ttth247.com

'Nhà ngập ngổn ngang nhưng lo cho học trò trước đã'

Chưa thể khắc phục được hết thiệt hại bão lũ để lại nhưng mỗi ngày lại thêm những lớp học được mở, đón học sinh trở lại trường. Đây là nỗ lực lớn của nhiều phía, trong đó có không ít thầy cô giáo phải tạm gác việc gia đình, dồn sức lo cho trường lớp.

Sáng sớm vào làng, tối muộn mới về

Hơn một tuần gồng mình lo toan mọi việc, cô Hoàng Mai Hoa - phó hiệu trưởng Trường tiểu học & THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) - mới dám nghĩ "tối nay chắc tôi sẽ về nhà sớm". Nhà cô Hoa cũng bị ngập, tài sản bị hỏng, bị lũ cuốn. Chồng cô làm bảo vệ ở bệnh viện cũng phải tăng cường để chống lũ.

Người "chủ lực" chèo chống ở nhà cô Hoa chỉ có đứa con đang học lớp 12 vừa phải trông nom người bà 85 tuổi vừa trông chị gái bị khuyết tật. Tài sản lớn trong nhà cô là hai xe máy để hai vợ chồng đi làm thì đều bị ngập hỏng cả. Cô Hoa có mặt ở Làng Nủ khi lũ bắt đầu lên đỉnh.

"Tôi phụ trách tiểu học và phụ trách điểm trường ở Làng Nủ. Ngày lũ lên cao, tôi và các giáo viên ở điểm trường vội vã đến điểm trường để kiểm tra. Chúng tôi hay tin ngôi làng bị vùi lấp, không ai bảo ai đều lăn xả vào hỗ trợ.

Tôi đến bệnh viện chăm sóc người bị thương. Các thầy cô giáo khác cũng mỗi người một việc: giúp dân sơ tán, chuyển cơm cho bộ đội, dân quân ở khu vực tìm kiếm, dọn dẹp vệ sinh... Một tuần rồi, cứ sáng sớm tôi vào Làng Nủ, tối muộn mới về. Nhà ngập ngổn ngang nhưng đành cứ để đấy đã", cô Hoa nhớ lại.

Quyết định đưa hết học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 ở điểm lẻ về trường chính của hiệu trưởng Phạm Đức Vinh được cô Hoa và các thầy cô giáo ủng hộ vì ai cũng lo cho học trò, không ai muốn xảy ra thêm một sự đau thương nào với học sinh của mình.

"Trường tôi không phải trường bán trú mà là trường liên cấp bình thường có học sinh bán trú thôi. Nên thầy cô giáo không được hưởng chế độ của giáo viên trường bán trú. Tuy vậy chúng tôi vẫn bảo nhau phải cố gắng vì sự an toàn của học sinh.

Ngày 16-9, gần 150 học sinh được ở bán trú tại trường, trong đó có khoảng 100 học sinh tiểu học, THCS ở Làng Nủ. Trước đó các thầy cô giáo đã có một ngày lao động cật lực để làm thêm hai phòng ở cho học sinh, rồi khuân vác gạo, tập kết nhu yếu phẩm để nấu ăn cho các em ngày hôm sau.

Đêm đó toàn bộ ban giám hiệu, một số thầy cô giáo ở lại trường cùng với học sinh. Trời đổ mưa rất to, tôi đi kiểm tra phòng ngủ thấy bọn trẻ ngủ ngon lành. Cả những bé lớp 1 cũng ngoan không khóc đòi bố mẹ. Cảm giác thật yên tâm.

Mưa lớn như thế này ai biết còn chuyện gì xảy ra. Thế nên đón được bọn trẻ về trường, tôi thấy thật yên tâm dù phía trước còn rất nhiều khó khăn để lo cho số học sinh bán trú vừa đội thêm lên", cô Hoa tâm sự.

Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh đã có ngày thứ hai học sinh trở lại lớp học. Cô Hoa cho biết chỉ có vài học sinh bị thương nằm viện còn tất cả đã trở lại lớp. Giờ cô mới tạm yên tâm để lo cho gia đình nhỏ của mình.

Mong ngày đón học sinh trở lại

Thầy Đỗ Hữu Mạnh, phó hiệu trưởng Trường phổ thông bán trú xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai), nhà cách trường 15km. Từ hôm lũ lên rồi xảy ra vụ sạt lở ở Nậm Lúc, thầy thường xuyên có mặt ở trường. Trường thiệt hại không nặng chỉ sạt hai ta luy, sạt nhà bán trú nhưng tổn thất về con người lại lớn.

