ttth247.com

Vừa làm việc, vừa 'ngó mưa nhìn núi' lo sạt lở

Ngày 17-10, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận tình trạng sạt lở ở trung tâm hành chính mới của huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi. Điểm sạt lở này kéo dài nhiều năm, cứ mỗi mùa mưa lại phập phồng ứng phó.

Sạt lở từng xảy ra tại trụ sở Liên đoàn Lao động

Trụ sở Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây nằm ngay dưới điểm sạt lở lớn nhất. Nước từ chân núi chảy ra tận con đường phía trước trụ sở.

Một cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi cho biết mùa mưa lũ năm 2023, "bức tường" chống sạt lở phía sau trụ sở không trụ được, núi đổ sập. Đất đá tràn xuống khuôn viên, ập thẳng vào nhiều phòng làm việc ở tầng trệt. Một số công trình phụ hư hỏng.

Sau trận sạt lở năm đó, cả cơ quan phải di dời đến nơi khác làm việc. Qua mùa mưa mới trở lại dọn dẹp đất đá, xe cơ giới xúc dọn bớt bùn nhão… tiếp tục làm việc.

Huyện Sơn Tây thường có mưa dông, mỗi lần thấy mưa lớn, cán bộ lại "ngó trời, canh đất", vừa làm việc vừa sẵn sàng rời khỏi trụ sở nếu mưa quá to.

"Đầu mùa mưa này cũng có những trận sạt lở nhỏ. Vị trí sạt lởđó giờ như bức tường, dễ sạt lắm. Nên giờ cứ mưa lớn là chúng tôi di dời thôi", cán bộ này nói.

Trụ sở Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2016. Từ đó đến nay chưa có mùa mưa lũ nào sạt lở không xảy ra.

"Như hiện giờ trời không mưa, sạt nhỏ mà cả khuôn viên như ruộng vào mùa cấy rồi. Nói chi sạt lớn", một cán bộ chia sẻ.

Bên cạnh, trụ sở của Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Nhà công vụ huyện Sơn Tây cũng nằm trong diện sạt lở bất cứ lúc nào. Cán bộ các đơn vị này cũng nơm nớp với ngọn núi phía sau trụ sở.

Nhiều điểm sạt lở lớn, nhỏ chi chít dọc theo sườn núi. Nhiều vị trí sạt lở lâu năm đã ổn định địa chất, cây cối mọc um tùm. Một cán bộ nói vui: "Sạt riết rồi cũng ổn định thôi. Ở đây năm nào chả sạt, chúng tôi cũng quen rồi, chỉ là mới đây sạt lở ở các tỉnh phía Bắc khốc liệt quá nên đâm lo".

Phương án là di dời, không kè chống sạt lở

Với tình hình sạt lở liên tục, đe dọa trực tiếp năm trụ sở cơ quan nhà nước và cả trụ sở UBND huyện Sơn Tây khi nơi này chỉ cách điểm sạt lở chừng 70m.

Vậy nhưng việc xây dựng công trình chống sạt lở vẫn không được triển khai. Lý giải cho việc này, lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Tây cho biết tình trạng sạt lở ở khu vực này diễn ra trong thời gian dài. UBND huyện từng chi 10 tỉ đồng để chống sạt lở.

Thế nhưng khu vực này vốn là quả đồi, được lấy để phục vụ xây dựng trung tâm hành chính mới của huyện. Nền địa chất mới, yếu nên công trình chống sạt lở, tạo mái cơ hạ độ cao, thu nước chỉ chống chọi được vài mùa mưa đã không chịu nổi.

Tại hiện trường nhiều mái cơ kè chống sạt lở, rảnh bê tông thoát nước… được xây dựng trước đây bị sạt lở phá nát. Điều đáng lo nhất lúc này là từ đỉnh núi chạy dọc theo đường núi có một rãnh được đào để thu nước chảy xuống sườn núi phía bên kia.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về độ an toàn của mương nước này, ông Nguyễn Ngọc Trân - chủ tịch UBND huyện Sơn Tây - nói: "Đây là giải pháp tạm thời và sẽ cho cán bộ túc trực, kiểm tra liên tục. Nếu phát hiện bất thường sẽ xử lý ngay".

