ttth247.com

Thí sinh có nên từ chối nhập học để xét tuyển bổ sung?

Nội dung này đã được đại diện các trường ĐH trao đổi, chia sẻ và đưa ra lời khuyên trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Còn cơ hội xét tuyển đợt bổ sung?" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 20.8.

Thí sinh có nên từ chối nhập học để xét tuyển bổ sung?- Ảnh 1.

Các chuyên gia tham dự chương trình tư vấn tại Báo Thanh Niên chiều qua cho thí sinh những lời khuyên cần thiết trong giai đoạn làm thủ tục nhập học và xét tuyển bổ sung

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chương trình được phát trên các kênh: thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

CÂN NHẮC TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH

Tại chương trình, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhận định năm nay điểm chuẩn vào nhiều ngành, trường bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn so với năm 2023. Trong đó, có thí sinh (TS) khối C00 mỗi môn hơn 9 điểm vẫn chưa trúng tuyển vào một số ngành sư phạm như sư phạm lịch sử, sư phạm ngữ văn.

Lý giải về điều này, tiến sĩ Hải cho rằng năm 2024 do các trường xét tuyển nhiều phương thức khác nhau nên chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT còn thấp trong khi số lượng TS đăng ký lại cao hơn năm 2023.

"Riêng khối thi có môn văn năm nay có tới 160.000 TS đạt từ 24 điểm trở lên, gấp 3 lần năm 2023; đạt từ 27 điểm có 29.000 TS, gấp 11 lần so với năm 2023. Chỉ tiêu vào khối ngành sư phạm cũng thấp hơn năm 2023 khiến một số ngành có điểm chuẩn tăng vọt. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng vì đầu vào chất lượng sẽ là nền tảng tốt để đào tạo ra những giáo viên giỏi trong tương lai", tiến sĩ Hải cho hay.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nhìn nhận: "Có 3 trường hợp: Thứ nhất, TS đã trúng tuyển nguyện vọng 1, vào đúng ngành học, trường học mình mong muốn, thì các em cần xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, hạn cuối là 17 giờ ngày 27.8, đồng thời đến trường làm thủ tục nhập học trực tiếp. Một số trường kéo dài thời gian nhập học đến tháng 9, chẳng hạn Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM tới 6.9".

Trường hợp thứ 2, theo thạc sĩ Nguyên, TS đã trúng tuyển nhưng lại không đúng ngành mình yêu thích nhất. Thạc sĩ Nguyên cho rằng TS cần hết sức cân nhắc trước khi quyết định nhập học hay từ chối nhập học để xét bổ sung.

Thí sinh có nên từ chối nhập học để xét tuyển bổ sung?- Ảnh 2.

Thí sinh trúng tuyển đến trường ĐH làm thủ tục nhập học

ĐÀO NGỌC THẠCH

"Hiện nay, các ngành học được đào tạo theo hướng liên ngành và xuyên ngành, các em học một ngành vẫn có thể làm nhiều công việc khác nhau nên ngành chưa phải là yêu thích nhất vẫn là nền tảng để giúp các em sau này có thể tìm được công việc yêu thích. Trong khi đó, chỉ tiêu đợt xét tuyển bổ sung chắc chắn không nhiều và điểm chuẩn có thể rất cao, vì thế các cần em suy nghĩ kỹ trước khi quyết định từ chối nhập học để xét bổ sung", thạc sĩ Nguyên lưu ý.

Với TS không trúng tuyển nguyện vọng nào, thạc sĩ Nguyên khuyên không nên quá lo lắng, vì vẫn còn rất nhiều hướng đi khác. Theo đó, TS có thể đăng ký bổ sung vào các ngành, trường còn chỉ tiêu, hoặc chọn bậc học khác như CĐ, trung cấp. Hoặc cũng có thể tạm dừng 1 năm để trải nghiệm thêm, đợi sang năm tiếp tục xét tuyển. Mỗi lựa chọn đều tùy vào điều kiện, hoàn cảnh và mục tiêu của TS.

THÔNG TIN VỀ CHỈ TIÊU VÀ ĐIỂM CHUẨN ĐỢT BỔ SUNG

Đến thời điểm này, sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, nhiều trường đã xác định chỉ tiêu xét tuyển cho đợt bổ sung.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải thông tin Trường ĐH Duy Tân xét khoảng 500 chỉ tiêu bổ sung các ngành học tại trường với 3 phương thức là xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng với mức điểm chuẩn đợt 1. "Trường mong muốn thu hút thêm những TS có điểm cao, đồng thời tạo cơ hội cho những em điểm cao mà chưa trúng tuyển vào các ngành "hot" ở đợt 1", tiến sĩ Hải cho hay.

Về điểm chuẩn đợt bổ sung, tiến sĩ Hải cho rằng đối với những ngành có điểm trúng tuyển đợt 1 trên 20 điểm thì có sự chênh lệch ít, các ngành dưới 20 điểm đợt 1 thì có thể tăng 2 - 3 điểm ở đợt bổ sung. TS đã trúng tuyển đợt 1 mà có ý định từ chối nhập học để xét bổ sung thì cần hết sức lưu ý xem mức điểm của mình có phù hợp hay không.

Theo thạc sĩ Trương Quang Trị, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành khoảng 500 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung cho tất cả các ngành ở cả 3 phương thức xét điểm thi THPT, điểm học bạ và đánh giá năng lực, nên TS nào chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc từ chối nhập học đợt 1 đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển.

