ttth247.com

Vì sao Cần Thơ có cơ chế đặc thù vẫn khó đột phá?

Để thực hiện nghị quyết 59 năm 2021 của Bộ Chính trị về phát triển TP Cần Thơ, trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 45 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính ngân sách, cũng như cơ chế đặc thù thực hiện hai dự án quan trọng tại TP Cần Thơ. Thế nhưng đến nay các dự án, cơ chế đặc thù này vẫn đang nằm trên giấy!

Dự án áp dụng cơ chế đặc thù nằm trên giấy

Một trong hai dự án đặc thù theo nghị quyết 45 của Quốc hội (năm 2022) là dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, có quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên, được áp dụng các hình thức ưu đãi đầu tư như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong chín năm tiếp theo, miễn thuế tiền thuê đất trong 15 năm...

Ông Võ Nhựt Quang, phó giám đốc Sở KH&ĐT Cần Thơ, cho rằng việc kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu, đáp ứng cho tàu trọng tải 10.000 tấn trở lên, sau khi hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn cho các địa phương trong vùng.

Đặc biệt là việc thực hiện nâng cao cải thiện dịch vụ logistics, giảm chi phí vận chuyển, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Thế nhưng, dự án này phải mất nhiều năm để... xác định thẩm quyền thực hiện.

Theo đó, đến ngày 5-7-2024, trong văn bản gửi Bộ GTVT về việc triển khai thực hiện nghị định số 57 năm 2024 của Chính phủ, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết đã giao thẩm quyền thực hiện dự án này (nằm trong địa giới hành chính TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang) cho TP Cần Thơ - trung tâm của vùng ĐBSCL, nơi tập trung số lượng bến cảng nhiều nhất trên tuyến luồng hàng hải Định An - Sông Hậu.

Ngoài dự án nạo vét luồng Định An, nghị quyết 45 của Quốc hội còn cho Cần Thơ triển khai nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính và ngân sách, trong đó có chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức và được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến nay những cơ chế này vẫn còn trên giấy tờ, chưa triển khai áp dụng được.

Chẳng hạn, vào đầu năm 2024, UBND TP Cần Thơ đã có đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng số vốn 2.000 tỉ đồng dùng để đầu tư các dự án trọng điểm tại địa phương.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Nghị, giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, cho biết địa phương vẫn đang làm rõ một số nội dung theo yêu cầu của Bộ Tài chính như huy động nguồn vốn này để thực hiện công trình nào, khả năng giải ngân theo tiến độ ra sao...

Theo ông Nghị, chưa biết có phát hành được hay không nhưng ít nhất phải có cam kết những nội dung nêu trên bởi nguồn vốn này cũng phải trả lãi. Với chính sách ban hành phí, lệ phí mới ngoài danh mục, ông Nghị cho rằng là "cực kỳ khó khăn" bởi nghị quyết 45 ra đời trong bối cảnh còn dịch COVID-19 nên có các chính sách miễn giảm phí, lệ phí. "Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục miễn giảm phí, lệ phí trong khi TP lại thu phí, lệ phí mới thì cũng hơi kỳ kỳ...", ông Nghị nói.

Chờ gỡ điểm nghẽn cơ chế?

TS Trần Hữu Hiệp cho rằng các cơ chế, chính sách đặc thù được kỳ vọng tạo động lực, nguồn lực đầu tư mới cho TP Cần Thơ. Những nỗ lực triển khai nghị quyết 45 của TP Cần Thơ và các bộ ngành trung ương là đáng ghi nhận nhưng đã bộc lộ nhiều lúng túng, tiến độ chậm so với kế hoạch.

Theo ông Hiệp, việc thực hiện thí điểm đòi hỏi năng lực tổ chức bộ máy, hiệu quả thực thi của chính quyền TP, yêu cầu tăng cường liên kết vùng, liên vùng để thu hút các nguồn lực và tác động lan tỏa, cần sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt là cần có kết quả cụ thể để Chính phủ báo cáo Quốc hội sơ kết ba năm thực hiện cơ chế, chính sách thí điểm vào kỳ họp cuối năm 2024 của Quốc hội.

