ttth247.com

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: 'Nguồn lực của TP.HCM lớn lắm'

Chiều 17-8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dành hơn một giờ đồng hồ phát biểu kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM.

Phần phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tập trung phân tích, đánh giá, gợi mở giải pháp cũng như chỉ đạo các vấn đề về cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế, hạ tầng, y tế, giáo dục... tại TP.HCM.

Ngay sau phần ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đạt được thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành phần lớn thời gian phát biểu vừa phân tích, dẫn chứng, bày tỏ trăn trở và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn của TP.HCM khi phát triển kinh tế, xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết Bộ Chính trị hiện đang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung rất lớn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra.

Nguồn lực của TP.HCM lớn lắm

Qua phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ: "Điều băn khoăn nhất là tại sao nền kinh tế TP.HCM không phát triển được. Nguồn lực của cả Nhà nước và nhân dân chưa được giải phóng".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho hay: "Nguồn lực của TP.HCM lớn lắm. Hôm trước tôi có nói với Thủ tướng nguồn lực tài chính trong dân có 15 triệu tỉ tiền gửi tiết kiệm tín dụng, vô cùng lớn, làm sao tiêu được, làm sao sử dụng hết".

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: "Tiền nằm trong ngân hàng, nếu chúng ta quản lý không khéo, không chấn chỉnh được, tiền lại chạy vào chứng khoán, bất động sản. Nếu chúng ta không có chính sách tiền tệ, tài khóa như thế nào đấy, tiền không sinh ra của cải vật chất, mà nó lại sinh ra những cái ảo, tác động rất xấu đến nền kinh tế".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng TP.HCM có lợi thế đầu tàu kinh tế nên phải sử dụng, giải phóng được nguồn vốn đó, phục vụ cho phát triển kinh tế. TP cần làm rõ nguyên nhân có tiền không tiêu được là do chính sách, pháp luật, cơ chế hay nguyên nhân nào khác.

"Chúng ta có tiền không tiêu được, giải ngân TP rất thấp, đấy là trăn trở. Cả nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội còn rất nhiều. Phải xem xét lại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo hợp tác công tư... như thế nào để giải phóng nguồn lực này", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề.

Ngay sau đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gợi mở: "Quy định về quản lý tránh tiêu cực nhưng cũng phải giúp sử dụng được nguồn lực. Đấu thầu làm sao không tiêu cực, không tham nhũng nhưng cũng tính lại đấu thầu phải phục vụ mục tiêu phát triển, phục vụ đời sống người dân.

Đấu thầu thuốc mà đến mức không để cho dân được tiếp cận các loại thuốc hiện đại, loại thuốc tốt, nền văn minh y tế hiện đại của thế giới. Rất vô lý. Đấu thầu nhưng không xây dựng được nhà đẹp. Quy định đấu thầu tầm nhìn trăm năm nữa nhưng định mức chỉ cho 10 năm thôi làm sao có những công trình để đời".

Tiếp tục dẫn chứng về bất cập của cơ chế, chính sách, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết vừa qua ông làm việc với địa phương, có ghi nhận vướng mắc việc đầu tư con đường, cây cầu đi qua hai tỉnh.

Một tỉnh đang rất cần, muốn đóng góp thêm nguồn lực ngân sách để đẩy nhanh việc làm con đường nhưng quy định không được. Quy định hiện nay đường, cầu qua tỉnh nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm. Trong khi đó đều là ngân sách nhà nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề nghị với ban lãnh đạo TP.HCM "nghiên cứu điều chỉnh như thế nào để huy động sức dân, hiện nay chúng tôi thấy bất cập".

Nhiệm vụ của thành phố trong thời gian tới

Về nhiệm vụ của thành phố trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cùng cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của TP.HCM để từ đó tạo sự đoàn kết, thống nhất cao hơn nữa, quyết tâm chính trị mạnh hơn nữa, năng động và sáng tạo hơn nữa, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng phát triển thành phố nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, TP.HCM cần được định hình tương lai là thành phố toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, hội nhập; tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững; xã hội gắn kết, rộng mở, văn minh, kết tinh các giá trị tiên tiến của Châu Á và thế giới.

Cùng với đó, thành phố cần phải khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khuyến khích tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy các phát minh sáng chế, bảo hộ tốt quyền tài sản, tạo dựng một môi trường sáng tạo và khởi nghiệp hấp dẫn không chỉ có các sáng kiến Việt Nam mà còn cho khu vực và thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị biến quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ Thành phố về việc xây dựng "Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo" như tinh thần Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đã đề ra thành những việc làm, thành quả trong thực tiễn, xây dựng TP.HCM thực sự là thành phố văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng cần tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển mạnh khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức, công nghệ số, xã hội số làm nền tảng thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững; tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ thành phố đến cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động bệnh viện quận, huyện...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý tốt các hoạt động văn hóa xã hội theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của TP.HCM; từng bước giảm dần sự cách biệt về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội, tội phạm; giảm tai nạn giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn cho nhân dân, để mỗi người dân thành phố đều có quyền tự hào và có trách nhiệm đóng góp xây dựng TP.HCM thành một thành phố "giàu có"; giàu có không phải chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn giàu có về lịch sử, văn hóa, giàu tình người, giàu cơ hội, giàu khát vọng vươn lên.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ bản thân rất trăn trở đến việc giải phóng nguồn lực xã hội, nguồn lực trong dân để đưa đất nước phát triển.
1 tháng trước - Thành ủy TP.HCM kiến nghị Trung ương xem xét 3 vấn đề liên quan đến 3 đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
1 tuần trước - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, không chỉ với Tuyên Quang mà cả các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão lũ cần xác định “cứu dân là ưu tiên cao nhất”, “sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt”, để triển khai đồng bộ, quyết...
1 tháng trước - Sáng 3-8, tại buổi họp báo trong nước, quốc tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sẽ phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc"...
1 tháng trước - Trong bài phát biểu trước báo giới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh sẽ tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì nước CHXHCN Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân Việt Nam có...
Xem tin bài khác
3 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
4 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
4 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
4 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
4 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.