ttth247.com

Thành phố ở Việt Nam: 'Đi trẩy' nước non Cao Bằng

Xin nói luôn: hồi xưa kêu "đi trẩy" không phải đi phượt như bây giờ đâu. Đi trẩy là đi lính thú, trú đóng vùng biên giới, như bây giờ là bộ đội biên phòng ấy.

Tôi đã nhiều lần được lên Cao Bằng. Duyên do là vợ chồng tôi có chú em kết nghĩa rất dễ thương và tốt bụng. Chú tên Trần Hùng, sau này là nhà thơ rất nổi tiếng. Trần Hùng tuy không phải quê Cao Bằng nhưng bám trụ ở Cao Bằng từ hồi còn đi bộ đội, rồi lập gia đình, rồi công tác ở xứ sở địa đầu Tổ quốc cho tới bây giờ.

Từ Hà Nội đi Cao Bằng có 2 con đường, một là đi qua Bắc Kạn, hai là đi qua Lạng Sơn. Nhưng thường lúc lên thì qua Bắc Kạn, lúc về lại qua Lạng Sơn.

Hình chụp ở Phong Nậm, Cao Bằng

Hình chụp ở Phong Nậm, Cao Bằng

PHẠM QUANG VINH

Lần đầu tôi lên Cao Bằng rất ấn tượng. Thành phố nhỏ, nhưng gọn gàng và xinh đẹp, có dòng sông Hiến chảy qua. Buổi sáng đầu tiên, Trần Hùng dẫn chúng tôi đi ăn sáng. Quán ăn nho nhỏ, gần chợ Cao Bằng, bán 2 món ăn sáng rất lạ. Món đầu là bánh cuốn... nước. 

Gọi bánh cuốn nước vì bánh thì khô nhưng lại có bát nước dùng, có thể chan vào bánh, hoặc ăn riêng nước ra nước cái ra cái, tùy ý. 

Món thứ hai là phở vịt quay. Đây là một đặc sản của Cao Bằng, có thể ăn món này tại thành phố, nhưng ngon nhất là đi Trùng Khánh, một phố huyện nhỏ, ăn phở vịt quay ở Trùng Khánh thì tuyệt cú mèo.

Với những người ham du lịch, thích những cảnh đẹp lạ vùng núi cao, thì chỉ cần ra khỏi thành phố 10 km, chúng ta sẽ lạc ngay vào vùng núi đá với hàng trăm ngọn núi nhẹ nhàng vươn mình đẹp rỡ ràng. Lần đầu gặp "khoảng trời núi đá" này, tôi đã ước nếu điện ảnh Việt Nam chọn nơi này là bối cảnh thiên nhiên khi quay và dựng phim thì thật hết ý.

Đi trẩy nước non Cao Bằng thì phải ra khỏi thành phố, hưởng thụ cho trọn cả một thiên nhiên hoang dã thì mới đáng đồng tiền bát gạo khi du lịch.

Cao Bằng có diện tích tự nhiên hơn 6.703 km2; là cao nguyên đá vôi xen với đất, có độ cao trung bình trên 200 m, vùng sát biên có độ cao từ 600 m - 1.300 m so với mặt nước biển. Núi rừng chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh, đất bằng để canh tác chỉ có gần 10%. Dân số hiện nay có trên 519.000 người.

Quốc lộ 3 đi Cao Bằng

Quốc lộ 3 đi Cao Bằng

NGỌC THẮNG

Đúng là "cao cao rồi lại bằng bằng", thành phố bên sông Hiến thì bằng phẳng, nhưng phần còn lại của Cao Bằng thì núi đá và rừng ngự trị.

Nhớ xưa, đây là nơi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiên tri cho vua quan nhà Mạc, nếu lên Cao Bằng thì có thể truyền ngôi lại 3 đời. Vua Mạc đã thực hiện đúng lời tiên tri của Trạng Trình, và quả thật, nhà Mạc đã tồn tại trên đất Cao Bằng được đúng 3 đời. Khi dẫn chúng tôi đi dạo quanh thành phố, còn gặp vài dấu tích nhà Mạc vẫn được lưu giữ.

Nhưng đến Cao Bằng thì phải đi 2 địa điểm du lịch mang tính lịch sử và thiên nhiên mà chúng ta đã biết tên. Đó là hang Pắc Bó và thác Bản Giốc. 

Lần đầu tôi tới thăm hang Pắc Bó, qua suối Lênin tới cửa hang, thì dấu tích phần trên cửa hang bị quân xâm lược Trung Quốc đặt chất nổ phá hoại tháng 2.1979 vẫn còn nguyên. Không xuống được hang sâu, nhưng cảm được khí lạnh từ lòng hang bốc lên buôn buốt, nghe rõ tiếng từng giọt nước rỏ xuống lòng hang, càng thương và kính phục Bác Hồ đã có lúc phải sống trong lòng hang lạnh lẽo này.