"Mất điện, không có sóng điện thoại để liên lạc nên cho tới ngày 16-9, chúng tôi mới chỉ liên lạc được với phụ huynh ở thôn Nậm Tông (một trong tám thôn có học sinh học tại trường). Cho tới thời điểm này chúng tôi cũng được biết có năm học sinh đã thiệt mạng, bảy học sinh khác bị thương trong đó ba em bị thương nặng.

Trường cũng có một học sinh là em Lý Thị Thúy Vân, học lớp 3 đã mất cả bố, mẹ, anh chị. Cháu chỉ còn một mình hiện đang ở tạm với bác ruột. Giờ chúng tôi thay nhau tìm cách liên lạc với phụ huynh ở các thôn khác nhưng có người được, có người chưa gọi được. Thiệt hại chưa tính được hết", thầy Mạnh chia sẻ.

Tới ngày 17-9, Trường tiểu học Nậm Lúc chưa thể tổ chức dạy học được vì địa bàn bị chia cắt, nhiều đường sạt lở. "Học sinh của trường tôi cháu nhà gần thì vài cây số, có cháu cách trường 12 cây số phải đi qua khe, dốc núi rất khó khăn.

Những ngày qua lực lượng cứu hộ mới tập trung điểm sạt lở ở Nậm Tông, còn đường đến các thôn khác vẫn chưa được giải tỏa. Quá nhiều điểm sạt lở mà sức người không làm xuể, chắc phải chờ máy móc thì mới có thể nhanh hơn được", thầy Mạnh nói.

Thầy Mạnh cũng cho biết quả đồi ngay sát trường có hiện tượng bị nứt. Nếu tiếp tục có mưa lớn thì đó thực sự là nguy cơ dẫn tới sạt núi. Vì thế, cho dù học sinh có thể trở lại trường khi đường thông thì vẫn phải chờ cơ quan chuyên môn đánh giá về nguy cơ sạt lở đồi. Trường hợp không đảm bảo an toàn có thể phải tính toán phương án khác.

"Trường có chín thầy cô giáo nhà cũng bị ngập, lũ cuốn trôi tài sản, khó khăn rất nhiều nhưng nhiều ngày nay các thầy cô giáo đều phải đến trường dọn dẹp, chia nhau liên lạc với gia đình học sinh.

Chúng tôi đã phải họp lại để điều chỉnh kế hoạch dạy học nhằm dạy bù cho học sinh khi các em quay lại trường. Khó khăn của năm học này sẽ rất lớn nhưng chỉ cần học sinh trở lại, chúng tôi sẽ cố gắng", thầy Mạnh nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
3 ngày trước - Hôm nay (16.9), nhiều trường học ở các vùng bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt sau cơn bão số 3 (Yagi) sẽ đón học sinh trở lại trường. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều ngổn ngang, thiếu trước hụt sau; không ít trường vẫn phải cho học sinh nghỉ học...
6 ngày trước - Hàng vạn trường học bị hư hại, hàng triệu học sinh chưa thể đến trường vì bão lũ. Các thầy cô đang dốc sức khắc phục hậu quả với tinh thần lũ rút đến đâu dọn dẹp đến đấy…
1 ngày trước - Nhiều trường học ở Lào Cai, Yên Bái đón học sinh giữa ngổn ngang sau lũ quét, có nơi phải nợ tiền dọn dẹp khuôn viên.
1 tuần trước - Mặc nhà cửa ngổn ngang, nhiều giáo viên cấp tập dọn dẹp trường lớp để đón học sinh, ngay sau khi bão Yagi và lũ đi qua.
3 tuần trước - Cao Bằng- Thầy Việt bơi quanh trường kiểm tra khi nước ngập sâu 1,5 m, bất lực nhìn cơ sở vật chất và hơn tấn gạo ăn bán trú bị nhấn chìm.
Xem tin bài khác
29 phút trước - Đó là chia sẻ của ông Luke Turner, giám đốc điều hành Trường song ngữ quốc tế Emasi Nam Long, TP.HCM, về việc tổ chức "Tuần lễ sẻ chia" hướng về vùng bão lũ cho học sinh.
2 giờ trước - Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
3 giờ trước - Huân chương Cành cọ hàn lâm ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Phan Thị San Hà trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm CARE, cũng như bồi đắp mối quan hệ giữa Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và các đối tác Pháp.
4 giờ trước - Ớn lạnh, nổi gai ốc, không dám xem hết hình ảnh, video... là những cảm giác của những người tham gia buổi tập huấn, khi nghe trung tá Bùi Thái Đức, chuyên viên chính Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM điểm lại những vụ bạo hành trẻ em chấn...
4 giờ trước - Nhiều sinh viên có sản phẩm đăng trên báo Tuổi Trẻ, một số sinh viên xuất sắc có tư duy đề tài và hoàn thiện sản phẩm truyền thông như phóng viên.