ttth247.com

Năm học 2024-2025, khó đảm bảo sĩ số không quá 35 học sinh/lớp

Bộ GD-ĐT vừa ban hành công văn gửi các sở GD-ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025.

Trong công văn này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương bảo đảm "...sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại điều lệ của trường tiểu học…". Tại điều lệ trường tiểu học quy định "Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh…".

Tuy nhiên, ở một số địa phương như TP.HCM và Hà Nội, sĩ số 35 học sinh/lớp "chỉ là mục tiêu để phấn đấu".

TP.HCM: luôn áp lực về sĩ số

Với dân số nhập cư cao, nhiều quận, huyện tại TP.HCM nhiều năm qua luôn áp lực về sĩ số học sinh/lớp và tỉ lệ trường đạt điều kiện học hai buổi/ngày ở bậc tiểu học. 

Một số quận, huyện nội thành TP.HCM ít biến động về số lượng học sinh như quận 1, 3, 10…, trong khi nhiều quận, huyện khác luôn "căng" với bài toán đảm bảo sĩ số học sinh/lớp cũng như đảm bảo yêu cầu học hai buổi/ngày ở bậc tiểu học của chương trình 2018.

Ông Ngô Văn Tuyên - trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân - cho biết quận này là "điểm nóng" của TP.HCM về áp lực dân số. Năm học 2024-2025, Bình Tân dự kiến có khoảng 66.000 học sinh ở bậc tiểu học. Năm nay quận xây mới năm trường tiểu học, nâng tổng số lên 28 trường tiểu học. 

Tuy vậy, việc thực hiện sĩ số học sinh với quy chuẩn 35 em/lớp không dễ thực hiện ở tất cả các trường.

"Quận hiện có khoảng 63% học sinh tiểu học được học hai buổi ngày và sĩ số bình quân trên lớp năm nay phấn đấu giảm xuống còn khoảng 42 học sinh/lớp. Quận đang tìm cách giảm từ từ sĩ số học sinh/lớp và tăng số lượng học sinh học hai buổi/ngày", ông Ngô Văn Tuyên cho biết. 

Đồng thời phải thực hiện cả hai yêu cầu là học hai buổi/ngày và đảm bảo sĩ số học sinh/lớp nên "rất áp lực". Tuy vậy, quận Bình Tân cũng tìm cách tăng số lượng phòng học mới trong trường cũ, xây trường mới...

Cũng áp lực "kinh khủng" về trường lớp, quận 12 (TP.HCM) đến nay chỉ có 3/23 trường tiểu học đảm bảo được sĩ số 35 học sinh/lớp. Đó là các trường tiểu học Nguyễn Khuyến (trường đạt chuẩn quốc gia), Võ Thị Sáu (trường tiên tiến hội nhập quốc tế) và Nguyễn An Khương (đang xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia).

Giải pháp đang được quận 12 áp dụng để đảm bảo sĩ số học sinh/lớp trong thời gian qua và tiếp tục áp dụng trong thời gian tới, gồm: đẩy nhanh xây dựng trường lớp, dành đất, rà soát quy hoạch bổ sung đất giáo dục. "Chúng tôi đang làm và làm quyết liệt cho các công việc này" - đại diện UBND quận 12 khẳng định với Tuổi Trẻ.

Trả lời Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận rằng TP.HCM đang cố gắng và nỗ lực trong việc thực hiện điều lệ trường tiểu học cũng như thực hiện chương trình 2018 với quy định 35 học sinh/lớp và đảm bảo học hai buổi/ngày. 

Trong các giải pháp, TP.HCM thực hiện linh hoạt các giải pháp để tháo gỡ từ từ các khó khăn về sĩ số. Trong đó, các trường linh hoạt tổ chức hình thức các lớp học. Riêng đối với những trường theo mô hình trường tiên tiến hội nhập và chuẩn quốc gia thì đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp và thực hiện hai buổi/ngày.

Hà Nội: vẫn còn các trường 50 học sinh/lớp

Là địa phương có số học sinh đông nhất cả nước ở nhiều cấp học, việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội đặt ra trong nhiều thập niên qua. 

Theo số liệu của Hà Nội, năm học 2024-2025 thành phố tuyển mới 100.000 trẻ vào nhà trẻ, 52.000 trẻ vào lớp mẫu giáo, khoảng 145.000 học sinh vào lớp 1 và 160.000 học sinh vào lớp 6.

So với hai năm trước, khi số học sinh Hà Nội "đạt đỉnh" về mức tăng ở tất cả các cấp học thì năm học này, số học sinh đều giảm dần. Nếu chỉ tính học sinh vào lớp 1 thì năm học 2024-2025 giảm trên 900 học sinh. 

Nhưng so sánh số học sinh hết lớp 5 đã chuyển cấp (159.000) và số mới tuyển (145.000) thì bậc tiểu học Hà Nội giảm 14.000 học sinh. Việc này cũng giúp Hà Nội "giảm nhiệt" về sĩ số ở bậc tiểu học.

Nhìn lại khoảng 10 năm trước, nay sĩ số bình quân học sinh/lớp các cấp của Hà Nội đã giảm nhiều. Cụ thể từ chỗ phổ biến trên dưới 60 học sinh/ lớp ở tiểu học, hiện tại sĩ số bình quân chỉ còn trên 38 học sinh/lớp. Từ chỗ trên 50 học sinh/lớp ở THCS thì hiện bình quân là trên 40 học sinh/lớp. 

