ttth247.com

Xin làm cây lúa cúi đầu tiễn biệt thầy Võ Tòng Xuân

Mấy ngày qua, đã có nhiều bài viết, nhiều câu chuyện, sẻ chia, hoài cảm về GS Xuân đáng kính từ những góc nhìn khác nhau. Đặc biệt, có rất nhiều người dân dù đã gặp thầy hay chưa, họ đều nhận ra hình ảnh thân quen của thầy, hiểu biết về thầy, nhất là những người nông dân miền Tây, bởi sự gần gũi, nhiệt huyết, tận tâm trong công việc gắn với lợi ích của họ.

Nhân cách, phong thái gần gũi, chân tình

Tôi không phải là học trò của thầy ở trường học, nhưng không ít lần được làm thư ký các hội đồng khoa học giúp việc thầy, sau này được làm việc chung hay như lần chia sẻ cuối cùng cách đây hơn tháng, trước khi thầy đi chữa bệnh. Có điều kiện gần thầy trong công việc, tôi càng quý trọng thầy, không chỉ kiến thức khoa học, thực tiễn uyên bác mà chính từ nhân cách, phong cách gần gũi, chân tình, dễ mến.

Đối với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (2003-2017) - nơi mà tôi có thời gian dài gắn bó, GS Võ Tòng Xuân là một trong những nhà khoa học thường xuyên có nhiều tư vấn, góp ý, gợi ý.

Các ý kiến của ông được ghi nhận, tiếp thu qua các quyết sách của lãnh đạo Trung ương trong việc xác định 3 khâu đột phá phát triển vùng ĐBSCL (giao thông, thủy lợi, nguồn nhân lực), việc xác định các sản phẩm chủ lực vùng (lúa gạo, trái cây, thủy sản), cơ chế, chính sách về liên kết vùng hay các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ông cũng là người đề cập nhiều đến các vấn đề nóng bỏng xảy ra trong vùng và gợi ý các giải pháp trọng tâm cần giải quyết, không chỉ dưới góc nhìn của một nhà khoa học mà bằng những trải nghiệm thực tiễn của một người đồng bằng.

Thị trường cần loại nào, lúa thường, chất lượng cao, hay lúa hữu cơ thì chọn loại giống đó và sản xuất theo quy trình để đảm bảo cung cấp đúng chất, đủ lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Yêu cầu đơn giản đó ai cũng biết, nông dân cũng biết, không phải chỉ chuyên gia, nhà kinh tế hiểu rõ quy luật cung - cầu mới biết. Nhưng tại sao nông dân vẫn rơi vào tình trạng "lệch pha" trong sản xuất?

Nông dân cần sự dẫn dắt của nhà đầu tư, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà khoa học và kiến tạo của Nhà nước để tìm mới trong câu chuyện cũ. Thiếu một đảm bảo chắc chắn cho chất lượng gạo, thương hiệu gạo, sản xuất lúa trong điều kiện mù thông tin thị trường, chưa biết bán cho ai chính là cái vòng luẩn quẩn của nông dân đi tìm giá trị mới trong câu chuyện cũ.

Chẳng những cần thay đổi tư duy, mà còn cần chuyển từ quyết tâm chính trị sang bài toán kinh tế cho nông nghiệp, cần một hệ điều hành "thích ứng" cho ngành lúa gạo, tham khảo cách thức tổ chức Hội đồng lúa gạo quốc gia của Thái Lan để áp dụng phù hợp trong điều kiện Việt Nam… là những vấn đề ta đang làm, còn bàn, nhưng GS Xuân đã đề cập từ nhiều năm trước.

Có thể nói sự phát triển của vùng ĐBSCL, nền nông nghiệp Việt Nam gần nửa thế kỷ qua có dấu ấn của GS.TS Võ Tòng Xuân trong vai trò một nhà giáo, nhà khoa học, người chuyển giao công nghệ, khoa học đất và tài nguyên nước, người xây dựng hệ thống canh tác nông nghiệp, lai tạo các giống lúa.

