ttth247.com

TP.HCM phát triển xe buýt điện: Những tuyến nào sẽ triển khai đầu tiên?

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa hoàn thiện đề án và lấy ý kiến xây dựng nghị quyết trình HĐND TP về kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, lộ trình chuyển đổi các tuyến xe buýt sang sử dụng điện cũng đang được các doanh nghiệp, đơn vị vận tải, hợp tác xã quan tâm.

Lộ trình chuyển sang xe buýt điện

Đề án đề xuất từ giai đoạn 2025-2029, các tuyến xe buýt không trợ giá, khi thay thế, đầu tư mới thì toàn bộ xe sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Với các tuyến xe buýt mở mới từ năm 2025 trở đi, 100% xe sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đối với các tuyến xe buýt có trợ giá hiện hữu, xe sử dụng nhiên liệu CNG hoặc diesel sẽ được duy trì theo thời gian hợp đồng đấu thầu đã ký kết. Tuy nhiên, khi hợp đồng này hết hạn, các xe buýt sử dụng khí CNG, nhiên liệu diesel có thời gian sử dụng từ 15 năm trở lên sẽ được thay thế bằng xe sử dụng điện, năng lượng xanh.

Xe buýt xài diesel được tiếp tục hoạt động đến năm 2029, với điều kiện sử dụng xe không quá 15 năm. Lộ trình cụ thể như sau:

Năm 2025 có 32 tuyến xe buýt xài diesel (572 xe) sẽ tiếp tục đấu thầu vận hành tuyến, thời gian thực hiện hai năm. Đến năm 2027 sẽ chuyển sang xe buýt điện. Các tuyến này như: Tuyến số 145 (bến xe buýt Chợ Lớn - chợ Hiệp Thành), tuyến 25 (bến xe buýt quận 8 - khu dân cư Vĩnh Lộc A), tuyến số 3 (Bến Thành - Thạnh Xuân)...

Năm 2026 có 15 tuyến buýt xài diesel với khoảng 310 xe và 6 tuyến buýt (84 xe) hết thời gian hợp đồng đấu thầu sẽ tiếp tục đấu thầu với thời gian thực hiện hai năm và năm 2028 sẽ chuyển sang xe buýt điện.

Các tuyến này như tuyến số 20 (Bến Thành - Nhà Bè), tuyến 69 (bến xe buýt Sài Gòn - khu dân cư Vĩnh Lộc), tuyến 72 (bến xe buýt Sài Gòn - Hiệp Phước)...

Tương tự, 36 tuyến còn lại sẽ được chuyển đổi lần lượt trong giai đoạn 2029-2030.

Các chính sách hỗ trợ xe buýt 11 năm qua ra sao?

TP.HCM hiện có 138 tuyến xe buýt, gồm 108 tuyến trợ giá và 30 tuyến không trợ giá. Toàn mạng lưới đang có 2.209 xe buýt hoạt động, bao gồm 546 xe sử dụng điện, nhiên liệu sạch CNG và 1.663 xe buýt sử dụng dầu diesel.

Để hình thành mạng lưới này, 11 năm qua TP đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ, đầu tư đổi mới xe buýt. Đầu tiên là dự án đầu tư 1.318 xe trong giai đoạn 2003-2005. Nhà nước cho vay vốn ưu đãi với lãi suất 3%/năm, phần chênh lệch lãi vay còn lại được ngân sách bù, thời gian vay là 10 năm. Kế đến là dự án 400 xe đưa rước học sinh - sinh viên và công nhân được vay vốn ưu đãi với lãi suất 0%/năm, thời gian vay là 10 năm.

Vào năm 2003, TP cũng có quyết định 330 hỗ trợ một phần lãi vay cho các đơn vị tự đầu tư, đổi mới xe buýt. Cuối cùng là đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014-2017 với tổng số 1.680 xe. Nhà đầu tư trả trước 30% giá xe, phần còn lại 70% vay tại các tổ chức tài chính - tín dụng và được ngân sách hỗ trợ lãi vay chênh lệch.

Đến nay, thực hiện nghị quyết 98 và triển khai chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí metan đã được Chính phủ giao, TP xây dựng đề án quy mô hơn nhằm phủ sóng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến 2030.

Tổng kinh phí chuyển đổi xe buýt điện và đầu tư hạ tầng trạm sạc giai đoạn 2025-2030 hơn 34.000 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách cần hơn 18.324 tỉ đồng để trợ giá cho các tuyến buýt, hỗ trợ lãi vay, đầu tư trạm sạc... Vốn doanh nghiệp khoảng 15.680 tỉ đồng, bao gồm 14.740 tỉ đồng đầu tư thay thế xe và hơn 939 tỉ đồng đầu tư, vận hành trạm sạc.

Để thực hiện, đề án đề xuất các chính sách hỗ trợ đồng bộ, đủ hấp dẫn để khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư trạm sạc, xe buýt điện. Cụ thể như TP cho vay tối đa 85% phần vốn đầu tư. Nhà đầu tư trả cố định 3%/năm, phần chênh lệch lãi suất còn lại do Nhà nước hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa 7 năm...

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
3 ngày trước - TP.HCM đang xây dựng một đề án phát triển giao thông xanh quy mô với kỳ vọng xe buýt điện sẽ 'xanh hóa' xe buýt từ nay đến năm 2030. Dự kiến đề án này sẽ được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết tại kỳ họp tháng 12-2024.
1 tháng trước - Trước sự tăng trưởng chậm lại của vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên gỡ vướng các dự án trọng điểm để sớm đưa vào sử dụng.
1 tuần trước - Trong ngày 7.9, bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng, gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản. Đến tối cùng ngày, nhiều địa phương ở các tỉnh, thành trên vẫn chưa thể cấp điện trở lại nên cơ quan chức năng chưa thể...
3 tuần trước - Một tuần trước dịp nghỉ lễ 2/9, nhiều chuyến tàu, xe từ Hà Nội và TP HCM đi miền Trung và địa điểm du lịch như Cần Thơ, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang đã khan hiếm vé.
1 tuần trước - Hà Nội vừa có thêm một người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Sau khi lập biên bản các trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ gửi thông báo về địa phương xác minh; gửi về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
4 giờ trước - Quảng Ninh- Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
4 giờ trước - Sân vận động Thống Nhất sẽ được sửa chữa các hạng mục tại khán đài, sân cỏ, đường chạy, xây ba khán đài mới với quy mô 3 tầng, kinh phí dự tính hơn 149 tỷ đồng.
4 giờ trước - Địa phương lên kế hoạch dùng 4.200 tỷ đồng ngân sách địa phương để làm ba dự án môi trường và giao thông, nhằm thay thế cho nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới.
4 giờ trước - Nhà ga metro sẽ được xây ở Trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 rộng 7 ha tại thành phố mới Bình Dương, kết nối tuyến metro đến Suối Tiên, TP HCM.