ttth247.com

Sẽ thanh, kiểm tra các cơ sở bảo trợ xã hội trên toàn quốc

Thanh, kiểm tra sâu về tiếp nhận nguồn hỗ trợ, quản lý tài chính

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết trước khi vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồngbị phanh phui, cơ quan chức năng TP.HCM đã kiểm tra cơ sở này nhưng chưa phát hiện ra sai phạm; có thể là do chỉ kiểm tra các điều kiện hoạt động, cơ sở vật chất, môi trường, con người…

Sẽ thanh, kiểm tra các cơ sở bảo trợ xã hội trên toàn quốc- Ảnh 1.

Công an kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng sáng 4.9

ẢNH: UYỂN NHI

Tới đây, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị TP.HCM kiểm tra, thanh tra toàn diện tất cả quy định của pháp luật đối với hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội. Bên cạnh kiểm tra điều kiện hoạt động, cơ sở vật chất…, còn phải kiểm tra sâu hơn về tiếp nhận các nguồn hỗ trợ, quản lý tài chính, nguồn hàng, tiền hàng…

Ngoài ra, các cơ sở bảo trợ xã hội phải thường xuyên rà soát, báo cáo đối tượng, lập danh sách, tìm nguồn gốc trẻ em, đặc biệt là trẻ em sơ sinh, bởi nếu không rất dễ phát sinh liên quan đến mua bán người.

Ông Nam nêu rõ: "Qua mở rộng kiểm tra tại TP.HCM cũng phát hiện nhiều cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh; không nắm được nơi đi, nơi đến của trẻ; tình trạng của trẻ, giấy tờ tùy thân, nguồn gốc của trẻ... theo Nghị định 56/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Trẻ em và Thông tư 14/2020 của Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn quy trình về chăm sóc thay thế cho trẻ em. Do đó, chúng ta phải thanh tra, kiểm tra toàn diện tất cả các quy định của pháp luật, chứ không chỉ kiểm tra căn cứ vào Nghị định 103/2017 của Chính phủ về thành lập, giải thể các cơ sở trợ giúp xã hội".

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho hay sẽ kiến nghị với Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo thanh tra bộ thanh tra, yêu cầu các địa phương kiểm tra toàn diện tất cả các quy định pháp luật thì mới phát hiện ra những sai sót. "Sang năm 2025 sẽ phải tăng cường yêu cầu các địa phương thanh tra, kiểm tra toàn diện các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em, biến việc này thành việc làm thường xuyên", ông Nam nói.

Theo ông Nam, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhưng mặt khác cũng phải quản lý được. "Nguồn lực xã hội phải được đóng góp tập trung, đúng nơi, đúng lúc, không thể để phát sinh các trường hợp lợi dụng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhằm thu hút nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm là không ổn, gây phản cảm. Nếu chúng ta không quản lý được sẽ làm mất niềm tin của xã hội vào các hoạt động từ thiện nhân đạo, đặc biệt đối với trẻ em", ông Nam bày tỏ.

Kiến nghị xây dựng luật về hoạt động từ thiện xã hội

Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cho rằng, việc xảy ra một số trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em tại những cơ sở trợ giúp xã hội cho thấy các cơ quan quản lý mới chỉ bổ sung, sửa đổi quy định dưới dạng nghị định. Nhưng tới đây, phải tiến đến xây dựng thành luật về các hoạt động từ thiện nhân đạo.

Sẽ thanh, kiểm tra các cơ sở bảo trợ xã hội trên toàn quốc- Ảnh 2.

Cơ quan chức năng làm việc tại Mái ấm Hoa Hồng hôm 4.9

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

"Nhiều quốc gia có quy định rất chặt chẽ về các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện, nếu không sẽ rất khó quản lý. Chúng ta phải kiến nghị nâng các quy định về hoạt động xã hội, từ thiện xã hội lên thành luật, để làm sao điều chỉnh được những vấn đề liên quan thu hút nguồn lực xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội, cùng chung tay với Nhà nước chăm sóc các đối tượng yếu thế", ông Nam nêu ý kiến.

