ttth247.com

Điều trị cho bệnh nhân nhiều giun móc còn sống ngo ngoe trong ruột, gây thiếu máu

Phát hiện ổ giun còn sống làm tổ trong ruột

Ngày 30-8, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết trong quá trình nội soi đại tràng cho bệnh nhân nam 63 tuổi, các bác sĩ phát hiện có một con giun còn sống trong đại tràng. Các bác sĩ nghĩ nhiều đến giun móc bởi một đầu cắm sâu vào lòng đại tràng và nhanh chóng gắp ký sinh trùng, gửi xét nghiệm cho kết quả giun móc.

Tháng 6-2024, trong quá trình tìm nguyên nhân thiếu máu cho nam bệnh nhân 77 tuổi (Tây Hòa, Phú Yên, nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng và đã được truyền 4 đơn vị máu cấp cứu), các bác sĩ nội soi dạ dày đại tràng phát hiện 30 con giun móc còn sống cuộn tròn làm ổ trong bụng của bệnh nhân. Mỗi con dài từ 1 - 1,5cm.

Trước đó, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh điều trị cho bệnh nhân Đ.V.C. (60 tuổi, Quảng Ninh) có biểu hiện ăn kém, mệt mỏi, chóng mặt, da xanh, bụng chướng trong nhiều tháng, đi ngoài phân đen khoảng 1 tuần nay, thiếu máu rất nặng, phù phổi, tim to...

Kết quả nội soi dạ dày kiểm tra phát hiện có ổ loét khoảng 10mm ở hang vị dạ dày và nhiều giun móc ký sinh trong hành tá tràng, tá tràng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngoan, phó trưởng khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết ấu trùng giun móc có thể trực tiếp xâm nhập, ký sinh trong cơ thể người qua da, niêm mạc khi tiếp xúc với đất bẩn bị nhiễm ấu trùng giun hoặc qua đường ăn uống khi ăn thức ăn, nước uống có nhiễm ấu trùng giun.

Giai đoạn đầu nhiễm ký sinh trùng, người bệnh không hề có bất cứ triệu chứng gì. Khi giun phát triển, sinh sôi sẽ xuất hiện các triệu chứng như thiếu máu, đi ngoài phân đen…

Một số trường hợp do giun đi lạc vào thực quản, phổi, hoặc bàng quang, gây hiện tượng viêm nhiễm, giun chui vào ruột thừa sẽ gây viêm ruột thừa cấp tính, rất nguy hiểm.

Giun móc thường ký sinh tại tá tràng và bám vào niêm mạc ruột để hút máu, giun móc hút khoảng 0,2 - 0,34ml máu mỗi ngày, đồng thời tiết ra chất chống đông máu làm vết thương tại chỗ giun hút máu chảy máu rỉ rả, ức chế cơ quan tạo máu sinh hồng cầu nên số lượng hồng cầu giảm dần và kích thước nhỏ hơn bình thường.

Tình trạng thiếu máu thường xảy ra từ từ trong thời gian dài. Bên cạnh đó, người bệnh nhiễm giun móc còn có thể bị viêm loét dạ dày, tá tràng..

Thời gian giun sống từ 4 - 15 năm

GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng, Trường đại học Y Hà Nội, cho biết giun móc/mỏ là một trong những bệnh giun lây truyền qua đất rất phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Ở Việt Nam, bệnh đứng thứ hai sau giun đũa, với tỉ lệ nhiễm từ 3 - 85% tùy theo tính chất nghề nghiệp, tập quán canh tác, điều kiện vệ sinh và tính chất thổ nhưỡng ở từng vùng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi lao động, nữ nhiễm cao hơn nam do phụ nữ thường làm các công việc tiếp xúc với đất.

Do những chất tiết của giun hoặc những hoạt động của giun thúc vào thành ruột gây kích thích hóa học, cơ học tại chỗ làm cho thành ruột bị tổn thương (viêm và chảy máu, có những nốt sùi và sẹo), gây buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu lỏng, đi tiêu ra máu.

Ấu trùng giun móc, giun mỏ cũng có thể vào cơ thể qua đường ăn uống do thức ăn, nước có nhiễm ấu trùng. Tuy nhiên, bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Thời gian ủ bệnh tính từ khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua da, niêm mạc lên tim, phổi và bị nuốt trở lại vào dạ dày, ruột non đến khi thành giun trưởng thành khoảng 42 - 45 ngày.

