ttth247.com

Người Hà Nội sốc vì phố phường tan hoang sau bão Yagi

8 tiếng kể từ khi hai cây phượng và xà cừ cổ thụ liên tiếp đổ xuống, đè vào chiếc ôtô đỗ trước cửa nhà, anh Lê Tú, 55 tuổi, vẫn chưa hết bàng hoàng.

17h30 ngày 7/9, nam tài xế taxi về nhà ở phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, sau cuốc xe cuối cùng. Anh Tú đỗ chiếc ôtô sát cửa, cách hai cây cổ thụ trồng trên vỉa hè chừng một mét. Gia đình ba đời sống trên phố cổ, trải qua hàng chục cơn bão lớn nhỏ, anh Tú nghĩ cây to, rễ lớn, bám sâu, không lo đổ.

30 phút sau, một tiếng rắc lớn xé ngang tai, anh Tú chạy ra cửa thấy cành của cây phượng rơi thẳng xuống khiến kính lái của ôtô vỡ vụn. Gia đình khuyên anh nên di chuyển xe lên trên để tránh thiệt hại, nhưng thấy ngoài trời gió lớn, cây cối ngả nghiêng, anh Tú chần chừ. Chưa kịp hành động thì một tiếng uỳnh thứ hai dội đến. Cây xà cừ cổ thụ hơn 40 năm tuổi, thân bằng hai người ôm, bật gốc đè lên khiến chiếc xe bẹp rúm.

Tiếc chiếc xe là cần câu cơm của gia đình nhưng anh Tú cũng thấy may vì đã không lên xe. ''Lúc đó tôi mà ở trên xe chắc khó sống", nam tài xế nói.

Không chỉ hai cây cổ thụ trước cửa nhà, hàng chục cây khác trên cùng phố Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) cũng đổ rạp, nhẹ thì gãy cành, nặng thì gãy đôi hoặc bật gốc.

"Cảnh tượng hoang tàn như sau một trận bom rải thảm, lần đầu tôi mới được chứng kiến", anh Tú nói.

Đến 12h ngày 8/9, khắp phố Quán Sứ vẫn ngổn ngang bởi cây xanh đổ gãy, nhiều cây nằm ngang đường chưa được dọn dẹp. Người dân di chuyển qua phố buộc phải đi lên vỉa hè.

Anh Lê Tú, 55 tuổi, đứng bất lực bên cạnh chiếc ôtô của gia đình bị cây đè ngang, bẹp rúm, trưa 8/9. Ảnh: Thanh Nga

Anh Lê Tú, 55 tuổi, đứng bất lực bên cạnh chiếc ôtô của gia đình bị cây đè ngang, bẹp rúm, trưa 8/9. Ảnh: Thanh Nga

Cách nhà anh Tú chừng một km, tại phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, bà Nguyễn Nghĩa, 64 tuổi, cùng người thân đang làm lại đường ống sau khi cây me gần 100 năm tuổi trồng trước cửa nhà bật gốc.

"Cái thân cây phải ba người ôm, tán tỏa rộng che bóng mát cho các hộ dân sống trong con phố này. Nhưng nay thì chẳng còn, cây đổ rạp khắp nơi, đổ nát như thời chiến tranh. Giờ thì tang hoang hết", bà Nghĩa kể.

Cái cây đổ khoảng 12h trưa 7/9. Sau tiếng gió rít, họ nghe thấy tiếng đổ ầm, một số nhà cảm nhận được độ rung. Khi chạy ra ngoài mới biết cây đổ ngang đường, nhưng giữa trời giông lốc không thể làm gì, họ đành lui vào trong nhà trú ẩn.

Một người dân trên phố Hàng Trống sửa lại đường ống nước sau khi cây me trước cửa nhà bật gốc, trưa 8/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Một người dân trên phố Hàng Trống sửa lại đường ống nước sau khi cây me trước cửa nhà bật gốc, trưa 8/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

6h sáng, anh Trần Đức Anh, 42 tuổi, mở cửa nhà, đập vào mắt là cảnh tượng ''tưởng chỉ có trong phim'', khi cây cối tan tác, gãy đổ la liệt, không chỗ len chân.