Miệt mài làm việc đến ngày cuối đời

GS.TS Võ Tòng Xuân là một tấm gương nhiệt huyết với công việc. Dù đã lâm trọng bệnh 2 năm trước, nhưng khi có thể, ông vẫn làm việc, miệt mài, ngay cả đến những ngày cuối đời. Chỉ cách đây hơn tháng, trước khi từ Cần Thơ lên TP.HCM, rồi sang Singapore chữa bệnh, thầy còn cùng tôi tham gia chương trình tọa đàm của Truyền hình Quân đội "Bên dòng Cửu Long" với chủ đề "An ninh nguồn nước".

Không ngờ đó là lần gặp, làm việc chung cuối cùng tôi được học việc từ thầy.

Để nông dân giàu lên - tên một quyển sách chọn lọc các bài báo của GS.TS Võ Tòng Xuân gần 10 năm trước cũng như câu nói của Bác Hồ mà ông nhiều lần nhắc: "Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh" còn là mong ước. Nhưng tôi nghĩ giáo sư cũng có quyền an nhiên nằm lại ở quê nhà Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, một vùng quê miền Tây Nam Bộ để vui vẻ "cày xong thửa ruộng".

Còn những thửa ruộng khác để nông dân giàu lên rất cần sự tiếp bước, tiếp sức của bao người. Nay trước linh cữu thầy, tôi xin làm cây lúa cúi đầu đưa tiễn một người tài, người hiền.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 ngày trước - Từ sở thích đọc sách về cây cỏ và làm vườn, Ngọc Mỹ quyết định theo đuổi lĩnh vực Sinh học, trúng học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Harvard, Mỹ.
1 tuần trước - Ở lớp học tại quận Tân Phú, TP.HCM có một lễ khai giảng đặc biệt không kém gì hoàn cảnh của học sinh ở đây. Đặc biệt, thầy cô và phụ huynh không áp lực về thành tích hay điểm số.
4 ngày trước - Tại TP.HCM, vào ngày 10.9.2024, Pearson - tập đoàn giáo dục hàng đầu thế giới, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chính thức công nhận chứng chỉ tiếng Anh Pearson Test of English Academic (PTE Academic) theo Quyết định số...
1 tháng trước - Từ xã biên giới Tân Đông của tỉnh Tây Ninh, Hoàng Văn Thái mày mò học tiếng Anh, vươn dần ra bên ngoài, rồi đạt giải nhất cấp tỉnh và 8.0-8.5 IELTS.
3 tuần trước - Năm 2024 có 19 nhà khoa học từ VN có tên trong bảng xếp hạng 'các nhà khoa học xuất sắc nhất' của trang Research.com. Bảng xếp hạng này thực sự có giá trị?
Xem tin bài khác
1 giờ trước - Phụ huynh một trường ở Đồng Nai bức xúc vì khoản thu “bảo trì ti vi“ 100.000 đồng/học sinh. Trong khi đó, ti vi là tài sản của nhà trường và đã có chế độ bảo hành rõ ràng.
6 giờ trước - Với không gian kiến trúc được bao phủ bởi nhiều mảng xanh, tạo nên một môi trường học tập xanh mát và bền vững, Victoria School - Nam Sài Gòn đã giành Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế, một giải thưởng uy tín về kiến trúc trên thế giới.
7 giờ trước - Nhiếp ảnh gia Hồ Trung Lâm là người đoạt giải cao nhất tại cuộc thi The ASEAN SX Photo Contest 2024 với chủ đề ASEAN Biodiversity (Đa dạng sinh học ASEAN), do Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Thái Lan tổ chức.
7 giờ trước - Sau bão số 3 (Yagi), Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng yêu cầu các trường nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường để thu các khoản thu ngoài quy định và không tổ chức vận động tài trợ từ phụ huynh học...
9 giờ trước - Trường CĐ Công nghiệp cao su tại Bình Phước vừa chính thức đổi tên thành Trường CĐ Miền Đông từ năm học 2024 - 2025.