ttth247.com

Việt Nam dẫn đầu về cải thiện môi trường kinh doanh

Báo cáo của EIU ghi nhận trong giai đoạn 2003 - 2023, VN đã thực hiện nhiều cải cách và chính sách mở cửa thị trường, từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đến tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, qua đó nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh một cách đáng kể. Cụ thể, VN đã tăng điểm đáng kể trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh ở giai đoạn này, đạt mức tăng 1,7 điểm (trên thang điểm 10), cao nhất trong số 82 quốc gia được EIU theo dõi. Điều này chứng tỏ những nỗ lực cải cách của VN đã đem lại kết quả rõ rệt, biến VN trở thành điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á. Đánh giá của EIU cũng như nhiều báo cáo gần đây về môi trường kinh doanh tại VN đã có sự thay đổi rõ rệt.

Thực tế, nhiều thủ tục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh đã hoàn toàn thay đổi so với nhiều năm trước, trở nên thuận tiện, nhanh chóng. Ví dụ, trong tháng 8 vừa qua, chị Trần Lâm Thư (Q.7, TP.HCM) chuẩn bị khai trương cửa hàng chăm sóc da mặt, dưỡng da với chỉ 2 người thực hiện. Chị vào trang web Cổng dịch vụ công quốc gia để để đăng ký theo mẫu. Sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ online, chị nhận được thông báo hồ sơ hoàn tất và sau 5 ngày làm việc lên UBND Q.7 để nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau đó, chị đến chi cục thuế để khai báo thuế (hộ kinh doanh sẽ nộp thuế khoán). "Việc đăng ký kinh doanh tưởng phức tạp nhưng không ngờ khá đơn giản, không tốn một đồng nào. Hiện tại vì mới hoạt động nên thuế cũng được miễn trong 3 tháng đầu tiên. Sau đó thì sẽ tùy tình hình kinh doanh, nhưng cửa hàng nhỏ thì chắc doanh thu năm đầu tiên có thể cũng chưa vượt được trên 100 triệu đồng/năm để thuộc diện đóng thuế", chị Trần Lâm Thư chia sẻ.

Nhiều tổ chức nước ngoài đánh giá môi trường kinh doanh của VN được cải thiện nhiều.

Các hoạt động kinh tế sản xuất đang tăng trưởng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh, kế toán trưởng của một DN thương mại tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM), so sánh, nếu như trước đây DN phải có 2 kế toán thuế thì nay chỉ còn 1 người. Bởi chỉ riêng việc nộp hồ sơ thuế hằng quý, trước đây kế toán thuế phải đến chi cục thuế để bốc số chờ đến lượt, sau đó nộp tờ khai và chờ được xác nhận, mang về lưu trữ. Việc này thông thường sẽ mất 1 buổi. Còn nay mọi việc đều thực hiện online, do đó DN sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân sự cũng như giảm được việc lưu trữ cả núi chứng từ, hồ sơ giấy. Hay việc áp dụng hóa đơn điện tử cũng trở nên đơn giản cho các DN lẫn cơ quan thuế, giảm việc hóa đơn bị sai, sót…

Còn đối với hệ thống nhập khẩu hàng hóa, khai báo thủ tục hải quan, trước đây một DN để lập tờ khai hải quan phải mất ít nhất 3 ngày mới hoàn tất các bước mua mẫu tờ khai giấy từ cơ quan hải quan, mang về điền, DN ký tên đóng dấu, mang lên nộp. Nếu có sai sót gì, lại phải mua mẫu tờ khai mới về thực hiện các bước từ đầu. Nhưng từ năm 2016 khi hệ thống hải quan điện tử VNACCS chính thức hoạt động, cho truyền tờ khai qua hệ thống thì việc thông quan hàng hóa không còn là gánh nặng cho DN. Hệ thống cũng tự phân luồng hàng hóa, giúp DN có thể nhận hàng trong khoảng 2 ngày thay vì 5 - 6 ngày như trước nếu hàng hóa được phân luồng xanh…

