ttth247.com

Tái thiết sau bão: cần quyết sách mạnh

Cụ thể, ngoài chính sách hoãn, giãn, khoanh nợ, Chính phủ cần quyết sách mạnh theo hướng xóa toàn bộ hoặc một phần nợ cho nhiều người dân "trắng tay" do bão, đồng thời hỗ trợ người dân vay thêm vốn ngân hàng để phục hồi nghề nghiệp, cũng là công việc và nguồn sống của người dân.

Ngư dân mất trắng hàng ngàn tỉ đồng

Tại Quảng Ninh, theo thống kê của TP Cẩm Phả, có 326 hộ nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng, mất trắng lồng bè sau bão, chỉ còn khoảng 40 hộ giữ lại được một phần lồng bè. Tương tự, tại thị xã Quảng Yên, toàn bộ 800 bè hàu, 1.700 lồng nuôi cá của các hộ nuôi trên địa bàn thị xã đều bị phá hủy sau bão. 

Huyện đảo Vân Đồn ước tính thiệt hại của ngư dân nuôi thủy hải sản lên tới hơn 2.200 tỉ đồng, trong đó nhiều ngư dân mất trắng tài sản sau bão. Lồng bè nuôi cá bị vỡ vụn, trôi dạt theo những con sóng dữ vùng tâm bão Yagi. 

Số liệu của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho thấy trên địa bàn tỉnh có 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản đã bị thiệt hại do bão Yagi.

Anh Nguyễn Văn Tùng, một ngư dân nuôi cá lồng bè tại khu vực Cặp Vọ (TP Cẩm Phả), cho biết trước bão khu vực Cặp Vọ có hơn trăm hộ nuôi cá lồng bè. 

Nhưng bão đến tất cả nhà bè, máy móc, tàu bè đều bị sóng đánh hư hỏng, trôi dạt ra biển. Bè vỡ, cá bơi về biển, tất cả các hộ dân đều trắng tay.

Cũng tại khu vực này, anh Tô Văn Toàn cho hay trước bão đã vay mượn ngân hàng, anh em để đầu tư 27 ô bè, nuôi 10.000 cá song, gần 10.000 cá chim, cá vược và các loại khác. Nhưng sau bão các ô bè nuôi cá bị hư hỏng nặng, chỉ còn sót lại một ít cá trong lồng bè. 

"Tôi đang lo sau bão cá yếu rồi bệnh, không sống được thì không biết lấy đâu tiền để trả nợ lãi ngân hàng" - anh Toàn nói.

Tại xã Đông Xá (huyện Vân Đồn), anh Trần Văn Nam cho biết anh đã vay ngân hàng gần 2 tỉ đồng để đầu tư giàn hàu nhưng nay bị cuốn đi tất cả. Cùng cảnh ngộ, bà Ngô Thị Thúy (Quảng Yên, Quảng Ninh) nghẹn ngào cho biết với 105 ô nuôi cá bị mất trắng chỉ sau một đêm mưa, thiệt hại của gia đình bà lên tới 12 tỉ đồng. 

Ông Vũ Văn Cường (Quảng Yên) vẫn không thể tin nổi 3 bè cá bị mất trắng, thiệt hại lên tới gần 14 tỉ đồng. Phần lớn số tiền đầu tư bè cá ông Cường đều vay ngân hàng.

Nỗi lo lắng còn kéo dài, dai dẳng

Trước cảnh trắng tay như thế, bà Ngô Thị Thúy cho hay với 4 tỉ đồng vay ngân hàng đầu tư vào bè cá, giờ đây chỉ mong sao được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời. 

"Chỉ 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng" - bà Thúy mong mỏi. Ông Vũ Mạnh Cường cũng mong được ngân hàng hỗ trợ hoãn, giãn, xóa nợ để có cơ hội làm lại.

Được biết, trong tối 12 và 13-9, lãnh đạo huyện Vân Đồn đã họp hơn 600 hộ dân nuôi thủy hải sản. Hầu hết người dân đều mong muốn được hỗ trợ khoanh nợ ngân hàng và hỗ trợ lãi suất vay mới. Trong tối 14-9, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng xuống họp với người dân nuôi thủy hải sản của huyện để đánh giá thiệt hại và bàn giải pháp khắc phục.

Tại Hà Nội, bà Mai (chủ vườn quất tại làng quất Tứ Liên, quận Tây Hồ) nói đùa trong xót xa "Từ giờ được ăn no, ngủ kỹ rồi" khi hơn 400 gốc quất của gia đình bà Liên chết úng, từ giờ bà Mai không phải lo trông cây, chăm bón... Mùa Tết năm nay trôi theo dòng nước lũ. 

