ttth247.com

Việt Nam - Trung Quốc củng cố tin cậy chính trị

Thủ tướng Lý Cường bày tỏ mong muốn sẽ có những trao đổi sâu sắc với các lãnh đạo Việt Nam, qua đó mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực và thế giới.

Trao đổi đoàn cấp cao sôi động

Hai tuyên bố chung vào tháng 12-2023 và tháng 8-2024 của Việt Nam với Trung Quốc có thể hữu ích cho những ai muốn phân tích, nhận định về các diễn biến chính trị giữa hai quốc gia láng giềng này.

Trong tuyên bố chung tháng 12-2023, lãnh đạo cao nhất hai bên nhất trí "xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược". Tuyên bố đồng thời nêu ra phương hướng "6 hơn" để tăng cường quan hệ song phương, trong đó "tin cậy chính trị cao hơn" được đặt lên hàng đầu.

Đến tháng 8-2024, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp nhà nước Trung Quốc, hai bên ra tuyên bố chung khẳng định sẽ "thúc đẩy xây dựng" Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc. Theo giới phân tích, đây thực sự là một tiến triển đáng chú ý bởi lẽ việc nhất trí xây dựng chỉ mới được hai bên chính thức công bố chưa đầy một năm trước.

Việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Việt Nam không chỉ là một động thái đáp lễ các chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào năm 2023 và gần đây là tháng 6-2024.

Đặt trong bối cảnh hiện tại, có thể nói chuyến đi lần này của ông Lý Cường nhằm thể hiện Trung Quốc đang thực hiện phương hướng "6 hơn" để thúc đẩy quan hệ hai nước gồm: Tin cậy chính trị cao hơn, Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, Hợp tác thực chất sâu sắc hơn, Nền tảng xã hội vững chắc hơn, Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và Bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.

Ở chiều ngược lại, việc Thường trực Ban Bí thư Lương Cường thăm Trung Quốc từ ngày 9 đến 12-10 và gặp các lãnh đạo nước này (trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình) ngay trước chuyến thăm của ông Lý Cường đã cho thấy sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ Việt - Trung.

Nhìn lại quan hệ Việt - Trung từ tháng 12-2023, có thể thấy các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp hết sức sôi động. Thống kê sơ bộ cho thấy tính đến giữa tháng 10 này đã có hơn 25 đoàn cấp cao, cấp bộ trưởng, ủy viên trung ương đảng của hai bên thăm và làm việc lẫn nhau.

Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường lần này sẽ là một sự bổ sung cho những minh chứng sinh động cho việc thúc đẩy quan hệ theo định hướng "6 hơn".

Thúc đẩy hợp tác thực chất hơn

Một số nhà quan sát chính trị quốc tế tin rằng sự tin cậy chính trị cao hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc là thành viên của nhiều FTA khu vực như FTA giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) đang đàm phán để nâng cấp, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Với vị trí giáp biên giới, Việt Nam từ lâu đã được xem là cửa ngõ để tiến vào ASEAN của nhiều hàng hóa Trung Quốc.

Việt Nam cũng nằm trong số hai quốc gia của Đông Nam Á có FTA song phương với Liên minh châu Âu - một thị trường mà Trung Quốc vẫn chưa có FTA song phương. Đó là còn chưa kể đến tư cách thành viên của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Trung Quốc đã xin gia nhập.

Nói với TTXVN, GS.TS Thành Hán Bình, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam (Đại học Công nghiệp Chiết Giang, Trung Quốc), tin rằng chuyến thăm lần này là dịp để lãnh đạo hai bên trao đổi kinh nghiệm về kinh tế và thương mại.

Ông chỉ ra việc ông Lý Cường đã từng giữ chức vụ quan trọng ở nhiều khu vực phát triển của Trung Quốc như Giang Tô, Thượng Hải..., đồng thời có kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Những kinh nghiệm đó, theo ông, hoàn toàn có thể được chia sẻ với Việt Nam.

Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm giữa hai nước, trong đó có kết nối đường sắt. Vấn đề này đã nhiều lần được nêu ra trong các cuộc gặp của lãnh đạo hai nước thời gian gần đây.

Việc kết nối đường sắt không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam, đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước mà còn đem lại lợi ích cho Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Lợi ích trước mắt là rút ngắn thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí và tăng số lượng thông quan.

Hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể đi vào sâu hơn các thị trường khác như Nga, nhất là sau chuyến thăm Mông Cổ vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Mông Cổ đã tuyên bố ủng hộ Việt Nam tham gia Hiệp định vận tải đường bộ quốc tế ba bên giữa Nga - Mông Cổ - Trung Quốc và nhất trí tiếp tục nghiên cứu thành lập cơ chế về vận chuyển hàng hóa ba nước Việt Nam - Trung Quốc - Mông Cổ.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 ngày trước - Tân Đại sứ Hà Vĩ nhận định Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tiềm năng hợp tác về kinh tế, kết nối chiến lược cũng như trong đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.
2 tuần trước - Tiếp Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Trung Quốc quan tâm thúc đẩy việc hợp tác xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối hai nước.
1 tuần trước - Lào- Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh kết nối chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, cũng như nâng cấp cửa khẩu.
1 tuần trước - Sáng 10-10, tại thủ đô Vientiane, Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 27. Cùng ngày, ông tiếp Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần.
5 ngày trước - Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường tuyên bố vận hành chính thức khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên từ tuần sau.
Xem tin bài khác
22 phút trước - Hamas đã chính thức xác nhận cái chết của thủ lĩnh Yahya Sinwar trong khi Điện Kremlin bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Trung Đông sau sự kiện này.
43 phút trước - Cố vấn chính trị Balazs Orban của thủ tướng Hungary khẳng định nước này sẽ không ủng hộ 'kế hoạch chiến thắng' của Tổng thống Ukraine Zelensky, vì lo ngại xung đột leo thang.
1 giờ trước - Lực lượng Hamas xác nhận thủ lĩnh Yahya Sinwar đã thiệt mạng, sau khi Israel tuyên bố hạ sát ông trong cuộc giao tranh ở miền nam Gaza.
1 giờ trước - Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự Hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Nga vào tuần sau.
1 giờ trước - Người dân Israel và Gaza có những cảm xúc khác nhau trước cái chết của thủ lĩnh Hamas Sinwar nhưng họ có cùng niềm mong mỏi là xung đột cần sớm chấm dứt.