ttth247.com

Trải nghiệm kính AR Orion của Meta

Julia Boorstin, phóng viên của CNBC, thử nghiệm kính AR Orion của Meta và cho rằng thiết bị có thể là tương lai điện toán.

"Điều ấn tượng về kính thực tế tăng cường (AR) Orion của Meta không phải những tính năng hào nhoáng, mà là kích thước và sự thoải mái khi đeo", Julia Boorstin, nhà báo công nghệ của CNBC, cho biết sau khi sử dụng Orion tại sự kiện Meta Connect ngày 25-26/9. "Nó rất nhẹ so với các thiết bị thực tế ảo khác như Meta Quest hay Apple Vision Pro".

Phóng viên Julia Boorstin của CNBC. Ảnh: YouTube/CNBC

Phóng viên Julia Boorstin của CNBC. Ảnh: YouTube/CNBC

CEO Meta Mark Zuckerberg đã giới thiệu kính Orion dưới dạng nguyên mẫu ngày 25/9, cho biết đây là sản phẩm "nhìn thoáng qua về tương lai rất thú vị". Kính có màu đen, khung dày và đi kèm với thiết bị đeo không dây, cho phép chạy một số ứng dụng hoặc trò chơi, hình ảnh xuất hiện dưới dạng đồ họa xen lẫn vào thế giới thực.

Orion là một phần trong kế hoạch hàng tỷ USD mà Zuckerberg đưa ra để thúc đẩy tham vọng điện toán cá nhân tiếp theo, gọi là metaverse. Dù không có khả năng đặt người dùng vào thế giới ảo hoàn toàn, kính có thể phủ lớp đồ họa số lên thế giới thực.

"Hình dáng và trọng lượng của Orion không quá khác biệt so với một cặp kính thông thường. Nó cũng không gây khó chịu khi đeo", Boorstin nói, kỳ vọng kính được cải tiến khi được thương mại hóa vào năm 2027. "Đây là thế hệ đầu tiên. Bốn năm nữa, chúng sẽ nhỏ đến mức nào?".

Khi đeo kính AR, Boorstin cho biết cô có thể thấy các biểu tượng dạng hologram của ứng dụng như Instagram, Facebook, trình duyệt, game hiển thị khá đẹp mắt và "tạo sự hòa lẫn" vào môi trường xung quanh. Điều này mang lại cảm giác tốt hơn so với Vision Pro.

Theo Meta, kính có sự cải tiến so với kỹ thuật "Passthrough" mà các thiết bị VR đang sử dụng. Đối với Passthrough, các công ty sử dụng hệ thống camera bên ngoài kính để quay lại và hiển thị cho người dùng phiên bản số của thế giới thực.

Meta Orion đã được một số người trải nghiệm sớm, trong đó có CEO Nvidia Jensen Huang. Ảnh: YouTube/Meta

Meta Orion đã được một số người trải nghiệm sớm, trong đó có CEO Nvidia Jensen Huang. Ảnh: YouTube/Meta

Trong khi đó, Orion có thể phủ lớp hình ảnh số lên thế giới thực bằng phương pháp đắt đỏ hơn. Các thấu kính không được làm từ thủy tinh hoặc nhựa thông thường, mà từ vật liệu khúc xạ gọi là silicon carbide. Một máy chiếu thu nhỏ tích hợp trong gọng kính sẽ chiếu sáng vào thấu kính silicon carbide này. Khi đó, người dùng có thể thấy "hologram" trong tầm nhìn.

Boorstin cho biết những gì hiển thị trên kính mang lại "cảm giác như bình thường và rất tự nhiên". Khi hologram được tắt đi, cô thấy như đang đeo kính râm, không gây phân tâm hay buồn nôn..

Đối với khả năng tương tác, Boorstin có thể mở, đóng và duyệt các ứng dụng nhờ một thiết bị đeo tay nhẹ như Fitbit và không gây khó chịu.

