ttth247.com

Quán phở 'treo' giữa phố cổ Hà Nội

Khoác giỏ hàng rong đi qua quán phở trên phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm, bà Lê Thị Thành được các nhân viên niềm nở mời vào, nói "có phở treo tặng khách", sáng 5/8.

Đây là lần thứ ba người phụ nữ 73 tuổi quê ở Hoằng Tân, Hoằng Hóa, Thanh Hóa ghé số 14 phố Bảo Khánh ăn phở. Trước khi biết đến phở "treo" - hình thức khách đến ăn trả tiền thêm một hoặc nhiều suất ăn và gửi lại quán để tặng người cần - bà Thành chỉ dám ăn cơm nguội, mỳ tôm hoặc mua nắm xôi giá 5.000 đồng ăn sáng.

Người phụ nữ này cùng một số đồng hương thuê trọ ở phố Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, hàng ngày vẫn đi bộ lên bờ hồ bán hàng rong. Chồng mất sớm, con cái đi làm xa, hoàn cảnh gia khó khăn nên bà ra Thủ đô mưu sinh 10 năm nay, tháng kiếm hai, ba triệu đồng.

Sống ở Thủ đô nhiều năm nhưng số lần vào quán ăn phở của bà đếm trên đầu ngón tay. Họa hoằn lắm bà mới dám mạnh tay chi tiền ăn phở.

"Đường phố Hà Nội tôi đi không thiếu ngõ ngách nào, nhưng đây là lần đầu thấy có phở treo. Bát phở được cô chủ làm ngon lắm, nhiều thịt, ăn no đến chiều", người phụ nữ 73 tuổi nói.

Bà nói chỉ ăn phở "treo", nếu quán miễn phí sẽ từ chối bởi sợ chủ quán thua lỗ.

Bà Lê Thị Thành ăn phở treo tại một quán ăn trên phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm, sáng 5/8. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Bà Lê Thị Thành ăn phở "treo" tại một quán ăn trên phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm, sáng 5/8. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Đến quán sau bà Thành vài phút, bà Nguyễn Thị Ngoạt ở Văn Điển, huyện Thanh Trì cũng được mời vào quán. Người phụ 70 tuổi này vừa đạp xe từ nhà lên phố Nhà Chung để dọn vệ sinh.

Lần đầu thấy có người mời vào ăn phở bà Ngoạt từ chối bởi sợ giá đắt, lương một ngày công không đủ trả tiền. Nhưng được giải thích về mô hình phở "treo", bà mới dám vào. Người phụ nữ kể quán nhỏ, khách đông nhưng chủ quán vẫn sắp xếp bàn ghế, quạt mát, phòng lạnh để mời mọi người ghé ăn phở "treo".

"Không có bất kỳ sự phân biệt hay đối xử nào khác giữa khách đến ăn phở "treo" hay tự trả tiền. Lâu lắm tôi mới được ăn bát phở ngon đến thế", bà Ngoạt nói.

Chị Phan Lệ (áo nâu) đến giải thích về mô hình phở treo với bà Ngoạt (áo xanh) cùng một số người khác, tránh để khách ăn thấy ngại, sáng 5/8. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Chị Phan Lệ (đứng) đến giải thích về mô hình phở "treo" với bà Ngoạt (áo xanh) cùng một số người khác, tránh để khách ăn thấy ngại, sáng 5/8. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Chị Phan Lệ, 47 tuổi, chủ quán phở, cho biết đã triển khai mô hình phở "treo" được một tháng. Khách đến ăn phở "treo" ở mọi độ tuổi, không phân biệt ngành nghề nhưng ưu tiên người già, neo đơn, người bán hàng rong, người khuyết tật và trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ quán cho biết ý tưởng làm phở "treo" xuất phát từ lần tình cờ xem chương trình của Italy về mô hình cà phê "treo", táo "treo" tặng người khó khăn, sau ở TP HCM cũng mở cơm "treo".

Sẵn có quán phở, chị bàn bạc với gia đình làm phở "treo". Do là mô hình mới, mỗi ngày quán tự "treo" 30 suất, thực khách đến ăn muốn "treo" thêm sẽ bắt đầu ghi từ số 31. Trong trường hợp các suất "treo" trong ngày còn thừa, quán sẽ cộng dồn sang ngày hôm sau.

Ngoài chữ "phở treo", chủ quán còn làm biển ghi dòng chữ "Đây là một hình thức từ thiện bằng việc để lại một phần ăn cho những hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng mà vẫn ủng hộ quán ăn địa phương".

"Thêm vào suất phở hay bớt đi vài suất phở cũng không khiến tôi giàu lên hay nghèo đi bởi mong muốn lớn nhất là đem những suất ăn đủ chất đến người cần, mong họ được ấm bụng trước khi đi mưu sinh", chị Lệ nói. Người phụ nữ này cũng cho biết mô hình phở treo mở cả ngày, phục vụ người cần.

Ngày đầu mới treo biển, không có khách đến ăn, buộc chủ quán và các nhân viên hễ thấy người bán hàng rong, người già lại mời vào. Một số người không hiểu, kiên quyết từ chối bởi ngại, sợ quán thua lỗ. Chỉ khi được giải thích "các suất ăn của mình đã được người khác trả tiền", họ mới dám vào ăn.

