ttth247.com

Số người bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế tăng vọt

Hơn 15.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trong 8 tháng

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), từ đầu năm 2023 đến tháng 8.2024, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền thuế nợ là 30.388 tỉ đồng. Trong đó, có 10.829 trường hợp là người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 6.894 tỉ đồng.

Cả năm 2023 chỉ thông báo tạm hoãn xuất cảnh 2.411 trường hợp với tổng số tiền thuế nợ là 6.719 tỉ đồng. Như vậy, số trường hợp bị thông báo tạm hoãn xuất cảnh trong năm 2024 tăng vọt, lên tới 15.541 trường hợp trong 8 tháng qua.

Số người bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế tăng vọt- Ảnh 1.

Từ đầu năm 2023 đến tháng 8.2024, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền thuế nợ là 30.388 tỉ đồng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên cao cấp về thuế Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, phân tích với một số trường hợp, tạm hoãn xuất cảnh là yêu cầu cần thiết, tuy nhiên phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Trước đây, khi chưa áp dụng luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, cũng có tạm hoãn xuất cảnh nhưng chỉ một số trường hợp. Cụ thể, chỉ tạm hoãn xuất cảnh với trường hợp doanh nghiệp "ma", những doanh nghiệp thành lập ra chỉ để mua bán hóa đơn, chiếm dụng tiền của Nhà nước. Họ có hành vi chuẩn bị tẩu tán tài sản, gần như bỏ trốn.

Các trường hợp đó thường khá rõ ràng, có điều tra, có cơ sở nên cơ quan thuế đề nghị tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi vốn, đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước.

Ngoài ra, trường hợp nữa là với những người Việt Nam nhưng có quốc tịch nước ngoài, định chuyển cả gia đình sang nước ngoài định cư thì phải hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Khi luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực, tại điều 124 về trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế nêu rất rõ: "Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh".

Ông Tú đánh giá, ý định của luật rất hay, bởi cụm từ "có thể bị tạm hoãn xuất cảnh" nghĩa là phạm vi hạn hẹp, ở mức độ nào đó. 

"Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn thực thi luật, rất tiếc không dẫn từ "có thể". Không có tiêu chí để phân biệt, không có ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh như doanh nghiệp nợ thuế bao nhiêu tiền, bị phạt bao nhiêu lần chậm nộp… thì bị tạm hoãn xuất cảnh.

Việt Nam có tới 90% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, rất nhiều trường hợp còn nợ thuế, trong đó nhiều trường hợp vẫn có khả năng thanh toán. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng tạm hoãn xuất cảnh như hiện nay rất nguy hiểm, khiến các doanh nghiệp mất uy tín.

Những doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán mà tổng giám đốc hoặc chủ tịch HĐQT tự dưng bị cấm xuất cảnh, cổ phiếu ngay lập tức bị bán tháo, ảnh hưởng đến nhà đầu tư, làm môi trường kinh doanh méo mó", ông Tú nhấn mạnh.

Phải đưa ra tiêu chí cụ thể về trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên tại họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Tài chính diễn ra ngày 27.9, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, vấn đề tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đặc biệt là đối với cá nhân là đại diện pháp nhân của các đối tượng là doanh nghiệp có nợ thuế là quy định của pháp luật trong luật Quản lý thuế và luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Số người bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế tăng vọt- Ảnh 2.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trả lời tại họp báo

ẢNH: ĐT

Đây là biện pháp Nhà nước trang bị và yêu cầu cơ quan thuế phải thực hiện để đảm bảo thu được các khoản nợ, đảm bảo lợi ích của ngân sách.

Ngành thuế đã triển khai nhiều kênh thông tin cảnh báo nợ thuế, trong đó có thông báo qua ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile và cả nhắn tin tới người nộp thuế. 

Hiện nay, việc thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế được cơ quan thuế thực hiện theo quy trình sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân.

"Cơ quan thuế quản lý trực tiếp với người nộp thuế lập danh sách cá nhân thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Đồng thời, gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Đối tượng nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế. Đi vào từng trường hợp cụ thể, cơ quan thuế sẽ cân nhắc các giải pháp sao cho phù hợp nhất để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo lợi ích ngân sách", ông Minh nói.