Ngoài ra, theo Cục trưởng Cục Trẻ em, mới đây ngày 30.8, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã ký ban hành Nghị định 110/2024 về công tác xã hội. Nghị định này phải được triển khai rốt ráo để có nguồn nhân lực, có đội ngũ những người làm công tác xã hội thì họ mới có thể tham gia vào công tác giám sát thường xuyên, với từng trường hợp. Còn nếu chỉ thanh tra thì không ăn thua.

Cơ sở nuôi dưỡng trẻ em lắp đặt camera giám sát 24/24 giờ

Trao đổi với Thanh Niên ngày 8.9, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi cho biết qua vụ việc của Mái ấm Hoa Hồng, tới đây Bộ LĐ-TB-XH sẽ yêu cầu các cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát, lắp đặt camera giám sát 24/24 giờ.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo các địa phương, sở LĐ-TB-XH phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra. Cơ sở nào chưa có giấy phép phải dừng hoạt động, cơ sở nào chưa hội tụ đủ các tiêu chí điều kiện phải khẩn trương hoàn thiện để tăng cường năng lực chăm sóc trẻ em. "Quy định của pháp luật nghiêm cấm việc thiện nguyện để trục lợi, nghiêm cấm các hành vi bạo lực, bạo hành xâm hại trẻ em. Nếu vi phạm, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng xử lý hình sự", Thứ trưởng Hồi cho hay.

Liên quan đến cơ chế giám sát tại các cơ sở trợ giúp xã hội, ông Đặng Hoa Nam cho rằng cần phải bổ sung xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật, các tiêu chuẩn tăng cường hệ thống giám sát, chức năng giải trình. Các địa phương có thể ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hình thành cơ sở dữ liệu, yêu cầu các cơ sở phải thường xuyên trao đổi với các đầu mối là sở LĐ-TB-XH hoặc phòng LĐ-TB-XH.

Cùng với yêu cầu trên, phải xây dựng quy chế để giám sát, bảo vệ trẻ em nội bộ tại các cơ sở chăm sóc trẻ ngoài công lập, triển khai lắp đặt camera giám sát. Đặc biệt, đối với các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ phải có hệ thống chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chức năng để có thể theo dõi, kiểm tra, giám sát bất kỳ lúc nào.

Theo ông Nam, nếu những cơ chế, quy định trên được thực hiện một cách đồng thời sẽ phòng ngừa, kiểm soát và ngăn chặn được những vụ việc bạo hành đau lòng xảy ra như thời gian vừa qua.

Tạm đình chỉ hoạt động Mái ấm Chúc Từ

Ngày 9.9, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ (Mái ấm Chúc Từ, ở 57/8 Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã bị tạm đình chỉ hoạt động trong 3 tháng.

Mái ấm Chúc Từ do bà Lê Thị Thu Hoa (pháp danh Thích Nữ Chúc Từ) quản lý, được Phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Thạnh cấp phép hoạt động ngày 5.4.2021 với chức năng tiếp nhận và chăm sóc trẻ không có nguồn nuôi dưỡng, chủ yếu là trẻ bị bỏ rơi hoặc mồ côi. Quy mô tiếp nhận của cơ sở này không quá 22 trẻ. Theo UBND Q.Bình Thạnh, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra hoạt động của mái ấm này và chưa phát hiện vi phạm.

Tuy nhiên, ngày 4.9, Phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Thạnh nhận được phản ánh về việc trẻ ở mái ấm này bị đánh chảy máu miệng và cơ sở nhận trẻ nhưng chưa có giấy khai sinh. Ngay sau đó, ngày 5.9, Q.Bình Thạnh đã tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất. Đoàn kiểm tra ghi nhận các trẻ tại mái ấm có đầy đủ giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế, tuy nhiên cơ sở không cung cấp được hợp đồng lao động của bảo mẫu, giáo viên và sổ sách tài chính, do kế toán đi vắng. Bà Lê Thị Thu Hoa, quản lý cơ sở, thừa nhận biết việc bạo hành và đã làm việc với người liên quan, yêu cầu các bảo mẫu cư xử đúng mực, không đánh đập, bạo hành trẻ.

