ttth247.com

Trường của em be bé, sân trồng lúa và rau...

Sân Trường THCS Tạ Khoa hiện vẫn ngập sâu trong bùn, nước. Từ tháng 5 đến nay, trường chịu bốn trận lũ lớn.

Bùn đất từ con suối Nhạn đổ vào sân trường, toàn bộ tầng 1, khu nhà đa năng, nhà công vụ, nhà bán trú lẫn bếp ăn của nhà trường bị bùn đất vùi lấp. Đây là đợt ngập lâu nhất kể từ năm 2017 đến nay. Năm học mới, trường sẽ khai giảng ở nhà văn hóa.

Sân trường thành ruộng lúa

Khuôn viên cả nghìn mét vuông của nhà trường bị ngập quá lâu, người dân trong bản tranh thủ cấy lúa, rau muống. Trước thềm năm học mới, thầy cô đến trường dở khóc dở cười nhìn ruộng lúa tốt bời bời trong sân. Rau muống nước xanh mơn mởn, ngọn rau bò lên cửa sổ, bảng hiệu...

Lãnh đạo xã Tạ Khoa cho biết hồi tháng 5-2024, chưa kịp kết thúc năm học thầy trò Trường THCS Tạ Khoa phải nghỉ học mấy ngày vì lũ.

Trận ấy có chỗ trong sân trường nước ngập tới cổ. Xã dành những đồng kinh phí ít ỏi của địa phương vùng cao làm một chiếc cầu thang sắt bắc từ cổng trường lên thẳng tầng 2 của dãy nhà lớp học. Thầy trò dạy và học trên tầng 2, tầng 3, trong khi tầng 1 và sân trường vẫn ngập trong bùn.

Theo thầy Vũ Ngọc Tiếm - hiệu trưởng Trường THCS Tạ Khoa, năm nay nhà trường có hơn 200 học sinh, trong đó có 99 em học sinh bán trú. Khu nhà bán trú, nhà công vụ giáo viên và nhà bếp đã bị ngập.

Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương sắp xếp để học sinh bán trú thuê trọ tạm các nhà dân trong bản.

"Chúng tôi có 55 em học sinh ở bản Sập Việt đi lại trong ngày. Còn 44 học sinh con em dân tộc Mông ở bản xa, trưởng bản đã liên hệ thuê hai nhà sàn của dân bản Nhạn Nọc cho học sinh ở, nhà trường chi tiền hỗ trợ học sinh bán trú để các em tự chi trả chi phí" - thầy Tiếm nói.

Năm học này học sinh Trường THCS Tạ Khoa học ở tầng 2, tầng 3. Số phòng học đủ nhưng môn thể chất và các hoạt động ngoài trời khác phải nhờ nhà văn hóa của bản. Sân trường ngập chưa biết bao giờ nước rút.

Đất "há mồm" xô đổ lớp học

Điểm Trường tiểu học Đèo Chẹn thuộc Trường tiểu học Hua Nhàn (huyện Bắc Yên, Sơn La) nằm trọn trong một cung trượt lớn hàng trăm mét.

Trường nằm chênh vênh trên đèo, ở độ cao hơn 1.000m, hai bên là sườn dốc. Vài năm gần đây, phần đất điểm trường đứng chân và vài hộ dân khác xung quanh nứt toác ra, đất "há mồm" muốn xô đổ mọi thứ xuống sườn dốc cả cây số bất cứ lúc nào.

Cả dãy nhà lớp học hai tầng, bếp ăn, nhà bán trú của học sinh đã bị nghiêng ngả, nứt vỡ. Những cây cột bê tông ở khu nhà bếp nghiêng cả chục độ, khu nhà hai tầng bị "ngửa" ra phía vực có thể cảm nhận bằng mắt thường.

Thầy Nguyễn Bá Minh - hiệu trưởng Trường PTDT bán trú, tiểu học Hua Nhàn, Bắc Yên, Sơn La - cho hay hiện tượng đất bị trượt đã được phát hiện từ vài năm nay. Đến năm ngoái, nhà trường phải đưa học sinh đi "gửi" ở các điểm trường xung quanh.

