ttth247.com

Người dân ven sông Cầu: 'Chưa từng thấy trận lũ nào khủng khiếp đến thế'

Sống ở ven sông Cầu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã 50 năm, ông Bình chưa từng chứng kiến trận lũ nào khủng khiếp đến thế, làng trên xóm dưới hỗn loạn chạy lũ.

Giữa trưa 12/9, ông Nguyễn Văn Bình bơi chiếc thuyền nan từ đầu cánh đồng thôn Hòa Bình, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, cầm theo "cơm thừa, canh cạn" về nhà ở ven thôn để cho chó, gà ăn. Đây là công việc quen thuộc ba ngày nay của ông Quỳnh khi cả thôn chìm trong biển nước.

Nhớ lại đêm chạy lũ "kinh hoàng", ông Bình kể do ảnh hưởng của bão Yagi nên Sóc Sơn mưa lớn, mực nước sông Cầu lên báo động. Nhà vùng thấp, lại chỉ cách sông chừng một km nên ông đã đưa ra các kịch bản xấu nhất để ứng phó.

Khi nước sông tràn bờ, len lỏi vào đường làng tối 9/9, vợ chồng ông Bình cùng hai con trai lắp từng tấm phản, thanh gỗ tạo thành một tầng lửng cao hơn 4 m. Người đứng trên, người đứng dưới, xếp thành từng bậc chuyền tay nhau hơn bốn tạ thóc cất cả lên đây. Do đã chật nên tivi, tủ lạnh, đồ gia dụng, ông đành cất ở gác xép cách sàn nhà gần 3 m.

Song tất cả đều nằm ngoài dự tính, từ rạng sáng 10/9, lũ về "như thác đổ" khiến ông trở tay không kịp. Tình huống xấu nhất cuối cùng đã đến, ông đành nhờ người chở vợ và hai con ra ngoài đầu làng, nơi cao nước không thể tràn đến. Hôm đó, trời mưa xối xả, cả làng trên xóm dưới hối hả chạy lũ tạo nên khung cảnh "hỗn loạn chưa từng thấy".

Ông Nguyễn Văn Bình chèo thuyền về thăm nhà, trưa 12/9. Ảnh: Phạm Dự

Ông Nguyễn Văn Bình chèo thuyền về thăm nhà, trưa 12/9. Ảnh: Phạm Dự

Tài sản giá trị nhất lúc này với ông chỉ là cặp bò mới sinh, đang gửi ở nhà hàng xóm, nơi ông thấy an toàn vì cao hơn nhà mình. Ông bấm gọi cứu trợ khắp nơi song đều máy bận. Sau hàng chục cuộc điện thoại, ông nhờ được một thuyền máy vào ngõ chở hai con bò vượt 2 km nước lũ, di tản ra làng kế bên.

Tất tưởi bơi thuyền giữa mưa lớn để trở lại nhà lúc gần trưa, nhà ông chỉ hở tầm 2 m tính từ mái, xung quanh toàn là nước đục ngàu. Nước chớm đến "kho thóc", còn lại toàn bộ đồ gia dụng, chiếc xe máy bị ngâm trong lũ.

Nhà ông Bình ở ven thôn Hòa Bình, dải đất có hơn hai chục nóc nhà. Khi lũ lên, nước tràn qua cổng sắt, chỉ chừa lại mấy ngọn khế và những căn nhà hai tầng vọt lên khỏi mặt nước. Muốn vào sân nhà, ông phải bơi thuyền nan và cúi thấp người để không mắc vào dây điện hoặc chạm vào mái cổng.

Ông Bình nhớ năm 2001 từng có trận lũ tràn vào thôn song chỉ ngập chừng hơn một mét và nước rút nhanh sau vài ngày, không gây thiệt hại gì lớn. Còn lại ông chưa từng chứng kiến trận lũ nào khủng khiếp đến thế, không ai kịp trở tay. Lũ lên rất nhanh, chỉ vài tiếng đã nhấn chìm cả làng. Nhiều nhà chỉ còn hở mái.

Chẳng biết bão cấp mấy là gì, gió giật cấp mấy ra sao, nhưng bằng kinh nghiệm của người con sông nước, ông Bình có thể đoán khi nào lũ lên. Sau mưa như trút nước ở các tỉnh miền Bắc do ảnh hưởng của bão Yagi, ông đoán ngay lũ sẽ về, song "không dám tin nó lại kinh hoàng đến vậy".

Mong nhất lúc này với ông Bình là nước sớm rút để dọn dẹp, trở lại cuộc sống bình thường. Ba ngày qua lội nước nhiều, chân tay ông nhăn nheo, mẩn đỏ. "Nếu nước cứ ngập thêm nhiều ngày nữa, tôi chỉ sợ căn nhà gỗ 5 gian xây từ năm 1976 sẽ không chịu nổi mà đổ sập. Lúc đó thì đúng là trắng tay", ông nói.

