ttth247.com

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 2: Tiệm đồ ngọt có bao nhiêu vị?

Lúc mặt trời chưa ló dạng, đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM) vốn nườm nượp xe vào ban ngày, còn rất vắng lặng. Những dãy nhà lầu có kiến trúc từ thời Pháp với các cửa chớp bằng gỗ cũ kỹ, thờ ơ với lớp bụi phủ trên từng khe cửa, nhìn ra phố như những con mắt màu xanh đã chứng kiến bao cuộc đổi vần thời cuộc. Đây cũng là con đường có rất nhiều tiệm đồ ngọt trăm tuổi của Chợ Lớn. Lạc lối ở Chợ Lớn, tôi tự hỏi trăm năm qua, những "tiệm đồ ngọt" người Hoa thực ra có bao nhiêu vị?

Xe đồ ngọt ông Sấm, ngày bán vài trăm chén chè

Cuối đường Trần Hưng Đạo là nơi cótiệm chè nổi tiếng, còn được gọi là "chè Nhà đèn, chè Năm Ngọn". Kế đó, ở góc đường Châu Văn Liêm - Hùng Vương có tiệm chè Hà Ký cũng được nhiều thực khách ưa chuộng. Đường An Điềm, một con đường nhỏ trong Chợ Lớn, cũng nổi danh với tiệm chè tàu Tường Phong. Có thể nói, nếu là một tín đồ của "chè đạo", bạn sẽ dễ dàng tìm cho mình một quán quen ở Chợ Lớn.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 2: Tiệm đồ ngọt có bao nhiêu vị?- Ảnh 1.

Ông La Khổng Sấm và xe đồ ngọt gia truyền

ẢNH: LÊ VÂN

Nhưng với nhiều người Hoa cố cựu ở TP.HCM, họ vẫn thích tìm về nét hoài niệm xưa ở xe đồ ngọt của một ông già người Tiều dù bị cạnh tranh bởi nhiều quán nổi tiếng khác vẫn túc tắc bán đều mỗi ngày vài trăm chén chè. Ông La Khổng Sấm, 79 tuổi, chủ xe đồ ngọt này cho hay gia đình ông bán chè từ năm 1976.

"Ba chú hơn 50 tuổi mới mở bán chè. Xưa, trước năm 1975, ông già bán cà phê kho, không có bảng hiệu. Ba ở Triều Châu, qua Sài Gòn từ thời Pháp. Nhưng sau 1975, cà phê bị coi là xa xí phẩm, không được bán rộng rãi, ba mới tìm tòi cách nấu chè. Nấu nhiều thì biết. Chú phụ ba làm, hồi đó chú cũng 30 tuổi mới làm nghề chè. Khách quen nhiều nên xe chè dần bán đều hơn, tới giờ vẫn bán bằng cái xe hồi xưa ba làm cà phê", ông Sấm nhớ lại.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 2: Tiệm đồ ngọt có bao nhiêu vị?- Ảnh 2.

Ông La Khổng Sấm, chủ xe chè gần Chợ Thiếc, Q.11

ẢNH: LÊ VÂN

Chiếc bảng hiệu "Tiệm đồ ngọt nóng - lạnh" cũng là thực đơn của quán, ghi bằng 2 thứ tiếng Việt - Hoa treo bên hông xe chè ông Sấm. Chiếc bảng hiệu mang dấu tích hơn 4 thập niên, chứng kiến xe chè qua 2 thế hệ. Ông Sấm vẫn giữ nguyên thực đơn từ thời cha ông mới nấu chè để bán: tàu hủ ky bo bo, đu đủ tiềm, chè đậu xanh, đậu đỏ, nhãn nhục, hạt sen, sâm bổ lượng. "Hồi đó món tàu hủ ky bo bo người Hoa thích ăn lắm, vừa mát trong người vừa ấm bụng. Xưa người Tàu thích ăn chè nóng, giờ giới trẻ lại có phần nghiêng về chè lạnh - có chút đá. Nhưng các bô lão người Hoa tới giờ vẫn ưa chè nóng hơn", ông Sấm nói.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 2: Tiệm đồ ngọt có bao nhiêu vị?- Ảnh 3.

