ttth247.com

Temu đại náo thị trường Việt Nam: Phải xử thật nặng sàn thương mại điện tử vi phạm!

Ông PHẠM VĂN VIỆT - phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, tổng giám đốc Việt Thắng Jeans - cho rằng những sàn thương mại điện tử xuất hiện không phép, cuốn theo cơn lốc hàng hóa giá rẻ vào Việt Nam, gây bất bình đẳng trong kinh doanh.

"Các doanh nghiệp Trung Quốc đã có một thời gian dài chuẩn bị với chiến lược kinh doanh bài bản để đưa hàng giá rẻ vào các nước, trong đó có Việt Nam.

Họ sẵn sàng bán hòa vốn, thậm chí bán lỗ và hỗ trợ nhau để chiếm lĩnh thị trường. Đây là thời điểm cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý, xử lý nghiêm các sàn vi phạm, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất nội địa.

Đồng thời phải mạnh tay xử lý với những doanh nghiệp lũng đoạn thị trường, bán phá giá để thị trường công bằng, minh bạch trong thời kinh tế hội nhập" - Ông Việt nói.

Nguy cơ mất thị trường rõ mồn một

* Kinh tế Trung Quốc đang trong thời kỳ giảm phát khiến hàng hóa giá rẻ tràn vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện t với tốc độ giao hàng nhanh chóng mặt, đây là thực tế đáng lo?

- Khi một quốc gia, doanh nghiệp có chiến lược sang thị trường Việt, họ đã có quá trình dài tìm hiểu người tiêu dùng Việt.

Cái gì xâm nhập được thì họ khai thác tối đa, nhất là điểm yếu của chúng ta. Các sàn thương mại điện tử cũng cạnh tranh lẫn nhau, nhưng đây là hệ sinh thái trong cùng một quốc gia, một tập đoàn hay trong một hiệp hội thì tính cạnh tranh lại thấp hơn.

Điều này khiến thị trường Việt dễ bị cuốn theo cơn lốc hàng Trung Quốc.

Cách thức của họ là các thương hiệu chỉ cần đưa ra sản phẩm rẻ, không cần lãi trong một năm, người tiêu dùng sẽ mua thử, dần dần yêu thích về giá, dùng lâu thành quen và sau đó là mua nhiều hơn.

Năm thứ hai họ sẽ bứt tốc, giành thị phần và năm thứ ba sẽ tăng lợi nhuận. Khi có lượng khách hàng nhất định, họ sẽ chiếm lĩnh thị trường, trong khi rất nhiều doanh nghiệp Việt còn loay hoay bán hàng truyền thống hay đưa lên sàn. Do đó, đây là nguy cơ đánh mất thị trường rõ mồn một, rất đáng lo, đáng báo động.

* Yếu tố hàng đầu khiến người tiêu dùng đang chọn mua hàng Trung Quốc là giá rẻ. Là một doanh nghiệp vừa làm hàng xuất khẩu, vừa bán hàng nội địa, theo ông vì sao hàng Trung Quốc rẻ đến mức khó tin như vậy?

- Trung Quốc là công xưởng sản xuất, xuất khẩu của thế giới, họ có hàng loạt lợi thế để làm hàng giá rẻ.

Thứ nhất, hàng dư thừa, hàng lỗi họ sẵn sàng đưa sang các nước khác bán.

Thứ hai, họ có chiến lược chiếm lĩnh sang thị trường Việt nên sẵn sàng bán giá vốn, giảm giá để giành giật thị trường.

Trong cuộc chiến này, đưa lên thương mại điện tử là nhanh và rẻ nhất khi sản xuất xong là đưa lên sàn luôn, bán ngay tại nhà máy chỉ mất 20% chi phí.

Trong khi chúng ta phải nuôi cả bộ máy từ nhân viên, cửa hàng, mặt bằng... tốn thêm 80% chi phí, còn họ trừ thẳng 80% chi phí đó cho khách hàng.

Thứ ba, họ sản xuất theo chuỗi, thay đổi từng ngày, từng tuần trong khi chúng ta lập kế hoạch theo tháng, theo quý để sản xuất với thời gian nhập nguyên phụ liệu mất 45 - 50 ngày, lưu kho để test mất 15 - 20 ngày rồi mới phát triển mẫu.

Tổng thời gian sản xuất lô hàng mất 3 tháng, còn nếu áp dụng công nghệ mới như chúng tôi thì dù rút gọn đến mấy cũng khoảng 35 ngày.

Trong khi đó ở Trung Quốc, do lợi thế về chuỗi cung ứng, cái gì cũng có sẵn nên sáng ngồi với nhau, chiều tính toán từ nguyên phụ liệu, thiết kế, may,... chỉ 7 ngày là xong.

Thứ tư là logistics, chúng ta phải có thời gian xuất nhập khẩu vô cùng dài, đội chi phí lên. Nhưng đây lại là điểm mạnh của họ khi họ có logistics mạnh, giảm đến 70% chi phí.

