ttth247.com

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất mẹ

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổ chức lúc 13h tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội và Hội trường Thống Nhất, TP HCM.

Tại Nhà tang lễ quốc gia, dự lễ truy điệu có Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng...

Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith; Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez và nhiều đại diện đoàn quốc tế cùng dự lễ.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cho biết trong hai ngày quốc tang có 6.000 đoàn đại biểu trung ương, địa phương, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong nước; 100 đoàn đại biểu quốc tế; 200.000 đồng bào đến viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ quốc gia, hội trường Thống Nhất TP HCM và quê xã Đông Hội.

Gần 500.000 lượt người dân gửi lời chia buồn qua sổ tang điện tử. Nhiều bạn bè quốc tế đến viếng, gửi điện chia buồn.

"Trong niềm tiếc thương vô hạn, vào thời khắc linh thiêng này, chúng ta tập trung tại đây để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng", ông Cường nói. Tiếng nhạc Tiến quân ca vang lên trong nhà tang lễ.

Live Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đọc điếu văn, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng là "Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới".

"Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta. Đất nước ta mất đi nhà lãnh đạo tài năng; phong trào cộng sản, tiến bộ thế giới mất đi nhà lý luận sắc bén; bạn bè quốc tế mất đi người bạn chân thành, người đồng chí thân thiết; gia đình, dòng tộc, quê hương Đông Hội mất đi người con ưu tú", Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Tô Lâm đọc điếu văn. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch nước Tô Lâm đọc điếu văn. Ảnh: Giang Huy

Theo đại tướng Tô Lâm, gần 60 năm hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về vai trò của Đảng Cộng sản, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh với tầm nhìn chiến lược về tình hình quốc tế trong thế giới đương đại, với những nỗ lực không ngừng góp phần duy trì, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, Tổng Bí thư đã mở ra chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam với đối tác quốc tế, thúc đẩy tình hữu nghị với các quốc gia, tăng cường sự đóng góp của Việt Nam bằng nhiều cam kết, hành động thiết thực, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ.

Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu bật thành tựu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong từng lĩnh vực. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, ông đi sâu làm rõ bản chất của Đảng, về xây dựng Đảng cầm quyền từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam. Từ đó, ông cùng Ban Chấp hành Trung ương hoạch định và lãnh đạo thực hiện chủ trương chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng.

"Đây là cuộc chiến chống giặc nội xâm vô cùng gian nan, vất vả làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, khẳng định vai trò tiên phong, bản lĩnh, trí tuệ, để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh", ông Tô Lâm nói. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên Đảng ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, ông luôn trăn trở, đau đáu với vấn đề xây dựng cơ quan lập pháp thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, thực sự dân chủ và đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và phát triển mạnh mẽ đất nước.

Chủ tịch nước Tô Lâm đọc bài điếu văn khoảng 10 phút. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch nước Tô Lâm đọc bài điếu văn khoảng 10 phút. Ảnh: Giang Huy

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dành tâm huyết về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Đảng đã tổ chức hội nghị toàn quốc về văn hóa - mốc son gắn kết tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phát huy vai trò của văn hóa, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Với nhãn quan chính trị sâu sắc, nhạy bén, Tổng Bí thư đã nâng tầm tư duy chiến lược, tạo bước phát triển mới cho nền quốc phòng, an ninh và đối ngoại Việt Nam. Đó là tư tưởng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy... Quân đội, Công an gắn bó như "hai cánh của con chim", như "thanh kiếm và lá chắn", chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Phát huy vai trò tiên phong của nền ngoại giao toàn diện, Tổng Bí thư hình thành và lãnh đạo thực hiện hiệu quả nghệ thuật ngoại giao thời đại mới mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "hòa hiếu", "lấy chí nhân thay cường bạo". Dưới sự dẫn dắt của ông, Việt Nam trở thành đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm trên trường quốc tế; không ngừng hội nhập sâu rộng, toàn diện vào nền chính trị quốc tế, nền kinh tế thế giới và nền văn minh nhân loại.

"Ghi nhận những công lao, cống hiến đặc biệt xuất sắc của đồng chí, Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất, nhưng hơn hết đồng chí mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân", Chủ tịch nước nói, cam kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện khắc cốt ghi tâm lời căn dặn Nếu là người, hãy là người cộng sản; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ đi trước, trong đó có Tổng Bí thư đã lựa chọn.

Khép lại bài điếu văn dài hơn 10 phút, Chủ tịch nước nói: "Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của chúng ta". Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quốc tế và gia đình sau đó dành một phút mặc niệm Tổng Bí thư.

Ông Nguyễn Trọng Trường, con trai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nói lời cảm tạ, bày tỏ "bố chúng cháu không còn nữa mang đến nỗi đau sâu sắc với gia đình, nhất là mẹ cháu".

Ông Nguyễn Trọng Trường, con trai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu đáp từ. Ảnh: Giang Huy

Ông Nguyễn Trọng Trường, con trai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu đáp từ. Ảnh: Giang Huy

"Từ khi bố chúng cháu lâm bệnh đến tận những giây phút cuối cùng và trong suốt quá trình tổ chức tang lễ, gia đình nhận được rất nhiều sự động viên, chia sẻ thân thành, giúp đỡ tận tình của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương, các ông bà, các bác, các cô chú, anh chị em; tình cảm của nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế", ông nói.

"Mẹ cháu và gia đình xin bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc, chân thành nhất. Tại thời khắc này, một lần nữa cháu xin gửi lời cảm ơn tới các bác, các cô, các chú lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, cơ quan đoàn thể trung ương, địa phương, quý vị đại biểu, đồng bào đã đến viếng, tiễn đưa bố cháu về nơi an nghỉ cuối cùng...", ông Trường nói và bày tỏ trong quá trình tổ chức lễ tang "không tránh khỏi sơ suất, gây phiền hà cho bà con, gia đình xin được lượng thứ".