Đêm qua, ngồi trong nhà, anh Đức Anh, sống tại một khu đô thị cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km gần như không ngủ vì gió giật, những cây cổ thụ trước nhà rung lắc mạnh. Anh lo cho mẹ sống trên tầng cao chung cư, lại sợ cây đổ xuống nhà nên không ngủ. ''Hơn 40 năm sống ở Hà Nội, tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào khủng khiếp như vậy'', anh nói.

Đoán là thiệt hại sẽ nặng, nhưng sáng nay Đức Anh vẫn không thể hình dung tàn phá của bão Yagi lại nghiêm trọng đến vậy.

Cây cối hai bên đường đổ rạp. Những cây cổ thụ to từng là nơi ngồi hóng mát, tập thể dục của cư dân đều bị bão quật tan tác. Ôtô, xe máy không thể di chuyển. Để đi bộ, anh Đức Anh cũng phải len chân qua rất nhiều cành cây, thân cây lớn.

''Quá đau lòng khi bao nhiêu cây xanh thân thuộc gục ngã trên đường'', anh kể.

Khảo sát của VnExpress vào trưa 8/9 hầu hết tuyến đường tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm cây xanh bị đổ rạp sau bão vẫn đang ngổn ngang.

Theo người dân, nhiều cây xanh đổ ngang đường, chắn lối đi đã được lực lượng chức năng cưa nhỏ, xếp gọn vào hai bên vỉa hè chờ thu dọn. Số khác bị bật gốc, đổ vào nhà dân, nên đang chờ lực lượng cứu hộ hỗ trợ.

Sáng 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết có khoảng 17.000 cây gãy đổ trên địa bàn. Các phố quanh Hồ Gươm, hơn chục cây lâu năm gãy đổ.

Từng chứng kiến và ghi lại nhiều thước phim trong bão lớn ở Tà Xùa, Sơn La, Huế, Bình Thuận nhưng anh Trần Duy Tiệp, một nhiếp ảnh gia tự do ở Sóc Sơn, sốc nặng với trải nghiệm đêm qua, khi bão Yagi đổ bộ.

Tối qua, khi thấy trên mạng xã hội đăng tin nhiều đường phố ở Hà Nội đổ nát, Tiệp lên mạng xã hội kêu gọi mọi người cùng hỗ trợ lực lượng chức năng dọn dẹp đường phố, lúc gần 2h sáng. ''Tôi ở nhà cũng không ngủ được nên quyết định làm gì đó có ý nghĩa'', chàng trai gen Z, nói.

Vừa hướng đến cầu Nhật Tân, Tiệp thấy một rào chắn ngang lối lên. Mắt mờ đi vì gió và mưa, Tiệp nghĩ cơ quan chức năng làm rào chắn ngăn bão, nhưng lại gần anh mới biết một cổng chào vào trung tâm thành phố đổ ập xuống đường, chắn toàn bộ lối đi.

Tiệp phải quay đầu, đi vòng đường đê để lên cầu vào trung tâm thành phố. Xuất phát từ 1h46 phút, đến 2h30 phút anh mới có mặt ở phố Thụy Khuê.

Vào đến trung tâm Hà Nội, Tiệp thấy hai bên đường tan nát vì cây bung gốc, sập, mái tôn, cửa kính, bạt và rác bay tứ tung trên đường. Đến điểm gần hai con rồng ở Hồ Tây, nước ngập đến nửa xe anh, một cây xanh bật gốc chắn ngang đường. Không thể quay đầu vì sợ chết máy, Tiệp vác xe qua cây đổ để đi tiếp.

''Tôi run lên vì không ngờ cảnh hoang tàn, đổ nát đến vậy. Chỉ cần lơ là một giây thôi là có thể tông vào cây đổ'', Tiệp nói.

Cây đổ gãy trên phố Trích Sài lúc 2h sáng 8/9. Ảnh: Trần Duy Tiệp

Cây đổ gãy trên phố Trích Sài lúc 2h sáng 8/9. Ảnh: Trần Duy Tiệp

Sau khi tập hợp được gần 10 người khác, nhóm của Tiệp theo chân cán bộ phường và cảnh sát giao thông dọn dẹp một số góc trên đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài.