Trường hợp ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống thì chúng không di chuyển qua phổi mà ký sinh trực tiếp tại tá tràng hoặc ruột non. Nhưng có một số ấu trùng giữ trạng thái tiềm tàng ở các tổ chức tới 8 tháng sau mới phát triển thành giun trưởng thành.

Nguy cơ gây thiếu máu, suy tim, phù toàn thân...

GS Đề cảnh báo bệnh giun móc không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu mà chủ yếu là triệu chứng thiếu máu. Giun hút máu gây triệu chứng thiếu máu và tình trạng chảy máu liên tục tại nơi giun ký sinh.

Mỗi ngày một con giun móc hút khoảng 0,14 - 0,16ml máu, giun mỏ hút ít hơn khoảng 0,03-0,05ml máu/ngày, dẫn đến tình trạng bệnh nhân thiếu máu ngày càng trầm trọng với các biểu hiện như da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, tăng nhịp tim, hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, hoa mắt, xanh xao, suy tim và đau vùng thượng vị tùy theo mức độ nhiễm giun.

Bệnh thiếu máu do giun móc, giun mỏ là thiếu máu nhược sắc, giảm protein toàn phần, bạch cầu ái toan tăng 5-12%. Giun móc hút khoảng 0,2-0,34ml máu/ngày.

Ngoài tác hại giun hút máu, giun móc, giun mỏ còn gây viêm hành tá tràng và tiết ra chất chống đông máu, chất độc ức chế cơ quan tạo máu sản sinh hồng cầu làm cho người bệnh bị mất máu nhiều hơn, gây bệnh thiếu máu trầm trọng hơn.

Triệu chứng đau không có giờ nhất định, khi đói đau nhiều hơn, ăn không ngon miệng, khó tiêu. Khi ấu trùng giun móc, giun mỏ xuyên qua da có thể gây viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt màu đỏ và tự hết sau 1-2 ngày.

Viêm da thường do giun mỏ gây ra nhiều hơn là giun móc. Phụ nữ thường bị rối loạn kinh nguyệt, trẻ em chậm lớn, còi cọc, giảm thị lực, hay quên làm sa sút học tập, lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng và thậm chí gây phù toàn thân.

Nhiễm giun móc cũng dễ gây biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, viêm tụy cấp, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Source: tuoitre.vn

Các bài tương tự
2 tuần trước - Quảng Ninh- Người đàn ông 63 tuổi đi khám sức khỏe bất ngờ phát hiện giun móc ký sinh cắm đầu trong đại tràng, là nguyên nhân gây mệt mỏi, chán ăn.
5 ngày trước - Quảng Ninh- Người đàn ông 33 tuổi đau bụng từng cơn, buồn nôn, đi khám phát hiện đại tràng có nhiều giun đũa, có con dài 10 cm.
12 giờ trước - Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết tại các khu vực bị ngập lụt ở Hà Nội đã ghi nhận 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt...
1 tuần trước - Rửa tay đúng cách, sử dụng nước sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đường ruột sau bão lũ.
3 tuần trước - Da ngứa nhiều, phát ban đỏ, viêm loét, có sợi ngoằn ngoèo dưới da, nổi mụn nước… là các dấu hiệu thường gặp do nhiễm ký sinh trùng, giun sán.
Xem tin bài khác
4 giờ trước - Mùi cơ thể thường do vi khuẩn và mồ hôi, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thực phẩm, hormone, thuốc, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác.
4 giờ trước - Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, là bởi vì dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.
4 giờ trước - Mùa thu tới, sự thay đổi nhiệt độ làm kích hoạt các đợt viêm da, khiến bé mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Và thật bất ngờ, chính 5 loại lá tưởng siêu bình thường này lại có tác dụng giúp dịu da bé nhanh chóng mà không phải ai cũng biết.
5 giờ trước - TP HCM- Chàng trai 29 tuổi đau lưng nhiều, tê yếu chân phải, có lúc đang đứng thì ngã sụp xuống đất do thoát vị đĩa đệm hai tầng rất nặng, gây hẹp ống sống.
5 giờ trước - Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu không nên tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có tính axit, chứa caffein và cay để tránh tình trạng nặng hơn.