ttth247.com

Những chủ nhà, khách sạn mở rộng vòng tay đón người lỡ bước đến trú bão Yagi

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Nguyễn Trường cho biết anh mồ côi. Cách đây vài hôm, Trường từ quê lên Thạch Thất (Hà Nội) xin việc. Anh không có điện thoại nên gặp mưa bão, không biết phải làm thế nào.

Chủ nhà đặt xe công nghệ, hứa tìm việc giúp

"Lúc đó tôi vô tình được một người giới thiệu sang ở chung cư số 47 đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) để tránh bão. Trời mưa quá to, gió lớn, tôi loay hoay mãi không biết cách di chuyển. Lập tức, chủ nhà bên kia họ đặt xe ôm sang đón tôi tới trú bão Yagi. Tới nơi, tôi mới biết trước đó chủ nhà đã đặt rất nhiều xe để đón tôi nhưng mãi mới có người nhận cuốc vì trời mưa bão, đón xe vô cùng khó khăn. Tôi mang ơn các anh chị lắm", anh nói.

Đến chung cư, Trường được mọi người hối tắm nước nóng do thấy người anh ướt như chuột lột. Những người cũng trú bão tạm ở đây giống anh từ trước vô cùng niềm nở. Họ đi nấu cơm, pha mì… cho anh ăn.

"Mọi người rất tốt bụng, sắp xếp chỗ cho người đến sau. Tôi hỏi thì biết ở đây có rất nhiều hoàn cảnh. Nào là sinh viên nhà trọ bị vỡ cửa kính, tốc mái, nào là người lao động ở xa, khó khăn", anh kể.

Trường chia sẻ rằng anh chưa tìm được việc làm, trước đây chỉ làm qua công việc bưng bê. Thế là chủ nhà bảo: "Để chị đi tìm việc cho luôn". Ơn tình này anh không sao quên được.

Trong khi đó Nguyễn Thị Lan Anh (25 tuổi, sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết cô đi học gần quận Thanh Xuân.

"Sáng 7-9, mình đi học thì phát hiện chỗ học cho nghỉ tránh bão Yagi. Trời mưa gió nên mình tìm chỗ trú tạm mấy ngày. Mình tìm trên mạng thì phát hiện được chỗ này và cũng được chủ nhà đặt xe đến chở. Ở đây, mọi người hòa đồng với nhau lắm", Lan Anh nói.

Buổi tối, Lan Anh cùng 15 người trú bão ở đây cùng nhau nấu ăn. Ngoài trời, gió gầm gừ nên ai cũng hoảng hốt. Nhiều người lo lắng không biết nhà mình ở quê thế nào, không liên lạc được với người thân… Lan Anh và vài bạn khác liên tục trấn an họ.

"Tụi mình giống như một gia đình, cùng đi chợ trong tòa nhà, cùng nấu ăn chung với nhau. Dù bão đã tan nhưng anh chị chủ nhà vẫn bảo mọi người ở lại, đợi nhà nước rút hết rồi về. Mình biết ơn lắm", cô nói.

Còn Nguyễn Hoài An (16 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Công thương, Hà Nội) chia sẻ khi em đến địa điểm trú tạm không mang theo thứ gì. Trên người Hoài An chỉ có mỗi bộ đồ. Người em run rẩy vì đói. Người chủ nhà vội tìm quần áo cho em thay, giục em đi tắm cho bớt lạnh. "Đây là kỷ niệm em không sao quên được", Hoài An nói.

"Dù vất vả, ai cũng rất vui"

Chị Trần Phương Anh (30 tuổi, sống ở chung cư số 47 đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) rất vui khi đón được 16 người tới ở. Trước đó hai vợ chồng vội xuống siêu thị để gom đồ từ bánh mì, pate, cốc giấy…. đến nỗi nhân viên còn nói: "Tôi không bán đâu. Tôi về tránh bão đây". Anh chị bèn năn nỉ bạn ấy bán nốt để giúp đỡ mọi người. Sau đó anh chị đăng lên group chung cư để nhờ mọi người hỗ trợ. Ngay lập tức nhiều người hàng xóm tốt bụng gửi trứng vịt, rau… sang cho. Có người có cho mượn cả chăn ga gối để nhà chị đón khách.

