ttth247.com

Phú Mỹ vươn vai mạnh mẽ, Đông Nam bộ sẽ ghi tên thành phố cảng biển tầm thế giới

Trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Mỹ luôn nằm trong top đầu về thu ngân sách và xếp hạng cải cách hành chính, theo ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư Thị ủy Phú Mỹ. Dự kiến thị xã Phú Mỹ sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có thành phố thứ 3, ngoài 2 thành phố hiện hữu là Vũng Tàu và Bà Rịa.

Phú Mỹ vươn vai mạnh mẽ, Đông Nam bộ sẽ ghi tên thành phố cảng biển tầm thế giới - Ảnh 1.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thị xã Phú Mỹ.

Từ một địa phương với kinh tế thuần nông là chủ yếu, 30 năm sau ngày hình thành và phát triển, huyện Tân Thành (thành lập ngày 15/8/1994, nay là thị xã Phú Mỹ) đã chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu phát triển kinh tế. Phú Mỹ hôm nay được xem là "thành phố công nghiệp, cảng biển và dịch vụ logistics" hàng đầu của cả vùng Đông Nam bộ.

Sáng 15/8/2024, Thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Tân Thành (1994 - 2024), nay là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo thông tin do Bí thư Thị ủy Nguyễn Văn Việt cung cấp, công nghiệp đang chiếm tỷ trọng 80,43% trong cơ cấu kinh tế của thị xã, thương mại dịch vụ chiếm 18,57% và nông lâm thủy sản 1%. Phú Mỹ đã xây dựng được nền móng vững chắc cho công nghiệp, cảng biển và dịch vụ logistics.

Trong toàn tỉnh, 9/15 khu công nghiệp phân bổ tại Phú Mỹ, tập trung dọc theo Quốc lộ 51 và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, chính là cụm cảng đã khắc đậm tên Bà Rịa - Vũng Tàu lên bản đồ hàng hải quốc tế nhờ thành tích đón siêu tàu container Margrethe Maersk tháng 10/2020. 

Chiếc tàu vận tải treo cờ Đan Mạch này dài gần 400m, rộng 59m và có sức chở đến 18.340 TEU (một TEU tương đương một container loại 20 feet). Margrethe Maersk thuộc nhóm tàu container lớn nhất thế giới.

Phú Mỹ vươn vai mạnh mẽ, Đông Nam bộ sẽ ghi tên thành phố cảng biển tầm thế giới - Ảnh 2.

Siêu tàu container Margrethe Maersk cập cảng CMIT trong cụm Cái Mép - Thị Vải tháng 10/2020. Ảnh: Bảo Khánh

Thị xã Phú Mỹ hiện hữu nằm phía tây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm dọc Quốc lộ 51 và cách trung tâm TP.HCM chỉ hơn 50km, cách TP Bà Rịa 10km và TP Vũng Tàu 20km. 

Hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng container được Ngân hàng Thế giới và Global Market Intelligence xếp thứ 7 thế giới về chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – chỉ số hoạt động cảng container) năm 2024, đứng trên cả cảng Yokohama Nhật Bản (thứ 9), Hồng Kông (thứ 15), và Singapore (đứng 17).

Năm 2023, Cái Mép - Thị Vải đứng thứ 12. Như vậy, cụm cảng nước sâu tại thị xã Phú Mỹ đã nhảy lên 5 bậc trong vòng một năm. Cụm này gồm các cảng quốc tế như Gemalink của Gemadept ("đại gia" ngành logistics Việt Nam), cảng CMIT, TCIT, TCCT, cảng SP-PSA, cảng SITV và cảng container Cái Mép. CMIT chính là nơi đón siêu tàu container Margrethe Maersk vào năm 2020.

Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải hiện nay có 35 bến cảng, đã đưa vào khai thác 22 bến cảng với tổng công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó bao gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEU/năm.

Phú Mỹ vươn vai mạnh mẽ, Đông Nam bộ sẽ ghi tên thành phố cảng biển tầm thế giới - Ảnh 3.

Một góc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: M. Lương

Ông Nguyễn Văn Vũ ngụ phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ chia sẻ với báo Xây dựng rằng ông vẫn còn nhớ như in những năm đầu thành lập huyện Tân Thành. Lúc đó, đời sống sinh hoạt khá nhiều khó khăn. "Những năm từ 1995 đến đầu 2000, người dân ở đây chủ yếu làm ao đùm, đánh bắt thủy sản gần bờ sông, đường sá hạ tầng còn nhiều hạn chế". Cư dân này khẳng định so với 30 năm về trước, thị xã Phú Mỹ bây giờ đã phát triển hơn rất nhiều.

