ttth247.com

Ấu trùng di chuyển ngoằn ngoèo dưới da chàng trai

TP HCMDa anh Vinh ban đầu nổi các nốt như muỗi đốt, sau đó chuyển thành vệt ngoằn ngoèo màu đỏ ngày càng dài, bác sĩ chẩn đoán nhiễm ấu trùng giun móc.

Vinh, 22 tuổi, tháng 7 về quê tắm suối, trượt thác, bị muỗi và loại côn trùng có cánh giống ruồi, vằn trắng đen, đốt vào tay chân và lưng. Vết thương ban đầu nhỏ sưng, đỏ, hơi ngứa, sau hai tuần tăng lên 30-40 nốt lớn nhỏ, gồ lên trên bề mặt da. Một số nốt xuất hiện dị vật như sợi chỉ rối nằm trong da, lan càng xa vết thương ban đầu. "Sợi chỉ" dài nhất nằm ở mặt trong cẳng tay phải, dài khoảng 5 cm và cách điểm gốc khoảng 2 cm. Vùng khuỷu hai tay, thắt lưng và bắp chân có nhiều sang thương hình dạng tương tự nhưng nhỏ hơn.

Ấu trùng giun móc trên tay anh Vinh trước (bên trái) và sau một tuần điều trị. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ấu trùng giun móc trên tay anh Vinh trước (bên trái) và sau một tuần điều trị. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ngày 17/8, BS CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết anh Vinh nhiễm ấu trùng di chuyển bởi những tổn thương đặc trưng như các đường đỏ hình ngoằn ngoèo hoặc hình lượn sóng, dài ra trong da theo từng ngày. Trên người anh có khoảng 10 nốt có ấu trùng.

Ấu trùng di chuyển (viêm da do ấu trùng) là bệnh do nhiễm ấu trùng giun móc từ chó, mèo hoặc trâu, bò, gia súc. Ấu trùng có thể được tìm thấy ở khắp nơi như đất, cát, trong nước, sàn nhà, thảm trải sàn... và xâm nhập vào cơ thể qua nang lông, khóe chân, vết thương hở do côn trùng đốt, cào gãi hoặc vết trầy xước da, thậm chí là da nguyên vẹn. Các vị trí nhiễm ấu trùng giun móc thường gặp nhất là tay, chân, bàn chân, mông, lưng.

Ấu trùng giun móc có thể di chuyển với tốc độ vài mm tới vài cm mỗi ngày. Khi di chuyển, chúng gây ra các phản ứng viêm, nhiễm trùng dọc theo đường đi trong vài tuần nếu không được điều trị.

Anh Vinh được bác sĩ Duy kê thuốc uống diệt ký sinh trùng kèm thuốc giảm ngứa. Tái khám sau một tuần, người bệnh đáp ứng điều trị tốt. Ấu trùng không còn hoạt động, không có sang thương mới, những vết đỏ chuyển sang tăng sắc tố (thâm) sau viêm, da hết gồ ghề, không còn ngứa. Dự kiến các vết thâm tự mờ dần và hết hẳn sau khoảng 1-2 tháng.

Theo bác sĩ Duy, tình trạng viêm da do ấu trùng thường gặp ở vùng có thời tiết ấm, ẩm như các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới. Những người hay tiếp xúc với đất, cát ấm, ẩm (nông dân, người diệt trừ sâu bệnh, thợ sửa ống nước, thợ săn, thợ điện, thợ mộc...) có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Dấu hiệu khởi phát của bệnh là các sẩn đỏ có ngứa ở vị trí ấu trùng xâm nhập. Sau 2-6 ngày hoặc vài tuần sau, tổn thương có thể gây ngứa dữ dội, xuất hiện ban màu đỏ nâu, vằn vèo, lượn sóng, nổi gờ nhẹ tương ứng với đường di chuyển của ấu trùng. Một số trường hợp có thể nổi mụn mủ, mụn nước, bọng nước tại nơi ấu trùng xâm nhập hoặc trên đường di chuyển của ấu trùng.

