ttth247.com

Vì sao trẻ bệnh sởi dễ gặp biến chứng?

Bệnh sởi gây suy giảm miễn dịch rất nhanh, nếu trẻ chưa tiêm chủng, suy dinh dưỡng dễ bị mầm bệnh khác tấn công dẫn đến biến chứng nặng.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh TP HCM ghi nhận số ca nghi sởi tăng nhanh, ba bệnh nhi tử vong do sởi biến chứng kèm bệnh nền, trong đó hai trẻ chưa tiêm vaccine.

Lý giải tại sao trẻ bệnh sởi dễ gặp biến chứng, bác sĩ Chính cho rằng do sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ kém so với người trưởng thành. Virus sởi ức chế sản xuất interferon, là các protein có nhiệm vụ ngăn mầm bệnh phát triển. Ngoài ra, virus có thể gây mất trí nhớ miễn dịch (immune amnesia) khiến bệnh nhân giảm 20-70% kháng thể. Vì vậy trẻ dễ bị mầm bệnh khác tấn công như lao, ho gà, bạch hầu, phế cầu, tụ cầu... Tình trạng virus sởi gây ức chế miễn dịch có thể kéo dài trong nhiều tuần đến nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

"Tình trạng sẽ nặng thêm nếu trẻ chưa tiêm chủng, cơ địa yếu, suy dinh dưỡng, sinh non, mắc bệnh nền", bác sĩ Chính nói. Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho biết trẻ bệnh sởi có thể gặp hai biến chứng lâu dài là viêm não bán cấp và suy dinh dưỡng. Viêm não bán cấp hiếm gặp, xảy ra muộn và không có phương pháp điều trị.

Viêm não bán cấp là trẻ đang khỏe mạnh bình thường đột nhiên biểu hiện rối loạn trong hành vi, vận động, tâm thần. Nếu con đột nhiên quơ quào chân tay không mục đích, người nhà cần đưa ngay đến bệnh viện. Với trẻ bị biến chứng suy dinh dưỡng, bác sĩ Khanh khuyến cáo nên cho bé ăn nhiều hơn, chia nhỏ khẩu phần, ăn món dễ tiêu và đủ nhóm chất.

Sở Y tế ghi nhận 57 phường xã ở 16 quận huyện TP HCM xuất hiện bệnh sởi. Trong số bệnh nhân có 25% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, đa số dưới 5 tuổi. 84% bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vaccine sởi và 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Hiện tỷ lệ bao phủ vaccine sởi mũi một cho trẻ sinh năm 2023 toàn thành phố là hơn 89%. Chưa quận huyện nào đạt 95% - được xem là mốc tạo miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi thứ hai cho trẻ lớn hơn cũng chưa đạt mốc này. Có những địa phương 4 năm liên tiếp không đạt tỷ lệ 95%, gồm các quận 5, 8, 11, 12, Củ Chi, Bình Chánh, Tân Phú, TP Thủ Đức.

Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đầu tháng 8. Ảnh: Lê Phương

Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đầu tháng 8. Ảnh: Lê Phương

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, đường lây chính từ người sang người qua đường hô hấp. Virus sởi lây truyền nhanh chóng, dễ gây thành dịch. Biểu hiện là sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng.

Trẻ mắc sởi cần cách ly điều trị tại nhà, tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ thoáng mát, chia làm nhiều cữ ăn, uống nhiều nước. Không nên kiêng tắm, bởi có thể khiến trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng. Uống thuốc, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Bệnh có thể điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới, không cần đến cơ sở tuyến cuối gây quá tải, dễ lây nhiễm chéo.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo khi trẻ bị sốt, ho nhưng chưa ra ban, không nên vội vàng dùng thuốc corticoid để nhanh hết ho vì sẽ làm yếu thêm hệ miễn dịch, thúc đẩy bệnh diễn tiến nặng hơn. "Chú ý hơi thở của trẻ, nhất là trẻ dưới 12 tháng, nếu thở mệt, thở nhanh, thở gấp hơn bình thường cần đưa đến bệnh viện ngay", bác sĩ Khanh khuyên. Bệnh nhân có dấu hiệu hô hấp cũng như người thân chăm sóc trẻ bệnh cần mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc người khác để giảm nguy cơ lây lan cộng đồng.