"Ai cũng sợ phải ở trong khu vực điểm trường này. Thầy cô và các phụ huynh lo lắng bởi vì thiên tai đổ xuống bất cứ lúc nào không ai lường trước được. Rất lo khi thiên tai ập xuống sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của các cháu" - thầy Minh nói.

Năm học này, nhà trường và bà con quanh bản tháo khu nhà bán trú bằng khung thép chuyển xuống điểm trường Suối Thón, thuộc xã Chiềng Khoa của huyện Bắc Yên.

Các em học sinh sẽ phải đi xa hơn 2 cây số nữa về phía chân đèo nhưng được ở nhà bán trú, được học ở lớp học khác an toàn hơn.

Anh Giàng A Dê, người dân bản Suối Thón, thấy các thầy cô giáo dọn dẹp, sửa sang lớp học chuẩn bị năm học mới cũng đến giúp. Những việc nặng như chuyển đồ, dựng nhà hay lên núi sửa đường nước, A Dê và hơn chục người dân khác quanh bản nhận làm.

Chỉ vài ngày, ngôi nhà lắp ghép đã xong, bàn ghế trong lớp học được lau chùi, kê lại ngay ngắn. Vài hôm nữa, điểm trường này đón thêm 83 học sinh bán trú của điểm trường Đèo Chẹn đến học.

"Các bố mẹ đi làm cả ngày rồi! Muốn cho con mình có cái chữ thì phải gửi các thầy cô giáo. Thầy cô vừa dạy cho con mình cái chữ vừa cho nó ăn, cho chỗ ngủ, nuôi con mình. Thầy cô giáo cũng là bố mẹ của con mình!" - A Dê xúc động nói.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Thúy Vy khóc hàng đêm vì mẹ ép học trường Dược, nhưng nguyện vọng của em là ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Ngoại thương TP HCM.
3 tuần trước - Với tổng điểm đạt 28.37/30 trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024, nữ sinh Nguyễn Diễm Quỳnh đến từ trường THPT Bình Sơn, Quảng Ngãi đã lựa chọn đăng ký xét tuyển học chuyên ngành Quản trị khách sạn quốc tế chuẩn PSU (PennState) của Trường...
2 tuần trước - Đa dạng các ngành nghề của Trường đại học Duy Tân (ĐH Duy Tân) đã đón nhận được sự quan tâm tìm hiểu và đăng ký xét tuyển học đại học của nhiều thí sinh trên khắp cả nước trong mùa nhập học đại học năm 2024. Trong đó, có rất nhiều thí...
1 tháng trước - Hà Tĩnh- Bố bỏ đi từ lúc lọt lòng, Đỗ Nam Khánh lớn lên trong vòng tay của người mẹ khiếm thị, vượt khó học giỏi và trúng tuyển 6 đại học.
3 tuần trước - Sáng nay 26-8, học sinh các cấp học ở TP.HCM trở lại trường sau gần 3 tháng nghỉ hè. Gặp lại thầy cô, bạn bè, các cô cậu học trò nói cười rôm rả.
Xem tin bài khác
39 phút trước - Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cho hơn 940.000 học sinh nghỉ ngày 19/9 để tránh bão, các trường ở Đà Nẵng đã nghỉ từ chiều nay.
1 giờ trước - Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau. Đáng chú ý trong đó là điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển.
1 giờ trước - Đọc và xem những bài viết trên Báo Thanh Niên về thiệt hại nặng nề của ngành giáo dục sau bão lũ, tôi và nhiều độc giả nghe tim mình quặn thắt. Hậu quả của trận lũ lịch sử đối với nhà trường, học sinh và thầy cô giáo rất nặng nề, cần...
2 giờ trước - Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 'quy mô, tính chất rất mới' và 'rất hệ trọng'.
2 giờ trước - Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo khẩn cho học sinh nghỉ học vào hôm nay, 19.9.