỏi thận và một số bệnh ung thư có thể tiểu ra máu, màu sắc đỏ hoặc hồng.

Anh Ngọc (Theo Verywell Health)

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Màu sắc nước tiểu có thể thay đổi tùy thói quen uống nước, chế độ dinh dưỡng, sử dụng thuốc hay các vấn đề sức khỏe.
3 tuần trước - Cung cấp đủ nước cho cơ thể là vô cùng quan trọng nhưng rất nhiều người chỉ uống nước khi thực sự cảm thấy khát. Vậy khi nào nên uống nước và cách uống như thế nào để có lợi nhất cho sức khỏe?
1 tuần trước - Ước tính cứ ba người bệnh tiểu đường thì có một xuất hiện các vấn đề về da, nên tránh để da khô, tổn thương hay nhiễm trùng.
1 tuần trước - Khi bôi thuốc nhuộm tartrazine lên bụng chuột thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhìn thấy rõ gan, ruột và bàng quang của chúng.
2 ngày trước - Sau bão lũ, bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa gia tăng. Khi bạn cảm thấy có nguy cơ, lập tức dùng ngón tay bấm mạnh vào điểm hạ lỵ và không ngừng xoa bóp có thể chế ngự bệnh này.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Viêm da tiếp xúc, nấm da, nhiễm trùng da do vi khuẩn và ghẻ nước là những bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão, có thể trở nên nghiêm trọng nên không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
4 giờ trước - 'Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
4 giờ trước - Đi bộ là cách tuyệt vời để tập thể dục. Tuy nhiên, bài tập đơn giản này - nếu đi quá nhiều, vẫn có thể dẫn đến các vấn đề như đau chân, đau nhức cơ, đau khớp, sưng và đau ống quyển.
4 giờ trước - Nếu cơ thể bị sốt thì cơn sốt thường sẽ hết trong vòng 24 đến 48 giờ. Phần lớn là những cơn sốt nhẹ. Nếu cơn sốt này kéo dài vài ngày không khỏi thì rất có thể nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc bệnh tiềm ẩn nào đó.
4 giờ trước - Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn. Trên thực tế, nhu cầu giấc ngủ của người lớn tuổi không thay đổi so với khi còn trẻ.