Do đó, theo ông Hiệp, TP Cần Thơ phải rà soát, xác định rõ nguyên nhân và biện pháp, giải pháp khắc phục việc "chưa có sản phẩm cụ thể nào" từ cơ chế đặc thù.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hiểu - phó bí thư thường trực Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Cần Thơ - cho biết sau ba năm thực hiện nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, đến nay vẫn còn một số chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương chưa được thể chế hóa, chưa phát huy được hiệu quả.

Một số dự án đòi hỏi phải có những thủ tục pháp lý có liên quan làm điều kiện để thực hiện, mặc dù đã được các bộ ngành hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa đầy đủ điều kiện để thực hiện.

Chẳng hạn, Cần Thơ đã ban hành đề án phát hành trái phiếu nhưng vẫn đang giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến việc triển khai theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, do liên quan đến nhiều địa phương nên cần có sự phối hợp để xác định cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.

Riêng dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đang hoàn tất các thủ tục để kêu gọi đầu tư...

Ngoài một số nguyên nhân khách quan, theo ông, việc triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù theo tinh thần nghị quyết 45 chậm hoặc chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện, còn do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, "sợ trách nhiệm", không dám làm, đùn đẩy, né tránh.

"Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng khi phát sinh khó khăn vướng mắc, tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt..." - ông Hiểu nói và cho biết sau khi sơ kết, đánh giá ba năm thực hiện nghị quyết 45, địa phương sẽ kiến nghị trung ương xem xét điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế chính sách mới, khả thi, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Cần Thơ trong thời gian tới.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Từ vai nhà thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã vươn mình lớn mạnh, tự thiết kế và xây dựng được các dự án hạ tầng lớn với kỹ thuật khó từ cầu, hầm, cao tốc cho đến sân bay.
1 tháng trước - Đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều lợi thế nhưng vì sao vốn đầu tư đổ vào vùng này thấp, vì sao số doanh nghiệp thành lập mới không hơn số doanh nghiệp bị 'khai tử'?
1 tuần trước - Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc mở cửa hội nhập của kinh tế Việt Nam…, nhiều nông dân đã liên kết sản xuất quy mô lớn và trở thành những tỉ phú, những hợp tác xã có thể cho các thành viên vay tiền tỉ…
3 tuần trước - Trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM", chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại chính sách với các chuyên gia, lãnh đạo...
1 tháng trước - Trong vụ án liên quan tới Xuyên Việt Oil, ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đã nhận quà biếu là đồng hồ Patek Philippe trị giá hơn 9,8 tỷ đồng. Vì sao đồng hồ Patek Philippe lại có giá đắt như vậy?
Xem tin bài khác
1 phút trước - Nhiều tháng qua, các dự án đô thị trọng điểm của Novaland đón nhận diện mạo sôi động hơn bao giờ hết. Từ việc liên tục khởi công mới cũng như đẩy mạnh thi công các phân khu, cho đến không khí nhận bàn giao - khẩn trương hoàn thiện nội...
1 phút trước - Công ty Nước giải khát Chương Dương tiếp tục chìm trong thua lỗ mặc dù doanh thu vẫn gia tăng.
1 phút trước - Giá vàng nhẫn 4 số 9 tiếp tục tăng thêm từ 200.000 - 300.000 đồng mỗi lượng, lên mức giá cao nhất ở 87,3 triệu đồng/lượng.
11 phút trước - Bão Ashley đã tấn công vào nước Anh trong ngày 21/10 (giờ địa phương), gây gió giật mạnh, lũ lụt nhiều nơi.
22 phút trước - Fecon phát hành 120 tỷ đồng trái phiếu mã FCNH2426001 với tài sản bảo đảm là cổ phần thuộc sở hữu của FCN, Chủ tịch Phạm Việt Khoa, công ty con Đầu tư Fecon.