ttth247.com

Một giờ vật lộn trên sông Hồng cứu nạn nhân sập cầu

Phú ThọCầm tay nạn nhân Phan Trường Sơn đang bám vào khúc chuối dưới dòng nước cuộn xoáy để kéo lên, anh Ngô Văn Khanh thấy thuyền chao đảo.

Khoảng 10h ngày 9/9, anh Khanh, 26 tuổi, trú xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, đang ra sông Hồng neo lại chiếc thuyền đánh cá của gia đình đề phòng mưa lũ cuốn trôi, thì bố gọi điện thoại nhắc: "Cầu Phong Châu sập rồi".

Anh vội bước ra nhìn về phía thượng lưu, thấy cầu Phong Châu cách vài trăm mét chỉ còn một nhịp, hai nhịp còn lại đã chìm dưới sông Hồng, xung quanh nước bắn tứ tung, bọt trắng xóa.

"Có người trôi kìa", anh Khanh hét lên sau vài giây đảo mắt nhìn xung quanh. Ngay lập tức, anh cùng ông Ngô Ngọc Huê, 64 tuổi và anh Ngô Quốc Trung, 24 tuổi, ở gần đó lái thuyền máy dài 6 m, rộng 1,2 m ra tiếp cận.

Anh Khanh kể lại 60 phút cứu nạn nhân sập cầu Phong Châu dưới sông Hồng. Ảnh: Đức Hùng

Anh Khanh kể lại 60 phút cứu nạn nhân sập cầu Phong Châu dưới sông Hồng. Ảnh: Đức Hùng

Nhưng sông Hồng không êm ả như ngày thường. Dòng nước xoáy đục ngầu, cuộn từng đợt, cuốn theo nhiều loại bèo, rác, cây cối, gậy gộc, vật dụng... từ thượng nguồn đổ về, tạo thành những chướng ngại vật. Vừa chạy được vài mét, thuyền chết máy đứng im tại chỗ vì vướng rác, phủ kín hết các mạn. Anh Khanh lập tức lặn xuống dùng dao cắt bèo, rác trong hơn 5 phút.

Chạy tiếp được hai phút, thuyền lần thứ hai phải dừng vì một lớp bèo và rác mới. Anh Khanh tiếp tục lặn xuống dọn dẹp trong gần 3 phút. Lúc này, nạn nhân Phan Trường Sơn đã bị nước đẩy xa về phía hạ lưu, tay bám lấy một khúc chuối, chới với. "Nổ được máy thuyền, tôi chỉ biết hô chạy nhanh lên, nạn nhân nguy cấp lắm rồi", anh Khanh kể.

Sau hơn 15 phút phút đuổi theo, thuyền của anh Khanh tiếp cận được anh Sơn trong trạng thái gần như kiệt sức. Ông Huê cho biết, khúc chuối dài hơn 2 m nhưng lúc đó anh Sơn không thể bám ở giữa mà chỉ bám được ở phần gốc, dấu hiệu cho thấy đã mất tinh thần, không còn nhận thức được mọi vật xung quanh. Ông lập tức cầm chân anh Sơn, còn anh Khanh kéo tay để khiêng lên thuyền. Do mất thăng bằng nên thuyền chao đảo, bốn người suýt rơi xuống sông. Anh Trung cố hết sức giữ vững tay lái, ổn định con thuyền.

Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, ngày 10/9. Ảnh: Đức Hùng

Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, ngày 10/9. Ảnh: Đức Hùng

Ông Huê kể, lúc được đưa lên thuyền, anh Sơn không nói được câu gì đã ngất lịm, đầu vẫn đội mũ bảo hiểm xe máy. Thuyền lúc này chạy thật nhanh vào bờ để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, từng đợt sóng lớn cuồn cuộn cứ liên tiếp ập tới, đẩy thuyền trôi về phía hạ lưu. Anh Trung không thể làm chủ tay lái, bảo cách tốt nhất là giữ thăng bằng, để thuyền trôi theo dòng nước về xuôi rồi từ từ bẻ lái. Nếu cố gồng mình chống chọi với sóng dữ ngay ở giữa sông thì nguy cơ thuyền lật là rất cao.

Sau chừng 20 phút, anh Sơn tỉnh, nói ú ớ vài tiếng "tôi còn sống à" rồi lại lịm đi. Máu ở chân anh vẫn chảy do va đập vào mảng bêtông của mặt cầu. Ông Huê cởi áo đang mặc trên người, xé ra một tấm vải buộc vào vết thương để ngăn máu ngừng chảy.

30 phút sau nạn nhân tỉnh lại, tay chân cử động được vài nhịp nhưng người còn run cầm cập do lạnh. Thuyền chở 4 người trôi tự do hơn một km trong khoảng một tiếng. Khi gần hết địa phận xã Hương Nộn, ông Huê gọi điện cho cán bộ huyện dùng thuyền lớn ra hỗ trợ đưa vào bờ.