Chèo thuyền giữa thôn Hòa Bình, xã Trung Giã. Ảnh: Nguyễn Đông

Chèo thuyền giữa thôn Hòa Bình, xã Trung Giã. Ảnh: Nguyễn Đông

Xã Trung Giã nằm phía đông bắc của huyện Sóc Sơn, giáp tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang. Thôn Hòa Bình và An Lạc của xã nằm ven bờ sông Cầu, bao quanh là ruộng đồng nên là hai nơi ngập sâu nhất huyện Sóc Sơn. Từ rạng sáng 10/9, mực nước sông Cầu, sông Cà Lồ lên nhanh, nhấn chìm gần hết cả hai thôn.

Thôn An Lạc có ít nhất 364 hộ với gần 1.500 nhân khẩu bị ảnh hưởng, còn thôn Hòa Bình là 169 hộ với gần 700 nhân khẩu. Hầu hết nhà văn hóa, nghĩa trang chỉ còn nhìn thấy phần biển hiệu nhô lên khỏi mặt nước.

Người dân, lực lượng cứu hộ phải đi lại bằng thuyền trên đường làng hoặc băng qua các cánh đồng do chỗ sâu nhất ngập lên đến 6 m. Những cánh đồng của thôn ba ngày nay vô tình biến thành bến đò - nơi tập kết xuồng đi vào làng cứu trợ, đưa lương thực, đón người dân đến nơi tập kết hoặc dân làng đi về nhà.

Cách nhà ông Bình chưa đầy 100 m, căn nhà hai tầng của gia đình chị Cao Thị Hiền, 39 tuổi, cũng chỉ còn tầng hai ngoi lên khỏi mặt nước. Sáng 10/9, khi nước lũ ngập đường, biết không chống được, vợ chồng chị hò nhau khênh đồ điện tử giá trị lên tầng hai.

Không đủ sức và nhân lực nên chị đành bỏ bàn ghế, tủ lạnh ngâm nước. "Còn nước là còn tát, còn người là còn của", vợ chồng chị Hiền pha trò cho hai đứa con khỏi chán trong lúc mắc kẹt trong nhà.

10 năm trước khi xây nhà mới cách sông khoảng 300 m, vợ chồng chị vay mượn khắp nơi để làm phần móng nhà cao hơn mặt bằng chung và xây hai tầng để "phòng thân nếu lũ về". Năm 2001, nước lũ dâng cao chỉ tràn chưa đầy 5 cm vào sân nhà chị. "Cẩn thận vậy mà vẫn chẳng đua được với lũ", chị Hiền nói khi đang cùng hai con, một trai, một gái, trên xuồng cứu hộ rời nhà ra nhà văn hóa trú tạm sau ba ngày ở tầng hai. Chồng chị vẫn quyết ở lại nhà trông coi đồ đạc.

Bé Kem, 8 tháng tuổi, con của Nguyễn Thị Hương Mai được lực lượng chức năng đưa lên xuồng. Ảnh: Phạm Dự

Bé Kem, 8 tháng tuổi, con của Nguyễn Thị Hương Mai được lực lượng chức năng đưa lên xuồng. Ảnh: Phạm Dự

Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hương Mai, 22 tuổi vẫn không thể quên cảnh lũ nhấn chìm cả làng quê chồng trong vài giờ. Ba ngày qua, gia đình 5 người vẫn sống trên tầng hai ngôi nhà với đống đồ ăn tích trữ nhiều ngày trước. Song mất điện, nước dùng tiết kiệm từng giọt khiến Kem, đứa con gái 8 tháng tuổi, nhiều lúc khóc thét vì nóng.

Đến tối 12/9, được sự trợ giúp của lực lượng cứu hộ, chị Mai từ tầng hai tuồn đồ xuống mái tôn tầng một nhờ cầm giúp. Hai mẹ con bồng nhau, lội nước dò từng bước leo lên chiếc thuyền nan nhỏ đỗ trước cửa nhà. Sau vài mét ra đến đường làng, Kem được cảnh sát đón lên xuồng máy còn chị Mai bám vào thành xuồng leo lên sau. Hai mẹ con về nhà mẹ đẻ, nơi không bị ảnh hưởng bởi lũ.

"Lo xa" hơn những người hàng xóm trong làng, ba ngày trước khi có dấu hiệu lũ về, anh Đào Xuân Lượng, 37 tuổi, trú thôn Hòa Bình, dựng giàn giáo cao 2 m trên hiên để cất giữ gần hai tấn thóc. Cùng lúc, anh thuê xe tải chở hơn trăm con gà, cùng đàn lợn và bò về nhà người thân cách đó gần 10 km gửi nhờ.