Đi đến đâu anh cũng thấy cây gãy đổ, biển quảng cáo của nhà hàng, doanh nghiệp, cột đèn rơi la liệt bên vệ đường. Có những cây xanh gần chục người mất đến 30 phút mới có thể dọn dẹp xong.

Ngay khi chứng kiến quang cảnh tan tác ở khu đô thị nhà mình, anh Đức Anh lên mạng xã hội kêu gọi cư dân chung tay dọn dẹp, vì tin với sức có hạn của lực lượng chức năng, nhân viên vệ sinh, không biết khi nào đường phố mới quang đãng trở lại.

Một ngày sau cây đổ, bà Nghĩa ở phố Hàng Trống cũng cùng một số hộ dân trên phố đang dọn dẹp, sửa chữa đường ống nước bị vỡ do cây bật gốc. Đường ống vỡ thì có thể sửa lại, nhưng cây đổ gãy rồi, sống qua nửa đời người, bà sợ không còn cơ hội trồng cho cây thành cổ thụ như vậy nữa.

''Dân trong phố tôi ai cũng xót xa", bà nói.

Phạm Thanh Nga - Quỳnh Nguyễn

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tuần trước - 8 tiếng kể từ khi hai cây phượng và xà cừ cổ thụ liên tiếp đổ xuống, đè vào chiếc ôtô đỗ trước cửa nhà, anh Lê Tú, 55 tuổi, vẫn chưa hết bàng hoàng.
1 tuần trước - Sau cơn bão Yagi, những câu chuyện về lòng tốt và tinh thần đoàn kết của người dân Hà Nội tiếp tục lan tỏa. Nổi bật trong đó là câu chuyện của những chàng trai xa lạ, chưa từng quen biết nhưng cùng nhau chung tay dọn dẹp, góp phần khôi...
1 tuần trước - Thấy trời tối sầm, gió mạnh và mưa bắt đầu rơi lúc 15h chiều 6/9, Thu Minh xin về sớm để tránh bão nhưng không ngờ mất hơn ba tiếng cho quãng đường chưa đến 4 km.
2 tuần trước - Khu nhà của chị Hiền nằm lọt thỏm giữa thung lũng xanh mướt tại Hữu Lũng (Lạng Sơn), bao quanh bởi núi rừng, suối nước và khu vườn hồng trĩu quả mỗi mùa thu sang.
3 tuần trước - Bà Lee, mẹ chồng người Hàn Quốc của chị Nhung đã dành nhiều tâm huyết để thuyết phục thông gia gả con gái cho gia đình mình. Suốt 8 năm qua, bà luôn yêu thương, chăm sóc và ủng hộ con dâu hết lòng.
Xem tin bài khác
11 phút trước - Amazon vừa ra quyết định yêu cầu toàn bộ nhân viên đến văn phòng làm việc 5 ngày một tuần, trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên trên thế giới từ bỏ chế độ làm việc từ xa và quay lại nề nếp làm toàn thời gian tại văn phòng.
11 phút trước - Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 được ví như hành trình kiếm tìm "cảm hứng khởi nghiệp xanh", ưu tiên những ý tưởng, mô hình, giải pháp, sản phẩm khởi nghiệp thân thiện môi trường, tạo ra giá trị thiết thực cho cộng đồng.
26 phút trước - Nữ sinh khoa Giáo dục mầm non trường Đại học Vinh cũng vừa giành được danh hiệu lớn tại cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024.
29 phút trước - Bằng tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, thanh niên Thừa Thiên-Huế đã tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước…
29 phút trước - Bắt đầu hiến máu tình nguyện từ năm 2011, đến nay anh Kiều Sĩ Nguyên (33 tuổi), thôn Yên Lạc 2, xã Cần Kiệm, H.Thạch Thất (TP.Hà Nội), đã có 57 lần hiến máu và tiểu cầu cứu người.