ttth247.com

Tập đoàn Ấn Độ muốn đầu tư 'công viên dược' tỉ USD tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn SMS Pharmaceuticals, và ông Narendra Reddy, Giám đốc điều hành Công ty Sri Avantika.

SMS Pharmaceuticals được thành lập năm 1990, là một trong những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất Ấn Độ. Lãnh đạo SMS Pharmaceuticals đánh giá Việt Nam đang phát triển rất năng động, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi và là nơi thu hút đầu tư số một.

Tập đoàn Ấn Độ muốn đầu tư 'công viên dược' tỉ USD tại Việt Nam- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn SMS Pharmaceuticals

NHẬT BẮC

SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam. Liên doanh này đã đề xuất phát triển "công viên dược phẩm" - Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với số vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD trong giai đoạn 1.

Đồng thời sẽ thúc đẩy, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 4 - 5 tỉ USD trong hơn 10 năm tới, sản xuất các sản phẩm hướng tới thị trường Mỹ và châu Âu.

Tập đoàn kỳ vọng khu công nghiệp này sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp (hiện khoảng 50 nhà đầu tư thứ cấp đã bày tỏ quan tâm tới dự án này), tạo nhiều việc làm cho người dân và giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam.

"Mô hình công viên dược đã thực hiện thành công tại Ấn Độ, song chủ yếu sản xuất thuốc hoạt tính. Sau Covid-19, đa số quốc gia trên thế giới đều muốn phát triển cơ sở sản xuất dược như Thái Lan. Việt Nam hiện có môi trường đầu tư thuận lợi, có khả năng thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp", lãnh đạo SMS Pharmaceuticals cho hay.

Thông tin với nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, lĩnh vực dược đang thiếu và rất cần thiết, nhất là với quy mô đất nước 100 triệu dân như Việt Nam. Việt Nam đang nhập khẩu 33% thuốc từ Ấn Độ. Hoan nghênh ý tưởng xây công viên dược tại khu kinh tế Nghi Sơn, song Thủ tướng cũng lưu ý, với lĩnh vực công nghệ cao có thể quy mô diện tích hẹp hơn, sử dụng đất tiết kiệm hơn.

Xây dựng mô hình trung tâm xạ trị, hóa trị ung thư

Cũng trong sáng 31.7 (giờ địa phương), Thủ tướng đã tiếp ông Dharmesh Shah, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn dược phẩm BDR. BDR được thành lập năm 2002, là nhà sản xuất sản phẩm điều trị ung thư lớn nhất tại Ấn Độ với 80% thị phần trong nước.

Tập đoàn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2022, đang cung cấp nguyên liệu dược phẩm đầu vào bào chế thuốc điều trị ung thư cho một số nhà máy tại Việt Nam và chuẩn bị được phê chuẩn cấp phép phân phối các loại thuốc điều trị một số loại bệnh ung thư.

Tập đoàn Ấn Độ muốn đầu tư 'công viên dược' tỉ USD tại Việt Nam- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Dharmesh Shah, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn dược phẩm BDR

NHẬT BẮC

Ông Dharmesh Shah cho biết muốn đầu tư theo hướng bào chế hoàn chỉnh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tập trung vào hệ thống phân phối, đặc biệt hướng tới bệnh nhân ung thư, đảm bảo không có phản ứng phụ như thuốc. Thông qua sự hợp tác về kỹ thuật, Việt Nam sẽ vươn lên về lĩnh vực dược phẩm trong tương lai.

Trước câu hỏi về định hướng đầu tư cụ thể, ông Dharmesh Shah cho biết có thể hợp tác với Việt Nam về thuốc xạ trị ung thư, không chỉ thuốc mà còn xây dựng trung tâm dữ liệu liên quan xạ trị và hóa trị ung thư. Tập đoàn đã thực hiện mô hình này tại Ấn Độ và rất thành công.

Ngoài ra, tập đoàn có giải pháp thuốc HIV, viêm gan B, viêm gan C, thuốc điều trị ung thư tại Ấn Độ. Ý tưởng là làm thế nào điều trị bệnh với chi phí phải chăng, sản xuất dược xuất sang nước láng giềng và thế giới.

Đánh giá cao hoạt động kinh doanh hiệu quả của các tập đoàn dược phẩm Ấn Độ, Thủ tướng hoan nghênh dự định hợp tác đầu tư trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực điều trị ung thư. Theo Thủ tướng, việc đầu tư vào Việt Nam là lựa chọn thông minh, góp phần hình thành hệ sinh thái phát triển ngành công nghiệp dược phẩm, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng cho biết, y tế, dược phẩm là lĩnh vực được Việt Nam rất quan tâm và có chính sách khuyến khích, ưu đãi. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dược phẩm rất lớn.

Việt Nam có thị trường lớn, nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng động và đã ký kết, đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do. Việt Nam cũng có nguồn nguyên liệu dược phẩm phong phú. Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp dược Ấn Độ.

Đối với các đề xuất hợp tác, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn tiếp tục trao đổi, làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai các thủ tục theo quy định; đề nghị tích cực tham gia góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực dược phẩm với phía Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ.

Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả, sản phẩm cụ thể", triển khai các dự án ra sản phẩm chất lượng cao, tiêu thụ tốt, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân...

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Những dự án quy mô 2 - 3 tỉ USD cho đến cả chục tỉ USD được lãnh đạo nhiều tập đoàn hàng đầu Ấn Độ chia sẻ mong muốn tìm hiểu và hợp tác đầu tư với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm nước này.
2 tuần trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
2 tuần trước - Hướng tới mục tiêu trên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay người đứng đầu Chính phủ luôn nhấn mạnh, thúc giục các bộ ngành, địa phương hành động theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", biến nhiều điều tưởng như không thể thành có thể.
1 tuần trước - Chủ tịch Tập đoàn Adani Gautam Adani - tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng nói sẽ đóng góp 1 triệu USD hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (Yagi).
2 tuần trước - Đại lộ Phạm Văn Đồng - trục hướng tâm liên kết cửa ngõ phía Đông đến sân bay Tân Sơn Nhất sau 10 năm khai thác giúp thay đổi diện mạo nội đô thành phố.
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
3 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
3 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
3 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
3 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.