ttth247.com

Tân sinh viên cần biết: Đề phòng những bẫy lừa 'giăng' sẵn

Muôn vàn chiêu lừa

Bùi Hoài Thanh, sinh viên năm 2Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, kể lại chuyện vào năm nhất đã bị lừa 2 triệu đồng trong quá trình đi thuê nhà trọ. Cụ thể, Thanh tìm trên mạng xã hội và thấy thông tin có phòng đúng với mong muốn, giá thuê 4 triệu đồng, giờ giấc tự do, giá tiền điện, nước phù hợp… trên đường Hoa Huệ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Thanh bị hối thúc chuyển 50% tiền đặt cọc "vì phòng đẹp nên có quá nhiều người muốn thuê". Do sợ bỏ lỡ cơ hội, Thanh chuyển tiền trước khi dọn đến ở.

Tân sinh viên cần biết: Đề phòng những bẫy lừa 'giăng' sẵn- Ảnh 1.

Sinh viên tìm trọ cẩn thận kẻo sập bẫy lừa

THANH NAM

"Mình thấy hình ảnh, video rất ưng ý nên không lăn tăn, chuyển tiền liền. Tuy nhiên, sau đó người đăng thông tin cho thuê đã chặn tài khoản Facebook của mình. Còn phòng ấy đã có người khác thuê", Thanh nhớ lại.

Bài học Thanh rút ra là: "Nhiều kẻ lừa sẽ lấy thông tin, hình ảnh phòng trọ cho thuê trên mạng để lừa người khác nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc. Kinh nghiệm của mình là phải đến xem phòng trước khi trả tiền".

Anh Nguyễn Đăng Trường (32 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Ngôi nhà xanh, Q.7, TP.HCM, cho biết nhiều kẻ lừa sẽ tận dụng thời điểm đầu năm học mới để "giăng" bẫy tân sinh viên xoay quanh vấn đề thuê trọ.

"Có nhiều thủ đoạn, mánh khóe được vạch ra. Nếutân sinh viên nhẹ dạ cả tin là trở thành nạn nhân. Chẳng hạn khi "thỏa thuận miệng", sẽ thông báo giá thuê, chi phí điện, nước… giá cả hợp lý. Nhưng trong hợp đồng sẽ làm "đội giá" cao hơn. Vì vậy, cần phải đọc kỹ hợp đồng thuê phòng trước khi đặt bút ký, chuyển tiền. Cũng có trường hợp, kẻ lừa giả danh chủ phòng trọ để lừa đảo. Kẻ lừa chọn những khu trọ vắng chủ để dẫn khách đến xem phòng, chèo kéo đòi tiền đặt cọc, yêu cầu trả trước tiền thuê… rồi sau đó "mất dạng". Thế nên, cần dò hỏi những người đang trọ ở dãy phòng định thuê, liệu người đang giao dịch có phải là chính chủ hay không…", anh Trường lưu ý.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và công tác sinh viên, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi TP.HCM, tân sinh viên cần liên hệ với Phòng Công tác sinh viên của trường để được hỗ trợ về vấn đề thuê trọ. "Khi đi thuê trọ, tân sinh viên cần nhờ người thân, người sống lâu năm ở thành phố… dẫn đi để tránh bị sập bẫy lừa", tiến sĩ Sơn nói thêm.

Ông Sơn cũng nhắc lại câu chuyện hàng trăm sinh viên ở TP.Cần Thơ từng bị lừa mua hàng trả góp (vụ án được xét xử vào tháng 4.2024 - PV), và cho rằng tân sinh viên phải cẩn trọng với chiêu thức này.

"Không loại trừ khả năng kẻ lừa sẽ dụ dỗ, nhờ tân sinh viên mua hàng trả góp. Kẻ lừa sẽ "nói lời ngon ngọt", trả tiền công. Nếu tin tưởng, tân sinh viên sẽ "mang nợ" cho người khác. Vì thế, không được nghe lời người lạ, không đứng tên mua hàng trả góp cho bất kỳ ai", ông Sơn nói và khuyên thêm: "Tân sinh viên cũng lưu ý không cho mượn thẻ ATM, CCCD… vì có thể bị kẻ lừa lợi dụng, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật".

Cũng theo ông Sơn, một bẫy lừa khác chực chờ tân sinh viên đó là những tổ chức tín dụng thường quảng cáo cho vay với lãi suất cực thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh. "Tuy nhiên đó là cái bẫy tín dụng đen. Thực tế từng có nhiều sinh viên nói chung, tân sinh viên nói riêng vướng vào việc vay như vậy, phải trả lãi suất rất cao, ảnh hưởng đến việc học, tài chính của gia đình", ông Sơn nói thêm.

Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông) khuyến cáo: "Học sinh, sinh viên đề cao cảnh giác khi tìm kiếm các thông tin liên quan tới trường đại học trên các trang mạng xã hội. Khi giao tiếp, người dân cần xác minh kỹ thông tin đối tượng, hạn chế chia sẻ thông tin và dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ trong bất kỳ trường hợp nào. Khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thí sinh nên truy cập vào cổng thông tin của trường đại học, cổng thông tin điện tử cho sinh viên hoặc liên hệ trực tiếp với các cán bộ làm việc tại trường thông qua số điện thoại chính thống".

Tân sinh viên cần biết: Đề phòng những bẫy lừa 'giăng' sẵn- Ảnh 2.

