ttth247.com

Ukraine và ý tưởng 'vùng đệm' ở Kursk

Ngày 21-8, ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, tuyên bố cuộc tấn công của Ukraine vào vùng biên giới Kursk của Nga đồng nghĩa sẽ không có cuộc đàm phán nào giữa Matxcơva và Kiev cho đến khi Ukraine bị đánh bại hoàn toàn trên chiến trường. 

Cùng ngày, Ủy ban bầu cử Nga thông báo hoãn bầu cử địa phương tại bảy khu vực của Kursk nhằm đảm bảo an ninh cho cử tri.

Mục tiêu lập vùng đệm Kursk

Phát biểu của ông Medvedev cho thấy các cuộc đàm phán hòa bình khó có thể diễn ra lúc này, trong lúc xung đột Nga - Ukraine tăng nhiệt. Nhiều tháng qua cuộc chiến này chủ yếu là giao tranh bằng pháo binh và drone trên khắp các cánh đồng, khu rừng và làng mạc ở miền đông Ukraine, nhưng sau đó đã leo thang từ hôm 6-8 khi Ukraine đưa hàng ngàn binh sĩ xâm nhập vào vùng Kursk của Nga.

Ukraine dường như đặt ra nhiều mục tiêu với cuộc tấn công ở Kursk, từ việc đảm bảo quá trình hòa đàm "công bằng" cho tới tăng nhuệ khí binh sĩ. Mới đây Tổng thống Volodymyr Zelensky còn tiết lộ Ukraine đặt mục tiêu thiết lập một "vùng đệm" ở Kursk để ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga.

Trước khi Ukraine tuyên bố muốn lập vùng đệm ở Kursk, Nga cũng từng muốn tạo vùng đệm ở Kharkov (Ukraine) nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine vào vùng Belgorod của Nga nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu này.

Hiện tại không biết vùng đệm mà Ukraine định lập sẽ nằm chính xác ở đâu, vì điều đó phụ thuộc vào việc họ tiến được đến đâu và liệu phía Nga có thể đẩy họ ra khỏi lãnh thổ hay không. Hôm 20-8, Hãng tin Tass của Nga đăng thông tin đáng chú ý: Ukraine đã đưa các đơn vị tinh nhuệ từ khu vực Donetsk (đông Ukraine) sang vùng Kursk của Nga.

Nhận định với báo The Kyiv Independent về "vùng đệm" nói trên, ông Phillips P. O'Brien - giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews ở Scotland - gọi đây là "một ý tưởng chiến lược thực sự thông minh". 

Ông nói: "Về cơ bản, điều này tạo ra một tình huống để Ukraine buộc Nga phải tấn công với thế bất lợi trên chính lãnh thổ Nga". Bình luận trên Đài CBS, thượng nghị sĩ Mỹ Mark Kelly nhận định cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk có thể giúp Kiev thay đổi cục diện xung đột theo hướng có lợi cho mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giao tranh ác liệt vẫn đang diễn ra ở vùng Donetsk và lực lượng Nga ngày càng tiến gần đến thành phố trọng yếu Pokrovsk, vẫn còn quá sớm để biết liệu "canh bạc" của Ukraine khi mở mặt trận mới trên lãnh thổ đối phương với nguồn lực vốn đã căng thẳng có thành công hay không.

Vượt lằn ranh đỏ

Một trong những thách thức của Ukraine để có thể hiện diện lâu dài ở Kursk chính là có đủ binh sĩ và vũ khí. Nhưng liệu phương Tây có sẵn sàng hỗ trợ Kiev làm điều đó?

Theo cách nhìn của ông Zelensky, chiến dịch xâm nhập của Ukraine vào vùng biên giới Nga (đã bước sang tuần thứ ba) đã cho phương Tây thấy rằng nỗi lo của họ về hậu quả của các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga là không có cơ sở và cần phải gạt bỏ.

Trong hơn hai năm, Mỹ đã ngăn cản Ukraine dùng vũ khí mà nước này cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga với lý do lo ngại về một cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây. Một số nước phương Tây đã cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine nhưng không cho phép Kiev dùng chúng để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga vì sợ vượt "lằn ranh đỏ" do Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra.