Sau lời cảm tạ của con trai Tổng Bí thư, bà Ngô Thị Mận, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn gia quyến đi vòng quanh linh cữu. Bà chắp tay, rơi nước mắt trước di ảnh chồng. Tiếp sau là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu lần lượt đi vòng quanh linh cữu tiễn biệt Tổng Bí thư.

Phu nhân Ngô Thị Mận, con trai Nguyễn Trọng Trường và người thân đi vòng quanh linh cữu Tổng Bí thư lần cuối. Ảnh: Giang Huy

Phu nhân Ngô Thị Mận, con trai Nguyễn Trọng Trường và người thân đi vòng quanh linh cữu Tổng Bí thư lần cuối. Ảnh: Giang Huy

Tại hội trường Thống Nhất TP HCM, lãnh đạo thành ủy, UBDND thành phố, đại diện các tổ chức đoàn thể, tôn giáo... có mặt đông đủ dự lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua màn hình từ đầu cầu Nhà tang lễ quốc gia, Hà Nội.

Bên ngoài hội trường, hàng nghìn người dân đến từ khắp các tỉnh phía Nam cũng về đây, theo dõi trực tiếp qua màn hình. Giây phút linh xa rời Nhà tang lễ quốc gia, nhiều người đã bật khóc.

Theo Ban tổ chức, từ 7h ngày 25/7 đến 12h ngày 26/7, tại hội trường Thống Nhất 3.821 đoàn với gần 59.000 lượt người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kết thúc lễ truy điệu, lễ di quan bắt đầu. Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm hùng, đội tiêu binh mang di ảnh Tổng Bí thư đi đầu, phía sau là các huy chương và Quốc kỳ. Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường một tay đặt lên linh cữu đưa tiễn Tổng Bí thư ra linh xa chờ sẵn.

Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đưa linh cữu lên linh xa. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đưa linh cữu lên linh xa. Ảnh: Giang Huy

Linh cữu Tổng Bí thư được đội tiêu binh phủ Quốc kỳ, đặt ngay ngắn trên linh xa. Phía sau là hàng nghìn người dõi theo những giây phút cuối tiễn đưa ông.

Phía bên ngoài, trên vỉa hè đường Trần Thanh Tông trước cửa Nhà tang lễ quốc gia, hàng nghìn người dân mang theo di ảnh đưa tiễn Tổng Bí thư. Có người bật khóc, mắt đỏ khoe, có người đứng nghiêm giơ tay chào khi linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư rời Nhà tang lễ.

Đoàn xe chở linh cữu đi qua các tuyến phố Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông - Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã - Đào Tấn - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - đường gom đại lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo - Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Trần Vỹ đến Nguyễn Cơ Thạch).

Đến 14h50, đoàn xe chở linh cữu đến Nghĩa trang Mai Dịch. Trong lễ an táng, sau khi đội tiêu binh thực hiện nghi thức hạ huyệt, gia đình cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thả hoa, nắm đất xuống huyệt mộ. Bà Mận đi đầu, tay cầm những cánh hoa cúc vàng, chậm rãi đi vòng quanh thả xuống mộ chồng.

Bà Ngô Thị Mận, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Ngọc Thành

Bà Ngô Thị Mận, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Ngọc Thành

Sau khi những vòng hoa được phủ lên mộ, gia quyến, đại biểu có mặt tại Nghĩa trang Mai Dịch dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu sau đó, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường thay mặt Ban tổ chức lễ tang và gia đình Tổng Bí thư bày tỏ cảm ơn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào cả nước, nhân sĩ trí thức, đoàn ngoại giao, lực lượng vũ trang, chức sắc tôn giáo, tổ chức quốc tế đã đến viếng, gửi vòng hoa, điện chia buồn, dự lễ viếng, truy điệu, an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Khép lại lễ an táng, gia quyến, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi vòng quanh mộ từ biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của của đồng bào, đồng chí.
1 tháng trước - Nhiều người dân thức trắng đêm với mong muốn đứng trước linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để cúi chào tiễn biệt ông về với Đất Mẹ.
1 tháng trước - Ngày 26-7, gia đình, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế, nhân dân đã tiễn đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất mẹ tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).
1 tháng trước - Hà Nội - Hàng nghìn người dân mang di ảnh, hoa đứng dọc các tuyến đường tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ, chiều 26/7.
1 tháng trước - Chiều 26.7, lễ truy điệu, an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể theo nghi thức quốc tang. Trong niềm tiếc thương vô hạn, gia đình cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế và hàng vạn người dân đã tiễn đưa ông về...
Xem tin bài khác
14 phút trước - Sáng nay (19-9), TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 đối với vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
35 phút trước - Cầu bắc qua con suối trên đường tỉnh 445 ở TP Hòa Bình bị sập rạng sáng nay, may mắn không gây thiệt hại về người.
38 phút trước - Khi vụ bạo hành trẻ ở mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM) bị phanh phui, cơ quan chức năng kiểm tra thì lộ ra cơ sở có đến 85 trẻ, chứ không phải chỉ 39 trẻ như đăng ký.
38 phút trước - Dự báo hôm nay, bão số 4 hướng vào ven biển Quảng Trị - Quảng Nam rồi đi vào đất liền các tỉnh miền Trung. Cơ quan khí tượng cảnh báo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có mưa rất lớn trong sáng nay.
38 phút trước - Tối 18-9, Công ty cổ phần Thủy điện Đak Mi đã có thông báo về việc điều tiết nước qua cửa van hồ chứa thủy điện Đak Mi 4.