ttth247.com

Những đứa trẻ đói khát từ khi chào đời ở Gaza

Con trai của Nour đã sống trong đói khát từ khi sinh ra ở Gaza và qua đời sau 5 tháng chống chọi với tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Hồi tháng 6, Nour el-Hourani đẫm nước mắt dõi theo bác sĩ đang cố gắng cứu sống đứa con 5 tháng tuổi Abdel Aziz bị ngừng tim. Đèn trong khu chăm sóc trẻ sơ sinh chập chờn do thiếu nhiên liệu chạy máy phát điện. Thỉnh thoảng bác sĩ phải làm việc trong bóng tối.

Bác sĩ đang cố hồi sức cấp cứu cho Abdel. Màn hình máy đo nhịp tim vẫn hiển thị một đường thẳng trong vài phút. Các bác sĩ không bỏ cuộc và tiếp tục hồi sức, mạch đập của cậu bé cuối cùng cũng xuất hiện trở lại.

Tuy nhiên, Abdel vẫn phải dùng máy trợ thở và chưa tỉnh lại. Chân tay cậu bé gầy gò, có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Ở giai đoạn này, cậu bé đáng lẽ phải tăng gấp đôi cân nặng sau sinh, nhưng thực tế Abdel còn nhẹ cân hơn cả lúc chào đời.

Chỉ vài ngày sau khi Hamas tấn công miền nam Israel hôm 7/10/2023, Tel Aviv đã cắt nguồn nhiên liệu, thực phẩm và nước uống vào Dải Gaza. Trong vài tuần sau đó, nạn đói lan rộng khắp phía bắc khu vực. Nour, 28 tuổi, mang thai đứa con đầu lòng 6 tháng khi những quả bom đầu tiên trút xuống Gaza.

Tháng 12 năm ngoái, cô chuyển tới Bệnh viện Kamal Adwan. Nour là một y tá trong khoa cấp cứu của bệnh viện. Nhưng cuối tháng đó, quân đội Israel bao vây bệnh viện và bắt ít nhất 70 nhân viên y tế. Nour muốn ở gần bệnh viện vì ngày dự sinh đã cận kề, nhưng cuối cùng phải sơ tán cùng 2.500 người khác.

Cô tới trại tị nạn Jabalia và ngủ trên chiếc chăn trải ra sàn một trường học được trưng dụng làm nơi trú ẩn. Thực phẩm tươi sống rất khan hiếm. Họ cũng không có bánh mì hay thịt. Nour thường ăn đậu đóng hộp cho cả ba bữa, nên không có đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi.

"Rất khó tìm thấy nguồn cung thực phẩm. Không đâu bán rau hay hoa quả. Những gì còn lại hầu như không ăn nổi, như khoai tây thối", cô kể.

Những đứa trẻ đi qua khu đổ nát vì giao tranh ở Beit Lahya, miền bắc Dải Gaza ngày 4/5. Ảnh: AFP

Những đứa trẻ đi qua khu đổ nát vì giao tranh ở Beit Lahya, miền bắc Dải Gaza ngày 4/5. Ảnh: AFP

Giống nhiều người Palestine ở Dải Gaza, Nour ăn đồ ăn dành cho vật nuôi và loại rau dại tên khubaiza để tồn tại. Thỉnh thoảng, chồng cô cố tìm kiếm những thùng đồ viện trợ nhân đạo mà Mỹ và Jordan thả xuống, song thức ăn trong đó đôi khi đã hết hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng.

Trại tị nạn Jabalia chật chội và bẩn thỉu. Nước thải chảy tràn ra đường và mọi người ở đây cũng ít được tiếp cận nguồn nước sạch. Nour kể cô phải uống nước mưa. "Chúng tôi thậm chí có thể ngửi thấy mùi xác chết", cô nói.

Vào một đêm khuya cuối tháng 1, Nour chuyển dạ. Vào thời điểm đó, chiến đấu cơ Israel đang oanh tạc khu vực. Sợ rằng Israel sẽ ném bom vào các phương tiện di chuyển trên đường, Nour quyết định đi bộ tới Bệnh viện Kamal Adwan, nơi có khoa sơ sinh duy nhất ở Gaza và là trung tâm y tế cuối cùng còn hoạt động ở miền bắc dải đất.

"Thật đáng sợ. Không có ai trên đường", cô nhớ lại.

Nour hạ sinh con trai Abdel ngày 27/1 mà không gây tê, sau đó cùng chồng bế con sơ sinh đi bộ 2 km về nhà. Vào thời điểm Abdel chào đời, có tới 90% người dân miền bắc Gaza sống với một bữa ăn mỗi ngày. Nour không có đủ sữa cho con. Cô đã tìm sữa bột cho con khắp nơi nhưng thất bại.