Chưa kể các doanh nghiệp Trung Quốc liên kết với nhau, mỗi nơi giảm một chút trong chuỗi cung ứng thì hàng ra thị trường giá rẻ ngay. Đặc biệt, chính sách từ chính phủ đến doanh nghiệp của họ rất rõ ràng.

Họ đã có nhiều năm xây dựng các kho ở cửa khẩu, xây dựng về hạ tầng vận chuyển nên khi cơn lốc "đổ bộ" thì họ nhanh chóng gây sự chú ý của thị trường 100 triệu dân.

Cần mạnh tay với sàn thương mại điện tử vi phạm

* Dù "oanh tạc" ở Việt Nam nhưng sàn thương mại điện tử Temu lại hoạt động không phép, nhiều sàn ngoại khác cũng thiếu nhiều điều kiện. Đã đến lúc hành lang pháp lý cho thương mại điện tử cần phải chặt chẽ?

- Chúng ta có hành lang pháp lý về quản lý thương mại điện tử, nhưng pháp lý chưa đồng bộ và chưa triển khai một cách ráo riết.

Đặc biệt, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chúng ta vẫn còn lúng túng, chạy theo thị trường. Tuy nhiên, với những sàn thương mại điện tử hoạt động không phép, hoạt động sai phạm thì phải xử phạt, có chế tài nghiêm minh.

Thực ra chúng ta có các hàng rào thương mại, công cụ thuế cũng mạnh, nhưng có lẽ hành động chưa tới, chưa quyết liệt nên vẫn còn những trường hợp lách luật. Nếu phạt thật nặng, đánh thuế đầy đủ thì sẽ bít cửa hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả.

* Như trường hợp của sàn Temu, các quốc gia mạnh tay cấm, tăng thuế hoặc áp các quy định nghiêm ngặt, chúng ta có cấm được không?

- Khi anh vào thị trường mà anh lũng đoạn, bán dưới giá thành thì phải cấm. Vi phạm phải bị xử phạt, không khắc phục phải cấm, đó là sự công bằng và hợp lý trong kinh tế thị trường.

Tất nhiên không cấm cục bộ mà phải có cơ sở, có số liệu đàng hoàng và phải dựng nên những hàng rào kỹ thuật để phân loại từng nhóm sản phẩm.

Việc chứng minh bán dưới giá vốn không có gì khó cả. Các hiệp hội sẽ phân tích một sản phẩm chi phí sản xuất bao nhiêu, giá vốn ra sao, marketing, chi phí vận chuyển như thế nào sẽ bóc tách ra ngay.

Khi đó sẽ lòi ra việc doanh nghiệp vi phạm cạnh tranh, phá giá thị trường, đó là điều kiện để xử phạt hoặc cấm. Rõ ràng bán hàng giá rẻ, bán hàng dưới giá vốn là chiến lược của họ rồi, đây là chiêu để dụ khách hàng.

Chúng ta thấy có rất nhiều sản phẩm "trắng" tiêu chuẩn bán trên sàn thương mại điện tử Temu và nhiều sàn khác khi không có thương hiệu, chẳng có tiêu chuẩn, chẳng cam kết chất lượng... và giá rẻ.

Với chiến lược đánh vào tâm lý dùng hàng giá rẻ, dùng thử của họ, chỉ cần mỗi người sử dụng một trong những sản phẩm thôi, tôi nghĩ khoảng một năm nữa là tràn ngập hàng Trung Quốc vào Việt Nam.

"Chuyển đổi để tồn tại hay là chết"

* Năm 2016, một ứng dụng giải trí của Trung Quốc vào Việt Nam thu hút người dùng bằng hình thức khiêu dâm, khi đó giám đốc của doanh nghiệp này nói rằng mục đích là livestream bán hàng. Đến nay, ứng dụng trên đã chiếm lĩnh thị trường livestream bán hàng của Việt Nam, rõ ràng họ đã có một chiến lược rất dài hơi?

- Họ đi trước chúng ta cả về công nghệ, chiến lược lẫn mục tiêu chiếm lĩnh thị trường, khi cơ hội chín muồi thì tung ra những đòn quyết định. Họ đào tạo con người từ sớm, có nền tảng công nghệ, hạ tầng đồng bộ từ sản xuất, phân phối, giao nhận...

Họ có trong tay bảo bối là data (dữ liệu) của khách hàng từ phong cách ăn mặc, độ tuổi khách hàng, hành vi mua sắm, mấy giờ sẽ mua, khả năng tài chính... nên họ quảng bá cho người mua đúng những sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khả năng chi trả.

Do đó, nếu không có những sự thay đổi, thích ứng với xu hướng mới thì e rằng sẽ có không ít doanh nghiệp không trụ nổi trên sân nhà. Nên nhớ doanh nghiệp Trung Quốc đã có hàng chục năm tích lũy, họ sẵn sàng chịu lỗ 1-2 năm để gầy dựng thị trường.

