ttth247.com

Năm học mới với học sinh đặc biệt

Những con số trên được thống kê dựa trên những trẻ đã có giấy xác nhận khuyết tật, còn lại nhiều trẻ gia đình không chấp nhận cho con là trẻ đặc biệt, và từ chối việc "làm giấy" cho con.

ĐỨA TRẺ SAY MÊ QUẠT ĐIỆN VÀ CÔNG TẮC ĐIỆN

Đã trải qua nhiều vai trò, từ giáo viên (GV) tới phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, cô Hà Thị Lương, hiện là Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Trụ (Q.Tân Bình, TP.HCM), đặc biệt lưu tâm tới vấn đề giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại trường tiểu học.

Năm học mới với học sinh đặc biệt- Ảnh 1.

Giáo viên Trường mầm non 6 (Q.3, TP.HCM) trong giờ can thiệp nhóm cho trẻ đặc biệt học hòa nhập, phụ huynh cùng dự để học cách chơi cùng con

ẢNH: KIM KHÁNH

"Hiện nay, tôi thấy đa số các trường tiểu học có học sinh (HS) khuyết tật học hòa nhập. Tôi đã giảng dạy, làm công tác quản lý ở 4 trường tiểu học trên địa bàn Q.Tân Bình. Các trường này đều có HS khuyết tật học hòa nhập, các bé có đủ giấy xác nhận khuyết tật. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp biểu hiện, hành vi bất thường trong phát triển so với các bạn đồng trang lứa nhưng cha mẹ các em không chấp nhận, không cho bé đi làm các đánh giá cần thiết và làm giấy tờ cho bé", cô Lương nói.

"Chúng tôi rất thương các bạn nhỏ và đồng cảm với phụ huynh. Có những bạn khuyết tật học hòa nhập có điều kiện kinh tế gia đình rất ổn, nhưng có những bạn hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Trong các đợt tặng học bổng, hay có quà tài trợ từ các nhà hảo tâm, chúng tôi đều bố trí để các em được nhận, động viên các em và gia đình", cô Lương chia sẻ.

Năm học 2021 - 2022, Trường tiểu học Tân Trụ có 13 em học hòa nhập; năm học 2022 - 2023 có 9 em, năm học 2023 - 2024 có 9 em và năm học này có 7 em. Cô Hà Thị Lương, người có hơn 20 năm công tác trong nghề, cho biết hiện nay có rất nhiều dạng tật mà trẻ có thể gặp phải, không thể chỉ quan sát vài ba lần, hoặc nhìn bằng cặp mắt chủ quan, vội vàng. Tất cả đều cần các GV quan sát, ghi chép thông tin trong một thời gian dài, sau đó gặp gỡ người thân của HS để trò chuyện, trao đổi, khuyến khích phụ huynh đưa con đến các cơ sở y tế, cơ quan đơn vị có thẩm quyền để thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá xác định mức độ khuyết tật, rồi sau đó mới có thể kết luận tình trạng của trẻ.

"Hôm ấy là giờ ra chơi, các HS chạy ùa ra sân, riêng có một bạn nhỏ lớp 1 chạy vào phòng làm việc của tôi, đứng im, chăm chú quan sát say mê chiếc quạt điện và công tắc bóng điện, rồi bất ngờ cậu trèo lên ghế bật tắt công tắc liên hồi. Tôi nói GV chủ nhiệm phải để ý cậu học trò này, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho em khỏi các thiết bị điện. Đồng thời, tôi nhắc GV vào năm học mới hãy cứ bình tĩnh quan sát hành vi của trò, điều này có vai trò quan trọng để sau này các GV trao đổi với phụ huynh", cô Lương cho hay.

Không cha mẹ nào muốn đứa con mình sinh ra gặp một dạng tật nào. Không một cha mẹ nào dễ dàng chấp nhận con có tờ giấy xác nhận khuyết tật. Nhưng mưa dầm thấm lâu, tôi tâm sự với phụ huynh, mình cho con đi học thì đều mong con tiến bộ, con đạt được các mục tiêu giáo dục. Nhưng nếu không "làm giấy" cho con, người thiệt thòi nhất là đứa trẻ.

