ttth247.com

Những chuyên gia quân sự Việt Nam trên chiến trường Lào

Không chỉ rèn quân, tham mưu tác chiến, chuyên gia quân sự Việt Nam còn hướng dẫn người dân Lào tăng gia, trồng trọt, xây dựng trong kháng chiến.

Ngày 25/10, Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo khoa học về Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tham gia giúp cách mạng Lào.

Năm 1945, khi Pháp quay trở lại xâm lược Lào, trước lời đề nghị của Chính phủ Lào, Đảng đã quyết định huy động đồng bào Việt kiều tại Lào và Thái Lan để thành lập các đơn vị Giải phóng quân phối hợp với quân đội Lào Ítxala chiến đấu. Để tăng cường hiệu quả chỉ đạo và phối hợp, lực lượng vũ trang Việt Nam hoạt động tại Lào được tổ chức thành một hệ thống riêng và mang danh nghĩa Quân tình nguyện.

Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954 đã ghi nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương. Tuy nhiên, sau khi quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, Mỹ từng bước can thiệp và thực hiện chính sách thực dân mới ở cả ba nước.

Để thích ứng với tình hình mới, từ năm 1954 đến năm 1958, hình thức hợp tác giữa Việt Nam và Lào đã chuyển đổi từ chế độ quân tình nguyện sang chế độ cố vấn quân sự. Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam đầu tiên (phiên hiệu Đoàn 100) đã được cử sang Lào để giúp xây dựng và huấn luyện quân đội Lào.

Tiến sĩ Dương Đình Lập, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Tổ chức quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cho hay cán bộ cấp Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ hỗ trợ chung về chiến lược. Trường quân chính giúp đào tạo cán bộ ở đơn vị. Tại địa phương, mỗi nơi có một tổ cố vấn, gồm một số cán bộ tiểu đoàn và cán bộ đại đội.

Chuyên gia quân sự Việt Nam với Bộ đội Pathét Lào. Ảnh: TTXVN

Chuyên gia quân sự Việt Nam với Bộ đội Pathét Lào. Ảnh: TTXVN

Đề án xây dựng lực lượng vũ trang Pathét Lào do Đoàn 100 đề xuất được Hội nghị quân chính Lào cuối năm 1954 thông qua. Trong hai năm tiếp theo, Đoàn 100 giúp Lào tổ chức nhiều đợt tập huấn về chính trị, huấn luyện quân sự. Tại Trường Quân chính Commađăm, Đoàn 100 giúp tổ chức 5 khóa huấn luyện, mỗi khóa 3 lớp quân sự, chính trị địa phương.

Chuyên gia Việt Nam cũng hỗ trợ Lào thiết lập hệ thống liên lạc bằng vô tuyến điện, xây dựng ban quân y, bệnh viện quân y; hệ thống tổ chức quân báo. Hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn 100 trở về nước vào đầu năm 1958.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp trên chiến trường và đề nghị phía Lào, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 959, với nhiệm vụ tham vấn về quân sự cho Quân ủy Trung ương và Bộ chỉ huy Tối cao quân đội Pathét Lào.

Đoàn 959 được chia thành rất nhiều tổ chuyên gia, giúp các cơ quan Trung ương và Quân ủy Trung ương Lào. Cố vấn Việt Nam tham gia tới từng quân khu, tỉnh và đơn vị quân đội Pathét Lào. Chuyên gia quân sự Việt Nam cũng được bố trí thành hai cấp gồm bộ phận cơ quan và bộ phận trực tiếp.

Đến cuối năm 1959, Đoàn 959 đã giúp Lào củng cố, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Nhờ có sự hỗ trợ, nước bạn đã xây dựng được Tiểu đoàn 1, 2 (Sầm Nưa, Xiêng Khoảng), tiểu đoàn 14, 18 (đường 9 - Hạ Lào), 13, 24 (Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng).

Chuyên gia Việt Nam cũng giúp quân đội Lào củng cố, phát triển các đơn vị pháo binh mặt đất, phòng không, xe tăng, thiết giáp, công binh; tăng cường năng lực đơn vị cấp tiểu đoàn, đại đội và ở huyện có đại đội, trung đội tại địa phương.

Đại tá Bế Hải Triều, Cục trưởng Dân vận, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết sự tin tưởng, tình cảm gắn kết của quân đội hai nước được thể hiện qua việc thực hiện "4 cùng". Khi đó, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chiến đấu với nhân dân các bộ tộc Lào, dạy người dân trồng lúa, làm hồ trữ nước, tăng gia sản xuất, dựng lán trại, nhà ở.

