ttth247.com

'Thiếu nhân lực làm xuất bản điện tử'

Chuyên gia nhận thấy ngành xuất bản đang thiếu nhân lực có chuyên môn lẫn hiểu biết công nghệ thông tin.

Tiến sĩ Vũ Thùy Dương - Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - nêu ý kiến tại hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, chiều 28/8 tại Hà Nội.

Theo bà Dương, việc chuyển đổi từ sách in sang phiên bản điện tử là xu hướng của xuất bản hiện đại, song chưa đảm bảo được nhân lực. Tiến sĩ chỉ ra những cán bộ xuất bản điện tử hầu hết ở chuyên ngành công nghệ thông tin. Họ có kỹ năng, trình độ về ứng dụng công nghệ nhưng thiếu kiến thức, nghiệp vụ biên tập xuất bản, độ nhạy cảm chính trị còn hạn chế.

Tiến sĩ Vũ Thùy Dương. Ảnh: Hà Anh

Tiến sĩ Vũ Thùy Dương. Ảnh: Hà Anh

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Việt Nam hiện có hơn 15 triệu lượt người sử dụng sách điện tử, tương đương 35 triệu bản ấn phẩm được đọc, tăng 59% so với năm 2021. Tuy nhiên ông Phạm Tuấn Vũ - phó Cục trưởng - nhận thấy ngành đang gặp khó khăn trong việc thu hút, đào tạo người trẻ có chuyên môn. Nhân lực tại các vị trí nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu của bạn đọc, xây dựng thương hiệu, marketing, phát hành cũng còn thiếu và yếu.

Trong nước hiện có ba cơ sở đào tạo ngành xuất bản, phát hành là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa TP HCM. Ông Phạm Tuấn Vũ chỉ ra mô hình đào tạo nguồn nhân lực ngành hiện nay hướng tới mục tiêu cung cấp các chuyên gia có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về xuất bản, truyền thông. Tuy nhiên, ông cho rằng mô hình chuyên biệt này khiến sinh viên chưa đáp ứng sự biến đổi của hai lĩnh vực đang phát triển theo hướng hội tụ, đa phương. Vì vậy, sinh viên khó tiếp cận việc làm trong những cơ quan xuất bản, truyền thông đa phương tiện, các tòa soạn hội tụ.

Các chuyên gia thống nhất cần nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là trong lĩnh vực số. Theo tiến sĩ Trần Chí Đạt - giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, những đơn vị đào tạo cần thực hiện chương trình, môn học chuyên sâu về kỹ thuật số hỗ trợ công tác xuất bản, phối hợp bộ môn về AI, dữ liệu lớn của các trường đào tạo về công nghệ thông tin.

Trường học có thể liên kết các nhà xuất bản, công ty công nghệ nhằm xây dựng và phát triển những trung tâm thực nghiệm, nghiên cứu ứng dụng số. Tiến sĩ khẳng định: ''Nhân tài số sẽ là lực lượng tạo ra sự phát triển đột phá trong ngành, đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước".

Tiến sĩ Trần Chí Đạt tại hội thảo. Ảnh: Hà Anh

Tiến sĩ Trần Chí Đạt tại hội thảo. Ảnh: Hà Anh

Trong tham luận, ông Nguyễn Thái Bình, phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đề xuất những cơ sở đào tạo nên điều chỉnh chương trình giảng dạy, tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ để ''học đi đôi với hành''. Theo ông Nguyễn Thái Bình, để đáp ứng yêu cầu thời đại 4.0, các biên tập viên, người làm xuất bản phải được trang bị năng lực sử dụng thiết bị công nghệ, am hiểu kiến thức tin học, giỏi ngoại ngữ, nhạy bén với nhu cầu thị trường, có bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Cường - giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội - mong có chính sách ưu tiên cho sinh viên học ngành Xuất bản, đề xuất cho các em được miễn giảm học phí, thậm chí có thêm các khoản hỗ trợ khác, nhằm thu hút người tài.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Thị Quyên - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn hóa Hà Nội - nhấn mạnh đội ngũ giảng viên là trung tâm mọi hoạt động của nhà trường. Vì vậy, công tác bồi dưỡng giảng viên không chỉ quan tâm năng lực chuyên môn mà còn phải rèn luyện sự nhiệt huyết, đam mê, đạo đức nhà giáo.

Hội thảo do ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Phạm Minh Sơn - giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ông Vũ Trọng Lâm Lâm - giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đồng chủ trì. Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh hệ thống chính trị đang hướng tới tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Hội thảo nhận được 68 bài tham luận của các lãnh đạo, nhà khoa học, với nhiều chủ đề, góc nhìn đa dạng.

Phương Linh

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Chuyên gia nhận định ngành xuất bản trong nước thiếu chiến lược phát triển bền vững, không có cơ chế đầu tư, cơ sở vật chất xuống cấp, nhân lực giảm.
1 tháng trước - Nhạc sĩ Quốc Trung nói tầm nhìn của nghệ sĩ trẻ Việt hiện chỉ gói gọn ở việc bán hàng TikTok, sự nổi tiếng, cơm áo gạo tiền.
1 tháng trước - Jennifer Garner tái xuất vai Elektra, Kelly Hu đóng dị nhân Lady Deathstrike, cùng loạt người đẹp xuất hiện trong phim "Deadpool & Wolverine".
1 ngày trước - Dị bản “Tấm Cám“ kinh dị của đạo diễn Trần Hữu Tấn mang đến câu chuyện đáng sợ và gây nhiều cú twist, nhất là việc Tấm bất ngờ “hắc hóa“.
1 tháng trước - Jennifer Garner - vợ cũ Ben Affleck - tập luyện cường độ cao cho vai sát thủ trong "Deadpool & Wolverine".
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Diễn viên Minh Luân cùng các nghệ sĩ Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Kim Tử Long hướng về đồng bào miền Bắc bị bão lũ qua ca khúc Việt Nam sáng tươi.
1 giờ trước - Bạn bè, người thân cho biết sức khỏe nhạc sĩ Thế Hiển xuống dốc nhanh từ cuối tuần qua, hiện nguy kịch, phải thở oxy.
1 giờ trước - Châu Tuyết Vân vừa được xác nhận tham gia 'Chị đẹp đạp gió'. Cô thừa nhận vận động viên như mình có chút thiệt thòi khi tham gia show âm nhạc song sẽ nỗ lực hết mình ở thử thách mới.
1 giờ trước - Cư dân mạng vô cùng thích thú khi phát hiện tài khoản TikTok chính thức của Đảng Dân chủ Mỹ sử dụng bài hát mới nhất 'New Woman' của Lisa (BlackPink) để quảng bá cho chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Kamala Harris.
1 giờ trước - Xuân Nghi cho biết khi trở về Việt Nam thi 'Chị đẹp đạp gió', cô nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình và cả bạn trai.