ttth247.com

'Trung bình một ca bệnh sởi lây cho 12-18 người'

Trung bình một ca bệnh sởi lây cho 12-18 người trong khi mắc Covid-19 chỉ lây 2-5 người, may mắn sởi đã có vaccine từ lâu.

Thông tin được TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, nói tại họp trực tuyến bàn giải pháp phòng chống bệnh sởi trên địa bàn TP HCM, chiều 12/8.

"Sởi lây dữ dội hơn Covid, lại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu", bác sĩ Châu nói. Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... mắc sởi sẽ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Bệnh sởi cũng làm suy yếu sức đề kháng, khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) Lê Hồng Nga, bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Tiếp xúc với dịch tiết người bệnh trên đồ vật cũng có thể lây bệnh. Virus có thể tồn tại trong không gian khoảng hai giờ.

Do đó, ngành y tế sẽ tập trung kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng bằng cách nâng cao độ bao phủ vaccine. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu độ bao phủ vaccine đạt 95% sẽ giúp kiểm soát hoàn toàn dịch sởi, chỉ thỉnh thoảng phát hiện vài ca lẻ tẻ. Ngoài ra, trong bệnh viện, cần tránh lây nhiễm chéo, bởi đây là nơi lây lan nhanh. Trong đó, điều quan trọng là cần phải bảo vệ nhóm nguy cơ, tránh để ca sởi lọt vào khu điều trị bệnh mạn tính.

Bệnh nhân có dấu hiệu hô hấp cũng như người thân chăm sóc trẻ mắc bệnh cần mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc người khác để giảm nguy cơ lây lan cộng đồng. Trẻ chưa tiêm đủ vaccine cần tiêm bù, trẻ đã tiêm đủ mũi cũng cần tiêm bổ sung. Sắp tới, TP HCM triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi. Việc tạo miễn dịch cộng đồng qua bao phủ vaccine sởi không chỉ ngăn ngừa bùng phát dịch, mà còn giúp bảo vệ những người không thể tiêm vaccine, chống chỉ định với việc chủng ngừa.

Hiện, tỷ lệ bao phủ vaccine mũi một cho trẻ sinh năm 2023 trên toàn thành phố chỉ hơn 89%. Đặc biệt, chưa quận huyện nào đạt mốc 95%. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi thứ hai cho trẻ lớn hơn cũng chưa đạt mốc tạo miễn dịch này. Có những địa phương 4 năm liên tiếp đều không đạt tỷ lệ 95, gồm các quận 5; 8; 11; 12, Củ Chi, Bình Chánh, Tân Phú, TP Thủ Đức.

"Dù tỷ lệ tiêm chủng toàn thành phố trên 95% mà từng phường xã không đạt mốc này thì cũng không thể nào ngăn chặn được sự tấn công của bệnh sởi", bác sĩ Nga nói.

Vaccine sởi chống chỉ định ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, trẻ mắc ung thư. Do đó, lãnh đạo ngành y tế TP HCM cho rằng nhóm này cần bảo vệ kỹ, trong phòng có một trẻ mắc sởi thì những ca còn lại phải được bảo vệ bằng cách cho uống dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc Immune Globulin. Thuốc này hiện đã được bảo hiểm y tế chi trả. Người lớn chăm sóc trẻ bệnh mạn tính cũng nên tiêm vaccine phòng sởi.

Trẻ mắc sởi, toàn thân phát ban, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 12/8. Ảnh: Lê Phương

Trẻ mắc sởi, toàn thân phát ban, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 12/8. Ảnh: Lê Phương

Các bệnh viện nhi đồng ở TP HCM đang triển khai đội tiêm ngừa sởi tận giường cho những trẻ mắc bệnh mạn tính. Nhân viên y tế những nơi này cũng được chủng ngừa, nhằm giảm nguy cơ lây lan bệnh cho trẻ. Những bệnh viện tuyến cuối cũng triển khai tập huấn, cập nhật kỹ thuật chẩn đoán, điều trị, phân luồng cho tuyến dưới. Bệnh viện chuyên khoa sản khuyến khích phụ nữ dự định mang thai tiêm chủng vaccine sởi - rubella.

