ttth247.com

Ý chí vượt bệnh tật của nam sinh đỗ đầu trường Y

Phải nghỉ học ba năm để chữa bệnh, Phạm Việt Hoàng dặn lòng phải cố gắng gấp nhiều lần người khác, trở thành thủ khoa ngành Răng-Hàm-Mặt, trường Đại học Y Dược.

Về Hà Nội nhập học ngày 27/8, Việt Hoàng bất ngờ khi được trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, khen thưởng. Hoàng đăng ký xét tuyển vào trường bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khối B00 (Toán, Hóa, Sinh), đạt tổng 27,88. Trong đó, điểm Sinh học là 9,5, Hóa 9,25, Toán 8,6. Tính chung trong toàn trường, điểm xét tuyển của nam sinh trong top 3.

"Mình thấy vui và tự hào lắm", Hoàng nói.

Cô Vũ Thị Nhuần, giáo viên chủ nhiệm của Hoàng ở trường THPT Giao Thủy B, Nam Định, cũng bất ngờ khi biết tin.

"Tôi cảm thấy may mắn khi có học trò nghị lực như vậy", cô chia sẻ. "Hoàng từng bảo tiếc vì không mang được điểm 10 Sinh về cho cô khi so đáp án sau buổi thi".

Việt Hoàng (trái) nhận bằng khen học sinh giỏi môn Sinh cấp tỉnh. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Việt Hoàng (trái) trong ngày nhận giấy khen học sinh giỏi môn Sinh cấp tỉnh. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Việt Hoàng là con đầu trong gia đình làm nông ở Nam Định. Năm 14 tuổi, trong một lần đi khám vì đau dạ dày, Hoàng được chẩn đoán mắc bệnh u trung thất. Đây là khối u chèn giữa phổi và tim nên gây khó thở, vận động yếu, dễ sốt và ho.

Vì thế, nam sinh đành xin nghỉ một năm để tập trung chữa bệnh. Sau đó, Hoàng đi học lại, cố theo nốt chương trình lớp 9. Thế nhưng, bệnh tình nhiều lúc trở nặng khiến Hoàng phải tạm dừng việc học trong hai năm tiếp theo, chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Giai đoạn đó, Hoàng cố gắng tự học nhưng không hiệu quả vì đa số thời gian phải nằm điều trị.

"Khi đó mình luôn trong tình trạng thở không ra hơi. Muốn học cũng không học được", Hoàng kể.

Một lần, vừa ra khỏi phòng bệnh để về nhà trọ, Hoàng bị bác sĩ gọi lại vì thấy người lờ đờ, mặt trắng bệnh. Kết quả khám cho thấy anh bị thiếu máu, phải nằm viện tiếp cả tháng. Hoàng cũng nhớ đến chị y tá đã chăm sóc mình những đêm bị nôn thốc nôn tháo, thấy họ dù làm việc vất vả nhưng luôn ân cần. Đó là lúc Hoàng bắt đầu ước mơ học Y.

Năm 2021, Việt Hoàng vào cấp ba, học cùng khóa các bạn sinh năm 2006, ở trường THPT Giao Thủy B, Nam Định. Hoàng phải vừa học vừa điều trị, khám bệnh mỗi tháng một lần, đồng thời hạn chế vận động thể chất. Học muộn ba năm nên mỗi lần gặp bạn bè cũ, Hoàng hơi chạnh lòng.

"Các bạn bằng tuổi mình nhưng đã vào đại học, làm nhiều điều thú vị, còn mình thụt lùi so với họ", Hoàng chia sẻ. Dù vậy, nam sinh không để bản thân bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực đó, mà dặn lòng phải cố gắng gấp nhiều lần người khác.

Xác định vào trường Y, Hoàng tập trung học các môn khối B00 ngay từ đầu. Trong đó, Sinh là môn Hoàng thích nhất vì cách dạy nhiều ví dụ thực tế và nhóm kiến thức của cô chủ nhiệm. Vào các kỳ kiểm tra, cô luôn soạn một quyển tài liệu riêng, tổng kết nội dung và dạng bài tập về chủ đề đã học. Nhờ vậy, Hoàng biết cách học hệ thống, luôn đạt trên 9 phẩy môn này.

Vì thích, Hoàng đăng ký theo đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh của trường hồi đầu năm. Lúc này, trời mưa ẩm khiến bệnh của Hoàng trở nặng, có lần đang học phải vào viện vì sốt cao và ho không dứt. Nam sinh trở lại đội tuyển khi chỉ còn vài ngày nữa là đến vòng cấp tỉnh, giành giải nhì.