Sởi là một trong 11 bệnh truyền nhiễm được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em. Trẻ chưa tiêm đủ vaccine cần tiêm bù. Sắp tới, TP HCM triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi. Việc tạo miễn dịch cộng đồng qua bao phủ vaccine sởi giúp ngăn ngừa bùng phát dịch, đồng thời bảo vệ những người không thể tiêm vaccine.

Vaccine sởi hiện có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, tùy từng loại vaccine có thể chỉ định là từ 9 tháng tuổi. Hiện có ba loại vaccine có thành phần sởi gồm vaccine sởi đơn giá, vaccine phối hợp hai thành phần phòng sởi - rubella (MR) hoặc vaccine phối hợp ba thành phần phòng sởi - quai bị - rubella (MMR).

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ cần tiêm mũi sởi đơn khi 9 tháng tuổi và mũi hai phòng sởi - rubella lúc 18 tháng tuổi. Nếu tiêm chủng dịch vụ, trẻ có thể tiêm vaccine sởi đơn hoặc loại phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella. Tùy theo tình hình dịch bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một trong hai phác đồ: hai mũi cách nhau ba tháng hoặc mũi thứ hai khi trẻ 4-6 tuổi. Người lớn không nhớ rõ lịch sử chủng ngừa cần đến cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn.

Trong đó, loại phối hợp sởi - quai bị - rubella giúp phòng ba bệnh trong một mũi, hiệu quả ngăn sởi đến 98% khi dùng hai mũi. Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên hoàn thành phác đồ chủng ngừa trước ba tháng, để bảo vệ mẹ và truyền kháng thể cho con khi chào đời.

Trẻ tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo

Trẻ tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo

Bác sĩ Chính khuyến cáo tất cả trẻ em cần tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Biện pháp này cũng góp phần bảo vệ cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng cần đạt mức độ bao phủ miễn dịch cộng đồng là 95%, để ngăn các đợt bùng phát dịch sởi.

"Đáp ứng miễn dịch với vaccine phòng sởi bền vững theo thời gian. Trường hợp hy hữu mắc bệnh sau tiêm đủ vaccine, bệnh cũng sẽ nhẹ hơn, mầm bệnh giảm khả năng lây cho cộng đồng", bác sĩ Chính nói thêm.

Mộc Thảo

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 ngày trước - Số người chưa tiêm vaccine ngừa sởi cộng dồn sau 4-5 năm lên đến hàng triệu khiến miễn dịch cộng đồng xuống thấp, tạo điều kiện để bệnh lan rộng thành dịch.
1 tuần trước - Phác đồ vaccine khi không rõ lịch sử tiêm chủng, phản ứng sau tiêm cùng 5 câu hỏi khác về chủng ngừa sởi trong dịch bệnh, được giải đáp dưới đây.
1 tháng trước - Nhiều đấng "mày râu" thất vọng vì một số chứng bệnh như "thận hư tinh ít", một số người lại gặp chứng "tinh khí quá vượng".
2 ngày trước - Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn toàn viện nhằm tìm ra phương pháp điều trị cho bé gái 11 tuổi, nạn nhân trong vụ lũ quét thôn Làng Nủ.
1 tháng trước - Magiê không chỉ có tác dụng chống ung thư, chống lão hóa, stress, tim mạch, mà còn là chất quan trọng để tạo năng lượng cho sinh sản, trao đổi chất, loại bỏ độc tố, sửa chữa tế bào, giúp não hoạt động não. Cơ thể thiếu magiê nguy cơ gây...
Xem tin bài khác
12 phút trước - Anh Đ.P.D (29 tuổi, ngụ TP.HCM) làm việc tại một xưởng in, vài tháng gần đây anh cảm thấy cột sống bị đau thắt, trong một lần đang đứng thì bất ngờ ngã quỵ xuống đất.
12 phút trước - Mốc 2 tháng tuổi là thời điểm vàng bé cần được tiêm ngừa vaccine 6 trong 1 để phòng 6 bệnh nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib. Để bé được bảo vệ sớm và tối ưu nhất, ba mẹ đừng trì hoãn hoặc...
21 phút trước - Thiếu vận động, không uống đủ nước, ăn nhiều đồ ngọt... là những thói quen hàng ngày của nhiều người đang ảnh hưởng đến não bộ và sức khỏe tổng thể.
48 phút trước - Thời gian qua, Bộ Y tế liên tiếp phát cảnh báo về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Trong đó, không ít vụ việc bị khởi tố liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
48 phút trước - Nhật Bản đối mặt khủng hoảng dân số bởi số trẻ sơ sinh giảm, dân số già và tổng số cư dân giảm.