Ấu trùng giun móc không thể trưởng thành được trong cơ thể người. Con người là vật chủ vô tình và là ngõ cụt nên ấu trùng giun móc sẽ chết, bệnh có thể tự giới hạn trong 4-8 tuần. Điều trị giúp rút ngắn quá trình diễn tiến của bệnh. Sau khi điều trị các sang thương trên da giảm viêm dần, để lại nhiều vết thâm. Các sang thương tăng sắc tố sau viêm này có thể tồn tại dai dẳng vài tuần đến vài tháng sau đó.

Sang thương của bệnh ấu trùng di chuyển ban đầu giống nốt muỗi đốt, màu đỏ, hơi ngứa, sưng nhẹ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Sang thương của bệnh ấu trùng di chuyển ban đầu giống nốt muỗi đốt, màu đỏ, hơi ngứa, sưng nhẹ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Triệu chứng ban đầu của nhiễm ấu trùng giun móc dễ bị nhầm lẫn với mề đay, dị ứng do côn trùng đốt, ghẻ, nấm... Bác sĩ Duy khuyến cáo người có triệu chứng bất thường trên da nên đi khám sớm. Phòng bệnh bằng cách tẩy giun cho chó mèo, không để chúng đi vệ sinh ở nơi công cộng hay vườn. Khi tiếp xúc với nơi có nguy cơ như đất, nước, bãi cát nên đi giày dép, mặc quần áo dài tay, tắm rửa với xà bông sau đó, tránh xảy ra vết thương hở.

Anh Thư

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp

Source: vnexpress.net

Các bài tương tự
3 tuần trước - Da ngứa nhiều, phát ban đỏ, viêm loét, có sợi ngoằn ngoèo dưới da, nổi mụn nước… là các dấu hiệu thường gặp do nhiễm ký sinh trùng, giun sán.
1 tháng trước - Các bác sĩ cho biết, hiện nay, nhiều nơi vẫn có tập quán ăn các món tôm, cua sống (ăn gỏi hoặc nướng chưa chín). Đây là nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh sán lá phổi.
2 tuần trước - Mỗi ngày một con giun móc hút khoảng 0,14 - 0,16ml máu, dẫn đến tình trạng bệnh nhân thiếu máu ngày càng trầm trọng. Nhiễm giun móc cũng dễ gây biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, viêm tụy cấp, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị...
1 tháng trước - Thu nhập hàng trăm triệu đồng một tháng, sở hữu chung cư, ôtô, sổ tiết kiệm, nhưng anh Tuấn, 41 tuổi, luôn ám ảnh về tương lai "tay trắng", lâu ngày dẫn đến bệnh rối loạn lo âu.
1 tháng trước - Cài đặt nhiệt độ điều hòa không phù hợp, không vệ sinh bộ phận lọc khí, liên tục đóng kín cửa phòng có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Xem tin bài khác
55 phút trước - Hà Nội- Tăng cân sau sinh khiến Linh ngán ngẩm khi nhìn mình trong gương, cô quyết nhịn ăn gián đoạn, ăn theo quy tắc bàn tay kết hợp tập luyện thay đổi vóc dáng.
55 phút trước - Tôi thường xuyên nhận được thịt cá sạch từ quê gửi lên, nên đã dự trữ đầy ắp ngăn đông tủ lạnh, điều này có tốt? (Hà, 35 tuổi, Hà Nội)
6 giờ trước - Viêm da tiếp xúc, nấm da, nhiễm trùng da do vi khuẩn và ghẻ nước là những bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão, có thể trở nên nghiêm trọng nên không được chăm sóc, điều trị đúng cách.
6 giờ trước - 'Khi bước sang tuổi 50, phần lớn mọi người sẽ đi ngủ sớm hơn so với những năm 20 hay 30 tuổi. Thế nhưng, họ sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
6 giờ trước - Đi bộ là cách tuyệt vời để tập thể dục. Tuy nhiên, bài tập đơn giản này - nếu đi quá nhiều, vẫn có thể dẫn đến các vấn đề như đau chân, đau nhức cơ, đau khớp, sưng và đau ống quyển.