"Tôi bắt đầu đăng tải các bài viết lên mạng thì nhận được cuộc gọi dồn dập, ước tính tầm 200 cuộc. Tuy nhiên do bão to nên nhiều người không đến được. Sau cơn bão, nếu nhà ai bị tốc mái, chưa có chỗ ở… vẫn có thể sang nhà tôi ở tạm. Nhà tôi rất rộng, có thể đón cỡ 40 khách. Tôi sẽ cố gắng gọi xe đón mọi người", chị nói.

Chị Lê Thị Loan (chủ khách sạn trên đảo Cô Tô, Quảng Ninh) cho hay đón được hơn 30 người khách. Rất vất vả, Tuổi Trẻ Online mới liên hệ được bà chủ vì Quảng Ninh mất sóng điện thoại.

Chị Loan cho biết, tối 7-9, chị và các người khách đặc biệt cùng ăn bát mì tôm đáng nhớ sau trận bão Yagi kinh hoàng. Gió lớn giật bay bếp ăn. Lúc ấy mọi người quá đói vì lạnh. Bà chủ bèn lấy cái chậu to đội lên đầu, niệm Phật cầu bình an, không bị tôn bay vào đầu để ra nấu mì cho mọi người ăn.

"Mọi người nói muốn phụ. Nhưng tôi bảo để mình tôi ra thôi. Nếu nguy hiểm thì mình tôi chịu, chứ ra bếp lúc này gặp tôn bay không may mất đầu đấy", chị nói.

Bà chủ cho biết giúp người là việc nên làm, nên chị cũng không nghĩ gì nhiều. Chị chỉ mong mọi người được bình an.

Nguyễn Anh Tú (30 tuổi, khách trú tạm mùa bão tại khách sạn này) cho biết cô rất nể bà chủ tốt bụng này. Chị Loan không chỉ chăm lo bữa ăn, mà còn sẵn sàng chia sẻ chăn màn, đồ ấm cho khách.

"Chúng tôi chỉ là những người lạ trú bão qua đêm, nhưng chị coi chúng tôi như gia đình. Chị cứ liên tục hỏi thăm, xem ai có cần gì không. Thật sự không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất, mà sự ấm áp từ tấm lòng của chị đã giúp mọi người vượt qua đêm kinh hoàng", Tú nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Đêm 7-9, Nguyễn Trường (25 tuổi, quê ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) may mắn tìm được chỗ ở giữa tâm bão Yagi, xúc động khi thấy ở đó đã chuẩn bị đồ ăn, nước nóng… cho anh.
3 tuần trước - Họ đã bắt đầu đi dọn rác trên kênh từ tháng 12-2022. Họ đã dọn được hơn 2.000 tấn rác từ 150 dòng kênh ở nhiều tỉnh thành.
1 tháng trước - LOF liên tục tung sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi, từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
1 tuần trước - Ngày càng nhiều sinh viên đại học Trung Quốc tìm việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp và các ngành khác ở nông thôn để mở rộng tầm nhìn.
1 tháng trước - Chàng trai Hải Phòng Nguyễn Hữu Giáp vừa trúng tuyển vị trí tiếp viên hàng không của Cathay Pacific - hãng hàng không được xếp thứ 5 trong danh sách “tốt nhất thế giới năm 2024“.
Xem tin bài khác
2 giờ trước - Trong lúc chạy lũ thấy vợ chần chừ, chồng tôi kéo tay giục giã: ‘Đi thôi em ơi, bám vào áo anh, còn người là còn của. Em với con còn sống thì anh mới làm lại được’”, chị Thoa chia sẻ.
3 giờ trước - Sau 1 thời gian nhá hàng bằng đoạn video ngắn, Mai Dora đã thả xích loạt ảnh diện bikini cực nóng bỏng.
4 giờ trước - Ngày 19-9, Trường đại học Nam Cần Thơ trao tặng cho đại diện báo Tuổi Trẻ số tiền của đoàn viên thanh niên nhà trường, đóng góp cho đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng của bão số 3.
4 giờ trước - Chiều 19.9, nhiều người ở TP.HCM vất vả di chuyển, lội nước qua đoạn đường ngập do triều cường. Nhiều người đã quá quen với cảnh này, các chủ quán hai bên đường bị ngập thở dài vì ế khách.
5 giờ trước - Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân nghèo là một nghĩa cử đầy cao đẹp của đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.