ttth247.com

Nhà ngoại giao Lê Lương Minh: ASEAN như Liên Hiệp Quốc thu nhỏ

Nhân dịp Quốc khánh 2-9, ông Lê Lương Minh, nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký ASEAN và hai lần ngồi ghế chủ tịch điều hành Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chia sẻ với Tuổi Trẻ những câu chuyện thú vị về nghề ngoại giao cũng như các dấu mốc hội nhập của đất nước.

Cân đối lợi ích riêng và chung

* ASEAN khi ông làm Tổng thư ký và ASEAN ngày nay khác nhau như thế nào, thưa ông?

- Khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thư ký ASEAN tháng 1-2013, ASEAN mới đến giữa chặng đường tiến tới thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tổng GDP của cả khối mới chỉ khoảng 2.300 tỉ USD, là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới.

Hiện nay tổng GDP của ASEAN đã đạt mức khoảng 3.800 tỉ USD, là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.

ASEAN cũng đã và đang ở chặng cuối hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, và đã hoàn thành nội dung Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 đến 2045. Nhìn chung, trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN đã có tiến triển vượt bậc mặc dù cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh - chính trị, tình hình đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều do xung đột tại Myanmar, với nhiều hệ lụy nguy hiểm như sự xuất hiện của những ý tưởng và kiến nghị nhạy cảm đe dọa tính trọn vẹn của Phương cách ASEAN.

Thời gian nhiệm kỳ Tổng thư ký của tôi, ASEAN bằng các nỗ lực trung gian, hòa giải nội khối đã giải quyết tốt hậu quả của tranh chấp biên giới giữa hai nước thành viên, giúp Myanmar dần ổn định tình hình dưới sự lãnh đạo của Chính phủ hòa giải và trở thành điểm thu hút lớn đầu tư của nước ngoài, và giúp Thái Lan sớm khôi phục các cơ chế dân chủ sau chính biến năm 2014.

Hiện tại ASEAN đang nỗ lực triển khai thực hiện Đồng thuận 5 điểm về Myanmar, nhưng rất khó khăn khi xung đột tại Myanmar ngày càng khốc liệt.

* Công việc của ông tại Liên Hiệp Quốc và ASEAN có điểm khác biệt gì lớn nhất?

- Liên Hiệp Quốc và ASEAN có điểm chung đều là các tổ chức đa phương nhưng khác nhau về quy mô: toàn cầu và khu vực.

Về quy mô, ASEAN như một Liên Hiệp Quốc thu nhỏ: 10 so với gần 200 thành viên. Về phạm vi công việc thì chẳng khác nhau là bao bởi hầu như mọi vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Liên Hiệp Quốc đều thuộc chương trình nghị sự của ASEAN ở những cơ chế khác nhau, thuộc ba trụ cột là an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa ASEAN và Liên Hiệp Quốc là cơ chế thông qua và ý nghĩa của các nghị quyết hay quyết định. Liên Hiệp Quốc ra quyết định chủ yếu thông qua việc bỏ phiếu, trừ trường hợp có đồng thuận đạt được trong quá trình tham vấn.

ASEAN không có cơ chế bỏ phiếu, trừ trường hợp bỏ phiếu kín bầu hai trong số bốn phó tổng thư ký. Các quyết định của ASEAN chủ yếu được thông qua trên cơ sở đồng thuận, là một trong những nguyên tắc cơ bản của Phương cách ASEAN với mục đích đảm bảo tính tự nguyện, không bỏ ai ở lại phía sau và tính khả thi của các thỏa thuận, qua đó duy trì sự nhất trí, đoàn kết trong khối.

Quan hệ và tiếp xúc, tương tác giữa các đồng nghiệp ở Liên Hiệp Quốc và ASEAN cũng khác nhau. Nếu như tại Liên Hiệp Quốc, đồng nghiệp có thể là đại diện của nước đồng minh, nước trung dung hay nước đối nghịch thì tại ASEAN, đồng nghiệp là quan hệ giữa đại diện các nước thành viên chia sẻ lợi ích chung trong khuôn khổ "Gia đình ASEAN".

* Kinh nghiệm nào tại Liên Hiệp Quốc đã giúp ông hoàn thành trọng trách ở ASEAN?

- Kinh nghiệm làm việc và những mối quan hệ tại Liên Hiệp Quốc đã giúp ích tôi rất nhiều trong việc hoàn thành trọng trách ở ASEAN. Đó là nhiệm kỳ gần tám năm với cương vị Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại Liên Hiệp Quốc (trong đó lần đầu tiên Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an) và hai lần đảm nhiệm cương vị chủ tịch điều hành công việc của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, kinh nghiệm hoạt động tại các diễn đàn đa phương cũng như phương châm xuyên suốt sự nghiệp của tôi trong quan hệ với đồng nghiệp là phải chân thành theo nguyên tắc "không phải khi nào cũng có thể nói thật, nhưng không bao giờ nói dối".

* Khi ông đảm đương cương vị Tổng thư ký ASEAN, đâu là những vấn đề khó, thậm chí nan giải mà Ban Thư ký ASEAN phải đối mặt giải quyết và vượt qua được?

- Trong thời gian tôi làm Tổng thư ký và cho đến nay, Biển Đông vẫn là một trong những vấn đề nan giải và khó khăn nhất ASEAN và Ban Thư ký ASEAN phải đối mặt. Không ít lần khi phát biểu nêu lập trường chung của ASEAN, tôi đã bị đại diện của một nước ngoài ASEAN là bên tranh chấp chỉ trích đích danh.

Duy trì vai trò trung tâm đòi hỏi ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và bản thân Tổng thư ký ASEAN phải dũng cảm và biết điều hòa, cân đối giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của cả khối.