Lo ổn thỏa cho vợ con, tài sản, hai ngày qua anh Lượng chèo thuyền băng qua các cánh đồng đến các điểm tiếp tế để nhận cơm, nước uống, sữa, đưa về cứu trợ dân làng. Hết giờ cơm, anh lại chèo thuyền quanh làng đưa hàng xóm cần di tản ra nơi an toàn.

Không chỉ anh Lượng, nhiều người dân làng Hòa Bình, An Lạc tự chèo thuyền hỗ trợ lẫn nhau ngày nước lũ. "Ở đây sống ven sông, làm nghề chài lưới nên nhiều người biết chèo thuyền. Với tinh thần lá lành đùm lá rách nên mọi người, không ai bảo ai, đều tự động giúp đỡ nhau vượt qua lúc nguy nan", anh kể.

Anh Đào Xuân Lượng tranh thủ kiểm tra kho thóc của gia đình. Ảnh: Nguyễn Đông

Anh Đào Xuân Lượng tranh thủ kiểm tra kho thóc của gia đình. Ảnh: Nguyễn Đông

Con đường từ gầm cầu cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dẫn vào thôn An Lạc dài khoảng 3 km. Ba ngày nay, tuyến đường liên thôn này chìm trong biển nước. Lữ đoàn 971 đã huy động 4 xe chuyên dụng gầm cao, có thể di chuyển qua những vùng nước sâu một mét để vào thôn An Lạc giúp sơ tán dân. Công an huyện Sóc Sơn tăng cường xe, xuồng, phao cứu hộ đến An Lạc.

Ngoài con đường lớn độc đạo dẫn vào làng, phía trong các khu dân cư hầu hết là đường nhỏ, chỉ thuyền nhỏ, xuồng máy di chuyển được. Xe chuyên dụng băng qua những đoạn đường ngập, đứng chờ ở Cầu Vát để các lực lượng cứu trợ dùng canô, xuồng sơ tán người dân tại các điểm ngập 3-4 m ra ngoài, sau đó đưa về trường học xã Trung Giã ở tạm.

Sáu ngày sau bão Yagi, miền Bắc ngập lụt chưa từng thấy. Nhiều nơi chìm trong biển nước, giao thông bị chia cắt, trong khi mực nước nhiều sông lớn vượt ngưỡng lịch sử.

VnExpress mở chiến dịch "Chung tay cùng đồng bào vùng bão lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tuần trước - Lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về trong 2 ngày qua rất lớn, người dân tại 2 huyện Hạ Hòa và Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đang phải căng mình chống chọi với dòng nước lũ.
5 ngày trước - Căn nhà gỗ 5 gian chìm trong nước lũ, ba ngày nay ông Nguyễn Văn Bình ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn vẫn bơi thuyền về nhà cho chó, gà ăn.
5 ngày trước - Căn nhà gỗ 5 gian chìm trong nước lũ, ba ngày nay ông Nguyễn Văn Bình ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn vẫn bơi thuyền về nhà cho chó, gà ăn.
5 ngày trước - Bàn chân nhăn nheo, mẩn đỏ sau ba ngày ngâm nước, ông Nguyễn Văn Bình, huyện Sóc Sơn vẫn chèo thuyền về nhà vì còn lũ chó, gà và lo căn nhà ngói 5 gian đổ sập.
6 ngày trước - Năm ngày sau bão Yagi, miền Bắc chìm trong cảnh tượng hoang tàn chưa từng thấy. Nhiều tỉnh thành bị nhấn chìm trong biển nước, giao thông cắt đứt trong khi mực nước nhiều sông lớn vượt ngưỡng lịch sử.
Xem tin bài khác
8 phút trước - Theo chuyên gia khí tượng, do hoàn lưu của bão số 4 kết hợp với gió mùa tây nam mạnh nên ngoài khu vực bão đổ bộ, các khu vực như Tây nguyên, miền Nam vẫn chịu ảnh hưởng.
8 phút trước - Ngày 18.9, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
8 phút trước - Một người dân ở Bình Định phát hiện 2 con tê tê quý hiếm đang nằm trong hốc cây ở sau nhà liền bắt lại, giao nộp cho kiểm lâm.
8 phút trước - Do ảnh hưởng của bão số 4, Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) đã cho tạm dừng khai thác các chuyến bay từ 15 giờ đến 22 giờ ngày hôm nay 19.9.
8 phút trước - Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho biết trong giai đoạn 2024 - 2026, TP.HCM xác định 4 định hướng lớn, gồm: đưa nền hành chính, quản trị thực thi hoạt động trên nền tảng số; chuyển đổi số các ngành; xây dựng giải pháp, dịch...