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), nói rằng không chỉ EIU, Chỉ số Tự do kinh tế năm 2024 do Quỹ Heritage (Mỹ) công bố với điểm số của VN đạt 62,8, tăng 1 điểm so với năm trước, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực. VN được xếp hạng thứ 11 trong số 39 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai là "Báo cáo thường niên 2024: Tự do kinh tế" do Viện Fraser (Canada) công bố vào ngày 16.10 vừa qua thì đây là năm thứ 3 liên tiếp VN cải thiện về điểm số và thứ hạng trong báo cáo. Theo đó, từ thứ hạng 123/165 quốc gia vào năm 2019 thì hết năm 2022, VN được xếp hạng 99/165 quốc gia.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) năm 2023, các điều kiện kinh doanh được quy định theo hướng thuận lợi hơn, dễ theo dõi hơn bởi được hợp nhất trong các văn bản, nghị định. So với giai đoạn trước năm 2018, DN thuận lợi hơn trong việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ theo đó cũng được cắt giảm. Tuy vậy, rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc danh mục kèm luật Đầu tư, CIEM cho rằng nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại. Đó là nhiều ngành nghề cắt giảm các thủ tục bằng hình thức… cộng gộp tên, hoặc dùng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng để rút gọn. Thế nên về hình thức, số lượng các ngành nghề thuộc nhà nước quản lý lại tăng lên, chi phí tuân thủ của DN trên thực tế vẫn còn rất cao.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (thuộc CIEM), thẳng thắn: Tốc độ cải cách môi trường kinh doanh trong thực tế có phần chững lại trong vòng 5 năm gần đây. Xuất phát ban đầu là tâm lý sợ sai, sợ bị ảnh hưởng vị trí công việc từ các cấp cơ sở đến các bộ, ngành. Kế đó là ảnh hưởng đại dịch và hậu Covid-19. "Một số điều kiện kinh doanh lại có dấu hiệu gia tăng, tạo nhiều rào cản, tăng chi phí không hợp lý, không cần thiết, gây hậu quả về quản lý nhà nước, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đáng nói, tình trạng này còn làm tăng chi phí và rủi ro, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh và càng tạo dư địa tham nhũng. Tất cả các yếu tố trên đều tiềm ẩn rủi ro với DN và tác động trực tiếp tới tăng trưởng cũng như phát triển của nền kinh tế", TS Nguyễn Minh Thảo nhận xét và nhấn mạnh cần có sự nỗ lực cải cách nhiều hơn. Trong đó, quan trọng là quyết tâm của người đứng đầu có theo tư duy cải cách thực sự hay không; việc tạo thuận lợi cho DN có tuân thủ triệt để hay không.... Đó cũng là vấn đề cần xem xét kỹ.

Nhiều thủ tục về thuế thuận tiện, nhanh chóng hơn.

ẢNH: Ngọc Dương

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Minh Thảo chỉ rõ, các điều kiện kinh doanh hay các quy định bổ sung trong quá trình quản lý của một số ngành cần có báo cáo đánh giá tính hiệu quả sau thời gian áp dụng. Nếu thấy tính hiệu quả thấp, thậm chí gây thụt lùi nỗ lực cải cách hành chính của ngành, thì cần loại bỏ. Chẳng hạn, đối với ngành hải quan, có hệ thống quản lý số phân luồng hàng hóa thành các màu xanh, vàng, đỏ. Mỗi năm, ngành hải quan luôn có báo cáo tỷ lệ hàng hóa được phân luồng đỏ giảm và duy trì mức thấp nhất có thể theo nỗ lực cải cách. Nhưng qua tìm hiểu, nhiều DN cho biết hàng hóa bị "bẻ luồng" kiểm tra thực tế vẫn thường xuyên xảy ra. 

Mỗi lô hàng bị "bẻ luồng" dù không có sai phạm nhưng "được vạ thì má đã sưng". DN bị chậm thông quan hàng hóa, tốn thêm nhiều chi phí thực tế lẫn chi phí không thực tế ngay tại cảng. Những yếu tố "lắt nhắt" này đã tồn tại từ ngày này sang ngày khác, nhiều thời điểm còn tăng mạnh hơn. Hay như với ngành thuế có chủ trương tăng cường ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật của DN nợ thuế quá hạn. Nhiều nơi ra thông báo tràn lan, ảnh hưởng lớn đến doanh nhân, dù DN có các báo cáo giải trình, cam kết… Những yếu tố này đều ảnh hưởng đến tiến độ cải cách nói chung của VN.

Thủ tục hải quan thuận tiện hơn trước.