Thay vì không khí tất bật chuẩn bị cho vụ Tết, những ngày sau lũ, làng quất Tứ Liên và làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ) chìm trong cảnh đìu hiu. Các nhà vườn tay cào tay xẻng dọn dẹp vườn sau lũ, bỏ đi chính những gốc quất, gốc đào mình tự tay chăm bẵm cả năm trời.

Theo các hộ trồng đào, quất tại quận Tây Hồ, mấy chục năm nay chưa năm nào mà nước sông Hồng lại dâng cao đến vậy. 

"Nhà tôi có 800 gốc quất thì chết úng 400 gốc rồi, những gốc còn lại cũng bị ảnh hưởng. Nhìn của cải của mình đầu tư cả năm trời, nước nhấn chìm hết cũng bất lực, chả làm gì được", anh Nguyễn Việt Phú (làng quất Tứ Liên) xót xa.

Không chỉ vườn nhà anh Phú mà hàng chục vườn của các hộ xung quanh cũng cùng tình cảnh. "Hôm đấy nhà tôi 6 người làm, vừa chạy về nấu được bữa cơm, ăn xong quay lại nước đã đến ngang đùi. Cả vườn không cứu vớt được cây nào. Nhà tôi toàn quất trồng trong chum 50 lít đang cho quả đẹp, vậy mà...", chủ vườn Tình Lương lắc đầu.

Bà Mai nói sau khi quất hư hại thì không có cách nào khác là phải phá đi, năm nay coi như mất Tết, nhưng lo nhất là vụ quất sang năm không có cây giống. Bà con Tứ Liên thường lấy cây giống tại vựa quất ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), nhưng vựa quất này bị ảnh hưởng bão lũ khi cả khu vực rộng lớn trồng quất ở Văn Giang đã chìm trong biển nước.

Xóa nợ được không?

Theo nghị định 116 năm 2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được tổ chức tín dụng đánh giá chưa có khả năng hoặc không có khả năng trả nợ vay cho tổ chức tín dụng, UBND cấp tỉnh tổng hợp đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để được xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại. 

Thời gian khoanh nợ tối đa là 2 - 3 năm và các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ.

Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho người dân được ngân sách nhà nước cấp tương ứng từ ngân sách địa phương. 

Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chiều 14-9 ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết đến nay nhiều ngân hàng như Vietcombank, VPBank... đã kịp thời giảm lãi suất 0,5 - 1% cho khách hàng bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Với những khoản nợ đến hạn phải trả, ngân hàng thương mại chủ động hoãn, giãn nợ cho khách hàng.

Còn để doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão lũ, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng xem xét mạnh dạn cho vay mới. 

"Những gì thuộc thẩm quyền của ngân hàng thì các ngân hàng đang nỗ lực chung tay, chia sẻ và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để họ dần hồi phục. Còn đối với các khách hàng bị mất trắng tài sản, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng thì cần được hỗ trợ của Chính phủ" - ông Tú cho biết.

Còn theo TS Phạm Xuân Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, với những hộ nông dân bị mất trắng tài sản, họ không còn khả năng trả nợ, để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, Chính phủ cần có quyết sách cấp bù ngân sách cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện xóa toàn bộ hoặc một phần nợ cho nông dân. 

Theo ông Hòe, theo quy định hiện hành trong tình trạng khẩn cấp, Chính phủ sẽ thực hiện xóa nợ cho người dân. Quy định này có thể xem xét áp dụng cho nhiều trường hợp hiện nay vì họ cũng đã rơi vào cảnh mất trắng tài sản, không còn gì để trả nợ.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
1 tuần trước - Những hình ảnh mới nhất sân bay quốc tế Nội Bài (TP Hà Nội) và sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) tiếp thu, khai thác trở lại sau nhiều nỗ lực phòng chống siêu bão Yagi.
3 tuần trước - Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm thực hiện đột phá mạnh mẽ hơn nữa về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nhân lực theo hướng 'thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh'.
1 tuần trước - Bắc Giang- Thủ tướng yêu cầu Yên Bái phối hợp với quân đội, công an "bằng mọi cách" tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân ở những nơi chia cắt, có thể sử dụng đường không, đường thủy, đường bộ.
1 tuần trước - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Quảng Ninh và Hải Phòng; đồng thời người đứng đầu Chính phủ động viên người dân và yêu cầu lực lượng quân đội khẩn trương huy...
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
4 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
4 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
4 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
4 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.