ttth247.com

Vụ án buôn người như hàng hóa, chốt giá là giao

Với chiêu trò "việc nhẹ lương cao", nhóm người trên đã dụ dỗ khiến nhiều cô gái trẻ rơi vào đường dây mua bán người qua lại.

Chốt giá là giao người

Mới đây, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử và tuyên phạt Lê Thị Bích Phượng (43 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) mức án 23 năm tù, Nguyễn Hoàng Phong (20 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) 18 năm tù, Nguyễn Thị Kim Yến (33 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) 16 năm tù cùng về hai tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi. Riêng Hoàng Văn Độ (32 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) lãnh 5 năm tù về tội mua bán người.

Theo cáo trạng, Phượng và Phong có mối quan hệ quen biết nhau từ trước. Khoảng tháng 10-2021, Phượng chuyển đến làm tại một quán karaoke trên địa bàn huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) với nhiệm vụ tìm và quản lý những nữ tiếp viên phục vụ khách khi tới quán.

Tiền khách cho các nữ tiếp viên (gọi là tiền boa) thì Phượng lấy. Phượng thuê hai phòng trọ cho các tiếp viên nữ ở và thuê thêm hai người khác về quản lý, canh giữ không để họ bỏ trốn và thu hết tiền boa. 

Để thu lợi từ việc tiếp khách của nữ tiếp viên, Phượng và Phong đã bàn tính thống nhất với nhau khi Phong có tiếp viên nữ nào cần bán thì chụp hình ảnh và thông tin, gửi qua Zalo cho Phượng và nói giá bán mỗi người. Xem hình ảnh thấy được "mắt" thì Phượng sẽ mua.

Sau khi chốt giá thì cả nhóm sẽ thỏa thuận cách thức, địa điểm giao người và nhận tiền. Theo đó, Phượng sẽ trực tiếp nhận người và thanh toán trả tiền mặt hoặc chuyển khoản. 

Trong giao dịch mua bán người này, để tránh bị phát hiện, Phong và Phượng đã dùng thủ đoạn lừa gạt các em Trang, Liên, Hoa, Đào, Hiền (tên các bị hại trong vụ án đã được đổi) là nếu muốn xin vào làm tiếp viên tại quán karaoke, khi có người hỏi phải nói đang nợ tiền của Phong. 

Do lo sợ và mong muốn có việc làm ổn định theo lời hứa hẹn của Phong nên các em thực hiện theo yêu cầu. Nhưng thực chất các em không nợ tiền, đây chỉ là khoản tiền mua bán người giữa Phong và Phượng. Trong đường dây mua bán người này, Yến và Độ cùng tham gia hai vụ.

Lên mạng tìm việc rồi... bị bán

Theo lời khai, các cô gái này cho biết đã lên mạng xã hội tìm việc làm. Các nạn nhân đọc thấy tin quảng cáo tuyển dụng ghi là "tuyển nhân viên nữ với mức lương cao" nên đã chủ động liên hệ với nhóm người tuyển dụng đăng thông tin. 

Sau đó thấy con mồi đã "sập bẫy", các đối tượng dụ dỗ các em rằng chỉ làm nhân viên phục vụ quán cà phê ở TP.HCM với lương cao.

Cụ thể khoảng tháng 2-2022, em Trang (người dân tộc thiểu số, dưới 16 tuổi - kết luận giám định vào tháng 7-2022) tìm việc làm thông qua mạng xã hội thì được một người đàn ông (không rõ nhân thân lai lịch) liên hệ hẹn gặp để thỏa thuận xin việc tại tỉnh Bình Dương. Khi gặp, người này hứa sẽ xin cho Trang làm tiếp viên quán cà phê. 

Sau đó, ông này chụp ảnh và căn cước công dân của Trang gửi cho Phong để tìm "mối" bán. Khi đã "giao dịch" chốt giá thành công, Trang được chở từ tỉnh Bình Dương đến Cần Thơ và bị gán cho "khoản nợ" 42 triệu đồng.

Đến Cần Thơ, Phượng gặp và đồng ý mua Trang, đưa cho người đàn ông nói trên 42 triệu đồng. Còn Trang bị ép buộc phải viết giấy nợ số tiền 42 triệu đồng và hằng ngày làm tiếp viên rót bia, bấm bài hát cho khách hát karaoke để trừ nợ. 

Lúc này, Trang phải ở tại phòng trọ do Phượng sắp xếp từ trước và không được đi ra khỏi quán, cần đi đâu phải có sự đồng ý và có sự giám sát của Phượng. Trang làm việc nhưng không được trả lương, tiền boa đều bị Phượng lấy hết.

Tương tự, ở vụ thứ hai, em Liên (người dân tộc thiểu số) lên Facebook tìm việc và được Độ giả vờ tư vấn việc làm. Sau đó, Độ chụp và gửi hình ảnh của Liên cho Phong và ngã giá bán. Lúc này do Liên chỉ có một mình nên sợ, đồng ý nghe theo và được đưa từ Bình Dương đến TP.HCM để bán cho Phượng với giá 35 triệu đồng. 

Sau giao dịch, Phượng chở Liên về quán karaoke và hứa trả lương 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số tiền này sẽ trừ dần vào tiền nợ. Phượng viết sẵn giấy nợ và ép Liên ký tên vào. Tại quán, Liên làm tiếp viên và bị "giam lỏng" không được ra khỏi quán.