Theo lãnh đạo thị xã Phú Mỹ, thời điểm mới thành lập, huyện Tân Thành lúc đó chỉ có khoảng 23km đường bê tông nhựa, là Quốc lộ 51. Hầu hết các tuyến đường trong huyện đã xuống cấp trầm trọng, mặt đường nhỏ hẹp, giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa hết sức khó khăn.

Với sự quan tâm của các cấp, đến nay hạ tầng đô thị địa phương cơ bản đã có nhiều đổi thay. Tính đến hết năm 2023, toàn thị xã đã bê tông nhựa hóa hơn 204km đường; 90% tuyến đường liên thôn ấp đều đã được bê tông, nhựa hóa. Việc lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân được thuận lợi hơn. Đây được xem là một trong những điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Phú Mỹ.

Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Chính phủ phê duyệt), tỉnh sẽ hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.

Phú Mỹ vươn vai mạnh mẽ, Đông Nam bộ sẽ ghi tên thành phố cảng biển tầm thế giới - Ảnh 4.

Phối cảnh Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Ảnh tư liệu

Cùng với cảng biển, công nghiệp hình thành đôi cánh

Tại lễ kỷ niệm, ông Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phát biểu: "Hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư như hiện nay sẽ kết nối cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, trong khu vực và thế giới, đưa Phú Mỹ trở thành một trong những điểm hội tụ chiến lược trên các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại quan trọng của quốc gia và khu vực…".

Với vị thế quan trọng, động lực kinh tế chính là kinh tế biển, Phú Mỹ cũng tập trung phát triển thế mạnh về công nghiệp. Hệ thống cảng và dịch vụ hỗ trợ cảng cũng tiếp sức cho quá trình phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã.

Đơn cử, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 là dự án trọng điểm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thuộc chương trình "Sáng kiến phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng và lợi thế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - PBEG", do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất. Đây là khu công nghiệp chuyên sâu đầu tiên của Việt Nam.

Một trong những lợi thế của KCN Phú Mỹ 3 là gần cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Là một trong hai dự án KCN kiểu mẫu nằm trong Thỏa thuận Hợp tác & Phát triển được ký kết giữa chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, KCN Phú Mỹ 3 được đầu tư hạ tầng bài bản, cơ sở vật chất hiện đại chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản. Những ngành trọng điểm đang được đầu tư tại KCN Phú Mỹ 3 gồm khí đốt, gas, xăng dầu, luyện kim…

Giữa tháng 9/2023, Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc quyết định chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm địa điểm mới để đầu tư sản xuất sợi carbon và tổng vốn ước tính gần 1 tỷ USD, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của ông lớn này. Công ty Vật liệu Tiên tiến Hyosung (Hyosung Advanced Materials) con của tập đoàn lúc đó thành lập một đơn vị mới có tên Hyosung Vina Core Materials Co., Ltd. tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho dự án lớn này.

Theo thông tin từ Hyosung vào thời gian đó, 533 tỷ won (402 triệu USD) đã được đầu tư vào công ty sản xuất sợi carbon Hyosung Advanced Materials. Kế hoạch của Hyosung là nhà máy mới tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 (thị xã Phú Mỹ) sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2025.

Tháng 3 vừa qua, Hyosung nhận giấy phép cho một dự án mới (sản xuất sợi vải hiện đại) với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thông qua dự án này, Hyosung thực hiện kế hoàn thiện chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm ở Việt Nam nhằm trở biến thành nhà cung cấp sợi vải spandex lớn nhất thế giới. Là loại sợi vải hiện đại với tính đàn hồi cao, spandex được sử dụng phổ biến trong ngành may mặc toàn thế giới.

Với giấy phép đã nhận, Hyosung đang triển khai dự án nhà máy sợi sinh học BDO (tên đầy đủ: Butanediol) tại KCN Phú Mỹ 2. Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á và hiếm hoi trên thế giới sản xuất BDO từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại. Đường thô thay thế hoàn toàn nguyên liệu truyền thống như than đá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhà máy của Hyosung tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) giáp Phú Mỹ sẽ chế tạo sợi vải spandex từ nguyên liệu BDO của nhà máy mới kế bên.

Phú Mỹ vươn vai mạnh mẽ, Đông Nam bộ sẽ ghi tên thành phố cảng biển tầm thế giới - Ảnh 5.

