ttth247.com

Mái ấm Hoa Hồng: chủ cơ sở 'đã đối phó tinh vi với cơ quan quản lý nhà nước'

Một cuộc kiểm tra khác tại mái ấm Chúc Từ (quận Bình Thạnh) sau đó cũng phát hiện "dôi ra" đến 65 trẻ.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các cuộc kiểm tra trước đó đều không phát hiện ra số lượng trẻ vượt quá quy định, bởi như lời bà Võ Thị Chính - phó chủ tịch UBND quận 12, là chủ cơ sở "đã đối phó tinh vi với cơ quan quản lý nhà nước" và chưa lần nào đoàn kiểm tra thấy số trẻ vượt quy định.

Có kiểm tra, 65 trẻ "chạy" về 4 tỉnh

Với trường hợp mái ấm Hoa Hồng, UBND quận 12 đã tổ chức kiểm tra hai lần vào tháng 11-2023 và tháng 4-2024. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 12 cũng thực hiện giám sát tại mái ấm này vào tháng 7-2024.

Tuy nhiên qua các lần kiểm tra, số trẻ được chăm sóc tại thời điểm kiểm tra chỉ 39 trẻ, đúng với giấy phép thành lập.

Điều tương tự cũng diễn ra với trường hợp mái ấm Chúc Từ tại quận Bình Thạnh, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra nhưng cũng thấy cơ sở chỉ nuôi đúng 22 trẻ theo giấy phép.

Vào thời điểm kiểm tra ngày 5-9, tại cơ sở chỉ có 22 trẻ; các bé có giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế đầy đủ.

Tuy nhiên, cơ sở không cung cấp được hợp đồng lao động của các bảo mẫu, giáo viên và người lao động tại cơ sở cũng như các sổ sách tài chính liên quan (do kế toán đi vắng).

Ngày 7-9, UBND quận Bình Thạnh tiếp tục chỉ đạo kiểm tra đột xuất cơ sở trên, xét thấy cơ sở không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định nên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động tại cơ sở Chúc Từ trong thời gian 3 tháng kể từ ngày 7-9-2024.

Nhưng phải đến ngày 8-9, khi Công an quận Bình Thạnh làm việc với ông Lee Liem - người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý mọi hoạt động của cơ sở Chúc Từ, thì ông Liem mới cho biết cơ sở Chúc Từ đang nhận nuôi, chăm sóc 87 trẻ em có độ tuổi từ sơ sinh đến 7 tuổi.

Giải thích việc này, ông Liem cho biết khi biết thông tin về mái ấm Hoa Hồng (quận 12), nhận thấy việc cơ sở Chúc Từ đang nhận nuôi quá số lượng quy định của giấy phép hoạt động, nhiều khả năng sẽ bị chính quyền địa phương kiểm tra nên sáng 5-9 ông Liem đã chỉ đạo các bảo mẫu đưa 65 trẻ (từ 1 tháng tuổi đến 7 tuổi) đi tránh mặt tại Phòng khám từ thiện Chúc Từ (do ông Liem thuê) tại địa chỉ 57/1 Điện Biên Phủ và nhà số 57/14 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh (do ông Liem mua).

Vì vậy, vào thời điểm đoàn kiểm tra đến kiểm tra cơ sở vào ngày 5-9 thì chỉ ghi nhận 22 trẻ có mặt. Sau đó đến 14h cùng ngày, ông Liem đưa các trẻ trên đến bốn nơi khác nhau.

Trong đó có 24 trẻ đưa về chùa Phật Bửu tại Củ Chi, 15 trẻ gửi tại chùa Hưng Phước (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), 15 trẻ gửi tại tịnh thất Hồng Liên (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), 11 trẻ gửi tại chùa Di Đà (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) và đều có thông tin cha mẹ cho nhận trẻ.

Cơ sở bảo trợ là trọng điểm về an ninh trật tự

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tăng Minh, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết các cuộc kiểm tra đều phải thông báo trước, chỉ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì mới kiểm tra đột xuất được. Đây là kẽ hở để các cơ sở đối phó được các cuộc kiểm tra.

"Khi thẩm định cấp giấy phép thì tùy vào diện tích, cơ sở vật chất, đội ngũ bảo mẫu, nhân viên… để tính số lượng trẻ mà cơ sở được phép nuôi dưỡng. Thế nhưng nếu nuôi quá số lượng thì khi có thông báo kiểm tra, cơ sở sẽ di chuyển trẻ đến một cơ sở khác.

Đó là cách đối phó rất tinh vi. Chẳng hạn như quận 12, hai lần kiểm tra, một lần giám sát không phát hiện gì. Điều kiện cơ sở vật chất, nuôi dạy chăm sóc đều tốt, số lượng đảm bảo", ông Minh nêu.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng không thể phủ nhận công sức, tâm huyết của hàng chục cơ sở bảo trợ còn lại. Với tình trạng nuôi trẻ vượt quá số lượng quy định ở một số cơ sở, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho rằng vai trò giám sát của địa phương rất quan trọng bởi việc chuyển hàng chục đứa trẻ ra khỏi cơ sở dù là ngày hay đêm đều có thể dễ gây chú ý.

"Địa phương ở đây có thể là ban điều hành khu phố, người dân sinh sống gần đó, cảnh sát khu vực. Sau sự việc này, địa phương cần tăng cường vai trò giám sát và hậu kiểm sau khi cấp giấy phép. Phải xác định các cơ sở bảo trợ là những trọng điểm về an ninh trật tự xã hội, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm... vì liên quan đến yếu tố con người, sinh mạng con người.

Chẳng hạn khi có hỏa hoạn người lớn có thể chạy được nhưng những đứa trẻ thì không thể tự chạy được; bảo mẫu, người chăm sóc không thể bồng bế một lúc 4 - 5 đứa. Đồng thời với trẻ em thì còn có nguy cơ xảy ra các vấn nạn liên quan đến buôn bán trẻ em", ông Minh nhìn nhận.

Ông cho biết ngay trong tháng 9 này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ tổ chức tập huấn cho tất cả các cơ sở, xây dựng kịch bản ứng phó khi có sự cố xảy ra. Trong mỗi kịch bản như vậy thì khu phố làm gì, phường làm gì, sở làm gì để thống nhất về cách giải quyết, tránh sự cố xảy ra thì lúng túng, không biết gọi ai.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
21 giờ trước - Khi vụ bạo hành trẻ ở mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM) bị phanh phui, cơ quan chức năng kiểm tra thì lộ ra cơ sở có đến 85 trẻ, chứ không phải chỉ 39 trẻ như đăng ký.
1 tuần trước - Từ vụ nhiều trẻ bị bạo hành tại mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM), nhiều bạn đọc đặt câu hỏi do cơ sở này đối phó tinh vi hay cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm?
2 tuần trước - Với cơ sở mái ấm Hoa Hồng, quận 12 đã tổ chức kiểm tra 2 lần vào tháng 11-2023 và tháng 4-2024. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận cũng thực hiện giám sát vào tháng 7-2024 nhưng không phát hiện vi phạm.
1 tuần trước - TP.HCM sẽ thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở bảo trợ xã hội về điều kiện vật chất và nhân sự nhằm ngăn chặn những sự việc tương tự như Mái ấm Hoa Hồng.
2 tuần trước - Từ tháng 10.2023, Q.12 kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng 3 lần nhưng đều không phát hiện việc ngược đãi và nuôi số trẻ vượt giấy phép do chủ cơ sở đối phó tinh vi.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
5 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
5 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
5 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
5 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.