Trong bối cảnh năm học mới sắp tới, ngành y tế phối hợp giáo dục tập huấn, hướng dẫn giáo viên, bảo mẫu chú ý trong chăm sóc trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu sốt phát ban, cần yêu cầu phụ huynh cho trẻ đi khám, gửi kết quả về trường để báo đến trạm y tế.

"Bệnh sởi thường có thời gian lây trước khi phát ban 5 ngày, trẻ sốt nhẹ mà không phát hiện sớm, giám sát cách ly sớm, nguy cơ lây lan cho trường học rất lớn", bác sĩ Nga nói. Trẻ mắc bệnh nếu được chỉ định điều trị ngoại trú cần tự cách ly tại nhà, không cho trẻ đi học.

Người mắc bệnh sởi thường có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình, rồi đến tay, chân. Ban cũng bay theo trình tự trên. Khi mắc bệnh, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị mắc các biến chứng như viêm tai, viêm phổi, tiêu chảy...

Sở Y tế TP HCM đang đề xuất UBND thành phố công bố dịch sởi, trong bối cảnh từ ngày 23/5 đến nay, các bệnh viện ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, xét nghiệm phát hiện 346 ca dương tính. Hơn 50% là bệnh nhân ở tỉnh thành khác đến thành phố khám và điều trị. Trong một tháng qua, 3 trẻ bệnh sởi tử vong, đều mắc những bệnh lý mạn tính kèm sởi dẫn đến biến chứng nặng.

HCDC ghi nhận hiện 57 phường xã ở 16 quận huyện xuất hiện bệnh sởi. Trong số bệnh nhân có 25% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, đa số dưới 5 tuổi. 84% bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vaccine sởi và 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Lê Phương

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
1 tháng trước - Trung bình, một ca bệnh sởi lây cho 12-18 người ca khác, do đó để chủ động phòng tránh bệnh thì cần tiêm ngừa vắc xin cho trẻ theo lịch, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, tăng cường dinh dưỡng lành mạnh...
2 tuần trước - TP HCM ghi nhận 106 ca bệnh sởi trong tuần qua, tăng gần 54% so với trung bình 4 tuần trước, ngành y tế tiếp tục chiến dịch tiêm vaccine.
1 tháng trước - Sởi ở TP.HCM đã tăng cao, mức độ lây lan dữ dội, cần phòng ngừa bằng cách bao phủ vaccine.
1 tháng trước - Nhiều bạn đọc không khỏi lo lắng gửi những câu hỏi đến báo Tuổi Trẻ với nỗi niềm năm học mới đang đến thật gần, làm thế nào để con họ không bị lây bệnh sởi?
2 tuần trước - Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận lượt tiêm vaccine sởi tăng đến 300% ở nhóm trẻ 9 tháng và 4-6 tuổi trong tuần cuối tháng 8.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Viêm da tiếp xúc, nấm da, nhiễm trùng da do vi khuẩn và ghẻ nước là những bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão, có thể trở nên nghiêm trọng nên không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
4 giờ trước - 'Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
4 giờ trước - Đi bộ là cách tuyệt vời để tập thể dục. Tuy nhiên, bài tập đơn giản này - nếu đi quá nhiều, vẫn có thể dẫn đến các vấn đề như đau chân, đau nhức cơ, đau khớp, sưng và đau ống quyển.
4 giờ trước - Nếu cơ thể bị sốt thì cơn sốt thường sẽ hết trong vòng 24 đến 48 giờ. Phần lớn là những cơn sốt nhẹ. Nếu cơn sốt này kéo dài vài ngày không khỏi thì rất có thể nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc bệnh tiềm ẩn nào đó.
4 giờ trước - Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn. Trên thực tế, nhu cầu giấc ngủ của người lớn tuổi không thay đổi so với khi còn trẻ.