ttth247.com

Thế lực ngáng đường Trung Quốc: Năng lực sản xuất đa lĩnh vực, chủ đích giành giật từng thị phần, có lợi thế lớn về lao động

20/09/2024 14:00 PM | Quốc tế

Quốc gia này đã bước vào một sân chơi rất khác so với 10 năm trước khi sáng kiến ‘Make in India’ ra đời.

Thế lực ngáng đường Trung Quốc: Năng lực sản xuất đa lĩnh vực, chủ đích giành giật từng thị phần, có lợi thế lớn về lao động- Ảnh 1.

Ấn Độ từ lâu đã được coi là trung tâm hậu cần của thế giới, trong khi đối tác châu Á là Trung Quốc được coi là cường quốc công nghiệp toàn cầu. Điều này vẫn đúng trong nhiều thập kỷ, khi Ấn Độ tăng cường năng lực tại các trung tâm chỉ huy toàn cầu và dịch vụ công nghệ thông tin, còn Trung Quốc thống trị ngành sản xuất quy mô lớn.

Tuy nhiên, trọng tâm kinh tế của Ấn Độ đã chuyển sang mục tiêu mới khi chính phủ nước này tuyên bố sản xuất sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp thúc đẩy nền kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng cao vào năm 2047.

Sáng kiến “Make in India” vào tháng 9 năm 2014 đã khởi động một động thái nhằm thúc đẩy nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất. Mục đích rất rõ ràng: phát triển năng lực sản xuất của Ấn Độ trong các lĩnh vực như ô tô, điện tử, dược phẩm và hàng không vũ trụ, đồng thời tạo ra cơ hội cho người dân địa phương.

Trong 10 năm kể từ khi ra mắt “Make in India”, chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ như Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước…Với khoản chi 1,97 nghìn tỷ rupee Ấn Độ (24 tỷ USD), 14 lĩnh vực đang được hỗ trợ đòn bẩy tài chính.

Để chứng kiến sự tiến bộ của Ấn Độ, từ trung tâm công nghệ thành nhà sản xuất lớn của thế giới, người ta chỉ cần đi về phía bắc, từ Thung lũng Silicon ở Bengaluru.

Cách khoảng 65km (40 dặm) về phía đông bắc tại quận Kolar, cơ sở do Tập đoàn Tata sở hữu là nơi sản xuất iPhone cho gã khổng lồ công nghệ Apple. Tập đoàn Tata đã trở thành công ty Ấn Độ đầu tiên sản xuất iPhone sau khi mua lại công ty Đài Loan Wistron.

Một cơ sở iPhone khác sẽ được đặt cách Bengaluru 45km tại Doddaballapura. Được điều hành bởi Foxconn, dự kiến sẽ có khoảng 20 triệu iPhone sản xuất tại đây hàng năm sau khi đi vào hoạt động.

Với 14% iPhone được sản xuất tại Ấn Độ, quốc gia này hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất chỉ sau Trung Quốc. Apple có kế hoạch tăng con số này lên 24% đến 25% trong khoảng thời gian từ năm 2027 đến năm 2028.

Foxconn là một trong số các nhà sản xuất theo hợp đồng đang tới Ấn Độ để tận dụng nguồn lao động đang tìm kiếm việc làm. Công ty hiện có hơn 30 nhà máy tại Ấn Độ tuyển dụng khoảng 40.000 công nhân.

Giống như Tập đoàn Tata, các công ty Ấn Độ khác cũng đã tham gia vào xu hướng này. Chẳng hạn, Dixon Technologies, một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất Ấn Độ.

Ngoài điện tử, Ấn Độ còn có chỗ đứng trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm và ô tô, một phần nhờ vào chiến lược “Trung Quốc+1” giúp thúc đẩy các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hoạt động. Chẳng hạn, nhà sản xuất ô tô Kia India đã thành lập cơ sở sản xuất tại quận Anantapur — cách Bengaluru hơn 200 km — trong khi công ty trong nước Divi's Laboratories là một trong những nhà sản xuất thành phần dược phẩm hoạt tính lớn nhất sở hữu tệp khách hàng là các công ty toàn cầu như GSK và Merck.

Samir Kapadia, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành B2B marketplace India Index, cho biết ngành sản xuất của Ấn Độ đã chứng kiến sự tăng trưởng “đáng chú ý”. Ví dụ, ngành này đã được hưởng lợi từ sự phát triển cơ sở hạ tầng như tốc độ xây dựng đường cao tốc tăng gấp 6 lần và tốc độ trung bình của tàu chở hàng tăng 40% trong 2 thập kỷ qua.

Kapadia chia sẻ với Inside India của CNBC rằng: “Những thay đổi về cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ đã cải thiện khả năng kết nối trong và ngoài nước, đưa Ấn Độ vào một sân chơi rất khác so với 10 năm trước khi ‘Make in India’ bắt đầu”.

Ông dự đoán mức tăng trưởng tiếp theo dựa trên khoản tiền 1,3 nghìn tỷ USD mà chính phủ dành cho phát triển cơ sở hạ tầng trong 25 năm từ năm 2021 đến năm 2046, cùng với các quan hệ đối tác, nỗ lực mà các doanh nghiệp đang thực hiện.