Cần có nhiều chương trình hướng dẫn kỹ năng sống, nhận diện "bẫy" lừa, kinh nghiệm tìm việc... dành cho tân sinh viên

THANH NAM

Tân sinh viên cần biết: Đề phòng những bẫy lừa 'giăng' sẵn- Ảnh 3.

Tân sinh viên cần tỉnh táo trong các giao dịch để tránh những "bẫy" lừa

THANH NAM

"Né" bằng cách nào ?

Anh Ngô Minh Hiếu (còn gọi là Hiếu PC), người đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo (chongluadao.vn), hiện là chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm giám sát và an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông), cho rằng tân sinh viên thường rất dễ bị các đối tượng xấu nhắm đến vì chưa quen với môi trường mới và thường thiếu kinh nghiệm.

Theo anh Hiếu, có một số bẫy lừa phổ biến chực chờ tân sinh viên. Như lừa đảo qua mạng xã hội, kẻ lừa giả mạo người quen, bạn bè trên mạng xã hội để vay tiền, lừa mua hàng qua mạng. Kẻ lừa có thể dùng các tài khoản giả mạo để tiếp cận và chiếm đoạt tài sản.

Hay lừa đảo liên quan việc làm thêm. Nhiều sinh viên muốn tìm việc làm thêm để trang trải chi phí, nhưng cần cảnh giác với những công việc đòi hỏi đóng phí trước hoặc yêu cầu thông tin cá nhân quá nhiều…

Để có thể "né" được những bẫy lừa, anh Hiếu khuyên tân sinh viên cần trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức cơ bản. Đó là kiểm tra thông tin cẩn thận. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, hãy kiểm tra kỹ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Đừng vội vàng tin vào những gì người khác nói mà chưa xác thực được. Bên cạnh đó, không vội vàng trong các giao dịch. Đặc biệt là trong các giao dịch tiền bạc hoặc các quyết định quan trọng như: thuê nhà, mua sắm, tìm việc... Đồng thời luôn cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trước mà không có đảm bảo rõ ràng.

"Nên tìm hiểu thêm về các phương thức phòng tránh lừa đảo mạng tại dauhieuluadao.com (dự án do Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và Google thực hiện - PV). Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người có kinh nghiệm, cũng có thể tham khảo thêm từ website: tinnhiemmang.vn hoặc khonggianmang.vn… để có thêm thông tin và được cảnh báo về những rủi ro có thể gặp phải", anh Hiếu nói.

Trường hợp không may bị lừa thì phải làm gì? Anh Hiếu hướng dẫn: "Liên hệ ngay với người thân hoặc bạn bè để được hỗ trợ xử lý tình huống. Cần ghi lại mọi thông tin (bao gồm các cuộc trò chuyện, giao dịch, biên lai và bất kỳ chứng cứ nào có liên quan) để báo cho các cơ quan chức năng. Sau đó, hãy rút ra bài học cho bản thân và chia sẻ với bạn bè để họ không rơi vào bẫy lừa tương tự".

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Đầu năm học là thời điểm mà nhiều tân sinh viên có thể bị lợi dụng, lôi kéo vào các công ty đa cấp trá hình cũng như bị lừa đảo việc làm thêm, đặc biệt là cần cảnh giác với những quảng cáo "việc nhẹ lương cao".
1 tháng trước - Việc lựa chọn nơi ở nhà trọ trong suốt 4 năm ĐH rất quan trọng với sinh viên. Thấu hiểu hành trình đi tìm nhà trọ nhiều khó khăn, vất vả mà chưa chắc tìm được nơi vừa ý, hợp túi tiền, PV Thanh Niên đã khảo sát và cập nhật những khu trọ an...
1 tháng trước - Nhiều ký túc xá của các trường ĐH ở TP.HCM đã có thông báo về việc chuẩn bị hàng ngàn căn phòng để tiếp nhận tân sinh viên vào ở với mức giá phải chăng.
1 tháng trước - Một trong những cách tìm phòng trọ phổ biến hiện nay của nhiều người trẻ là thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội có kèm hình ảnh và thông tin. Việc tìm nhà trọ qua hình thức trực tuyến tuy có thuận tiện, thế nhưng khi đến xem phòng...
2 tuần trước - "Săn" học bổng đại học đòi hỏi không chỉ nỗ lực mà còn phải có chiến lược đúng đắn. Quá trình ứng tuyển có thể chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Nhận diện rõ các thách thức tiềm ẩn này sẽ giúp sinh viên tránh được những sai lầm không đáng...
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Trong lúc chạy lũ thấy vợ chần chừ, chồng tôi kéo tay giục giã: ‘Đi thôi em ơi, bám vào áo anh, còn người là còn của. Em với con còn sống thì anh mới làm lại được’”, chị Thoa chia sẻ.
3 giờ trước - Sau 1 thời gian nhá hàng bằng đoạn video ngắn, Mai Dora đã thả xích loạt ảnh diện bikini cực nóng bỏng.
4 giờ trước - Ngày 19-9, Trường đại học Nam Cần Thơ trao tặng cho đại diện báo Tuổi Trẻ số tiền của đoàn viên thanh niên nhà trường, đóng góp cho đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng của bão số 3.
4 giờ trước - Chiều 19.9, nhiều người ở TP.HCM vất vả di chuyển, lội nước qua đoạn đường ngập do triều cường. Nhiều người đã quá quen với cảnh này, các chủ quán hai bên đường bị ngập thở dài vì ế khách.
5 giờ trước - Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân nghèo là một nghĩa cử đầy cao đẹp của đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.