ttth247.com

Thương lái bỏ cọc sầu riêng: Do trời hay do người?

Ngày 22-8, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội sầu riêng lần thứ 2 năm 2024. Lễ hội do UBND cấp huyện tổ chức, nhưng cũng đại diện cho ngành hàng của cả tỉnh Đắk Lắk vì Krông Pắk được xem như thủ phủ sầu riêng của tỉnh này.

Thương lái bỏ cọc chứ không nhận sầu riêng

Tại buổi họp báo, phóng viên Tuổi Trẻ Online nêu vấn đề mùa thu hoạch sầu riêng năm 2024 tại Đắk Lắk đã vào chính vụ nhưng tình trạng thương lái neo vườn, chủ vườn lo lắng diễn ra nhiều nơi.

Theo ghi nhận, ở nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn tại tỉnh Đắk Lắk đã đến thời gian thu hoạch nhưng các thương lái đã đặt cọc không vào cắt.

Ông V., một nhà vườn tại huyện Krông Năng, cho biết đầu mùa thương lái đặt cọc vườn sầu riêng khoảng 15 tấn của gia đình với giá 84.000 đồng/kg. Tuy nhiên khi đến thời gian thu hoạch, cuống sầu riêng đã già, sắp rụng mà thương lái không vào mua.

"Họ nói các vựa không mua hoặc mua với giá rất thấp nên không dám cắt vì sợ lỗ. Nếu gia đình giảm mỗi ký 10.000 đồng sẽ cắt cả vườn để thương lái bớt thiệt hại", ông V. kể.

Trong khi đó anh Tùng, thương lái chuyên đi cắt sầu riêng trên địa bàn Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước, nói rằng năm nay thương lái "khó về bờ".

Theo anh Tùng, năm nay thị trường Trung Quốc khó tiêu thụ do thiên tai gây hậu quả nặng nề. Trong khi đó, tại Tây Nguyên vào thời điểm trái sầu riêng làm cơm gặp mưa rất nhiều.

"Tôi đi rất nhiều vườn, phần lớn gặp tình trạng sầu riêng sượng múi, thúi hạt dẫn đến xuất hiện mùi hôi thối phía trong. Không những vậy, nhiều nhà vườn sau khi chốt bán thì không thèm quan tâm chăm sóc vườn, dẫn đến trái sầu riêng bị nấm, thúi vỏ mất thẩm mỹ, chất lượng sầu riêng giảm.

"Những lô hàng sầu riêng như vậy thì các vựa sẽ không bắt (mua) hàng dù giá rất rẻ. Nếu chủ vườn không xả thì thương lái bắt buộc bỏ cọc chứ không dám cắt", anh Tùng nói.

Trong khi đó, nhiều vựa sầu riêng tại Đắk Lắk cũng mua hàng cẩn thận, chọn lọc rất kỹ. Giá mua xô sầu riêng sượng múi tại vườn hiện khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, có những vườn sượng nặng giá rớt còn 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - cho hay chính vì việc vi phạm hợp đồng giữa người dân và thương lái cả về nguyên nhân khách quan và chủ quan nên xảy ra nhiều cuộc cãi vã, tranh chấp.

"Biến động của vụ mùa sầu riêng năm nay là hồi chuông cảnh tỉnh để bà con nghiêm túc hơn trong việc chăm sóc vườn sầu riêng của mình", bà Trinh nói.

Cần có vùng sầu riêng trọng điểm, lấy chữ tín làm đầu

Theo bà Trinh, năm 2023 nhiều người không hiểu gì về sầu riêng nhưng cũng nhảy vào lĩnh vực này rồi đi mua vườn, làm kho, khiến mùa sầu riêng năm ngoái vô cùng mất trật tự.

"Nhưng năm nay những người không chuyên về sầu riêng đã không thể trụ nổi trong ngành hàng, bị đào thải", bà Trinh nói.

Theo bà Trinh, huyện đang xây dựng ngành sầu riêng tử tế, lấy chữ tín làm đầu. "Vườn sầu riêng làm ăn lộn xộn, kém chất lượng bán được vụ năm ngoái thì năm nay sẽ không có thương lái đến mua. Như mùa vụ năm nay, nhiều vườn do chăm sóc không đảm bảo, do thời tiết nên cơm kém, màu không ngả vàng, sượng múi khiến giá nếu được mua cũng rất thấp", bà Trinh dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hà - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết sầu riêng Đắk Lắk đã có thêm lối mở khi mới đây Việt Nam và Trung Quốc có thêm nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng cấp đông.

"Hiện sở đã tiếp cận với các doanh nghiệp, sẵn sàng đầu tư kho cấp đông, theo tiêu chuẩn, yêu cầu của đối tác để xuất khẩu sầu riêng cấp đông vào năm 2025", ông Hà nói.

Về định hướng phát triển sầu riêng, ông Hà cho biết Đắk Lắk đã có đề án phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững đến năm 2030. Trong đó địa phương xác định vùng trọng điểm, hạn chế và không nên trồng sầu riêng để có định hướng quản lý.

"Địa phương cũng định hướng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sầu riêng, trong đó phải kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng theo yêu cầu của đối tác. Ngoài vùng trọng điểm thì phải đưa vào tiêu chuẩn khai thác, sơ chế, chế biến… theo hướng xuất khẩu", ông Hà đặt vấn đề.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Nhiều vườn sầu riêng tới kỳ thu hoạch tại Tây Nguyên hứng đợt mưa lớn kéo dài cả tháng qua khiến trái sầu riêng bị thừa nước, sượng múi, giá giảm thấp.
5 ngày trước - Sau hơn 4 ngày tìm kiếm, vẫn còn 13 người mất tích do sạt lở đất tại xã Nậm Tông, H.Nậm Lúc và nhà máy thủy điện Nậm Lúc, H.Bắc Hà (Lào Cai). Đường sá bị chia cắt, máy móc không thể tiếp cận hiện trường, lực lượng cứu nạn phải dùng tay,...
1 tuần trước - Đến trưa 10-9, bão số 3 và mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra lũ lụt, sạt lở đất làm 82 người chết, 64 người mất tích, gần 50.000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
1 tuần trước - Đến trưa 10-9, bão số 3 và mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra lũ lụt, sạt lở đất làm 82 người chết, 64 người mất tích, gần 50.000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
1 tháng trước - Khi nhắc đến TP.HCM, người ta thường nghĩ ngay đến những tòa nhà cao chọc trời, những con phố sầm uất và nhịp sống hối hả của một thành phố 'không ngủ'.
Xem tin bài khác
19 phút trước - Khoản tài trợ từ Quỹ Hy vọng và các đơn vị đồng hành giúp 9 trường học ở huyện Chi Lăng tu sửa trường lớp, thiết bị dạy học sau bão Yagi.
55 phút trước - UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng.
55 phút trước - Trong lúc chạy xe máy đi làm vườn, hai mẹ con ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) bị cây ngã đè khiến người con tử vong, người mẹ bị thương.
55 phút trước - Sau cơn bão số 4, hàng tấn ngao dạt vào bờ biển ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Người dân đổ xô đi nhặt ngao và xem đây là lộc trời.
55 phút trước - Do mưa lớn kéo dài, lưu lượng nước về các hồ chứa tăng nên một số hồ chứa tại Hà Tĩnh bắt đầu xả tràn điều tiết nước.