Dĩ nhiên là gặp lúc giặc Pháp cho quân đi lùng sục, không ở trong rừng gần hang được. Chứ nếu chỉ sống trong hang thì chịu sao nổi. Bác Hồ đã về đây gây dựng phong trào, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hang Pắc Bó là địa điểm du lịch về lịch sử cách mạng nhưng cũng đầy chất thiên nhiên kiến tạo, khiến người đi du lịch thỏa nguyện cả lịch sử và thiên nhiên.

Rừng Pắc Bó, suối Lênin ở Cao Bằng

Rừng Pắc Bó, suối Lênin ở Cao Bằng

NGỌC HẢI

Trên đường về, xin du khách ghé qua Hà Quảng, vào thắp hương cho liệt sĩ - anh hùng thiếu niên Kim Đồng - Nông Văn Dền. Anh Kim Đồng hy sinh năm 14 tuổi. Khi chúng tôi vào thắp hương trên mộ anh, lại được gặp những bà cụ trên 70 tuổi ngồi bán hương. Các cụ nói là bạn thuở chăn trâu với anh Kim Đồng. 

Xúc động trước câu chuyện này, tôi đã viết được bài thơ Những người bạn của Kim Đồng. Bài thơ ngắn, xin trình với bạn đọc:

Những người bạn của Kim Đồng

ngồi bán hương trước mộ anh

sau bảy mươi năm

những bà cụ già như núi đá

tóc không mây trắng

da chẳng đồi mồi

mà loang lổ đất thung Hà Quảng

nửa đen nửa nâu

ngồi bán hương

bên mộ người bạn thời chăn trâu

Dền* ơi, bạn dừng năm mười bốn tuổi

còn bạn của bạn chậm chạp lê cho hết vòng đời

bán hương ngày được dăm ba nghìn tiền lời

tiền ấy bạn cho, bạn đã chết

người chết nuôi người sống được sao?

sao không được

mười hai giờ trưa

khói lên thẳng lưng còng xuống

nước mắt khô ngay trên mí mắt

có lẽ do trời nắng quá

* Liệt sĩ Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền

(Cao Bằng - Quảng Ngãi 30.7.2011)

Đến Cao Bằng cũng không thể không đi thăm thác Bản Giốc. Đó được coi là thắng cảnh tầm thế giới. Khi chúng tôi tới thác Bản Giốc, cũng đã gần trưa. Trên con đường nhỏ dẫn tới thác, có một quán ăn nhỏ. 

Anh bạn ở Văn phòng Tỉnh ủy Cao Bằng dẫn chúng tôi đi đã đặt cơm trưa tại quán này. Ngắm thác Bản Giốc thì đẹp khỏi nói luôn. 

Thác Bản Giốc ở Cao Bằng

Thác Bản Giốc ở Cao Bằng

NGỌC THẮNG

Rời thác Bản Giốc về quán nhỏ ăn cơm trưa, lại thấy vui vì gặp bác chủ quán. Trông tướng bác rất giang hồ, đúng là người ở vùng biên viễn. 

Chuyện trò với bác, biết thêm về lịch sử thác Bản Giốc, và được bác mời mua một vật lưu niệm mà tôi rất thích. Đó là chiếc nón rộng vành đan bằng lá. Đội vào, trông ra dáng "tay chơi (hay tay buôn lậu) biên giới". Tôi mang chiếc nón về Quảng Ngãi làm kỷ niệm.

Những lần vượt đèo cao lên Cao Bằng, chúng tôi đều được em Trần Hùng lo lắng chăm sóc rất chu toàn. May mắn nhất là tới những vùng đất chưa quen mà lại gặp người thân, còn gì bằng.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Thì Bến Tre, chứ còn ai! Nghe bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ai cũng muốn có dịp về thăm Bến Tre. Tôi cũng vậy.
2 tuần trước - Tôi đang sống ở quần thể chung cư 'Liên Hiệp Quốc' gần cầu Sài Gòn. Chung cư có biệt danh ấy vì nơi đây có hàng trăm cư dân mang hàng chục quốc tịch khác nhau'.
1 tháng trước - Ngày còn đi học, tôi thuộc một bài thơ khuyết danh về Lạng Sơn, có mấy câu thế này: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có Nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh/Ai lên xứ Lạng cùng anh/Bõ công bác mẹ sinh thành ra em/Tay cầm bầu rượu nắm nem/Mải vui quên hết...
1 tháng trước - Nhà thơ Chế Lan Viên có hai câu thơ nổi tiếng: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn (Tiếng hát con tàu).
1 tháng trước - Có một lần cũng khá lâu rồi, vợ chồng tôi được Báo Thanh Niên mời đi xem trận chung kết bóng đá U.23 giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan ở Cần Thơ.
Xem tin bài khác
47 phút trước - Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 4 khiến một số tuyến đường tại H.Hướng Hóa (Quảng Trị) sạt lở gây cản trở giao thông.
1 giờ trước - Hai phó thủ tướng cùng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
1 giờ trước - Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
1 giờ trước - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đem tới những thông điệp lớn, quan trọng, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, với vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc đối với hòa bình,...
2 giờ trước - Trong quá trình tránh trú bão số 4 ở Khánh Hoà, một ngư dân Bình Định trượt chân ngã đập đầu vào thành tàu cá rồi rơi xuống biển, tử vong