ttth247.com

Vì sao người trẻ hay nhảy việc?

Làm kế toán tại công ty về logistic được gần một năm, Huyền My biết đến lúc phải chuyển việc.

Cô gái 27 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, chưa gắn bó với công ty nào quá hai năm từ ngày ra trường. My cho rằng thời gian đủ dài để học mọi kinh nghiệm từ cấp trên.

My lý giải việc liên tục chuyển việc giúp thay đổi tư duy, phát huy những thế mạnh tiềm ẩn. Nếu cống hiến cả tuổi trẻ ở một chỗ cũng không tránh khỏi bị sa thải nếu nhà tuyển dụng thấy hết giá trị. "Thay vì bị đuổi mới tìm việc lúc đã nhiều tuổi tôi muốn tự tạo cơ hội phát triển bản thân, thử sức ở nhiều công ty mới", My nói.

Đức Khải ở TP HCM luôn tự hào khoe với bạn bè về thói quen "6 tháng chuyển việc một lần". Theo chàng trai 28 tuổi, mỗi lần chuyển việc là một cơ hội để tăng lương, nhất là với người có MBA ở Canada như anh.

Nhưng dù tìm được công việc trả lương như kỳ vọng, Khải vẫn nhảy việc. Lý do thường là phải tăng ca, hay phải đi công tác hay bất đồng quan điểm với đồng nghiệp, cấp trên. "Với trình độ của mình, tôi xứng đáng có một công việc và đồng nghiệp tốt hơn", anh nói.

Liên tục nhảy việc dường như là đặc điểm của lao động Gen Z. Theo khảo sát cuối năm 2023 của công ty Anphabe, ý định gắn bó của Gen Z với công ty chỉ khoảng 2,2 năm, thấp hơn khá nhiều so với Gen Y (3,2 năm) và Gen X (4,3 năm). Nghiên cứu của công ty nhân sự Talennet còn đưa ra con số nhỏ hơn nữa, chỉ 1,7 năm.

Khảo sát của một trang thông tin việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 85% người lao động muốn nhảy việc. Nhóm tuổi 18-24 dẫn đầu với tỷ lệ hơn 96%, 89% trong độ tuổi 25-34.

Theo các chuyên gia tâm lý, hiện tượng người trẻ hay nhảy việc có thể liên quan đến "Hội chứng chim xanh" (Blue bird syndrome) - tên gọi bắt nguồn từ vở kịch thiếu nhi Con chim xanh của nhà viết kịch, nhà thơ, nhà triết học người Bỉ Maurice Maeterlinck. Hội chứng này ám chỉ những người không hài lòng về cuộc sống hiện tại. Họ không ngừng tưởng tượng về sự đặc biệt của bản thân, luôn tìm kiếm công việc trong mơ và khó ổn định tại một doanh nghiệp.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đồng tình với quan điểm trên. Có nhiều nguyên nhân khiến lao động trẻ chuyển việc như mong muốn tìm kiếm cơ hội mới để phát triển bản thân, sự nghiệp. Họ sẵn sàng nhảy việc khi thấy vị trí có lương thưởng cao hơn, môi trường làm việc tích cực và nhận sự tôn trọng từ cấp trên.

"So với các thế hệ trước, lao động trẻ ít có xu hướng chấp nhận làm lâu dài bởi có nhiều lựa chọn hơn trên thị trường. Thay vì theo đuổi sự nghiệp trong một tổ chức cố định họ có thể khởi nghiệp hoặc làm công việc tự do", ông Thành nói.

Bổ sung thêm về lý do dễ dàng nhảy việc, PGS TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho rằng người trẻ ngày nay không bị áp lực phải chăm sóc gia đình như các thế hệ trước và sống thiên về cảm xúc.

"Nhóm này cái tôi cao, họ có kiến thức, tự tin, năng động nhưng đôi khi lại tự mãn và ảo tưởng về năng lực", ông Cương nói.

Huyền My nhận viết bài quảng cáo thuê cho doanh nghiệp trong thời gian chờ tìm chỗ làm mới, tháng 10/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Huyền My nhận viết bài quảng cáo thuê cho doanh nghiệp trong thời gian chờ tìm chỗ làm mới, tháng 10/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo các chuyên gia, nhảy việc không xấu nhưng dễ khiến người lao động mất ổn định trong sự nghiệp và tài chính. Một người chuyển việc liên tục sẽ mất uy tín trong mắt nhà tuyển dụng. Họ cũng khó khăn trong việc phát triển kỹ năng chuyên sâu và xây dựng sự thăng tiến dài hạn.

Đặc biệt liên tục chuyển việc cũng gây áp lực cho bản thân phải tìm công ty tốt hơn, lương cao hơn. Còn trong trường hợp không vượt qua khó khăn, họ sẽ trượt dài trong thất bại và muốn từ bỏ.

Huyền My thừa nhận nhiều lần bị đánh trượt từ vòng nộp hồ sơ vì nhà tuyển dụng thấy cô nhảy việc nhiều. Thu nhập không ổn định cùng quá trình đóng bảo hiểm ngắt quãng khiến My căng thẳng. Nhiều thời điểm cô không dám gặp bạn bè vì xấu hổ, nghĩ bản thân yếu kém.