"Vòng đeo tay có thể cảm nhận chuyển động ngón tay và bàn tay, vì thế bạn có thể đeo hoặc để bên cạnh", Boorstin mô tả. "Tôi ngạc nhiên vì nó rất chính xác trong các nhận diện khi ngón tay, bàn tay chuyển động".

Cô cho biết đã dùng kính để nhận diện các thành phần của thực phẩm để trên bàn, sau đó hiển thị công thức nấu ăn phù hợp. Cô cũng có thể chơi trò bóng bàn chiếu trên bàn làm việc, thử gọi video 3D với đồng nghiệp, sau đó nhận xét việc hiển thị "rất rõ ràng và như đứng trước mặt".

Một số trang công nghệ khác cũng đánh giá cao nỗ lực của Meta với Orion cũng như các mẫu kính thực tế ảo mà công ty đang triển khai. Trước đó, trong phỏng vấn với The Verge, Zuckerberg cho biết Orion là "thiết bị phủ 3D lên thế giới vật lý". Nguyên mẫu được giới thiệu trên sân khấu có trọng lượng dưới 100 gram, nhẹ hơn nhiều so với mức 600 gram của Apple Vision Pro. Kính có trường nhìn rộng, màn hình hiển thị nội dung 3D và máy chiếu nhỏ ở gọng kính. Sản phẩm đầy đủ có thêm phần mở rộng được đeo ở cổ tay tương tự smartband.

Trên sân khấu, Zuckerberg không trình diễn các tính năng của sản phẩm, chỉ chiếu video mô tả một số người bày tỏ sự ngạc nhiên khi trải nghiệm kính, gồm CEO Nvidia Jensen Huang. Ông chủ Meta cho biết sản phẩm được phát triển từ 10 năm trước, khi iPhone và điện thoại Android đang ở giai đoạn đầu bùng nổ. Tuy nhiên, phải đến 2027 Orion mới được thương mại hóa với kích thước nhỏ và nhẹ hơn.

Bảo Lâm

  • Mark Zuckerberg: 'Kính AR sẽ thay thế smartphone'
  • Mark Zuckerberg hé lộ về kính AR 'tiên tiến nhất'
  • Mark Zuckerberg nói Quest 3 tốt hơn Vision Pro

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 tuần trước - Sau khi công bố mẫu kính Orion, CEO Meta Mark Zuckerberg nhận định kính AR sẽ thay thế smartphone trong tương lai.
2 tuần trước - Tập đoàn Meta cho biết sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất Quest 3S tại Việt Nam vào năm 2025.
2 tuần trước - Meta AI, đối thủ của ChatGPT, dự kiến được triển khai tại thị trường Việt Nam trong năm nay,
4 ngày trước - Viettel, Vinaphone và Mobifone vừa thông báo về việc thực hiện chương trình trải nghiệm sóng 5G cho người dùng.
20 giờ trước - Kể từ khi 5G được vận hành thương mại đầu tiên tại Hàn Quốc và Trung Quốc năm 2019, thế giới đã chi hàng tỷ USD xây dựng và ứng dụng mạng di động này.
Xem tin bài khác
7 giờ trước - Theo cam kết của nhà cung cấp dịch vụ, Lotus Chat là ứng dụng dành cho người dùng Việt có tính bảo mật và tiện lợi.
7 giờ trước - Lotus Chat có giao diện và một số tính năng giống Telegram, bổ sung thêm một số công cụ tối ưu cho người dùng tại Việt Nam.
8 giờ trước - Tổng giám đốc VCCorp ông Nguyễn Thế Tân tại buổi ra mắt Lotus Chat đã nêu bật 4 tính năng của ứng dụng với phương châm “an toàn giao tiếp, hiệu quả làm việc”.
8 giờ trước - Không giống những app chat phổ biến hiện nay, Lotus Chat được "đo ni đóng giày" để giải quyết cho từng mục đích công việc khác nhau.
10 giờ trước - Sự kiện ra mắt chính thức của Lotus Chat diễn ra vào ngày 18/10. Lotus Chat là sản phẩm "made by Vietnam" 100% đang nhận được nhiều sự mong chờ.