Thay đổi này là một nỗ lực rất lớn nhưng so với quy định của Bộ GD-ĐT thì "sĩ số 35 học sinh/lớp vẫn chỉ là mục tiêu để phấn đấu" như chia sẻ của một số trưởng phòng GD-ĐT ở Hà Nội.

Theo số liệu của Phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội), hiện Hà Nội có quận Hoàn Kiếm đã đảm bảo quy định 35 học sinh/lớp với 100% trường tiểu học. Quận Hai Bà Trưng cũng tương đối ổn định trong nhiều năm qua nhưng sĩ số bình quân học sinh tiểu học vẫn là 37 học sinh/lớp. 

Những điểm nóng ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy thì mục tiêu đạt 35 học sinh/lớp còn xa. Có một số trường sĩ số học sinh tiểu học vẫn trên dưới 50 học sinh/lớp.

Rà lại trên kế hoạch tuyển sinh lớp 1 của nhiều trường công lập "hot" ở Hà Nội, sĩ số học sinh được công bố công khai ở mức bình quân 48-50 học sinh/lớp. Ví dụ như Trường tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) trung bình 50 học sinh/lớp, Trường tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) có lớp lên tới 48 học sinh/lớp. 

Ở quận Hoàng Mai, một trong các điểm nóng tuyển sinh của Hà Nội, các trường tiểu học Hoàng Liệt, Chu Văn An chỉ có 45-47 học sinh/lớp, nhưng cơ sở vật chất để học hai buổi/ngày của các trường này đều chưa đảm bảo. Học sinh học 10 buổi/tuần, vẫn phải học luân phiên vào ngày thứ bảy hằng tuần.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông, cho biết mặc dù Hà Đông đã hạ nhiệt so với các năm trước nhưng tình trạng căng thẳng trong tuyển sinh đầu cấp vẫn chưa hết. Trung bình sĩ số học sinh tiểu học của quận này là 42 học sinh/lớp nhưng thực tế có những trường sĩ số cũng chạm mức trên dưới 50 học sinh/lớp.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, chỉ tính riêng năm học trước Hà Nội xây mới 30 trường học. Có những huyện ngoại thành như Đông Anh xây năm trường mới. Nhiều trường học đã áp dụng các giải pháp tăng tối đa diện tích phòng học. 

Để đảm bảo quy định, các trường đã di dời phòng làm việc, phòng chức năng lên tầng cao nhất hoặc xuống tầng hầm để dành các tầng 1, 2, 3 sử dụng tối đa cho lớp học.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Năm học mới sắp bắt đầu, nhưng vẫn ngổn ngang nỗi lo thừa, thiếu giáo viên; lớp học quá tải học sinh… Đây cũng chính là khoảng thời gian khiến phụ huynh lo lắng, nhiều tâm tư khi đối mặt với việc làm thế nào để cân đối tài chính cho việc...
1 tháng trước - Năm học mới 2024 - 2025 là năm học quan trọng của TP.HCM khi không chỉ đối mặt với bối cảnh của sự gia tăng dân số mà còn là năm thực hiện nhiệm vụ cấp bách xây dựng trường lớp để kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.
1 tháng trước - Bộ GD-ĐT yêu cầu năm học mới 'không thành lập trường liên cấp mầm non - tiểu học'.
1 tháng trước - TP.HCM có 561 trường tiểu học và trường phổ thông nhiều cấp học có cấp tiểu học (bao gồm công lập và ngoài công lập). Bao nhiêu học sinh được học 2 buổi/ngày?
1 tháng trước - Toàn TP.HCM có 1.248 trường mầm non; 1.955 nhóm, lớp độc lập tư thục; 29 cơ sở giáo dục mầm non có yếu tố nước ngoài.
Xem tin bài khác
59 phút trước - Bắt đầu từ năm 2025, tất cả cơ sở giáo dục ĐH phải bảo đảm đạt được tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí chuẩn cơ sở giáo dục ĐH theo Thông tư 01 ban hành đầu năm 2024. Tuy nhiên, trong đó, rất nhiều trường ĐH có đào tạo tiến sĩ khó có thể đáp ứng...
1 giờ trước - Cả trăm trường học vẫn chưa thể hoạt động trở lại sau bão lũ. Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo các giải pháp linh hoạt như đưa học sinh đến trường khác học nhờ, huy động giáo viên trường bạn hoặc giáo viên đến nhà dạy học sinh.
5 giờ trước - MỸ - Sau khi cùng con “đánh vật“ với mấy trang bài tập rồi cả hai òa khóc vì quá căng thẳng, người mẹ quyết định gửi thư cho giáo viên bày tỏ quan điểm không muốn cô giao bài tập về nhà cho con tuổi mẫu giáo.
6 giờ trước - Em thấy không hợp với Luật nên đang tìm hiểu ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, mong mọi người cho lời khuyên.
7 giờ trước - Đó là chia sẻ của ông Luke Turner, giám đốc điều hành Trường song ngữ quốc tế Emasi Nam Long, TP.HCM, về việc tổ chức "Tuần lễ sẻ chia" hướng về vùng bão lũ cho học sinh.