Đu đủ tiềm và chè hột gà - món cũ vị xưa ở xe chè ông Sấm

Ảnh: Lê Vân

Tiệm đồ ngọt ông Sấm mở bán từ 15 - 22 giờ hằng ngày, nằm gần Chợ Thiếc (đường Phó Cơ Điều, Q.11). Vợ ông, bà Lệ Hoa (68 tuổi) cũng phụ chồng buôn bán. Ông bà có 2 người con nhưng không theo nghề chè nữa. Ông tâm sự: "Nghề này cực lắm, con cái không thích. Nhà chú có 6 anh em, cũng chỉ có chú còn giữ nghề của ba mà thôi. Giờ thì với chú coi như niềm vui tuổi già. Mình bán mỗi ngày, gặp khách quen như gặp lại bạn bè xưa, quý lắm".

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 2: Tiệm đồ ngọt có bao nhiêu vị?- Ảnh 4.

Chè hạnh nhân tiệm Hà Ký

ẢNH: LÊ VÂN

60 năm "bán chơi mà ăn thiệt"

Có lẽ quý độc giả sẽ hơi thắc mắc khi thấy tôi kể tên nhiều tiệm chè tàu như vậy mà lại chỉ dẫn ra đây 2 xe đồ ngọt của 2 ông già Chợ Lớn. Là bởi, những cái tên chè Hà Ký, Tường Phong, Nhà đèn đã quá quen thuộc và trở nên phát đạt. Với thực đơn phong phú, các tiệm chè kể trên đã nổi danh và đắt đỏ không thua kém các món tráng miệng sang trọng trong nhà hàng. Trung bình, chè ở Hà Ký, Tường Phong, Nhà đèn có giá từ 40.000 - 60.000 đồng/chén tùy loại. Hà Ký bây giờ còn bán thêm cả đồ ăn xế,ăn vặt để thu hút khách trẻ.

Nhưng có những xe đồ ngọt dù hàng thập niên trôi qua, họ vẫn giữ nguyên thực đơn giản dị, đôi khi chỉ một vài món có giá tăng chút đỉnh ở mức bình dân để ai cũng có thể ghé ăn mà không "xót" túi tiền trong thời vật giá leo thang.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 2: Tiệm đồ ngọt có bao nhiêu vị?- Ảnh 5.

Ông già sương sáo Lâm Đệ

ẢNH: LÊ VÂN

Ở đường Gia Phú (Q.8), có một xe đồ ngọt không tên nhưng khách thường gọi là "xe sương sáo ông già Gia Phú" cho dễ nhớ. Chủ quán là ông Lâm Đệ năm nay 70 tuổi. Xưa, cha ông thường theo mẹ đẩy xe sương sáo đi bán khắp Chợ Lớn. Người Hoa vốn mê món sương sáo nước đường vì vị thanh, ngọt nhẹ, giải nhiệt trong những ngày nóng bức. Cha ông Đệ là người Triều Châu, qua Sài Gòn từ năm mới hơn 10 tuổi cùng gia đình. Sau này khi khách đông hơn, họ thuê một góc sân nhỏ trước số 61 Gia Phú để xe bán một chỗ, tiện cho khách ghé hơn đẩy rong như trước.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 2: Tiệm đồ ngọt có bao nhiêu vị?- Ảnh 6.

Món đồ ngọt đơn giản được tiếp nối 3 thế hệ gia đình ông Lâm Đệ

ẢNH: LÊ VÂN

"Ổng thường tự mua dây sương sáo khô về nấu, đổ khuôn và bán trong ngày. Khi ông già còn sống, ổng chia làm hai buổi, sáng thì ông già bán, chiều là tôi bán. Khi nào hết thì đẩy xe về. Trước chỉ có một món sương sáo với chút nước đường thôi, sau này theo ý khách thì có thêm sương sáo sữa, hạt é", ông Đệ kể. Dù chỉ có một món duy nhất là sương sáo nóng - lạnh nhưng 2 cha con ông Đệ đã tiếp nhau giữ xe chè suốt hơn 60 năm nay.