“Ấn Độ dần giành từng chút thị phần từ Trung Quốc, từng lĩnh vực một”, Kapadia nói thêm.

Để hiểu rõ hơn, 61% trong số 500 nhà quản lý cấp cao tại Mỹ được công ty nghiên cứu thị trường OnePoll khảo sát vào đầu năm nay cho biết họ sẽ chọn Ấn Độ thay vì Trung Quốc nếu cả 2 nước đều cùng có thể sản xuất một vật liệu. 56% muốn Ấn Độ phục vụ nhu cầu chuỗi cung ứng trong vòng 5 năm tới.

Kapadia cho biết: “Những gì Ấn Độ sẽ làm còn hoành tráng hơn nhiều — Tôi thấy toàn bộ lực lượng lao động của nước này sẽ có bước tiến nhảy vọt vào các ngành công nghiệp như chất bán dẫn, sản xuất tiên tiến, hàng không vũ trụ và thiết bị y tế”.

Trong khi Ấn Độ muốn chiếm lĩnh thị phần sản xuất của Trung Quốc, các nước khác như Indonesia, Việt Nam, Bangladesh và Mexico cũng là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Năng lực sản xuất của Indonesia bao gồm niken và vật liệu pin, trong khi lợi thế so sánh của Việt Nam nằm ở thiết bị và máy móc. Bangladesh có thị phần lớn trong sản xuất hàng dệt may trong khi Mexico, nơi sản xuất ô tô, hàng không và thiết bị hàng không vũ trụ, có lợi thế hơn Ấn Độ do gần Mỹ.

Tuy nhiên, Yi Ping Liao của Franklin Templeton không thấy có lý do gì đáng lo ngại.

Ông chia sẻ với Inside India của CNBC: “Tôi nghĩ rằng luôn có sự cạnh tranh nhưng mỗi quốc gia sẽ có thị trường ngách riêng”.

Ông Liao cho biết điều khiến Ấn Độ trở nên khác biệt là chi phí lao động thấp hơn so với các thị trường khác. Năng lực được xây dựng tại đây không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu mà còn cả thị trường nội địa rộng lớn.

Dẫu vậy, vẫn còn một chặng đường dài trước để Ấn Độ hiện thực hóa tầm nhìn. Shumita Deveshwar, chuyên gia kinh tế trưởng của TS Lombard tại Ấn Độ, cho biết: “Mục đích và định hướng chính sách của Make in India là đúng đắn. Nhưng chúng tôi chưa thấy nhiều thay đổi về mặt tăng tỷ trọng sản xuất trong GDP hoặc việc làm”.

Trên thực tế, tỷ trọng sản xuất trong GDP của Ấn Độ đã giảm từ khoảng 18% vào năm 2012 xuống còn 14% trong năm tài khóa hiện tại. Công ty đầu tư DSP Mutual Fund dự đoán tỷ trọng sẽ tăng lên 21% vào năm 2034.

Theo: CNBC

Source: cafebiz.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - "Ngành công nghiệp đóng tàu của VN đã nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường, thể hiện sự tăng trưởng, khả năng phục hồi và thích ứng đáng kể", lời nhận xét của ông Kenny Yong, Tổng giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade...
1 tháng trước - Kể từ năm 2018, Trung Quốc gần như đã ngừng xuất khẩu mặt hàng này và chỉ sản xuất để tiêu thụ trong nước.
1 tháng trước - Danh sách Top 100 Private (100 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam) do CafeF thống kê có rất nhiều cái tên ngân hàng và bất động sản. PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi...
4 ngày trước - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực...
2 tuần trước - Trải qua 49 năm xây dựng và trưởng thành (3/9/1975 - 3/9/2024), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang đứng trước thời cơ mới, vận hội mới để thay đổi chính mình – trở thành Tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia.
Xem tin bài khác
1 phút trước - Giá xăng dầu hôm nay 23/9 đã tăng nhẹ trở lại sau 2 ngày giảm liên tiếp vào cuối tuần vừa qua, nhưng hiện vẫn ở mức thấp.
9 phút trước - Mưa bão liên tiếp gây thiệt hại cho sản xuất ở miền Bắc, miền Trung khiến giá thực phẩm thiết yếu leo thang dù cơ quan quản lý và nhiều doanh nghiệp nỗ lực bình ổn, kiểm soát giá.
10 phút trước - Sau gần 2 tháng chờ đợi, hàng chục ngàn hồ sơ nhà đất đang tồn đọng tại các chi cục thuế trên địa bàn TP.HCM sẽ được tính nghĩa vụ tài chính theo bảng giá và hệ số điều chỉnh giá đất hiện hành.
31 phút trước - Tổng hợp toàn bộ tin vắn nổi bật liên quan đến doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoá
39 phút trước - Hơn 300 lồng cá song của vợ chồng anh Ba nuôi ở khu vực biển Quảng Yên chẳng còn lại gì ngoài những tấm gỗ đổ nát. Bão lũ đi qua, không chỉ vợ chồng anh Ba, nhiều nông dân khác mất trắng tài sản, còn “gánh” trên vai khoản nợ hàng nghìn tỷ...