Nhấn mạnh tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong những biện pháp thu nợ thuế, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế: "Nếu chúng tôi thấy có thể áp dụng các biện pháp khác thì không nhất thiết áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Thấy có nguy cơ cao thất thu thuế, biện pháp này mới thực hiện để đảm bảo lợi ích của ngân sách".

Theo ông Chung Thành Tiến (Chi hội Kế toán Hiểu đúng - Làm đúng), thu nợ thuế là một trong những giải pháp giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Với các doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế dù cơ quan thuế đã áp dụng đủ biện pháp quy định theo luật Quản lý thuế như trích tài khoản ngân hàng, yêu cầu sở kế hoạch và đầu tư rút giấy phép kinh doanh… thì tạm hoãn xuất cảnh là việc nên làm.

Tuy nhiên, các cơ quan thuế phải làm đúng từng bước trong luật Quản lý thuế; đủ các biện pháp cưỡng chế rồi mà vẫn không thu được nợ thuế thì mới chuyển hồ sơ sang cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thông báo ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân nợ thuế hoặc người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế.

Với những doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, chưa cân đối được dòng tiền nên chưa thể nộp thuế, ông Tiến cho rằng cần tìm giải pháp hỗ trợ.

Người nợ thuế lên gặp cơ quan quản lý thuế trình bày rõ tình hình khó khăn, có văn bản cam kết sẽ trả dần hoặc có tổ chức ngân hàng đứng ra bảo lãnh việc thanh toán thì cơ quan thuế cũng nên xử lý nhẹ nhàng để họ có hướng tháo gỡ, đừng vội áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Khẳng định tạm hoãn xuất cảnh là cần thiết nhưng phải tính toán tiêu chí làm sao phù hợp với tình hình thực tiễn, ông Tú bày tỏ quan điểm: "Bộ Tài chính cần rút kinh nghiệm và tiến hành sửa đổi. Phải đưa ra tiêu chí cụ thể, ví dụ trị giá tiền nợ thuế là bao nhiêu thì bị tạm hoãn xuất cảnh; doanh nghiệp đã bị phạt hành chính mấy lần rồi…

Doanh nghiệp đang nợ thuế nhưng cơ quan thuế cũng phải đồng hành tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp, tính toán để cho doanh nghiệp nộp thành nhiều lần nếu doanh nghiệp đó vẫn còn khả năng trả nợ… Nói chung, làm sao để biện pháp tạm hoãn xuất cảnh có hiệu lực, đúng người đúng việc, doanh nghiệp tâm phục, khẩu phục".

Theo ông Tú, lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn tới công tác về thuế. Không thể hoàn toàn ủy quyền cho bộ phận kế toán, phải có bộ phận để quản trị thuế, thông báo hàng tuần cho lãnh đạo doanh nghiệp…

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Trong khi vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh việc tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi nợ thuế, ngành thuế mới đây cho biết số người bị cơ quan thuế ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế tăng gấp 3 lần.
3 tuần trước - Tại Họp báo thường kỳ Quý III/2024, nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề thuế được đại diện Tổng cục Thuế giải đáp.
2 tuần trước - Chỉ tám tháng đầu năm 2024, có 17.952 trường hợp bị cơ quan thuế thông báo tạm hoãn xuất cảnh, cao gấp nhiều lần so với năm 2023.
1 tuần trước - Tính đến hết tháng 9, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỉ đồng.
1 tuần trước - Từ cuối năm 2023 đến tháng 9.2024, cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỉ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2024 của nhóm chứng khoán đã được hé lộ tương sối đầy đủ.
3 giờ trước - Các cổ đông sáng lập của công ty đều là những doanh nghiệp trong ngành, trong đó, trong đó nguồn vốn của Nhà nước hiện nay chiếm 31,25 % tổng số vốn điều lệ công ty.
3 giờ trước - BSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận 2025F và định giá ở mức hợp lý sẽ là yếu tố cốt lõi để lựa chọn cổ phiếu.
3 giờ trước - Dòng vốn ngoại liên tiếp bán ròng với cường độ mạnh trên toàn thị trường, giá trị mỗi phiên đều hàng trăm tỷ.
5 giờ trước - Lợi nhuận trước thuế của 19 ‘ông lớn’ nhà nước ước đạt 85.886 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.