ttth247.com

Nữ sinh giành học bổng ngành khoa học hành tinh

Trịnh Hoàng Diệu Ngân (21 tuổi, quê Bình Định) hiện là sinh viên năm cuối ngành khoa học vũ trụ và công nghệ vệ tinh thuộc Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Học bổng giúp Ngân có hai năm học thạc sĩ tại PSL. Đây là trường hạng 24 thế giới và đứng đầu ở Pháp, theo QS năm 2024. Ngoài ra, đây cũng là nơi hội tụ của các nhà khoa học lớn với 14 giải Nobel và 11 giải thưởng Fields.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Diệu Ngân cho biết:

- Tôi từng là học sinh lớp không chuyên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Từ nhỏ, tôi luôn có hứng thú với khoa học và đam mê của tôi bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản như: Tại sao lại có mưa? Bão hình thành như thế nào? Nơi tôi lớn lên là thành phố biển Quy Nhơn với mùa mưa và mùa khô khá rõ rệt và cũng thường xuyên nghe tin bão lũ trong tỉnh cũng như ở các tỉnh lân cận.

Do đó khi lớn lên, tôi luôn tò mò về các hiện tượng thời tiết và thường đặt câu hỏi về bản chất và nguyên nhân của những hiện tượng này. Đây là lý do chính tôi muốn nghiên cứu về các quá trình và hiện tượng liên quan đến chuyển động của không khí trong khí quyển, hay nói chung là về bất kỳ chất nào có khả năng chảy và có thể thay đổi hình dạng dưới tác động của lực bên ngoài.

Ngoài ra, anh trai tôi đã truyền cảm hứng cho tôi. Anh ấy cũng rất yêu thích vật lý và có nhiều sách về vũ trụ, giúp tôi đọc và khơi dậy sự tò mò về lĩnh vực này.

* Bạn đã theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học như thế nào?

- Cấp III là lúc tôi bắt đầu tìm hiểu về nghề nghiệp liên quan tới đam mê của mình và tôi nhận thấy bản chất của công việc nghiên cứu, tìm kiếm, làm sáng tỏ những vấn đề chưa được giải quyết có sức hút lớn với tôi.

Để hiểu rõ hơn về công việc này và cơ hội nghề nghiệp tương lai, tôi tìm đến những lớp học/workshop được tổ chức ở Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (Trung tâm ICISE, tọa lạc tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Tại đây tôi được tiếp xúc trực tiếp và nghe bài giảng từ những anh chị đang học tập hoặc làm nghiên cứu trong ngành cũng như các nhà khoa học trên thế giới.

Chính điều này đã giúp tôi hiểu rõ hơn cách mọi người tìm hiểu, thảo luận và giải quyết một vấn đề trong nghiên cứu, cũng như một số chủ đề đang được quan tâm.

Trung tâm ICISE là nơi cho tôi những mối quan hệ/kết nối đầu tiên với mọi người trong ngành, được động viên nộp hồ sơ vào Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và sau này vẫn thường gặp lại mọi người tại ICISE.

Sau khi lên đại học, tôi vẫn thường xuyên đăng ký tham gia các sự kiện tại ICISE và mở rộng kiến thức cũng như kết nối của mình. Điều này cũng cho tôi nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm phong phú để ứng tuyển vào các vị trí thực tập và các chương trình thạc sĩ ở nước ngoài sau này.

* Trong quá trình theo đuổi khoa học của mình, bạn đã gặp phải những khó khăn gì và bạn vượt qua bằng cách nào?

- Trải nghiệm nghiên cứu đầu tiên của tôi là khi thực tập tại Đài Loan. Ở đây tôi được giao một bài toán chưa có lời giải. Sau hai tháng làm việc và kiểm tra lại các tính toán rất nhiều lần, cả tôi và người hướng dẫn đều không tìm được một lời giải "đẹp" để mô tả hệ thống của bài toán.

Cô hướng dẫn của tôi cho rằng đây có thể là cái xui vì một bài toán không có đáp án đẹp. Nhưng đó cũng là một cái may vì tôi được trải nghiệm điều này ngay trong lần nghiên cứu đầu tiên của mình.