"Tôi không có sữa, cũng không tìm đâu ra sữa bột cho thằng bé trong 10 ngày đầu tiên. Con tôi đã bị mất nước nghiêm trọng", cô kể.

Lúc 20 ngày tuổi, Abdel bị sốt và tiêu chảy liên tục. Cân nặng của cậu bé bắt đầu giảm. Nour thử xay gạo trộn với nước cho con ăn, nhưng không hiệu quả. Khi Abdel 2 tháng tuổi, Nour đưa con tới phòng khám suy dinh dưỡng Bệnh viện Kamal Adwan, cậu bé được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

"99% những trường hợp tôi thấy ở bệnh viện đều được chẩn đoán suy dinh dưỡng. Cơ thể của những đứa trẻ gần như chỉ còn da bọc xương", cô nói.

Bác sĩ nói con trai Nour bị mất nước và suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Abdel được truyền nước và cho uống sữa bột, nhưng tình hình không được cải thiện nhiều. Bác sĩ nhận định cậu bé bị dị ứng sữa và cho rằng Abdel cần uống kháng sinh cùng sữa thực vật giàu vitamin, nhưng bệnh viện không có.

"Thằng bé sốt 40 độ C và xét nghiệm máu cho thấy nồng độ khoáng chất thấp. Nó bị tiêu chảy không ngừng", Nour nói.

Sức khỏe của Abdel sau đó dần dần được cải thiện. Tuy nhiên, hồi tháng 5, lực lượng Israel lần nữa bao vây bệnh viện. Nour quyết ở lại, nhưng khi lính Israel phóng rocket vào một căn phòng cạnh nơi cô ở, cô biết mình phải rời đi. Nour đưa con đi cùng, dù Abdel đang trong quá trình điều trị.

"Chúng tôi không an toàn ngay cả khi ở bệnh viện", cô nói.

Tới khi lực lượng Israel rút khỏi Bệnh viện Kamal Adwan và trại tị nạn Jabalia hồi cuối tháng 5, tình trạng sức khỏe của Abdel đã xấu đi nhiều, khi cậu bé bị sốt cao suốt 20 ngày. Nour ôm con trở lại bệnh viện.

Một đứa bé 4 tuổi bị suy dinh dưỡng ở khu trú ẩn trong trường Salaheddin do LHQ điều hành tại Gaza City ngày 10/6. Ảnh: AFP

Một em bé 4 tuổi bị suy dinh dưỡng ở khu trú ẩn trong trường Salaheddin do LHQ điều hành tại Gaza City ngày 10/6. Ảnh: AFP

Tiếng khóc của những đứa trẻ vang khắp hành lang khu khám suy dinh dưỡng ở Bệnh viện Kamal Adwan mỗi ngày. Người nhà bệnh nhân xếp hàng chờ tới lượt.

"Chúng tôi không ghi nhận ca suy dinh dưỡng nào trước chiến tranh", Ahmed Hashem Abu Nasser, bác sĩ khoa nhi của bệnh viện, cho hay.

Người nhà bệnh nhân liên tục hỏi Nasser về tình hình sức khỏe của con cái họ. Bệnh viện thiếu rất nhiều vật tư, thuốc men và bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ 28 tuổi tốt nghiệp 2 năm trước và giờ là thành viên nhóm chuyên chăm sóc hàng trăm bệnh nhi. Anh cho hay hàng chục đứa trẻ được đưa tới phòng khám mỗi ngày.

"Hầu hết trường hợp bị tiêu chảy mãn tính, suy hô hấp vì suy dinh dưỡng khiến hệ miễn dịch yếu. Những triệu chứng này xuất hiện sau 5 tháng xung đột và trầm trọng hơn kể từ đó", anh giải thích.

Abu Nasser đã chăm sóc cho Abdel từ khi Nour đưa cậu bé tới viện và cho biết Abdel là một trong những ca suy dinh dưỡng đầu tiên ở bệnh viện.

"Tình hình cậu bé rất đáng ngại. Đứa bé này không thể hấp thụ bất kỳ thứ gì. Mọi thứ đi vào cơ thể đều bị đào thải sau đó", anh nói.