Tổ hợp sản xuất nhựa PP và kho khí gas LPG của Công ty Hóa chất Hyosung Vina tại KCN Cái Mép, TX. Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hyosung Vina

Cũng trong tháng 3 năm nay, CS Wind (tập đoàn sản xuất các tháp điện gió hàng đầu Hàn Quốc) làm lễ khánh thành nhà máy mới có vốn đầu tư hơn 70 triệu USD tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1. Đây là nhà máy thứ 2 của CS Wind tại Việt Nam, và cả 2 đặt tại KCN Phú Mỹ 1.

Nhân dịp này, CS Wind xuất xưởng 10 tháp điện gió công suất 10 MW mỗi tháp được sản xuất tại nhà máy mới; và những sản phẩm đặc biệt và chuyên dụng này đang được vận chuyển đến khu vực thi công dự án điện gió Jeonnam 1 nằm ngoài khơi tỉnh Jeonnam phía Tây Nam Hàn Quốc vào cuối tháng 4/2024.

Lô hàng này nằm trong gói hợp đồng cung ứng của CS Wind cho Siemens Gamesa, nhà sản xuất tua-bin gió ngoài khơi số 1 thế giới, trong hợp đồng của Siemens Gamesa cung cấp tua-bin điện gió cho Dự án Jeonnam 1.

Phú Mỹ vươn vai mạnh mẽ, Đông Nam bộ sẽ ghi tên thành phố cảng biển tầm thế giới - Ảnh 6.

10 tháp điện gió sản xuất tại CS Wind Việt Nam ở Bà Rịa - Vũng Tàu được bàn giao cho Siemens Gamesa ngày 12/4/2024. Ảnh: TTXVN

Theo hợp đồng cung cấp tháp gió ngoài khơi trị giá gần 3,4 tỷ USD ký với Siemens Gamesa cuối năm 2022, CS Wind sẽ cung cấp tháp gió cho Siemens Gamesa từ tháng 5/2024 đến tháng 12/2030 để thực hiện nhiều dự án điện gió ngoài khơi ở nhiều nước châu Âu, Mỹ và châu Á. Theo hợp đồng, nguồn cung của CS Wind đến từ các nhà máy của CS Wind tại Việt Nam và Bồ Đào Nha.

Như vậy, thị xã Phú Mỹ cũng được thế giới biết đến nhờ là nơi xuất đi các tháp điện gió được sử dụng khắp thế giới.

Source: danviet.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Hiện, cổ phiếu HBC đã quay về mốc 4.000 đồng/cp, tương đương giá điều chỉnh từ thưở ban đầu sau 18 năm niêm yết.
1 tháng trước - Dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, VinFast đã có được sự bứt phá kể từ bước đà niêm yết tại Mỹ vào ngày 15/8/2023, tuy vậy công ty vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
2 tuần trước - Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng có 150 chuyến cập Cảng Cái Mép - Thị Vải với cỡ tàu bình quân 120 ngàn tấn, trong đó có 55 tàu trên 150 ngàn tấn.
3 tuần trước - Đó là một trong những yêu cầu của Bộ Chính trị khi cho ý kiến về Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
1 tháng trước - Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mở ra chương mới cho quan hệ tốt đẹp giữa hai bên thông qua việc làm mới, tiếp sức cho những lĩnh vực, động lực hợp tác truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ những lĩnh vực,...
Xem tin bài khác
10 phút trước - 🎊 Mừng sinh nhật Happy Live – 7 năm gieo hạt, ươm mầm tri thức 🌱 7 năm – một hành trình đầy ý nghĩa, không chỉ là con số, mà còn là minh chứng cho sự kiên trì, nỗ lực không ngừng trong việc gieo trồng những hạt giống tri thức. Trong dịp...
10 phút trước - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã hoàn tất việc chuẩn bị nhân sự thành viên của Ủy ban châu Âu cho nhiệm kỳ 5 năm tới.
1 giờ trước - Mới đây, kênh TikTok chính thức của Đảng Dân chủ đã công khai sử dụng bài hát New Woman của Lisa (BLACKPINK) làm nhạc nền cho video tranh cử của bà...
1 giờ trước - Ngày 17/9, Tập đoàn Sun Group và BrauKon & Camba - Thương hiệu danh tiếng của Đức trong lĩnh vực sản xuất bia - đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, phát triển dòng sản phẩm bia thủ công cao cấp Sun KraftBeer, đồng thời mở rộng mô...
2 giờ trước - Kiểm Toán Nhà nước vừa tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác cán bộ. Theo đó, 21 lãnh đạo cấp vụ của cơ quan này được điều động, bổ nhiệm chức danh mới.