ẢNH: Ng.Nga

Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu doanh nghiệp VN, chất lượng cải cách phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu. Quan trọng là người đứng đầu có dám quyết đoán, cải cách thực sự hay ngại trách nhiệm. Có một thực tế khá mâu thuẫn là nhiều địa phương muốn chỉ số năng lực cạnh tranh nâng cao, nhưng dự án của nhà đầu tư bị "ngâm" từ năm này sang tháng nọ, lại không quyết liệt giải quyết. Những quy định tréo ngoe trong luật, sự chồng chéo giữa các chính sách, cơ chế cần một người lãnh đạo quyết đoán đưa ra giải pháp để DN có thể triển khai, người dân có công ăn việc làm tốt. Nhưng chính người đứng đầu không ít địa phương lại gửi đi gửi lại công văn hỏi các bộ. 

"Năm ngoái, một bộ trưởng nhận xét tại kỳ họp Quốc hội rằng có tình trạng né tránh trong xử lý vấn đề. Xuất phát từ việc địa phương "tố" đã gửi hàng trăm văn bản ra Trung ương để hỏi ý kiến, nhưng nội dung trả lời không rõ, chẳng đâu vào đâu để có cơ sở giải quyết. Nhưng thực tế theo Bộ trưởng, chính địa phương đang né tránh, đùn đẩy, không chịu giải quyết cho DN. Như vậy đối tượng chịu thiệt và khổ sở nhất vẫn là DN. Cho nên tính quyết liệt, dám thay đổi của người đứng đầu rất quan trọng. Các quy định của ta không thiếu, chỉ thiếu trách nhiệm của người thừa hành", PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân chia sẻ.

VN dẫn đầu về cải thiện mổi trường kinh doanh trong thời gian qua.

ẢNH: Ngọc Thắng

TS Nguyễn Quốc Việt cũng đồng quan điểm là các tổ chức đều đánh giá cao sự cải thiện môi trường kinh doanh của VN trong những năm vừa qua, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Chẳng hạn, sự minh bạch về các chính sách; xử lý các tranh chấp về hợp đồng, thương mại… trong nhiều trường hợp chưa tốt; hay còn ưu đãi cho DN nhà nước trong một số trường hợp, tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Chính vì vậy, vẫn tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh để tạo niềm tin cho tất cả nhà đầu tư. Bởi việc giảm chi phí tuân thủ pháp luật, các chi phí không chính thức sẽ đưa lợi nhuận của DN tăng cao. Đặc biệt, môi trường kinh doanh cải thiện sẽ góp phần đáng kể trong việc VN muốn thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao vào các lĩnh vực công nghệ.

Source: thanhnien.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Với nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á được đặt tại Việt Nam, Pearl Group kỳ vọng vào một “bàn đạp” để tiến sâu hơn vào khu vực cũng như mở rộng khắp toàn cầu thông qua những lợi thế đặc biệt mà Việt Nam đang nắm giữ.
1 tháng trước - Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đã đạt kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; yêu cầu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu...
3 tuần trước - Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào sáng nay (26/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao 5 nhiệm vụ và nêu 6 điểm tựa để Bình Dương phát triển trong tương lai.
2 tuần trước - Việt Nam kỳ vọng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn...
1 tháng trước - Theo vị chuyên gia, tín dụng nói chung và tín dụng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng nói riêng đã bắt đầu cải thiện và sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới.
Xem tin bài khác
6 phút trước - Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 so với dự báo trước đó, sau khi GDP quý 3 được công bố đạt 7,4%, cao hơn dự kiến.
6 phút trước - Sau 15 tiếng với 14 vòng đấu, phiên đấu giá đất tại Hà Đông, Hà Nội, kết thúc vào khuya 19/10 với mức cao nhất lên tới 262 triệu đồng/m2, gấp hơn 8 lần khởi điểm.
6 phút trước - Trên sàn chứng khoán Việt Nam, nhiều nữ chủ tịch U80, U90 vẫn điều hành cơ nghiệp lớn, đưa doanh nghiệp tăng trưởng đều đặn.
6 phút trước - 3 nữ doanh nhân Việt Nam lọt danh 100 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á do tạp chí Fortune công bố đã có sự nghiệp, tiếng tăm vang dội trên thương trường.
36 phút trước - UBND thành phố Hà Nội đã giao 31.758m2 đất đã giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Mê Linh để triển khai xây dựng 3 trường học và 1 trạm y tế trên địa bàn.