"Thông thường điểm chuẩn đợt bổ sung sẽ bằng hoặc tăng 0,5 - 1 điểm so với đợt 1. Trong đó, nhóm ngành sức khỏe năm trước tăng khoảng 1 điểm. Các em cũng an tâm là trúng tuyển đợt bổ sung không có sự phân biệt nào. Các em đều được hưởng mọi quyền lợi như TS trúng tuyển đợt 1 với chương trình đào tạo, môi trường học tập, học phí, học bổng, bằng cấp… như nhau", thạc sĩ Trị chia sẻ.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dành khoảng 600 chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung, xét tất cả các ngành với điểm nhận hồ sơ bằng điểm chuẩn đợt 1, thời gian đến 31.8. Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho hay điểm chuẩn bổ sung tại trường mọi năm thường bằng với điểm chuẩn đợt 1.

Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn xét 300 chỉ tiêu bổ sung cho 29 chuyên ngành thuộc 14 ngành học bằng 3 phương thức gồm xét học bạ lớp 12, xét điểm thi tốt nghiệp, hồ sơ nhận đến hết ngày 31.8.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến xét khoảng 1.000 chỉ tiêu bổ sung. Thầy Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin: "Điểm chuẩn đợt bổ sung nhiều ngành có thể bằng với điểm chuẩn

đợt 1, riêng các ngành "hot" như công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, công nghệ kỹ thuật ô tô… có thể sẽ cao hơn 0,5 - 1 điểm".

Hiện cũng có nhiều trường thông báo sẽ xét tuyển bổ sung như Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Lạc Hồng. Bên cạnh đó, một số trường ĐH công lập cũng xét tuyển bổ sung như: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, Học viện Hàng không Việt Nam…

Tiến sĩ Võ Thanh Hải đặc biệt lưu ý: "Thời gian xét tuyển bổ sung tại các trường không giống nhau và thường rất ngắn ngày nên TS phải đọc thông báo xét tuyển thật cẩn thận".

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, khuyên TS cần lên trang web của các trường hoặc đọc từ các báo đài để có được thông tin cụ thể, chính xác về xét tuyển bổ sung.

Ý KIẾN

Cần lưu ý mốc thời gian trên giấy báo nhập học

Thí sinh có nên từ chối nhập học để xét tuyển bổ sung?- Ảnh 3.

TS cần xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống Bộ GD-ĐT trước 17 giờ ngày 27.8. Sau đó, TS đến trường làm thủ tục nhập học theo thời gian quy định của trường. Sau thời gian trường quy định trên giấy báo nhập học, TS sẽ không được giải quyết nên các em cần hết sức lưu ý.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn)

Không phải trường nào, ngành nào cũng xét bổ sung

Thí sinh có nên từ chối nhập học để xét tuyển bổ sung?- Ảnh 4.

Nếu đậu vào ngành chưa phải là ngành yêu thích số 1, TS cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định từ chối nhập học để xét bổ sung vì không phải trường nào, ngành nào cũng xét bổ sung. Nếu có xét tuyển bổ sung thì chỉ tiêu cũng không nhiều và điểm chuẩn phải từ mức ở đợt 1 trở lên.

Thầy Vũ Quang Huy (Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
3 tuần trước - Chuyên gia cảnh báo việc thí sinh đang 'đứng núi này trông núi nọ', tính đến việc bỏ nhập học sau khi trúng tuyển để xét tuyển lại sẽ gặp nhiều rủi ro.
1 tháng trước - Các trường ĐH đã hoàn tất việc công bố kết quả xét tuyển đợt 1. Trong khi các thí sinh trúng tuyển đợt 1 đang háo hức đến trường làm thủ tục nhập học thì có những trường hợp điểm cao vẫn rớt đợt 1…
3 tuần trước - Theo đại diện các trường đại học, rào cản về học phí là một trong những lý do khiến thí sinh trúng tuyển nhưng từ chối đến giảng đường. Ngoài ra, một số thí sinh đã có lựa chọn khác, chỉ xem đăng ký xét tuyển đại học là một giải pháp dự...
1 tháng trước - Không ít thí sinh đã trúng tuyển nhưng vì có lý do nên thay đổi ý định, muốn xét tuyển lại ngành khác, hoặc xét vào trường khác ở gần nhà. Vậy thí sinh nên làm gì?
3 tuần trước - Đến 17 giờ hôm qua 27.8, thí sinh trúng tuyển đợt 1 hoàn tất việc xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Số liệu một số trường ĐH cho thấy tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học đạt trên dưới 80% tổng số thí sinh trúng tuyển...
Xem tin bài khác
53 phút trước - Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cho hơn 940.000 học sinh nghỉ ngày 19/9 để tránh bão, các trường ở Đà Nẵng đã nghỉ từ chiều nay.
1 giờ trước - Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau. Đáng chú ý trong đó là điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển.
1 giờ trước - Đọc và xem những bài viết trên Báo Thanh Niên về thiệt hại nặng nề của ngành giáo dục sau bão lũ, tôi và nhiều độc giả nghe tim mình quặn thắt. Hậu quả của trận lũ lịch sử đối với nhà trường, học sinh và thầy cô giáo rất nặng nề, cần...
2 giờ trước - Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 'quy mô, tính chất rất mới' và 'rất hệ trọng'.
2 giờ trước - Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo khẩn cho học sinh nghỉ học vào hôm nay, 19.9.