Làm việc tại nhiều công ty trong thời gian ngắn khiến Đức Khải chán nản. Gần một năm nay anh chọn "nằm phẳng" do không tìm được công việc ưng ý. Mọi chi phí sinh hoạt anh đều phụ thuộc vào lương hưu của bố mẹ. Anh định đi du học lần hai, lấy bằng tiến sĩ để tăng cơ hội tìm việc. Khải cho rằng "gió tầng nào gặp mây tầng đó", bản thân có trình độ, sớm muộn cũng tìm được công việc tương xứng.

Theo ông Vũ Quang Thành, nhân viên nhảy việc khiến doanh nghiệp phải chi nhiều tiền để tuyển dụng và đào tạo nhân sự mới. Họ cũng phải đối mặt với áp lực cung cấp nhiều gói đãi ngộ hấp dẫn hơn để giữ chân nhân viên.

"Chưa kể, việc nhân sự nghỉ giữa chừng cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động, khiến tinh thần của các nhân viên ở lại bị ảnh hưởng hoặc áp lực phải làm thêm nhiệm vụ khác", ông Thành nói.

Anh Thành Đạt, giám đốc một công ty quảng cáo ở Hà Nội, cho biết chỉ tuyển nhân sự có cam kết gắn bó với công ty tối thiểu hai năm. Bù lại, anh đảm bảo trả lương, thưởng đúng theo thỏa thuận và tạo cơ hội để nhân viên liên tục trau dồi kiến thức mới.

Anh cho biết quy định này có phần cực đoan nhưng đảm bảo bộ máy quy trình làm việc không bị xáo trộn. Bản thân người quản lý cũng không lo "dự án chưa xong nhân sự đã nghỉ việc" gây thiệt hại về tài sản.

PGS TS Đỗ Minh Cương khuyên người trẻ cần xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp, học cách xây dựng mạng lưới mối quan hệ trong công ty. Mỗi cá nhân nên suy tính kỹ rủi ro có thể gặp phải khi nhảy việc liên tục.

"Thay vì thấy khó đã bỏ, khổ thì chuyển việc để tìm định hướng mới Gen Z nên học cách thích nghi và vượt qua khó khăn. Khi có năng lực và chứng minh bản thân là ai, ở đâu bạn cũng tỏa sáng thay vì chạy theo những ảo mộng", ông Cương nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Quang Thành khuyên các đơn vị nên có chính sách lương thưởng và đãi ngộ hợp lý, tạo môi trường làm việc khuyến khích sự học hỏi, giao lưu, phát triển kỹ năng. Các cấp quản lý cũng cần đưa ra lộ trình thăng tiến rõ ràng để nhân viên thấy được triển vọng dài hạn.

Chỉ khi đáp ứng được những điều trên, mối liên kết giữa nhân viên và công ty được thắt chặt, mong muốn nhảy việc của lao động trẻ sẽ không còn.

Quỳnh Nguyễn

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
2 ngày trước - Người được khán giả gọi là "á quân gây tiếc nuối nhất Đường lên đỉnh Olympia" là Nguyễn Nguyễn Thái Bảo, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
4 ngày trước - Hoa khôi Wushu Vũ Thùy Linh đã có những chia sẻ về người mẹ dịu dàng của mình - võ sư Nguyễn Phương Lan.
1 tháng trước - Bên cạnh các hoạt động nấu ăn, hỗ trợ áo phao, nhiều bạn trẻ rành công nghệ còn xắn tay vào công cuộc cứu trợ vùng lũ. Họ sử dụng drone, flycam, camera nhiệt… để vào các vùng bị cô lập, hỗ trợ lực lượng chức năng cứu người.
3 giờ trước - Những con giáp này luôn hài lòng với cuộc sống của mình nên ngày nào cũng cảm thấy vô cùng thỏa mãn.
3 tuần trước - Video một nhóm người bắn dây thun vào cổ tay nhau với mong muốn truyền cảm hứng, vượt qua mọi khó khăn để đạt mục tiêu khiến nhiều người không khỏi bất ngờ vì hành động phản cảm, dại dột của những người này.
Xem tin bài khác
10 phút trước - Nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng chế tạo máy in chữ nổi để chuyển đổi nội dung trong sách giáo khoa phục vụ dạy học cho học sinh khiếm thị. Đây là bước ngoặt giúp hiện thực hóa quyền bình đẳng trong giáo dục.
11 phút trước - TRUNG QUỐC - Một đám cưới diễn ra ở Giang Tô vừa qua khiến cộng đồng mạng xôn xao bởi hành động cởi váy cưới bỏ đi ngay trên sân khấu của cô dâu.
1 giờ trước - Ở vùng quê, nhiều người có cảm tình khi thấy xã có nhiều hoa quỳnh anh nở vàng rực hai bên đường, cột điện cũng được vẽ tranh và đường quê thì tỏa sáng nhờ đèn năng lượng mặt trời... Đó là nhờ cô gái Lê Thị Bảo Trân (23 tuổi) thường xuyên...
1 giờ trước - Chồng đổ lỗi cho tôi gây ra khó khăn cho gia đình và hối hận khi đã cưới tôi làm vợ.
1 giờ trước - Chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc sẽ dành ngân sách thành lập tổng đài 24h dành cho người cô đơn và tạo không gian để người dân đến bầu bạn.