ttth247.com

Vượt sông đi dạy ở thủ đô Hà Nội

Xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ hơn 70km. Đó là vùng bãi bồi giữa sông nằm gần ngã ba Bạch Hạc - nơi hợp lưu của sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Đến Minh Châu hoặc phải đi bằng thuyền, phà nhỏ từ phía đông hoặc qua đập tràn Thủ Độ ở phía tây.

Thời tiết thế nào cũng phải sang sông

Năm học mới này, cô Hoàng Thị Hiền, giáo viên dạy ngữ văn ở Trường THCS Minh Châu, đã bước sang năm thứ 19 gắn bó với xã đảo Minh Châu.

"Mùa đông nước cạn nhưng rất lạnh và nhiều gió. Có những ngày sương mù dày đặc chỉ 2m là nhìn không rõ. Qua đò khi ấy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì rất có thể tàu cát chạy trên sông không nhìn được dẫn tới va quệt với đò chở người. Còn mùa mưa lũ thì rất sợ. Nước ngập mênh mông và cuồn cuộn như ngoài biển.

Có khi đang đi giữa sông thì mưa dông, sấm sét, có lần còn gặp mưa đá bất ngờ. Nhưng với giáo viên chúng tôi thì thời tiết thế nào cũng phải sang sông. Học sinh chờ chúng tôi trên lớp và chúng tôi phải cố gắng để không trễ giờ", cô Hiền kể.

Để kịp giờ lên lớp mỗi sáng, cô Hiền phải dậy từ hơn 5h để chuẩn bị đồ ăn cho con ở nhà rồi sửa soạn lên đường. Chặng đường chỉ 10km nhưng các thầy cô luôn phải xem thời tiết để căn giờ đi sớm hơn từ 30 phút đến 1 tiếng.

Cô Lê Thị Thúy Vân, giáo viên tiểu học gắn bó 20 năm với xã đảo Minh Châu, cho biết vì đường đến trường trắc trở nên thời gian dành cho gia đình và cho con rất ít. Giáo viên tiểu học dạy 2 buổi/ngày nên thường phải ra khỏi nhà tầm 6h sáng và về vào tầm 6-7h tối, tùy theo thời tiết và công việc.

"Tay lái yếu nên tôi từng bị ngã. Rồi cũng có lần mưa đường trơn trượt, không đi được xe máy, chúng tôi phải gửi lại xe ở bến đò để lội bộ lên. Lấm lem đầy người nhưng may vẫn kịp giờ lên lớp", cô Vân kể.

Thầy Nguyễn Khôi, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Minh Châu, cho hay trong trường có 24 giáo viên thì hơn 10 người ở bên kia sông. Trong đó có 3 giáo viên nhà cách trường hơn 40km. Mỗi ngày các cô giáo phải đi 80km lượt đi và về. Chưa kể việc phải chờ đò vượt sông.

Vất vả là thế nhưng giáo viên ở xã đảo này không được hưởng chế độ đãi ngộ nào hơn so với giáo viên ở đất liền. Mỗi năm học, thầy cô chỉ được hỗ trợ 300.000 đồng tiền đò (các năm trước được 200.000). 

Tiền hỗ trợ này chỉ cấp cho 9 tháng, thời gian nằm ngoài năm học không được cấp trong khi thực tế giáo viên vẫn phải vượt sông đến trường để phụ đạo, ôn tập cho học sinh cuối cấp, tập huấn, làm công tác tuyển sinh trong dịp hè.

Chuyện của hiệu trưởng người bản địa

Khác với nhiều giáo viên khác phải vượt sông để đến Minh Châu, cô Nguyễn Thị Bình, hiệu trưởng Trường mầm non Minh Châu, là người ở xã đảo này. Cô Bình kể khi học hết THPT, cô từng bị lỡ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vì năm đó nước sông dâng cao, giấy báo dự thi gửi đến quá muộn.

Những năm 1995-1996, người tốt nghiệp THPT như cô Bình ở Minh Châu được xem là người có trình độ văn hóa cao nên cô được vận động ra trông trẻ ở trường mầm non.