Sau gần một tháng triển khai, chị Lệ cho biết quán đã gửi được gần 20 suất phở treo bởi ít người biết. Số lượng khách đến quán treo lại phở cũng tùy ngày, có hôm chỉ một, hai bát, nhưng cũng có khi được nhiều hơn, có cả người Việt và khách nước ngoài. Đặc biệt, số tiền khách gửi lại cũng tùy tâm, có thể bằng giá một bát phở hoặc ít hơn, nhưng quán cam kết vẫn chuẩn bị phần ăn đầy đủ, chất lượng.

Chị Phan Lệ chỉnh lại số suất phở treo còn trên biển, mong người cần sẽ không ngại ghé quán ăn tại phố Bảo Khánh, quận Ba Đình, sáng 5/8. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Chị Phan Lệ chỉnh lại số suất phở "treo" còn trên biển, mong người cần sẽ không ngại ghé quán ăn tại phố Bảo Khánh, quận Ba Đình, sáng 5/8. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Sáng 5/8, chị Lê Quỳnh Ngọc cùng con trai ghé quán phở. Người phụ nữ 45 tuổi ở Sơn La cùng gia đình xuống Hà Nội chơi, nay tình cờ đến quán ăn của chị Lệ. Từng nghe đến mô hình cơm "treo", cà phê "treo" ở các địa phương khác nhưng đây là lần đầu chị Ngọc được trải nghiệm.

"Mô hình quá hay và quá ý nghĩa nên tôi cũng treo lại hai suất phở, mong có thể chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn hơn bằng chính những việc làm nhỏ nhặt nhất. Mong sẽ có nhiều quán như chị Lệ cùng chung tay thực hiện mô hình này", chị Ngọc nói.

Đây không phải lần đầu chị Phan Lệ triển khai các mô hình giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. 13 năm gắn bó với công việc thiện nguyện, người phụ nữ 47 tuổi vẫn duy trì việc phát cơm miễn phí tại các bệnh viện ở Hà Nội, tặng các suất cháo, soup cho người nghèo, người vô gia cư vào các ngày cố định. Riêng với việc tặng phở miễn phí, chị nói đã làm nhiều năm nhưng nay mới làm phở "treo" bởi biết nhiều người muốn ăn nhưng ngại. Toàn bộ các suất ăn miễn phí đều được trích từ doanh thu của quán.

"Tôi hy vọng hy vọng mô hình "treo" đồ ăn sẽ được nhân rộng, nhiều hàng quán tại các quận huyện ở Hà Nội hưởng ứng để giúp đỡ người gặp khó khăn. Đây là lý do mà phở "treo" của tôi không chỉ mở trong vài ngày, vài tháng mà sẽ duy trì trong thời gian dài", chị Lệ nói.

Quỳnh Nguyễn

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
2 ngày trước - Năm 2007, Lê Nguyễn Minh Phương là tân sinh viên nghèo nhận học bổng 'Tiếp sức đến trường' của báo Tuổi Trẻ khi trúng tuyển vào Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng.
3 tuần trước - Khoảnh khắc biết mẹ chồng đi 1.200km về đón cháu, Mơ (tên ở nhà là Nguyên) rưng rưng xúc động. Cô vừa thương mẹ chồng vất vả vừa cảm động trước tấm lòng yêu con thương cháu của bà.
1 tháng trước - Để có chuyến du lịch xuyên Việt đáng nhớ trong hơn một tháng giữa ba thế hệ, 12 cá tính, anh Thành đã áp dụng quy tắc “hai không“: không cãi nhau, không giận nhau.
1 tuần trước - Có 11 đứa cháu nhưng bà Bích Hường không trực tiếp chăm sóc bé nào, vì không muốn biến mình thành osin cho con và tin đây là cách để cả nhà hạnh phúc.
3 tuần trước - Sau khi tan học, Nila và Arion sẽ tự nấu đồ ăn, học bài hoặc chơi piano trước khi phân công nhau làm việc nhà.
Xem tin bài khác
7 giờ trước - Trong lúc chạy lũ thấy vợ chần chừ, chồng tôi kéo tay giục giã: ‘Đi thôi em ơi, bám vào áo anh, còn người là còn của. Em với con còn sống thì anh mới làm lại được’”, chị Thoa chia sẻ.
8 giờ trước - Sau 1 thời gian nhá hàng bằng đoạn video ngắn, Mai Dora đã thả xích loạt ảnh diện bikini cực nóng bỏng.
9 giờ trước - Ngày 19-9, Trường đại học Nam Cần Thơ trao tặng cho đại diện báo Tuổi Trẻ số tiền của đoàn viên thanh niên nhà trường, đóng góp cho đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng của bão số 3.
9 giờ trước - Chiều 19.9, nhiều người ở TP.HCM vất vả di chuyển, lội nước qua đoạn đường ngập do triều cường. Nhiều người đã quá quen với cảnh này, các chủ quán hai bên đường bị ngập thở dài vì ế khách.
10 giờ trước - Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân nghèo là một nghĩa cử đầy cao đẹp của đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.