ttth247.com

Thị trường chứng khoán chưa thoát cảnh èo uột

Sau 2 tuần giảm điểm liên tiếp, VN-Index không chỉ rời xa ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.300 điểm mà còn lùi về sát 1.250 điểm - mốc thấp nhất trong tháng.

Khó bứt phá

Đến nay, các nhà đầu tư cá nhân gần như không còn tin tưởng về chu kỳ tăng trưởng hay lời hô hào "Uptrend thế kỷ" của một số tư vấn viên chứng khoán. Hầu hết họ đều "tắt app", tạm ngừng giao dịch khiến thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng èo uột. Chỉ cần một lực bán không quá lớn cũng khiến cả thị trường chìm trong sắc đỏ.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM - Công ty Chứng khoán DSC, chỉ ra nhiều yếu tố trong nước và quốc tế khiến TTCK giảm điểm. Trước hết, TTCK thế giới đang yếu dần với việc các chỉ số ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản tạo đỉnh ngắn hạn; chứng khoán Trung Quốc lao dốc sau đợt tăng nóng hồi đầu tháng. Kế đến là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh, đồng USD bật tăng nhanh khi chỉ số DXY tăng lên vùng 104 điểm, gây áp lực cho tỉ giá USD/VNĐ.

"Ở trong nước, những kỳ vọng về một thị trường giá lên (Uptrend) có vẻ như nhạt dần. Chuyện nâng hạng TTCK phải đợi ít nhất thêm 1 năm, trong khi nhiều cổ phiếu đã tăng giá khá mạnh thời gian qua. Sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024, TTCK sẽ rơi vào vùng trũng thông tin, sức ép đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cuối năm còn lớn và nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng. Do đó, việc VN-Index điều chỉnh là bình thường và có thể kéo dài tới đầu tháng 12" - ông Bùi Văn Huy phân tích.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc cao cấp Khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lại cho rằng việc VN-Index đi ngang trong vùng 1.280 - 1.300 điểm, kèm thanh khoản khá thấp và nay tiếp tục lùi về 1.250 điểm là cơ hội cho các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận nếu biết tận dụng tốt ngưỡng kháng cự và hỗ trợ quanh 1.250 - 1.300 điểm.

"Nhìn tổng thể, TTCK vẫn đang trong xu hướng tăng khá dài, bắt đầu từ đầu tháng 11-2023 đến nay. Sự phân hóa giữa các cổ phiếu sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi động lực thúc đẩy không còn mạnh như giai đoạn đầu năm" - bà Thảo Như nhận xét.

Ông Vũ Tuấn Duy, chuyên viên chiến lược thị trường Trung tâm Phân tích - Công ty Chứng khoán SHS, nhận định trong trung hạn tính bằng tháng đến 1 năm, thanh khoản toàn hệ thống nền kinh tế mới là nhân tố chính quyết định TTCK. Còn các yếu tố như kết quả kinh doanh chỉ là một trong những điều kiện cần, ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi trong giao dịch. Nếu điều kiện đủ không đáp ứng được và điều kiện cần không quá nổi bật thì TTCK khó bứt phá.

Nhà đầu tư chán nản khi thị trường liên tục gặp khó ở ngưỡng 1.300 điểm nhưng các chuyên gia vẫn bày tỏ lạc quan về triển vọng sắp tới Ảnh: Lam Giang

Nhà đầu tư chán nản khi thị trường liên tục gặp khó ở ngưỡng 1.300 điểm nhưng các chuyên gia vẫn bày tỏ lạc quan về triển vọng sắp tới Ảnh: Lam Giang

Đợi dòng tiền bắt đáy

Theo ông Vũ Tuấn Duy, tâm lý giao dịch của nhà đầu tư vẫn đang nhìn nhận 1.300 điểm là vùng kháng cự rất "cứng", TTCK đã rất nhiều lần chinh phục nhưng đều thất bại, bởi dòng tiền chưa đủ mạnh cũng như các nhà đầu tư chưa đồng thuận để bứt phá.

Dù vậy, giai đoạn tháng 11 và 12-2024 sẽ ổn hơn cho VN-Index, khi áp lực tỉ giá dịu bớt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến còn 2 cuộc họp chính sách với kỳ vọng tiếp tục cắt giảm lãi suất. Việc FED tiếp tục cắt giảm lãi suất trong 2 tháng cuối năm được ông Duy và các chuyên gia khác kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy dòng vốn ngoại trở lại các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thảo Như cho rằng việc Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới đây nếu có thể vực dậy đà tăng trưởng ở quốc gia này thì sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đối với Việt Nam, bởi mức độ giao thương giữa 2 nền kinh tế là rất lớn. Ở chiều ngược lại, rủi ro xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông là yếu tố cần cẩn trọng trong ngắn hạn.