"Khi ấy tôi có nghề thợ may, tôi may giỏi và kiếm tiền tốt từ nghề may. Nhưng tôi đã đồng ý đề nghị của xã dù lương cả tháng trả cho giáo viên mầm non khi đó không bằng số tiền tôi kiếm được một ngày. Trường thì có nhưng bỏ hoang vì không có giáo viên. Tôi là người đầu tiên" - cô Bình cho biết.

Sau này cô Bình đi học và tiếp tục gắn bó cho tới bây giờ ở cương vị hiệu trưởng. Nặng lòng với ngôi trường, nên cô Bình cũng dành nhiều tâm huyết và thấu hiểu khó khăn vất vả của đội ngũ giáo viên phải vượt sông Hồng sang Minh Châu dạy học.

"Khác với cấp học trên, trường mầm non hoạt động cả trong hè vì người dân có nhu cầu gửi. Trường có 10 người ở bên kia sông, vào thời điểm tháng 7 tháng 8, nước lên cao. 

Để đảm bảo an toàn cho giáo viên, tôi cho các cô bên kia nghỉ, giáo viên tại xã sẽ choàng gánh hỗ trợ. Những giáo viên có con nhỏ cũng được ưu tiên nhận lớp ca chiều trễ hơn để có thời gian sang sông về nhà với con rồi quay lại trường", cô Bình chia sẻ.

Khó khăn nhưng cô Bình cho biết không có giáo viên nào của mình bỏ nghề. Có những cô giáo ở bên kia sông sang đã gắn bó với trường 10-12 năm, riêng cô Bình - người thầy đầu tiên của trẻ mầm non xã đảo - đã gắn bó với trường ngót 30 năm.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
3 tuần trước - Theo các nhà giáo, điều kiện dạy học, thiếu giáo viên cũng như thời lượng dạy tiếng Anh trong trường học hiện nay còn ít, là cản trở lớn nhằm đảm bảo dạy bộ môn này hiệu quả.
1 tháng trước - Xoay trần, tranh thủ từng phút để học giữa cái nắng nóng cuối hè tháng 8 là hình ảnh đến hẹn lại lên của sinh viên ngành Y khoa (bác sĩ đa khoa). Kì thi Bác sĩ nội trú của các trường ĐH Y nói chung và Trường ĐH Y Hà Nội nói riêng được coi...
2 tuần trước - Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhiều gia đình chọn cho con tour du lịch nhưng học lịch sử bằng cách cho con đi thăm di tích Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò.
1 tháng trước - Hà Nội- Nhiều trường cho biết sĩ số lớp 35 học sinh là lý tưởng nhưng chưa thể đáp ứng được, không ít lớp hiện có 51-60 em.
1 tháng trước - Phụ huynh Hà Nội bày tỏ lo lắng, băn khoăn trước đề xuất 24 trường công lập chất lượng cao và tự chủ tài chính dự kiến thu học phí từ 300.000 đồng đến 6,57 triệu đồng/tháng.
Xem tin bài khác
46 phút trước - TPHCM hiện không có quy định chung cho việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học nên hiện cũng có trường cấm, có trường không cấm và có trường hạn chế sử dụng…
1 giờ trước - Một số phụ huynh đưa đón con đi học bằng xe máy vẫn vô tư để con đầu trần, trong khi mình đội nón bảo hiểm.
1 giờ trước - Đã hơn 10 ngày trôi qua nhưng vẫn còn những trường và điểm trường ở miền Bắc chưa thể mở lại sau ảnh hưởng của bão Yagi, học sinh vẫn nghỉ học.
1 giờ trước - "Các em bé ở Làng Nủ đã có cơm nóng, thịt tươi, rau xanh", những tấm ảnh chụp bữa ăn ấm áp ở nhà bán trú tại Lào Cai làm ấm lòng tất cả.
2 giờ trước - Nhiều tuyến đường, cầu cống trên địa bàn bị ngập do mưa lớn kéo dài nên các trường học ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đã cho hơn 10.800 em học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em.