Chúng ta thì không thể làm như thế được, chỉ vài năm khó khăn là phá sản. Họ sản xuất càng nhiều, chi phí càng rẻ đi, còn chúng ta càng sản xuất, càng đối diện khó khăn thì chi phí lại đội lên, rất khó để cạnh tranh công bằng được.

* Vậy lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Việt và nền sản xuất Việt là gì?

- Chuyển đổi để tồn tại hay là chết? Đó là câu hỏi mà mọi doanh nghiệp Việt đều phải suy ngẫm. Trước đây chúng ta bán trực tiếp, tốn rất nhiều chi phí để mở cửa hàng trưng bày, nuôi nhân viên, chạy chương trình... nhưng chỉ bán cho khách hàng một khu vực và bán từ 8h sáng đến 10h tối.

Khi có thương mại điện tử thì họ bán 24/24h, thời điểm vàng chốt đơn là 0h đến 2h sáng thì nhiều doanh nghiệp đã đi ngủ.

Như tôi đã nói, data khách hàng rất nhiều nhưng chúng ta chưa biết tận dụng để biến đó thành mỏ vàng bán hàng như các doanh nghiệp đi trước.

Do đó doanh nghiệp phải thay đổi, tập trung đưa hàng lên thương mại điện tử để không chỉ bán trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Chúng ta có thế mạnh về sản xuất, có thị trường, bây giờ cần phải tận dụng công nghệ bán hàng để giữ chân khách hàng.

Thời gian qua, TikTok hợp tác với các nhà sản xuất trong nước như chúng tôi; doanh nghiệp sản xuất xong chỉ gấp áo quần, phía TikTok giao nhận, miễn phí giao hàng, thậm chí có thời điểm mỗi cái quần bán 700.000 đồng nhưng nền tảng này trợ giá đến 350.000 đồng để khách hàng mua được hàng giá rẻ vì họ cần phủ sóng.

Nói như vậy để thấy cuộc chơi thay đổi thì nhà sản xuất cũng phải thay đổi. Đây là thời của bán hàng online mà bạn cứ chăm chăm đi bán hàng offline thì thua rồi.

Về phần mình, các doanh nghiệp Việt cũng phải biết xây dựng thương hiệu, minh bạch trong sản xuất, công bố tiêu chuẩn và nỗ lực tối đa để tiếp tục hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh được trên thị trường.

Đặc biệt, Chính phủ phải có chính sách để khuyến khích các sàn hỗ trợ và ưu tiên cho hàng Việt lên sàn, hiện nay hàng ngoại đang chiếm lĩnh về thị phần trên các sàn thương mại điện tử.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
3 ngày trước - Trong vòng nửa tháng qua, người tiêu dùng Việt Nam bị 'oanh tạc' bởi vô số các quảng cáo, thông tin, mời gọi... tham gia mua sắm trên sàn thương mại điện tử Temu (Trung Quốc) với giá siêu rẻ và giảm tới 90%.
2 tuần trước - Tiki đang là doanh nghiệp có lịch sử lâu đời nhất trong các sàn TMĐT nhưng họ đang bị ‘bỏ lại phía sau’ trong cuộc chiến khốc liệt nhất trên thương trường ở thời điểm hiện tại. Tiki đã bị Shopee, TikTok Shop vượt xa khi trực tiếp đối đầu....
3 ngày trước - Nhiều người tải Temu để trải nghiệm vì quảng cáo giá rẻ, ưu đãi "khủng", tuy nhiên sau đó lập tức xóa đi vì những bất cập về khâu thanh toán, chất lượng sản phẩm...
1 tuần trước - Dù chỉ là tân binh trong lĩnh vực thương mại điện tử nhưng Temu đang "khuấy đảo" thị trường hàng hoá Việt với giá siêu rẻ, giao hàng nhanh. Trước đó, những nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc khác như Taobao, 1688, Shein cũng đã cho...
2 ngày trước - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã nghe về sàn Temu và yêu cầu Tổng cục Thuế triển khai thu thuế ngay với sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này.
Xem tin bài khác
1 phút trước - Theo Thống đốc NHNN, ngay cả khi có những dự án bất động sản có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay, nguyên nhân là do thời hạn vay của dự án không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng.
1 phút trước - Giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng èo uột, thanh khoản rơi về mức thấp nhất hơn 1 tháng.
1 phút trước - Chuỗi cửa hàng tiện lợi theo phong cách Nhật Bản đặc trưng có thể bị sao chép hoặc thay đổi cách vận hành nếu về tay tập đoàn ngoại.
1 phút trước - Giá vàng giảm vào đầu tuần khi đồng USD giữ vững, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu kinh tế của Mỹ để có cái nhìn sâu sắc hơn về lộ trình chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
1 phút trước - Bộ Công thương đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử sau khi ứng dụng Temu gia nhập thị trường Việt Nam.