Mùa xuân năm nay, sau nhiều tháng vận động hành lang của Kiev, Mỹ và các nước thành viên NATO khác đã điều chỉnh chính sách của họ, cho phép Ukraine làm điều đó. Nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden nói Ukraine chỉ có thể dùng vũ khí của Mỹ để tấn công các mục tiêu quân sự ở khoảng cách ngắn vào lãnh thổ Nga.

"Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể về mặt nhận thức. Khái niệm ngây thơ, viển vông về cái gọi là "lằn ranh đỏ" liên quan Nga, vốn chi phối nhận thức của một số đối tác về cuộc xung đột, đã sụp đổ đâu đó gần Sudzha (thị trấn mà lực lượng Ukraine đã kiểm soát ở Kursk)" - ông Zelensky nói.

Với chiến dịch xâm nhập ở Kursk, ông Zelensky xác nhận Ukraine đã giữ bí mật với các nước đồng minh khi chuẩn bị tiến hành bởi họ hiểu rằng các đối tác sẽ phản đối một chiến dịch "vượt qua lằn ranh đỏ nghiêm khắc nhất mà Nga đặt ra".

Theo báo New York Times, những phát biểu trên của ông Zelensky là sự chỉ trích gay gắt nhất cho đến nay của ông đối với các đồng minh phương Tây. Điều đó cũng cho thấy sự thất vọng đang tích tụ ở Kiev khi nhiều quan chức Ukraine cảm thấy các nước phương Tây vì sợ leo thang chiến sự mà chỉ cung cấp đủ viện trợ để ngăn Ukraine thua Nga, nhưng lại không đủ để Kiev thực sự giành chiến thắng.

Mới đây ông Zelensky đã kêu gọi các đồng minh phương Tây như Mỹ, Anh và Pháp giao vũ khí, đặc biệt là vũ khí tầm xa, nhanh hơn trong lúc Kiev thực hiện chiến dịch xâm nhập ở Kursk và đối phó với cuộc tấn công của Nga ở đông Ukraine.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lần đầu lên tiếng về việc lực lượng Ukraine xâm nhập vào tỉnh Kursk của Nga, khi cho rằng điều đó là 'hợp pháp và quyền tự vệ'.
1 tháng trước - Ukraine tập kích liên tiếp hai cầu quan trọng tại tỉnh Kursk của Nga, nhằm cắt tuyến chi viện của Moskva, tạo "vùng đệm" mà họ có thể kiểm soát lâu dài.
2 tuần trước - Tổng thống Zelensky dường như muốn dốc sức cải thiện vị thế Ukraine trên chiến trường, trước khi bầu cử tổng thống Mỹ có thể đảo lộn mọi thứ.
3 tuần trước - Mỹ vừa công bố gói viện trợ mới nhất cho Ukraine, nhưng có vẻ cả hai cần nhiều hơn thế.
3 tuần trước - Trước ý đồ đánh vào Kursk nhằm buộc Nga phải hòa đàm của Kiev, Matxcơva nã hàng trăm tên lửa và drone xuống Ukraine.
Xem tin bài khác
21 phút trước - Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 19.9 đã lên tiếng về vụ nổ của hàng trăm thiết bị liên lạc được các thành viên của lực lượng này sử dụng ở Li Băng.
54 phút trước - Mỹ chưa tính rút ngay hệ thống tên lửa tầm trung triển khai tại Philippines và đang thử nghiệm khả năng sử dụng hệ thống này nếu có xung đột ở khu vực.
2 giờ trước - Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định ban lãnh đạo cấp cao và nhân dân Cuba rất mong chờ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp nhà nước đến Cuba.
2 giờ trước - Thủ tướng Lebanon kêu gọi Liên Hiệp Quốc cứng rắn với 'chiến tranh công nghệ' của Israel sau vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm làm chết 37 người.
2 giờ trước - Chính quyền Li Băng hôm nay 19.9 đã cấm mang máy bộ đàm và máy nhắn tin lên các chuyến bay từ sân bay ở thủ đô Beirut, theo Hãng tin Quốc gia Li Băng.