Tại tòa sơ thẩm, bị cáo Yến khai đã mua em Hoa (dưới 16 tuổi) từ một người đàn ông (chưa rõ nhân thân lai lịch). Theo đó, tháng 2-2022 Hoa được một phụ nữ (không rõ họ tên) rủ đến tỉnh Bình Dương làm khi đang tìm việc trên mạng xã hội. 

Tuy nhiên khi đến nơi thì Hoa bị bắt làm nhân viên massage kích dục, nhưng em không đồng ý. Hoa tiếp tục bị bán cho bị cáo Yến. Yến bắt Hoa viết giấy nhận nợ tiền lên tới 45 triệu đồng. Liền sau đó, Yến giao Hoa và hai em nữa là Đào và Hiền (người dân tộc thiểu số) cho Phong.

Phượng mua Đào và Hiền với giá 65 triệu đồng/người. Về đến quán, Phượng không cho các em tự do, giữ hết điện thoại và ép phải ký vào giấy mượn nợ của Hoa là 50 triệu đồng, còn Đào và Hiền 70 triệu đồng/người.

Được giải cứu sau nhiều ngày bị "giam lỏng", bị ép buộc làm việc không lương và phải ký giấy mượn nợ trong khi không hề mượn nợ, bị hại Hoa (ở Long An) cho biết trước đây đi làm thuê ở gần nhà. Sau đó Hoa có lên mạng xã hội tìm việc, nào ngờ rơi vào đường dây mua bán.

Theo lời của Hoa, trong tình thế bắt buộc không biết cầu cứu ai cũng như rất lo sợ vì những lời hăm dọa của chúng nên buộc Hoa phải ký vào giấy mượn nợ mặc dù Hoa không nợ tiền gì cả. 

Về đến quán karaoke, Phượng đã bố trí sẵn phòng trọ cho Hoa và các cô gái khác ở, tuy nhiên các em không được tự ý ra ngoài khi không có sự đồng ý của bị cáo Phượng, nếu có đi sẽ có người của Phượng chở đi và về.

Còn Đào và Hiền kể lại cả hai đang làm công nhân tại tỉnh Bình Phước, do tính chất công việc vất vả nên muốn tìm việc khác. Đến khi đọc được thông tin có công việc lương cao từ 30 - 40 triệu đồng/tháng. Lúc này, Đào và Hiền được đưa đến Biên Hòa giao cho bị cáo Yến để bán lại cho bị cáo Phượng.

Cả năm cô gái bị buộc làm việc để trừ nợ, kể cả tiền khách cho cũng phải đưa hết cho Phượng. Hằng ngày, các em chỉ biết làm việc và không thể liên lạc ra ngoài do đã bị giữ hết điện thoại. Ngoài ra, mọi sinh hoạt của các em đều dưới quyền quản lý trực tiếp và giám sát của Phượng.

Làm việc được một thời gian, Hoa mượn được điện thoại để liên lạc về gia đình và nhờ giải cứu. Từ tin báo của ông P.P.L.T. tố giác cháu gái mình bị giữ tại quán karaoke do Phượng quản lý và bị ép buộc làm việc, Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ đã phối hợp với Công an huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) tiến hành kiểm tra quán và giải cứu an toàn năm nạn nhân.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tuần trước - Gia Lai- Quay lại nơi từng thấy Nguyễn Văn Tiến, 18 tuổi, lấp hố trong vườn điều, cậu bé chăn bò hoảng hốt phát hiện thi thể đang phân hủy.
1 tháng trước - Từ vụ cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ nhận hối lộ, qua các đại án thấy ngoài tiền Việt và USD thì siêu xe, đồng hồ, gậy golf hoặc thậm chí là cổ phần của doanh nghiệp lãi cao cũng được tội phạm dùng làm quà tặng cho quan chức nhằm đạt mục...
1 tuần trước - Bà Vũ Hoàng Oanh, tức Oanh Hà, bị cáo buộc khi trốn truy nã quốc tế vẫn cầm đầu nhóm 34 người buôn hơn 600 kg ma túy, trị giá 1.400 tỷ đồng, từ Tam giác vàng về Việt Nam.
1 tháng trước - Từ chuyên án giải cứu 36 nạn nhân thành công, Công an Hà Tĩnh đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Công an nước bạn Lào triệt phá thành công đường dây mua bán người, lừa đảo xuyên quốc gia.
5 ngày trước - Từ Tam giác vàng đến Việt Nam, đường dây buôn lậu 1,6 tấn ma túy trị giá 1.400 tỉ đồng của 'bà trùm' Oanh Hà đã gây chấn động giới tội phạm và dư luận.
Xem tin bài khác
58 phút trước - Quảng Ngãi- Phạm Hoàng Hữu, 37 tuổi, trong 30 giây lén lấy ôtô Hyundai Accent, chạy trốn khoảng 120 km thì bị bắt ở trạm BOT Bắc Bình Định.
1 giờ trước - Nhiều tình tiết trong vụ triệt phá, giải cứu 58 phụ nữ trẻ tại ổ nhóm tội phạm dâm ô có tổ chức núp bóng cơ sở kinh doanh karaoke - massage G7 được hé lộ.
2 giờ trước - Vụ cháy chung cư mini trong đêm khiến nhiều người bị mắc kẹt, và cảnh sát đã đưa xe thang tới giải cứu.
3 giờ trước - Mỹ- Nghe tin chồng sẽ bỏ mình ngay sau khi thừa kế 30 triệu USD từ họ hàng xa, Ina Kenoyer đầu độc anh nhưng đau đớn nhận ra "di chúc" này chỉ là trò lừa đảo trực tuyến.
3 giờ trước - Ngày 18/10, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 3 bị can về hành vi cưỡng đoạt tài sản.