Ngày 7.9, UBND Q.Bình Thạnh tiếp tục chỉ đạo kiểm tra đột xuất lần 2 đối với mái ấm này. Qua đó, đoàn kiểm tra nhận thấy cơ sở không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, không cung cấp được hồ sơ liên quan đến việc tiếp nhận và quản lý, sử dụng tiền, hiện vật từ thiện, viện trợ; không có hồ sơ giám sát nội bộ phòng, chống xâm hại, bạo lực đến với trẻ; nhân sự không đảm bảo theo phương án thành lập cơ sở; điều kiện ăn ở của trẻ chưa đạt chuẩn...

Tạm đình chỉ Mái ấm Chúc Từ sau 2 lần kiểm tra đột xuất

Phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Thạnh đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Mái ấm Chúc Từ trong vòng 3 tháng kể từ ngày 7.9. Đồng thời, 22 trẻ tại mái ấm đã được chuyển đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân. UBND Q.Bình Thạnh cũng chỉ đạo tiếp tục điều tra làm rõ các hoạt động liên quan đến việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tại mái ấm này.

Trước đó, chính quyền H.Củ Chi đã kiểm tra chùa Phật Bửu (ấp Cây Trâm 2, xã Phú Hòa Đông) do sư cô Thích Nữ Chúc Từ làm trụ trì, ghi nhận tại chùa đang nuôi dưỡng 24 trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, chùa không có giấy phép bảo trợ xã hội. H.Củ Chi cũng đã chuyển 24 trẻ về Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân.

Phạm Thu Ngân

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - TP.HCM sẽ thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở bảo trợ xã hội về điều kiện vật chất và nhân sự nhằm ngăn chặn những sự việc tương tự như Mái ấm Hoa Hồng.
1 tuần trước - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh cho hay, đơn vị sẽ lập 3 tổ công tác để rà soát, kiểm tra 79 cơ sở bảo trợ xã hội, gồm cả cơ sở công lập và các cơ sở ngoài công lập được cấp phép.
2 tuần trước - Các bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) không chỉ bạo hành trẻ em mà còn dạy trẻ cách đánh đập lẫn nhau. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn và sử dụng thực...
2 tuần trước - Mái ấm Hoa Hồng do UBND quận 12 cấp phép thành lập. Theo giấy phép thì cơ sở này chỉ được tiếp nhận 39 trẻ nhưng khi kiểm tra có đến 85 trẻ
2 tuần trước - TP HCM- Trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng bị bạo hành một phần do sự buông lỏng quản lý từ địa phương, theo Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Xem tin bài khác
3 phút trước - Theo chuyên gia khí tượng, do hoàn lưu của bão số 4 kết hợp với gió mùa tây nam mạnh nên ngoài khu vực bão đổ bộ, các khu vực như Tây nguyên, miền Nam vẫn chịu ảnh hưởng.
3 phút trước - Ngày 18.9, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
3 phút trước - Một người dân ở Bình Định phát hiện 2 con tê tê quý hiếm đang nằm trong hốc cây ở sau nhà liền bắt lại, giao nộp cho kiểm lâm.
3 phút trước - Do ảnh hưởng của bão số 4, Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) đã cho tạm dừng khai thác các chuyến bay từ 15 giờ đến 22 giờ ngày hôm nay 19.9.
3 phút trước - Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho biết trong giai đoạn 2024 - 2026, TP.HCM xác định 4 định hướng lớn, gồm: đưa nền hành chính, quản trị thực thi hoạt động trên nền tảng số; chuyển đổi số các ngành; xây dựng giải pháp, dịch...