Cô Hà Thị Lương (Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Trụ, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Qua nhiều lần quan sát, GV chủ nhiệm tư vấn với phụ huynh, bạn nhỏ lớp 1 nói trên (năm nay vào lớp 2) đã được gia đình cho đi đánh giá và có giấy xác nhận khuyết tật.

Theo cô Lương, nếu trẻ có giấy xác nhận khuyết tật, các em được đánh giá kết quả học tập, giáo dục phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật, hoặc theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân.

"Không cha mẹ nào muốn đứa con mình sinh ra gặp một dạng tật nào. Không một cha mẹ nào dễ dàng chấp nhận con có tờ giấy xác nhận khuyết tật. Nhưng mưa dầm thấm lâu, tôi tâm sự với phụ huynh, mình cho con đi học thì đều mong con tiến bộ, con đạt được các mục tiêu giáo dục. Nhưng nếu không "làm giấy" cho con, người thiệt thòi nhất là đứa trẻ. Các con không được có kế hoạch giáo dục cá nhân, không được làm bài kiểm tra đề riêng với mức độ đánh giá riêng… Lâu dần con càng gặp khó khăn trong học tập, cha mẹ càng đuối sức", cô Lương bộc bạch.

Học sinh học hòa nhập và giáo viên dạy hòa nhập có chế độ như thế nào?

Theo quy định hiện hành, HS là trẻ khuyết tật học hòa nhập trong cơ sở giáo dục công lập (có giấy xác nhận) được miễn học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Các HS này được đánh giá, làm bài kiểm tra cuối học kỳ riêng, tùy thuộc vào năng lực, độ khuyết tật của trẻ. GV chủ nhiệm xây dựng đề kiểm tra, ban giám hiệu duyệt.

Tại các trường tiểu học công lập ở TP.HCM, ban giám hiệu mỗi trường thường phân bổ, sắp xếp danh sách lớp không để quá 2 HS hòa nhập/lớp (thường là 1 em học hòa nhập/lớp).

GV dạy HS khuyết tật được hưởng các khoản phụ cấp quy định theo điều 7 Nghị định số 28/2012.

ĐỘNG VIÊN giáo viên NGHIÊN CỨU VỀ DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT HÒA NHẬP

Tại Trường tiểu học Đông Ba (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), trẻ khuyết tật được tạo điều kiện để hòa nhập cùng các bạn đồng trang lứa; được tham gia các hoạt động giáo dục, lễ hội, phong trào của nhà trường; cùng sinh hoạt trong tập thể lớp. Điều này giúp các kỹ năng xã hội của HS tiến bộ hơn. GV được tham gia các lớp tập huấn dạy trẻ khuyết tật do Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT tổ chức. Thư viện trường còn lưu những đầu sách nghiên cứu tìm hiểu tâm sinh lý cũng như phương pháp dạy trẻ khuyết tật, khuyến khích các GV nghiên cứu.

Hiện nay, Trường tiểu học Đông Ba có 21 HS khuyết tật học hòa nhập, trong đó có 16 em dạng khuyết tật trí tuệ. Đại diện nhà trường cho biết thực tế con số này có thể nhiều hơn.

Năm học mới với học sinh đặc biệt- Ảnh 2.

Học sinh là trẻ đặc biệt tại một trường ngoài công lập tại TP.HCM, các em có shadow teacher (giáo viên đi theo) hỗ trợ

Ảnh: PHƯƠNG HÀ

Vậy với những HS "không có giấy", nhà trường làm gì để hỗ trợ các em? Ban giám hiệu cho hay các cán bộ quản lý đều nắm tình hình các trường hợp HS của từng lớp, không tạo áp lực về chỉ tiêu, thi đua đối với GV chủ nhiệm. Bên cạnh đó, cùng với GV chủ nhiệm vận động, giải thích cho phụ huynh hiểu để quan tâm sức khỏe của trẻ, cho con đi đến các cơ sở y tế uy tín để giám định sức khỏe.

