ttth247.com

Tổn thương cột sống do nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người'

TP HCMÔng Cường, 59 tuổi, sốt cao, đau lưng, không tự đi lại được, bác sĩ phát hiện mắc bệnh Whitmore do nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người".

Ba tháng nay ông Cường sụt 19 kg, mệt mỏi, ăn uống kém, sốt về chiều. Gần đây ông đau vùng lưng nhiều hơn, đi lại phải có người dìu, đi khám nhưng sức khỏe không cải thiện.

Ngày 24/8, BS.CKII Lê Thị Mỹ Châu, Đơn vị Nhiễm, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Cường được cấy máu, xác định nhiễm trùng do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Whitmore. Xét nghiệm máu, chỉ số viêm và bạch cầu máu tăng cao.

Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cho thấy tổn thương thân sống - đĩa đệm L3-L4, viêm xung quanh kèm các ổ áp xe trong cơ thắt lưng chậu hai bên. Ổ lớn nhất kích thước gần 5 cm. Tổn thương lan vào khoang ngoài màng cứng, kèm các ổ dịch nhỏ, chèn ép vào bao màng cứng, chùm đuôi ngựa, lan ra các đốt sống L3-L4, L4-L5 hai bên. Ông còn có áp xe đa ổ rải rác trong tuyến tiền liệt, lớn nhất 2 cm.

Theo bác sĩ Châu, "vi khuẩn ăn thịt người" Burkholderia pseudomallei là vi khuẩn gram âm, có khả năng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt như môi trường nghèo chất dinh dưỡng, khô hạn. Vi khuẩn này sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây nhiễm trùng, dẫn đến áp xe nhiều cơ quan, viêm đĩa đệm, làm giảm khả năng chịu lực và độ bền. Viêm có thể gây đau và hạn chế cử động. Tình trạng nhiễm trùng cũng dẫn đến viêm cột sống, làm tổn thương các đốt sống và mô xung quanh, trường hợp nặng có thể hoại tử xương.

"Trường hợp ông Cường nhiễm trùng nặng và tổn thương cấu trúc nghiêm trọng", bác sĩ Châu nói. Các bác sĩ điều trị kháng sinh tĩnh mạch 4 tuần, kết hợp uống thuốc kháng sinh, điều chỉnh đường huyết cho người bệnh. Một tuần sau điều trị, ông hết sốt, cấy máu lại cho kết quả âm tính. 4 tuần sau, ông ăn uống ngon miệng, tự đi lại, ổ áp xe giảm kích thước đáng kể, tự sinh hoạt bình thường.

Bác sĩ Mỹ Châu khám cho ông Cường trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Mỹ Châu khám cho ông Cường trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Châu, mỗi năm Việt Nam có khoảng 100-200 người mắc bệnh Whitmore. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM đã điều trị hơn 10 trường hợp, trong đó 4 trường hợp trong ba tháng gần đây, vốn là mùa mưa tại khu vực phía Nam.

Lây nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" Burkholderia pseudomallei chủ yếu là do các vị trí da bị tổn thương tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn hoặc người bệnh hít phải các hạt bụi đất nhiễm khuẩn. Bệnh hay xảy ra ở người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước như nông dân, công nhân xây dựng, người làm vườn, quân nhân..., rải rác quanh năm nhưng tăng cao vào mùa mưa.

Tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới. Những người có bệnh lý nền như tiểu đường, nghiện rượu, sử dụng corticoid dài ngày, mắc bệnh phổi và thận mạn tính... có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với người bình thường. Chưa ghi nhận trường hợp lây bệnh giữa người và động vật.

Nhiễm trùng xương, khớp, đĩa đệm, thân sống... do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei thường lây lan trực tiếp từ các vết trầy xước da nhỏ, nhiễm trùng vết thương và áp xe hoặc lây lan qua đường máu ở người mắc một số bệnh khác như viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết. Bệnh không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, thường giống các dạng viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng và các rối loạn dạng thấp khác nhau. Các đặc điểm nổi bật trong viêm khớp nhiễm trùng là sưng, đau, đỏ và nóng xung quanh khớp, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt thường ngày.

Bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng ngừa. Bác sĩ Châu khuyến cáo mọi người rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Người dân nên sử dụng thiết bị bảo hộ (như ủng, găng tay) khi làm vườn, làm ruộng, băng bó vết thương hở nếu tiếp xúc với đất, nước. Người có nguy cơ cao nên tránh ra ngoài sau khi mưa lớn, nhất là ở các vùng nông thôn. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông nơi bị ô nhiễm.

Người bệnh có biểu hiện sốt cao dài ngày, nhiễm trùng da, mô mềm, viêm phổi, đau bụng, đau lưng, đau đầu.... nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Bình An

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
2 tuần trước - Đậu hũ, miền Bắc goi là đậu phụ không chỉ được gọi là 'thịt thực vật' lý tưởng đối với nhiều bệnh lý, đặc biệt là huyết áp, tim mạch. Các y thư cổ nổi tiếng không chỉ dùng đậu phụ như món ngon mà còn là vị thuốc rất dễ được cơ thể chấp...
3 tuần trước - Cây sống đời không chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trường thọ mà còn là một dược liệu quý có nhiều tác dụng với sức khỏe.
1 tháng trước - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) ngày 7.8 công bố thực hiện thành công ca ghép khí quản bằng đoạn khí quản của người cho chết não kết hợp phẫu thuật tạo hình thực quản hẹp.
1 tuần trước - Chèn ép thần kinh hoặc mạch máu, hội chứng cổ vai gáy hay ống cổ tay, thoái hóa khớp ngón tay, viêm khớp dạng thấp thường gây tê đầu ngón tay.
1 tháng trước - Sau hơn 3 tháng điều trị, qua nhiều lần phẫu thuật và phục hồi chức năng, bác sĩ Hoàng Minh Lý, người không may bị liệt trong tai nạn sập kính do mưa bão, đã có tín hiệu tốt về sức khỏe chuẩn bị ra viện.
Xem tin bài khác
10 phút trước - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và cột sống Hoàn Mỹ, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ vừa tổ chức hội thảo “Thay khớp háng ca khó, hội chẩn cùng chuyên gia”.
10 phút trước - Hà Nội- Anh Nam, 42 tuổi, sốt cao, đau đầu, mệt, uống thuốc paracetamol hạ sốt, một tuần sau bệnh nặng vào viện bác sĩ chẩn đoán tổn thương phổi, tăng men gan.
10 phút trước - Theo PGS Nguyễn Quang, chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam, xác định lại giới tính là một việc làm mang tính nhân văn, bảo đảm mỗi người được sống đúng với giới tính của mình.
40 phút trước - Anh Đ.P.D (29 tuổi, ngụ TP.HCM) làm việc tại một xưởng in, vài tháng gần đây anh cảm thấy cột sống bị đau thắt, trong một lần đang đứng thì bất ngờ ngã quỵ xuống đất.
40 phút trước - Mốc 2 tháng tuổi là thời điểm vàng bé cần được tiêm ngừa vaccine 6 trong 1 để phòng 6 bệnh nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib. Để bé được bảo vệ sớm và tối ưu nhất, ba mẹ đừng trì hoãn hoặc...