"Những tháng còn lại của năm 2024, kỳ vọng VN-Index có thể chinh phục vùng 1.334 - 1.380 điểm, phản ánh mức tăng trưởng lợi nhuận quý III tương ứng định giá P/E kỳ vọng 14,5-15 lần. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản có thể tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, khi Chính phủ liên tục có những động thái mạnh mẽ nhằm đưa các luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Nhà ở (sửa đổi), Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống" - bà Thảo Như phân tích.

Đề cập yếu tố tỉ giá đang tác động tiêu cực với TTCK, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường - Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng áp lực tỉ giá lần này chỉ là tạm thời. TTCK được kỳ vọng sẽ sớm chứng kiến lực cầu bắt đáy khi chỉ số VN-Index giảm về vùng hỗ trợ mạnh 1.240 - 1.245 điểm và xác suất thủng vùng hỗ trợ này là thấp.

Theo ông Bùi Văn Huy, trong dài hạn, TTCK vẫn có sự lạc quan nhất định. Bởi lẽ, kết quả sản xuất - kinh doanh quý III không quá bất ngờ nhưng vẫn cho thấy đà phục hồi vững chắc của nền kinh tế. Các ngành hưởng lợi từ quá trình phục hồi như ngân hàng, chứng khoán, tiêu dùng, bán lẻ, công nghiệp… sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng lợi nhuận.

Nhiều chuyên gia cho rằng trong đợt điều chỉnh sâu này của VN-Index, các nhà đầu tư có thể quan tâm những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực như ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ). Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp và những cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công... cũng được chờ đợi. 

Chờ cú hích từ khối ngoại

Liên quan việc triển khai Thông tư 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính về hỗ trợ, thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam, đại diện Công ty Chứng khoán Vietcap (VCI) cho biết đang tích cực chuẩn bị quy trình nghiệp vụ, nhân lực, hệ thống, cơ chế quản trị rủi ro và nguồn vốn để thực hiện. Là công ty đang dẫn đầu thị trường về thị phần môi giới nước ngoài với hơn 30%, Vietcap đã tiếp xúc, trao đổi với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các cơ quan quản lý, thành viên thị trường và nhà tư vấn về giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh (Non-prefunding).

"Chúng tôi đang làm thủ tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn mới, tăng cường năng lực tài chính cho các hoạt động kinh doanh, bao gồm việc triển khai dịch vụ Non-prefunding, xây dựng hoàn tất quy trình nội bộ và bắt đầu kiểm tra hệ thống, sẵn sàng để triển khai ngay vào ngày 2-11 khi Thông tư 68 có hiệu lực" - đại diện Vietcap cho hay.

Source: cafef.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Trái với kỳ vọng VN-Index sớm vượt 1.300 điểm với loạt thông tin tích cực, thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh giảm từ sau kỳ nghỉ lễ 2-9 đến nay
19 giờ trước - Các chuyên gia cho rằng thị trường tuần tới có thể tìm được vùng cân bằng ngắn hạn quanh 1.240 - 1.250 điểm. Nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội gom mua một số nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm.
1 tháng trước - Theo chuyên gia FiinGroup, nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn nhóm ngành đang ở đầu chu kỳ hồi phục về lợi nhuận hoặc có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ phía trước, có nền định giá hấp dẫn hoặc chiết khấu đáng kể sau nhịp điều chỉnh của thị...
1 tháng trước - Phát hiện hành vi cung cấp thông tin tài liệu không trung thực, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định xử lý đối với nhà thầu.
1 tháng trước - Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đứng ngồi không yên trước nguy cơ thua lỗ trở lại do bị bóp chiết khấu, trong khi các doanh nghiệp đầu mối đề xuất được giảm tổng nguồn tối thiểu với lý do bị lỗ nặng vì ôm hàng nhiều mà giá xăng dầu...
Xem tin bài khác
5 phút trước - Từ 27.10, Nam Long bắt đầu bàn giao hơn 1.600 căn hộ thuộc Akari City giai đoạn 2 theo đúng cam kết, đón thêm hàng ngàn tân cư dân về bắt đầu cuộc sống mới tại 'Thành phố ánh sáng'.
5 phút trước - Giá USD trong các ngân hàng giảm nhẹ nhưng thị trường tự do tăng cao trở lại trong sáng đầu tuần.
5 phút trước - Giá vàng trong nước đứng yên dù giá kim loại quý quốc tế giảm mạnh hơn 22 USD/ounce. Điều này dẫn đến giá vàng trong nước đắt hơn quốc tế lên 5,3 triệu đồng/lượng thay vì 4,7 triệu đồng/lượng trước đó.
14 phút trước - Chỉ 8 ngày sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Shigeru Ishiba đã giải tán Hạ viện hôm 9-10.
14 phút trước - VinFuture bước vào mùa giải thứ 4 với gần 1.500 đề cử đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 9.000 nhà khoa học trở thành đối tác đề cử.