"Đồng thời, thầy cô trong ban giám hiệu thẩm định và duyệt đề kiểm tra, cùng với tổ chuyên môn nghiên cứu các hình thức đánh giá HS phù hợp năng lực, tình trạng sức khỏe của HS, trên tinh thần động viên, khuyến khích sự tiến bộ của HS", đại diện Trường tiểu học Đông Ba cho biết.

Tập huấn để giáo dục trẻ hòa nhập hiệu quả

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2023 - 2024 có 100% trường tiểu học đảm bảo các điều kiện để trẻ em khuyết tật được tiếp cận với giáo dục, được học tập bình đẳng và hòa nhập cộng đồng. 100% HS khuyết tật được giảng dạy và chăm sóc theo kế hoạch giáo dục cá nhân.

Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức tập huấn các chuyên đề như "Hướng dẫn kỹ năng quản lý hành vi của trẻ khuyết tật học hòa nhập"; "Xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập thân thiện, bình đẳng, an toàn, thuận lợi cho sự phát triển và hòa nhập cộng đồng"; "Nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục chuyên biệt"...

Năm học 2024 - 2025, Sở GD-ĐT TP.HCM đặt nhiệm vụ sẽ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đối với trẻ khuyết tật, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục người khuyết tật tại địa phương theo luật Người khuyết tật 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường giáo dục hòa nhập.

"Việc tổ chức dạy học cho HS khuyết tật phải được thực hiện trên cơ sở kế hoạch giáo dục phù hợp nhu cầu và khả năng của HS khuyết tật. Tổ chức tập huấn cho GV dạy HS khuyết tật học hòa nhập. Tích cực tham mưu với UBND TP chỉ đạo thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập nhằm thúc đẩy công tác giáo dục hòa nhập ở TP.Thủ Đức và từng quận, huyện. Đối với những nơi có cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, đồng thời xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và khả năng của HS khuyết tật…", lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu các nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
3 tuần trước - Hôm nay 26.8, học sinh cả nước tựu trường năm học mới. Vấn đề dạy thêm tràn lan vốn chưa bao giờ hết nhức nhối nay lại nóng hơn khi Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo quy định mới với nhiều ý kiến trái chiều.
1 tuần trước - Sáng 5.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khai giảng cùng các thầy cô giáo, học sinh tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường dạy hòa nhập học sinh không khuyết tật với học sinh khiếm thị duy nhất tại Hà Nội.
1 tuần trước - Một buổi lễ khai giảng đặc biệt đã được Vinamilk tổ chức cho các học sinh tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre như một món quà ý nghĩa đón các em đến trường đầu năm học mới.
2 tuần trước - Sáng 5.9, hơn 1,7 triệu trẻ mầm non, học sinh tiểu học đến THPT tại TP.HCM đã tham dự lễ khai giảng và chính thức bước vào năm học mới với chủ đề đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm.
2 tuần trước - 'Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc bạn có thể làm hôm nay' là lời nhắn nhủ đến học sinh Trường phổ thông liên cấp Marie Curie Hà Nội, nhân ngày khai giảng năm học mới.
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
2 giờ trước - Huân chương Cành cọ hàn lâm ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Phan Thị San Hà trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm CARE, cũng như bồi đắp mối quan hệ giữa Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và các đối tác Pháp.
3 giờ trước - Ớn lạnh, nổi gai ốc, không dám xem hết hình ảnh, video... là những cảm giác của những người tham gia buổi tập huấn, khi nghe trung tá Bùi Thái Đức, chuyên viên chính Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM điểm lại những vụ bạo hành trẻ em chấn...
3 giờ trước - Nhiều sinh viên có sản phẩm đăng trên báo Tuổi Trẻ, một số sinh viên xuất sắc có tư duy đề tài và hoàn thiện sản phẩm truyền thông như phóng viên.
3 giờ trước - Khóa học do các chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS)... hướng dẫn.