"Nhờ bộ đội Việt Nam, hàng trăm nghìn người dân Lào đã được cứu sống. Chính vì vậy, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong mỗi trái tim và khối óc của người dân các bộ tộc Lào", đại tá Triều nói.

Bộ đội Việt Nam cũng tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của cách mạng Lào để người dân tin tưởng, ủng hộ vật chất cho cách mạng, góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết trong chiến đấu chống Pháp, Mỹ và thế lực phản động.

Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào. Ảnh: Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào. Ảnh: Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Cùng với sự hỗ trợ của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam, cách mạng Lào giành được thắng lợi lớn trong các chiến dịch Nậm Thà (1962), 128 và 74A (1964), Nậm Bạc (1968), Mường Sủi (1969), Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1969-1970), Đường 9 - Nam Lào (1971), Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (mùa mưa 1972).

Quân đội non trẻ của cách mạng Lào cũng lần lượt đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh đặc biệt tăng cường" của đế quốc Mỹ. Ngày 21/2/1973, Hiệp định Vientiane về lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào được ký kết. Đây chính là thời cơ để quân và dân Lào tiến hành thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 1975.

Sau năm 1975, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vừa ra đời đã phải đối mặt với hậu quả nặng nề của chiến tranh và sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động. Tháng 5/1976, sau hội đàm giữa Quân ủy Trung ương Việt Nam và Quân ủy Trung ương Lào, hai bên thống nhất tổ chức Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, lấy phiên hiệu là Đoàn 576.

Từ cuối năm 1976, các Sư đoàn 324, 968 và Trung đoàn 335, 176, 676, 82 lần lượt được cử sang giúp cách mạng Lào. Hoạt động của Chuyên gia quân sự Việt Nam đã góp phần phá tan nhiều căn cứ phỉ, tiêu biểu là ở Phu Bia, Buôm Loọng; đập tan ý đồ chống phá, gây bạo loạn của các thế lực thù địch.

Chuyên gia Việt Nam cũng giúp Lào phát triển lực lượng vũ trang, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ chính quyền cách mạng và chế độ dân chủ nhân dân Lào. Sau khi tình hình chính trị ở Lào ổn định, lãnh đạo hai nước thống nhất rút toàn bộ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam về nước.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, đánh giá sự tham gia của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào là hình mẫu về quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu và hợp tác giữa quân đội hai nước độc lập có chủ quyền, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau. Những kinh nghiệm hoạt động của lực lượng Việt Nam tại Lào "là di sản quý báu, đang được giữ gìn và tiếp tục phát huy, góp phần đưa quan hệ hữu nghị Việt - Lào phát triển lên tầm cao mới".

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 giờ trước - Không chỉ rèn quân, tham mưu tác chiến, chuyên gia quân sự Việt Nam còn hướng dẫn người dân Lào tăng gia, trồng trọt, xây dựng trong kháng chiến.
1 tháng trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
15 giờ trước - Đại sứ Lào tại Việt Nam khẳng định quân đội hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong ngăn chặn, đấu tranh với các loại tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới.
2 tuần trước - Nữ sinh Lưu Thị Kim Thoa ở phố Hàng Đào năm 1954 không nghĩ một ngày sẽ rời phố cổ về sống ở Dương Nội, Hà Đông - cái tên khi ấy chưa thuộc Hà Nội.
23 phút trước - Khu biệt thự trên khu đất "vàng" tọa lạc số 1 Lý Thái Tổ, quận 10, bị bỏ hoang nhiều năm vốn là chỗ ở gia đình Chú Hỏa, người được mệnh danh "vua nhà đất" Sài Gòn xưa.
Xem tin bài khác
20 phút trước - Dự án bảo tồn, tôn tạo tổng thể di tích điện Thái Hòa - ngôi điện đặc biệt trong Hoàng cung Huế, nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn - bước vào giai đoạn cuối “sơn son thếp vàng” bằng vàng thật lên các kết cấu kiến trúc nội thất để...
23 phút trước - Sáng nay, bão Trà Mi ở vùng biển phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa, mạnh cấp 11 (117 km/h), bắt đầu gây mưa cho khu vực Quảng Bình - Quảng Ngãi từ chiều nay.
53 phút trước - Trước ngày 20.11, các địa phương phải hoàn thành việc xóa bỏ toàn bộ tàu '3 không' (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
59 phút trước - TP.HCM vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ, đặc biệt là thuốc hiếm. Vậy làm sao để không thiếu thuốc cục bộ và không hết "thuốc cứu người?".
59 phút trước - Công an phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vừa tiếp nhận đơn trình báo của Phòng khám Pasteur về việc phòng khám này bị tố tắc trách để sản phụ mất con.