Ông Trân cho rằng việc chống sạt lở bằng mái bê tông là không hiệu quả, tiêu tốn ngân sách lớn. Thay vì vậy, UBND huyện đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai, mưa lớn tất cả cán bộ của năm đơn vị di chuyển về UBND huyện cũ làm việc.

"Địa phương là huyện miền núi, rất khó tìm vị trí bằng phẳng bố trí quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, trụ sở làm việc. Qua tính toán, huyện chấp nhận chủ động di dời khi có mưa lớn sẽ hiệu quả hơn. Bởi có kè chống sạt lở thì mùa mưa vẫn nơm nớp mỗi khi làm việc", ông Trân nói.

Mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện Sơn Tây cũng xác định khu vực núi có năm cơ quan nhà nước làm việc nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao. Vậy nên đã chủ động phương án di dời.

"Thà dành số tiền này phục vụ các dự án dân sinh khác. Còn việc sạt lở ở đây nên xây dựng phương án chủ động ứng phó, mùa mưa lũ thì di chuyển. Khi nào nền địa chất ổn định sẽ trồng cây, chống sạt lở sẽ hiệu quả hơn", ông Trân cho biết thêm.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
1 tháng trước - Ông Trần Hoàng Tuân - trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Hà (Lào Cai) - cho hay đến chiều 13-9, toàn huyện có 20 người chết, 14 người mất tích và bị thương 17 người vì bão lũ, sạt lở. Và tại nơi đây tình thương cũng nở hoa.
3 tuần trước - Thật khó tin, ở tỉnh Quảng Ngãi có cây cầu mỗi năm ngập hơn 6 tháng. Việc này kéo dài từ năm 2011 đến nay, người dân chịu nhiều khó khăn, mùa mưa lũ lại nơm nớp.
1 tháng trước - Ngày 10.9, PV Báo Thanh Niên đã có mặt ở nhiều địa phương; băng đèo, vượt núi vào các điểm lũ thiệt hại nặng nhất để đưa tin, cứu trợ người dân.
3 tuần trước - Cơn bão mạnh nhất 30 năm - Yagi - đi qua Việt Nam trong 15 năm giờ, để lại chuỗi thiên tai kéo dài và những mất mát không thể hàn gắn với nhiều người.
1 tháng trước - Chị em Triệu Thị Phương (11 tuổi) và Triệu Kim Thành (5 tuổi) mồ côi khi ngọn núi sau nhà ở bản Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng sạt lở kinh hoàng vùi lấp 9 người, cướp đi cha mẹ của hai em.
Xem tin bài khác
17 phút trước - Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) hỗ trợ 5 tỉ đồng cho thể thao TP.HCM, 3 tỉ đồng nâng cao nhận thức môi trường và 2 tỉ đồng chăm lo người yếu thế tại TP.HCM.
17 phút trước - Trong phiên thảo luận của Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số sáng nay 19-10, nhiều đại biểu đã cho rằng chuyển đổi số ngành dược là xu thế tất yếu.
18 phút trước - Nhiều tuyến đường tại trung tâm Cần Thơ ngập sâu nhưng theo đánh giá của chủ đầu tư các âu thuyền, cống ngăn triều đang hoạt động hiệu quả.
18 phút trước - Trưa 19-10, ông Trần Úc - chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) - cho biết phiên đấu giá mỏ cát tại xã Điện Thọ đã kết thúc với kết quả 370 tỉ đồng quyền khai thác mỏ thuộc về một doanh nghiệp ở Đà Nẵng. Hồ sơ đang được các đơn vị...
32 phút trước - Ngọn lửa dữ dội bao trùm ngôi nhà ở kết hợp kinh doanh tại huyện Yên Phong khiến 4 người mắc kẹt, đã được lực lượng chức năng cứu sống.