Hằng ngày, khoảng 9 - 10 giờ, ông Đệ sẽ đẩy xe sương sáo từ nhà ở đường Trần Hưng Đạo B (Q.5, TP.HCM) đến đường Gia Phú bán, khi nào hết thì về. Giá một ly sương sáo mang về là 15.000 đồng, chén ăn tại chỗ 10.000 đồng. Đặc trưng sương sáo ông Đệ là chỉ ướp lạnh rồi dùng, không ăn kèm đá.

Ông nói: "Người biết ăn món này thường ăn không lạnh, vì nó thơm hơn. Mấy người lớn tuổi mới biết cách ăn xưa, còn giới trẻ họ ăn lạnh rồi còn cho đá nữa. Giờ bán cũng ế, có khi bán được có khi không. Hai chục năm trước 2 cha con thay phiên sáng chiều mà bán được lắm. Túc tắc bán khi nào hết sức thì nghỉ thôi. Món ăn chơi này vậy mà cũng là kế sinh nhai của gia đình tôi suốt chừng ấy năm rồi". (còn tiếp)

Ông Lâm Đệ bật mí: "Làm sương sáo nói khó cũng đúng mà dễ cũng không sai. Vì cách nấu chỉ là dây sương sáo nấu lên rồi nêm đường, nước sao cho nó vừa miệng, ai cũng nấu được. Nhưng khó là làm cách nào mà sương sáo thơm, ăn không lẫn tạp chất, sạch miệng. Nguồn gốc cây sương sáo là đặc sản của người Triều Châu, khi họ qua Sài Gòn định cư thì mang theo để ăn và buôn bán".

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 ngày trước - Cuộc du ngoạn của tôi bị thu hút bởi câu chuyện của những bà ngoại 'xì thẩu' ở khu Chợ Lớn. 'Xì thẩu' là cách gọi trong tiếng Hoa với những người làm chủ việc kinh doanh.
1 tháng trước - Nghệ An- Đi vay tiền để trồng chè năm 2001, ông Võ Văn Đồng phải nói dối vay nuôi gia súc, bởi lúc đó xã chỉ có 3 hộ trồng cây này và đều còi cọc.
1 tháng trước - Nghệ An- Đi vay tiền để trồng chè năm 2001, ông Võ Văn Đồng phải nói dối vay nuôi gia súc, bởi lúc đó xã chỉ có 3 hộ trồng cây này và đều còi cọc.
1 tháng trước - Có nhiều cách để lý giải tại sao Đà Nẵng lại trở thành 'thành phố đáng sống', nhưng theo các chuyên gia cũng như các cấp lãnh đạo, yếu tố con người là động lực mạnh mẽ để địa phương xây dựng và tiếp tục gìn giữ thương hiệu này.
5 giờ trước - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.
Xem tin bài khác
3 phút trước - Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Chính phủ cần đưa hàng hóa bất động sản của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp, thuộc đối tượng phải kê khai giá.
3 phút trước - Nếu thanh tra, kiểm tra ai đang ở trong nhà ở xã hội chắc chắn sẽ có người không đúng đối tượng ưu đãi.
3 phút trước - Sáng 28-10, trên quốc lộ 18 (đoạn Khu công nghiệp Quế Võ số 2 qua địa bàn xã Ngọc Xá, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến cả đoạn đường bị ùn tắc.
3 phút trước - Cơ quan công an đã làm rõ một nghi phạm đến Đà Nẵng dùng xà beng cạy cửa loạt máy bán hàng tự động để lấy tiền, đồng thời bẻ trộm nhiều gương chiếu hậu ô tô của người dân.
24 phút trước - Hà Nội- Hơn 800 tình nguyện viên và khách du lịch chung tay dọn khoảng 70 tấn rác thải dưới chân cầu Long Biên.