"Hoàng rất đam mê và quyết tâm", cô Nhuần nói.

Ngay sau đó, Hoàng tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT, chủ yếu đọc lại nội dung và làm các dạng bài tập theo sách giáo khoa. Với môn Toán và Sinh, nam sinh thường tự học hai tiếng mỗi ngày, học thêm hai buổi một tuần.

Hoàng nhìn nhận đuối môn Hóa nhất nên tập trung luyện đề. Câu nào không làm được, nam sinh đánh dấu rồi hỏi các bạn, thầy cô hoặc tra trên mạng. Từng vò đầu bứt tai vì không nhớ hết tính chất của axit, kim loại, Hoàng luyện nhiều thành quen, tự tin thi Hóa được hơn 9 điểm.

Việt Hoàng (phải, ngoài cùng) cùng cô và các bạn đội tuyển Sinh. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Việt Hoàng (phải, ngoài cùng) cùng cô giáo và các bạn trong đội tuyển Sinh học. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Quá trình ôn thi của Hoàng có sự đồng hành của em gái Phạm Thị Diệp. Năm nay, Diệp đỗ ngành Dược học, cùng trường với anh trai. Mỗi buổi học ở nhà, cả hai hay chia sẻ tài liệu và giảng cho nhau những chỗ chưa hiểu.

Cô Nhuần nói khâm phục nỗ lực của hai anh em. Riêng Hoàng, cô ấn tượng về tính cách quyết đoán, có chính kiến.

"Mỗi lần nghe giảng trên lớp mà chưa thấy thuyết phục, Hoàng sẽ tìm hiểu vấn đề đến tận cùng, có lúc tranh luận với cô", cô nhớ lại. Cô cũng nhận xét Hoàng ít nói, nhưng luôn âm thầm cố gắng và ân cần giúp đỡ bạn bè.

Đầu tháng này, Hoàng bắt đầu học ở trường Đại học Y Dược. Chàng trai 24 tuổi đặt mục tiêu học tốt và tham gia các câu lạc bộ để cải thiện kỹ năng giao tiếp.

Phương Anh

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
2 tuần trước - 36 năm công tác trong ngành giáo dục, lễ khai giảng năm nay thật đặc biệt với thầy giáo Lê Xuân Hạnh (54 tuổi) ở Trường Tiểu học Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà).
2 ngày trước - Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) quyết định nhận nuôi tất cả trẻ em, học sinh may mắn còn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, H.Bảo Yên, Lào Cai.
1 tuần trước - Tờ 'The Wall Street Journal' cho rằng các băng nhóm tội phạm thu lợi bất chính hàng triệu USD nhờ vào bán đề thi cho các thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh y khoa quốc gia.
1 tháng trước - Những con vịt khi bơi trên mặt hồ, nhìn từ mặt nước thì con nào cũng thật thư thái, không gian xung quanh thơ mộng, bình yên. Thế nhưng, nhìn từ dưới mặt nước, chúng phải đạp chân không ngừng để bơi nhanh về phía trước.
1 tháng trước - Văn hóa quyên góp, hiến tặng tài chính vào giáo dục tồn tại từ lâu ở các nước phát triển. Phần lớn những trường ĐH nhận được hàng tỉ USD là những trường danh tiếng và hoạt động không vì lợi nhuận.
Xem tin bài khác
17 phút trước - Đó là chia sẻ của ông Luke Turner, giám đốc điều hành Trường song ngữ quốc tế Emasi Nam Long, TP.HCM, về việc tổ chức "Tuần lễ sẻ chia" hướng về vùng bão lũ cho học sinh.
2 giờ trước - Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
3 giờ trước - Huân chương Cành cọ hàn lâm ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của TS Phan Thị San Hà trong việc xây dựng và phát triển Trung tâm CARE, cũng như bồi đắp mối quan hệ giữa Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và các đối tác Pháp.
4 giờ trước - Ớn lạnh, nổi gai ốc, không dám xem hết hình ảnh, video... là những cảm giác của những người tham gia buổi tập huấn, khi nghe trung tá Bùi Thái Đức, chuyên viên chính Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM điểm lại những vụ bạo hành trẻ em chấn...
4 giờ trước - Nhiều sinh viên có sản phẩm đăng trên báo Tuổi Trẻ, một số sinh viên xuất sắc có tư duy đề tài và hoàn thiện sản phẩm truyền thông như phóng viên.