"Bàn giao anh Sơn xong, ba ông cháu tiếp tục lái thuyền chạy hơn 20 phút nữa để tìm có thêm người nào nữa không. Chúng tôi buồn vì không thấy ai, càng đau lòng hơn khi thấy nhiều người vợ, người mẹ đứng khóc bên sông vì người thân mất tích", ông Huê nói.

Anh Sơn được chuyển lên Hà Nội điều trị do sặc nước, xẹp phổi nhỏ ở thùy dưới phổi phải, chân trái bị thương nặng. Các bác sĩ đã hội chẩn với Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để hồi sức cơ bản, xử lý vết thương, sau đó chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để tiếp tục điều trị.

Anh Sơn là một trong ba người thoát nạn sau vụ sập cầu Phong Châu sáng 9/9. Nói với VnExpress, anh Sơn cho hay 9h50 một mình đi xe máy rời nhà ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, để đi qua huyện Lâm Thao. Khi qua cầu Phong Châu thấy cầu hơi rung nhẹ, anh bất ngờ hẫng, rơi tự do cùng chiếc xe máy xuống dòng sông Hồng chảy xiết. Ngước mặt lên, anh thấy khói bụi bay mù mịt lẫn với tiếng động inh tai phát ra từ một phần cầu vừa rơi xuống sông. Nước sông bắn tung tóe, cao vài mét. Trong lúc rơi, anh vẫn ngồi trên xe máy, tay cầm lái.

Vừa tách rời khỏi xe máy, anh thấy một cây chuối trôi rất nhanh song song phía trước nhưng rồi bị sóng đánh ra xa. Thả lỏng người lấy cân bằng, anh thấy một cây chuối khác vọt qua. Đầu lúc này khá đau, hơi rỉ máu vì va đập, song nghĩ đây là cơ hội sống, anh lấy hết sức bình sinh lao theo cây chuối

Ông Huê (hàng sau cùng, góc trái) bên các cháu. Ảnh: Hùng Lê

Ông Huê, 64 tuổi bên các cháu. Ảnh: Hùng Lê

Ông Huê chia sẻ anh Sơn không phải là người đầu tiên được ông cứu trên sông. Hàng chục năm làm nghề đánh cá, người đàn ông 64 tuổi này cứu được 6 người trôi sông Hồng, sông Lô trong những đợt vỡ đê và lũ lụt. Các nạn nhân đều nhận làm con nuôi của ông, qua lại rất thân thiết.

Anh Khanh và Trung cũng bảo lúc thấy người gặp nạn dưới sông chỉ làm theo bản năng, thâm tâm tự nhủ phải làm thật nhanh gọn bởi chỉ chậm một tích tắc thôi thì mất "thời điểm vàng" để cứu. Riêng anh Khanh tối hôm đó thao thức, nằm trằn trọc suy nghĩ đến một giờ sáng vẫn chưa thể ngủ. "Ước gì tôi có thể cứu thêm vài nạn nhân thì giờ không day dứt", anh Khanh nói.

Sự cố sập cầu Phong Châu khiến 10 ôtô, 2 xe máy và 13 người rơi xuống. Do nước sông Hồng đang dâng cao, chảy xiết nên nhà chức trách chưa tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích cũng như triển khai lắp cầu phao tạm.

VnExpress mở chiến dịch "Chung tay cùng đồng bào vùng bão lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tuần trước - Phú Thọ- Cầm tay nạn nhân Phan Trường Sơn đang bám vào khúc chuối dưới dòng nước cuộn xoáy để kéo lên, anh Ngô Văn Khanh thấy thuyền chao đảo.
1 tuần trước - Hà Nội vừa có thêm một người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy.
1 tuần trước - Bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7. Khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to.
1 tuần trước - Sau khi quần thảo ở khu vực huyện Thạch Thất (Hà Nội), bão đang chuyển dần lên khu vực các tỉnh Hòa Bình, Sơn La.
1 tuần trước - Đêm qua, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Xem tin bài khác
17 phút trước - Cầu bắc qua con suối trên đường tỉnh 445 ở TP Hòa Bình bị sập rạng sáng nay, may mắn không gây thiệt hại về người.
20 phút trước - Khi vụ bạo hành trẻ ở mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM) bị phanh phui, cơ quan chức năng kiểm tra thì lộ ra cơ sở có đến 85 trẻ, chứ không phải chỉ 39 trẻ như đăng ký.
20 phút trước - Dự báo hôm nay, bão số 4 hướng vào ven biển Quảng Trị - Quảng Nam rồi đi vào đất liền các tỉnh miền Trung. Cơ quan khí tượng cảnh báo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có mưa rất lớn trong sáng nay.
20 phút trước - Tối 18-9, Công ty cổ phần Thủy điện Đak Mi đã có thông báo về việc điều tiết nước qua cửa van hồ chứa thủy điện Đak Mi 4.
40 phút trước - Theo dự báo, hôm nay, bão số 4 sẽ đổ bộ vào khu vực từ tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị với sức gió cấp 8, giật cấp 10.