Hồi tháng 7, các chuyên gia Liên Hợp Quốc cảnh báo nạn đói hoành hành ở Dải Gaza. 96% người Palestine ở Dải Gaza thiếu lương thực. Ít nhất 38 người đã chết vì suy dinh dưỡng kể từ tháng 10/2023, trong đó 37 trường hợp là trẻ em. 50.000 trẻ suy dinh dưỡng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Hanan Assaf và chồng Muhammad hồi tháng 2 mất đứa con trai hai tuổi Khaled vì suy dinh dưỡng. Họ đã đưa con tới Kamal Adwan, nhưng các bác sĩ ở đó không có đủ thuốc điều trị cho cậu bé. Khaled qua đời hai ngày sau khi được đưa vào ICU.

"Thằng bé gầy trơ xương. Tôi bế con như một đứa trẻ sơ sinh. Nó không thể ngồi dậy, cử động hoặc đi lại. Cơ thể thằng bé quá yếu", Hanan nói.

Israel đã duy trì bao vây một phần Dải Gaza kể từ năm 2007, khi Hamas kiểm soát khu vực. Trước xung đột, trung bình 500 xe tải viện trợ nhân đạo và hàng hóa thương mại vào Gaza mỗi ngày. Bây giờ, con số chưa tới một nửa, dù nhu cầu rất lớn. Hồi tháng 9, lượng viện trợ nhân đạo vào Gaza giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng, theo số liệu của Israel và LHQ.

LHQ cáo buộc Israel hạn chế 83% lượng viện trợ nhân đạo vào Gaza kể từ tháng 10 năm ngoái, bằng cách siết kiểm soát an ninh đối với xe chở đồ tiếp tế và đóng cửa khẩu. Israel phủ nhận cáo buộc, nói rằng họ hạn chế những món hàng mà Hamas có thể sử dụng.

Vị trí Jabalia và những khu tập trung đông dân tại Dải Gaza. Đồ họa: AFP

Vị trí Jabalia và những khu tập trung đông dân tại Dải Gaza. Đồ họa: AFP

Khi nạn đói xảy ra, nhiều người có thể bị suy dinh dưỡng tới mức không thể cứu chữa, đặc biệt là trẻ em. Abdel Aziz là một trong số đó.

Ngày 20/6, cậu bé trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện, dù các bác sĩ đã nỗ lực hết sức. Bệnh viện không có đủ trang bị, vật tư cần thiết để chăm sóc cậu bé.

Nhiều trẻ em đói khát khác vẫn ngày ngày được đưa tới bệnh viện. Hồi tháng 8, em bé 5 tháng tuổi tên Muhammad đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch. Em bé chào đời ngày 11/2, giữa lúc nạn đói hoành hành.

Hala, mẹ của Muhammad, nói bà không có đủ dinh dưỡng từ khi mang thai. Muhammad cần một loại sữa công thức đặc biệt mà Gaza không có.

"Tôi rất sợ vì biết rằng mình có thể mất con bất cứ lúc nào", cô nói.

Thùy Lâm (Theo Al Jazeera, Times of Israel)

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
2 tuần trước - Nhiều trường học Mỹ cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh toàn bộ thời gian trên lớp, do lo ngại về ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của các em.
2 tuần trước - Cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel châm ngòi chiến sự ở Gaza, đẩy cuộc sống của hàng triệu người vào thảm cảnh trong một năm qua.
3 tuần trước - Nhiều người Lebanon khó tìm được nơi ở khi sơ tán do chi phí thuê nhà cao và tình trạng quá tải, nhưng cũng không còn lựa chọn quay về.
1 tháng trước - Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 và làm việc tại New York, Mỹ, sáng 23-9 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia.
1 tháng trước - Đã đưa ra những sáng kiến thu hút nhân lực ngành không gian mạng, song Bộ Quốc phòng Mỹ gặp nhiều thách thức trong việc tìm và giữ chân nhân tài.
Xem tin bài khác
11 phút trước - Ông Lý Hiển Dương tuyên bố ông hiện là một người tị nạn chính trị vì 'bị Chính phủ Singapore đàn áp'.
44 phút trước - Hôm nay (22.10), Úc thông báo thương vụ 7 tỉ AUD (gần 4,67 tỉ USD) để trang bị cho hải quân những dòng tên lửa tối tân tầm trung và tầm xa với mục tiêu kịp thời ứng phó căng thẳng quân sự leo thang ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
1 giờ trước - Cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc tuyên bố diễn tập bắn đạn thật tại đảo thuộc đại lục gần Đài Loan nhất, cách hòn đảo này chỉ 105km.
1 giờ trước - Phái đoàn ngoại giao của Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố tin đồn Bình Nhưỡng gửi quân sang Nga là vô căn cứ và rập khuôn.
1 giờ trước - Đại sứ Việt Nam tại Nga khẳng định Thủ tướng dự hội nghị BRICS mở rộng là hoạt động đối ngoại cấp cao có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.