Đây là bài học lớn vì trong nghiên cứu, không phải lúc nào cũng cho ra kết quả tốt, hay thậm chí không có đáp án cũng là một kết quả có ý nghĩa.

Việc đào sâu vào bài toán, thử nghiệm nhiều hướng đi và kiểm tra toàn bộ quá trình nhiều lần đã giúp tôi rèn tính nhẫn nại và kiên trì, cũng như tạo ấn tượng tốt với người hướng dẫn. Sau này, cô hướng dẫn đã viết cho tôi nhiều lá thư giới thiệu rất tâm huyết.

Nhờ bài học này, khi tôi đến thực tập tại Pháp, tôi cũng không bỏ cuộc khi liên tục gặp trở ngại và cuối cùng cũng thành công giải quyết cả bài toán bổ sung không nằm trong yêu cầu. Tôi cũng học được cách tự công nhận những nỗ lực của mình, bất kể những nỗ lực này dẫn đến thành công hay thất bại.

* Khi nhận được học bổng của trường đại học danh giá nhất nước Pháp, cảm xúc của bạn như thế nào?

- Thời gian cho quá trình ứng tuyển và chờ đợi kết quả rất dài, nên suy nghĩ đầu tiên của tôi thì đây là kết quả xứng đáng với những công sức và tâm huyết mình đã đổ vào. Tôi không tự tin rằng mình sẽ đậu nhưng chỉ cần dám thử thì cơ hội thành công luôn tồn tại, dù có nhỏ đến đâu.

Tôi luôn tin tưởng và không ngừng hy vọng. Ước mơ của tôi là được tiếp tục nghiên cứu những chủ đề trong lĩnh vực mình yêu thích và được giao lưu, hợp tác với những người có cùng đam mê.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Mê tìm hiểu các hiện tượng thời tiết, Diêu Ngân từ Bình Định ra Hà Nội theo đuổi ngành Khoa học vũ trụ, giành học bổng đại học số 1 nước Pháp.
3 tuần trước - Khát vọng phát triển cách 'gói' thuốc điều trị ung thư bằng công nghệ nano, Ngọc Ngân có 4 công bố khoa học đăng trên tạp chí quốc tế và được chính phủ Anh tài trợ học bổng toàn phần cho hành trình thạc sĩ.
4 ngày trước - Bốn năm sau khi đỗ đầu ngành Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Mạnh Cường tốt nghiệp thủ khoa với điểm khóa luận đạt 9,97/10.
1 tháng trước - Trong số các thí sinh đạt điểm thi THPT rất cao, trên 27 thậm chí tiệm cận 28 điểm vừa xét tuyển vào trường Đại học (ĐH) Duy Tân năm 2024, có 3 thí sinh dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn luôn nỗ lực không ngừng nghỉ với quyết...
3 tuần trước - Bỏ mục tiêu du học Mỹ, Nguyễn Lê Phương Thúy chuyển hướng sang Canada và giành học bổng toàn phần của Đại học Toronto.
Xem tin bài khác
10 phút trước - Đó là chia sẻ của ông Luke Turner, giám đốc điều hành Trường song ngữ quốc tế Emasi Nam Long, TP.HCM, về việc tổ chức "Tuần lễ sẻ chia" hướng về vùng bão lũ cho học sinh.
2 giờ trước - Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
3 giờ trước - Huân chương Cành cọ hàn lâm ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Phan Thị San Hà trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm CARE, cũng như bồi đắp mối quan hệ giữa Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và các đối tác Pháp.
4 giờ trước - Ớn lạnh, nổi gai ốc, không dám xem hết hình ảnh, video... là những cảm giác của những người tham gia buổi tập huấn, khi nghe trung tá Bùi Thái Đức, chuyên viên chính Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM điểm lại những vụ bạo hành trẻ em chấn...
4 giờ trước - Nhiều sinh viên có sản phẩm đăng trên báo Tuổi Trẻ, một số sinh viên xuất sắc có tư duy đề tài và hoàn thiện sản phẩm truyền thông như phóng viên.