* Ông nghĩ gì về nhận định rằng dù trong bối cảnh nào, ASEAN cũng sẽ phải luôn đứng giữa Mỹ và Trung Quốc?

- Đúng như nhận định là nhiều năm nay ASEAN luôn ở trong tư thế bị kẹt trong cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ, cạnh tranh giữa các nước lớn, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà ở cả các khu vực rộng lớn châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chính sách không chọn bên trong tranh chấp giữa các nước lớn của ASEAN phải được hiểu là không chọn liên minh với nước này chống nước kia, chứ không phải là ASEAN phải cách ly lẽ phải dù lẽ phải đó nhiều khi không nằm giữa hai phía. Và lẽ phải, đối với ASEAN, phải luôn là lợi ích đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như từng nước thành viên.

Vượt trên nhiều cách diễn giải khác và nhiều khi trái ngược nhau, theo tôi, đấy mới là nội hàm cơ bản của chính sách đóng vai trò trung tâm của ASEAN.

Mở ra cục diện mới

* Là người có cả sự nghiệp gắn với ngoại giao đa phương, ông đánh giá như thế nào về cột mốc Việt Nam gia nhập ASEAN?

- Theo tôi, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN gần như cùng thời điểm đã mở ra cục diện Việt Nam đã thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của bao vây, cấm vận và trở thành thành viên của một trong hai tổ chức khu vực được đánh giá thành công và nhiều triển vọng phát triển nhất trên thế giới.

* Có nhận định khi Việt Nam gia nhập ASEAN, chúng ta ở thế bị động trong việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) vì chỉ tham gia với tư cách là thành viên ASEAN trong FTA với đối tác khác. Quan điểm của ông ra sao?

- Nhận định đó là đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta hội nhập, mở cửa nền kinh tế muộn hơn các nước gia nhập ASEAN trước, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, kinh nghiệm đàm phán hạn chế nên thận trọng trong việc tham gia các FTA song phương là đương nhiên.

Nhận định này sẽ đầy đủ hơn nếu chỉ ra rằng các FTA song phương Việt Nam ký kết với các đối tác thường có các cam kết và chuẩn mực cao hơn so với các hiệp định ASEAN hoặc các nước thành viên ASEAN đã ký, do xuất phát từ phía ta là chủ trương hội nhập sâu hơn, phát triển nền kinh tế ưu tiên xuất khẩu và từ phía đối tác là không chấp nhận mức độ cam kết và các chuẩn mực thấp hơn những gì họ đã thỏa thuận với các đối tác trước đó. Có thể lấy FTA Việt Nam đã ký với Liên minh châu Âu (EVFTA) là một ví dụ điển hình.

* Là tiếng nói ngày càng quan trọng trong ASEAN, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục là tiếng nói đi đầu trong các vấn đề của khối, thưa ông?

- Ngoài Liên Hiệp Quốc và ASEAN, Việt Nam còn là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng khác như Cộng đồng Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu, Tổ chức Thương mại thế giới và đã ký 16 hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng.

Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết thành viên Liên Hiệp Quốc, trong đó có quan hệ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện với 30 quốc gia, gồm cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Điều đó cùng với sự ổn định chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc tạo cho Việt Nam ưu thế rất lớn, tiếng nói có trọng lượng trong việc giải quyết các vấn đề của ASEAN, nhất là những vấn đề tác động đến lợi ích thiết thực của ta như Biển Đông, biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng dòng nước sông Mekong, chống khủng bố, phòng chống buôn bán ma túy...

Để tiếp tục phát huy vai trò đi đầu, dẫn dắt trong các vấn đề quan trọng và thiết thực này, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước thành viên khác duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Điều này không luôn dễ dàng do sự khác biệt về lợi ích giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Sáng 30-7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell Fontelles.
1 tháng trước - Tối 30-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao rời sân bay Nội Bài lên đường tới Ấn Độ, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước.
3 tuần trước - Việt - Trung sẽ thúc đẩy hợp tác trên 5 phương diện chính, trong đó có đẩy nhanh kết nối chiến lược, đường sắt tốc độ cao và đường bộ cao tốc, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
3 ngày trước - Tuyên bố chung Việt Nam - Lào sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith gồm 10 điểm, nhấn mạnh các định hướng lớn tăng cường hơn nữa quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
1 tháng trước - Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ, nhất trí tăng kim ngạch thương mại, đầu tư hai chiều lên gấp đôi vào năm 2030, cùng các biện pháp tăng cường hợp tác khác.
Xem tin bài khác
2 giờ trước - Quan chức quân đội Mỹ thừa nhận lốp xe phủ trên máy bay Nga có thể lừa hệ thống nhận dạng vật thể, ngăn đầu dò tìm thấy mục tiêu.
2 giờ trước - Siêu bão Yagi chỉ là một phần của loạt hiện tượng thời tiết cực đoan mà thế giới phải đối mặt trong vài năm qua dưới tác động của biến đổi khí hậu.
3 giờ trước - Ryan Wesley Routh, nghi phạm âm mưu ám sát ông Trump, bị truy tố cấp liên bang với hai tội danh về sở hữu súng.
3 giờ trước - Chiến dịch của bà Harris chế giễu Trump bằng cách đăng thông điệp được ghép từ tên các bài hát của Taylor Swift, sau khi cựu tổng thống tuyên bố ông "ghét" nữ ca sĩ.
3 giờ trước - Nghi phạm trong âm mưu ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trên sân golf ở bang Florida hôm 15.9 đã bị còng tay, chân khi đến tòa ở West Palm Beach sáng 16.9 (giờ địa phương) và hiện đối mặt hai cáo buộc.